Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

“Đường là do đi mãi mà có”

Tự nhận là mình chưa thành công, cũng chưa giàu có và con đường phía trước phải đi còn rất dài, nhưng khi nói chuyện, lối tư duy rất sắc, góc nhìn mới lạ cùng những phân tích thấu đáo của anh trước mọi câu hỏi, mọi vấn đề được đặt ra lại làm người đối diện thấy đáng nể. Anh là Đinh Đức Trọng - Tổng Giám đốc Công ty Vietraining.

Muốn giàu trước tiên phải… thoát nghèo

Tôi “bắt” được góc nhìn lạ trong suy nghĩ của anh khi nghe anh giải thích về sự khác biệt giữa tư duy giàu và tư duy nghèo trong cách quản lý tiền bạc. Anh hình dung giống như một cái cân, một bên là khả năng quản lý tiền bạc và bên kia là số tiền tương ứng. Với người nghèo, khi có được một số tiền lớn hơn khả năng quản lý của họ, họ có xu hướng cân bằng lại bằng cách đẩy mạnh chi tiêu để giảm đi số tiền mình có. Còn với người giàu thì cách tư duy lại khác hẳn, họ sẽ tìm cách nâng cao trình độ quản lý tiền bạc của mình lên mức cân bằng.

Câu chuyện tư duy giàu - nghèo được Trọng nhắc tới hoàn toàn ngẫu nhiên khi kể cho chúng tôi nghe về gia đình và những kỷ niệm thời thơ ấu. Là con út trong một gia đình thuần nông, kinh tế  không mấy dư dả, chị cả lập gia đình sớm, hai anh lại đi học xa nhà nên từ rất sớm, Trọng đã có ý thức ép mình phải tự lập, tự lo cuộc sống cho bản thân. Hồi lớp 8 - 9, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, ngoài giờ học, Trọng đã đi đào đất, vác đá, phụ việc cho người trong làng để lấy tiền chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân như mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, quà sinh nhật cho bạn bè,… Số tiền công ít ỏi 2 - 3 nghìn đồng/buổi với Trọng là cả một “gia tài” lớn bởi thời đó vá săm xe đạp chỉ mất có 100 đồng một lần vá. Cũng từ ngày đó cậu bé Trọng đã hiểu thế nào là đồng tiền mồ hôi công sức và biết cách chi tiêu thế nào cho hợp lý. 

Thời cấp 3, trường cách nhà gần chục cây số, ngày 4 lượt Trọng đạp xe đi đi, về về. Sáng phải dậy sớm để còn chuẩn bị tới trường, chiều học thêm rồi lại sấp sấp ngửa ngửa về phụ giúp công việc đồng áng cho gia đình. Những dịp vào vụ mùa, chiều học xong Trọng lại về làm đồng đến tận 9h tối mới về nhà ăn cơm, học bài đến 11-12h đêm mới đi ngủ. Vất vả là thế nhưng Trọng vẫn luôn là người dẫn đầu lớp trong ba môn thi đại học là Toán, Lý, Hóa. Trọng lý giải, nếu biết xác định cho mình mục tiêu rõ ràng và dồn sức để hoàn thành mục tiêu đó sẽ tốt hơn rất nhiều là phân tâm cho quá nhiều mục tiêu mà không đem lại hiệu quả cao.

Thấm thía nỗi vất vả chân lấm tay bùn, ám ảnh về cảnh nghèo, về cái vòng vay nợ luẩn quẩn của gia đình, cậu bé Trọng khi đó đã tự đặt ra cho mình một mục tiêu: phải thoát nghèo trước đã rồi mới tính đến chuyện làm giàu.  Cái nghèo theo cách hiểu của cậu không chỉ là cái nghèo về vật chất mà còn là cái nghèo về tư duy, về trình độ quản lý tiền bạc như đã nói ở trên.

Thời sinh viên và những phi vụ kinh doanh đầu tiên

Chân ướt, chân ráo lên Hà Nội học đại học, trong khi những bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ chu cấp toàn bộ, từ tiền ăn, tiền học thì với bản tính tự lập, Trọng đã tấp tểnh đi làm thêm để không phải xin tiền gia đình. Chưa có vốn, chưa có kinh nghiệm nên lúc đầu Trọng phụ buôn hoa, sau một thời gian mới tách ra làm riêng cùng với 2 người bạn. Và thế là, lại bắt đầu một chu trình khép kín, sáng dậy sớm đi lấy hoa ở Tây Tựu, ban ngày mài đũng quần trên giảng đường và tối đi bán hoa ở khu Đại học Thương mại. Mỗi tháng, lợi nhuận từ việc buôn hoa chia cho 3 người cũng được khoảng 500 - 700 nghìn đồng, đủ để trang trải cho việc học hành.

Ôm mộng kiếm tiền, Tết năm đầu tiên đại học, Trọng đánh liều vay 700 nghìn đồng để nhận pháo hoa về bán mặc dù thừa biết lúc đó Nhà nước đang có lệnh cấm bán pháo. Đánh đúng thị hiếu nên pháo bán rất chạy. Lấy được 2 lần hàng thì đầu mối lấy pháo bị bắt, công an tìm đến tận nhà trọ của Trọng để điều tra nhưng do số lượng tiêu thụ ít nên không bị truy cứu. Trọng kể lại, cảm giác lúc đó vừa xấu hổ, vừa sợ hãi và từ giây phút ấy Trọng ngộ ra một điều: trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, không bao giờ được làm gì trái với luật pháp, trái với lương tâm vì dù có đem lại lợi nhuận lớn đến mấy thì trước sau gì bản thân cũng sẽ bị liên lụy, mất danh dự, mất uy tín - những điều mà tiền không bao giờ có thể mua được. Trọng bảo, nếu không có cái phi vụ nhớ đời này, rất có thể mình đã dấn thân vào những con đường khác với những cạm bẫy khó lường.

Cuối năm 2004, đầu 2005, Trọng cùng một nhóm bạn tham gia kinh doanh theo mạng. Hai năm làm trong lĩnh vực này, mặc dù vốn liếng tích cóp được chẳng là bao nhưng cái “được” lớn nhất là cơ hội “nhúng” mình vào một môi trường vô cùng năng động, được kết giao với những người thực sự đam mê và máu lửa kinh doanh. Cũng chính môi trường đó đã giúp Trọng mở rộng tầm nhìn, thay đổi những tư duy sai lầm trước đây về tiền bạc, về sự thành công và giàu có.

Lúc trước, Trọng suy nghĩ đơn giản rằng cách duy nhất để thay đổi cuộc đời là học thật giỏi, kiếm học bổng đi du học nước ngoài, thì giờ đây Trọng đã hiểu ra một điều: nếu mình có một tư duy tốt thì không thiếu gì cơ hội kiếm tiền, làm giàu ngay tại Việt Nam, không nhất thiết phải đi đâu xa hay phải theo con đường học vấn đến tận cùng. Lần đầu tiên, Trọng học được cách làm chủ được cảm xúc trước tiền, không để tiền chi phối cảm xúc cá nhân mà coi tiền chỉ là công cụ, là chiến binh giúp tạo ra nhiều tiền hơn mà thôi.

Quan trọng hơn, những tháng ngày này chính là nền tảng để Trọng hình thành cho mình một tư duy làm giàu đúng đắn. Từ chỗ hiểu được rằng số lượng tiền không chỉ là chỉ số đo sự giàu có mà còn phản ánh trình độ tư duy (tư duy tài chính, tư duy đầu tư, tư duy quản lý) của mỗi cá nhân, Trọng dành nhiều thời gian hơn cho việc đầu tư nâng cao trình độ: tham gia các khóa học CEO, kỹ năng bán hàng đồng thời dấn thân vào công việc để trải nghiệm.

Lập doanh nghiệp để… trải nghiệm thất bại

Khi thành lập doanh nghiệp, ai chẳng mơ tới con đường thành công trải thảm hoa hồng, những tràng pháo tay, những lời tung hô, khen ngợi. Riêng với Trọng, mục đích của anh khi thành lập doanh nghiệp thoạt nghe lại hoàn toàn khác người - để trải nghiệm thất bại. Trọng tâm sự: với một người vốn ít, kinh nghiệm lại chưa có nhiều thì quyết định thành lập công ty quả là hơi liều mạng vì khả năng thất bại gần như cầm chắc. Nhưng nếu vì sợ thất bại mà không dám đi thì sẽ chẳng bao giờ thành công. Giống như câu nói: “Trên đời này vốn dĩ làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”, muốn thành công phải dấn thân trước đã. Cuộc đời sẽ là trường học lớn nhất, thất bại cũng chính là người thày dạy vĩ đại nhất cho những người làm kinh doanh.  
 
Và thế là năm 2006, doanh nghiệp đầu tiên của Trọng chung vốn với hơn 10 cổ đông được thành lập mang tên DCT (Dream Come True), hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tên miền, hỗ trợ thiết kế website, marketing online. Đúng như đã lường trước, hàng loạt va vấp, khó khăn bắt đầu bủa vây ông chủ “non nghề”: từ vấn đề pháp lý, thuế má cho đến vấn đề thương thảo hợp đồng, xây dựng thương hiệu,…

Ví như việc soạn hợp đồng, với một người có nghề thì chỉ mất có 5 phút nhưng vì anh em trong công ty chưa có kinh nghiệm nên phải ngồi bàn tính rất lâu. Hay như đi gặp khách hàng chẳng ai dám đi một mình, phải rủ 2-3 người cùng đi. Trong quá trình đàm phán thì mỗi người nói một kiểu, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” do thiếu một chiến lược hoạt động, một quan điểm nhất quán xuyên suốt. Hoạt động cầm chừng như thế được khoảng 1 năm, DCT đi đến hồi kết đã được dự báo trước là giải thể. Số vốn đầu tư gần 200 triệu ban đầu coi như mất trắng.

Vấp ngã với DCT nhưng máu kinh doanh trong người Trọng vẫn không hề giảm sút. Trọng lại tiếp tục chung vốn với một người bạn nữa để thành lập một công ty tiếp theo. Nhưng chỉ được hơn một tháng thì phát sinh mâu thuẫn. Người bạn kia kinh doanh theo kiểu ăn chắc, không dám đầu tư còn Trọng lại cho rằng đã kinh doanh thì phải chấp nhận đầu tư, phải “xuống tiền” mới hiểu được cảm giác “của đau con xót”, lấy đó làm động lực để mà phấn đấu. Khác biệt về tư tưởng nên cuối cùng đường ai nấy đi và Trọng lại thêm một lần nữa nếm trải cảm giác thất bại.

Trong quãng thời gian tự mở doanh nghiệp riêng, Trọng vẫn đầu quân làm quản lý thuê cho một số công ty để tích lũy kinh nghiệm và tài chính. Tham gia hoạt động gần 2 năm trong lĩnh vực kinh doanh theo mạng thời còn là sinh viên đã giúp Trọng có một mạng lưới quan hệ rộng, khả năng am hiểu tường tận về sơ đồ trả thưởng nên được các công ty kinh doanh mạng mời tham gia tư vấn. Đầu tiên, Trọng về làm Phó Giám đốc điều hành cho một công ty dược phẩm. Làm được một thời gian, Trọng bắt đầu nhận ra những điểm yếu trong mô hình hoạt động của công ty này, đó là tính chất gia đình trị (những vị trí chủ chốt trong công ty đều do người nhà giám đốc nắm giữ), công ty không có hệ thống quản lý chất lượng, không có chiến lược phát triển rõ ràng (kinh doanh đa cấp nhưng vẫn chấp nhận bán hàng trực tiếp),… Thấy được điểm yếu nhưng lại không có quyền quyết định để điều chỉnh nó nên Trọng lại dứt áo ra đi dù thu nhập lúc đó tại công ty này không hề nhỏ.  Sau đó, Trọng còn tiếp tục làm quản lý thuê cho 2 công ty nữa nhưng rốt cuộc anh nhận ra đó không phải là con đường mà mình thực sự khao khát muốn đi. 

Viettraining và ước mơ về môi trường đào tạo doanh nhân kiểu mới

Thất bại đau đớn với 2 lần tự mở doanh nghiệp, cũng không muốn tiếp tục con đường đi làm thuê, Trọng dành nửa năm hoàn toàn không làm gì để suy ngẫm lại mình và tìm hướng đi tiếp theo. Trọng nhận ra rằng, nếu chỉ có nhiệt huyết, nếu chỉ dám đi, dám hành động thôi thì chưa đủ, muốn theo đuổi con đường kinh doanh còn cần nhiều thứ hơn thế: kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tư duy, quan hệ. Nhìn rộng ra xung quanh, Trọng thấy rằng không chỉ riêng mình mà rất nhiều người khác cũng đang thiếu và đang rất cần những điều đó. Và ý tưởng về việc thành lập một công ty chuyên về đào tạo cho đối tượng doanh nhân bắt đầu manh nha hình thành.

Giữa năm 2009, Viettraining chính thức được thành lập. Những ngày đầu “lao tâm khổ tứ” với Viettraining, Trọng cũng phải đương đầu với không ít khó khăn: chiến lược kinh doanh chưa rõ ràng, thương hiệu chưa có trong khi ở Hà Nội đã có quá nhiều các công ty đào tạo tên tuổi; những rắc rối phát sinh trong quá trình quản lý nhân sự, quản lý tài chính, kiểm soát chi phí.

Nhưng lần này, với những bài học máu xương đã trải qua ở DCT, Trọng đã có thể bình tĩnh gỡ rối từng vấn đề một. Để tạo dựng thương hiệu cho Viettraining, Trọng ý thức chăm chút ngay từ nền tảng cơ bản - văn hóa doanh nghiệp. Trọng tự tay soạn thảo cuốn cẩm nang giao tiếp nội bộ với từng quy định rất chặt chẽ và rõ ràng: từ cách gặp gỡ, chào hỏi giữa các nhân viên với nhau đến trang phục, cách trò chuyện, tiếp xúc với khách hàng,… và chính Trọng là người đầu tiên thực hiện nghiêm túc. Tiếp đến là tận dụng sức mạnh của công nghệ internet để xây dựng thương hiệu, tập trung vào khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận vì theo đánh giá của Trọng thị trường Hà Nội đã quá “đỏ” với một lượng lớn công ty đào tạo.

Với vấn đề nhân sự, quan điểm của Trọng là không mở rộng số lượng nhân sự mà tập trung nâng cao chất lượng nhân sự, sử dụng ít nhân sự nhất nhưng mang lại giá trị cao nhất. Vấn đề chi phí doanh nghiệp cũng được kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm chi - căn bệnh hay mắc phải của nhiều doanh nghiệp. Sau 1 năm đi vào hoạt động, mặc dù mức doanh thu chưa lớn, mới đạt khoảng 1 tỷ đồng/tháng nhưng thương hiệu của Viettraining đã đứng trong top 10 công ty đào tạo tại thị trường miền Bắc.

Trọng cho biết, Viettraing phấn đấu sau 3 năm nữa sẽ đạt doanh thu 50 tỷ đồng/năm. Đây là chỉ tiêu hoàn toàn khả thi bởi ngoài việc đẩy mạnh các khóa đào tạo trực tiếp, Viettraing còn lên kế hoạch xây dựng các khóa đào tạo online. Theo Trọng phân tích, các khóa học online như vậy sẽ giúp cho người học đỡ tốn công sức, thời gian, tiền bạc vừa tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội. Ngoài hợp tác với đội ngũ chuyên gia trong nước, đến giữa năm 2011, Viettraining sẽ mời những diễn giả hàng đầu trên thế giới như Philip Kotler về Việt Nam trực tiếp chia sẻ và giảng dạy.

Tầm nhìn dài hạn của Viettraining là tiến tới thành lập một trung tâm cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp (Business Development Services) cung cấp các thông tin thị trường, quản lý khách hàng, kế toán tài chính và các chương trình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Theo Trọng, để một doanh nghiệp vận hành hoàn chỉnh, trơn tru cần tới hơn 30 bộ phận, các phòng ban chức năng. Hầu hết các công ty nhỏ không có đủ khả năng làm việc này và đó chính là nguồn khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ do trung tâm BDS của Trọng cung cấp.

Sau khoảng 10 năm nữa sẽ hình thành một học viện đào tạo cho Việt Nam những doanh nhân thực sự đẳng cấp. Mô hình này hoàn toàn khác biệt với kiểu truyền dạy kiến thức kinh doanh thông thường như ở các trường đại học hiện nay mà sẽ đào tạo học viên bằng chính những trải nghiệm thực tế. Những vấn đề rắc rối, những bài học thành công hay thất bại trong kinh doanh sẽ được các học viên là CEO của các công ty, tập đoàn tự mổ xẻ, thảo luận để tìm ra giải pháp dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia đào tạo hàng đầu trong nước.

Bàn về những nguyên tắc trong kinh doanh, Trọng chia sẻ nguyên tắc số một trong kinh doanh của anh là “không phá vỡ nguyên tắc” vì bất cứ lý do gì, trong bất cứ tình huống nào. Anh kể mình đã từng có lần cho cả 10 nhân viên nghỉ việc cùng một lúc vì đã vi phạm nguyên tắc không được phép hình thành sự liên kết mạnh quá mạnh trong công ty. Thấy được vẻ ngạc nhiên của tôi, anh giải thích: nếu một nhóm nhân viên hình thành sự liên kết quá mạnh sẽ gây nên sự chia rẽ bè phái trong nội bộ, vừa gây bức xúc cho những người còn lại vừa khiến cho những nhân viên mới không thể nào hòa nhập được. Người lãnh đạo giỏi phải biết liên kết nhân viên bằng văn hóa chung của doanh nghiệp. Nói về điều này, anh có cách so sánh rất thú vị: than hay kim cương đều được cấu thành từ liên kết carbon nhưng vẻ đẹp cũng như giá trị lại hoàn toàn khác biệt. Muốn xây dựng một doanh nghiệp mạnh, người lãnh đạo phải biết quản lý sự liên kết, biết đặt nhân viên vào đúng vị trí, đảm trách đúng nhiệm vụ để phát huy hiệu quả cao nhất.

Kết thúc câu chuyện kinh doanh, tâm sự về cuộc sống riêng tư, Trọng kể sau khi đọc, nghiền ngẫm những triết lý trong cuốn sách “Hành trình về phương Đông”, đã hàng năm nay, anh hạn chế ăn thịt. Thực hiện điều đó, anh cảm thấy tâm mình thanh tịnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, làm việc hiệu quả hơn. Trọng cũng không bao giờ ép mình phải thức đêm làm việc hay mất ăn mất ngủ như nhiều người khác khi gặp khó khăn bởi anh xác định kinh doanh là đi đường dài, phải biết tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình trước đã thì mới có thể ứng biến linh hoạt được trước mọi thử thách trên thương trường.

Càng nói chuyện, tôi càng khám phá ra rất nhiều điều mới lạ trong tư duy của Trọng - một doanh nhân thuộc thế hệ 8X. Trọng tâm sự rằng mình muốn xây dựng hình ảnh doanh nhân thế hệ mới, phá vỡ mô-típ mà mọi người vẫn thường hình dung về tầng lớp doanh nhân. Doanh nhân đâu có phải đồng nghĩa với xe đẹp, nhà đẹp, đồ hiệu đầy mình hay ký kết hợp đồng bên bàn nhậu. Với Trọng, doanh nhân là người biết tận tâm cống hiến, tạo ra thật nhiều giá trị cho cộng đồng, cho xã hội trước khi nghĩ đến những lợi ích cho bản thân. Nếu xét theo khía cạnh này thì tôi tin rằng Trọng sẽ trở thành một doanh nhân thành công cho dù anh khiêm tốn không thừa nhận.
 
Nguồn: Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter