Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

“Thủ lĩnh” Dược Hậu Giang


Rất ít người biết rằng quá trình xây dựng và vươn lên của Dược Hậu Giang lại bắt đầu từ con số “không”! Và cũng không ít người biết rằng, người chèo lái đưa Dược Hậu Giang có được ngày hôm nay là một phụ nữ...

Dù đã qua những năm tháng khó khăn và những ngày tháng vất vả của ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên Dược Hậu Giang, chị Phạm Thị Việt Nga - TGđ Cty cổ phần Dược Hậu Giang không khỏi bùi ngùi, xúc động. Chị tâm sự: “Tháng 6/1988, tôi nhận quyết định làm Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang (tiền thân của Cty CP Dược Hậu Giang hiện nay), được nhập bởi 4 đơn vị: Xí nghiệp Dược phẩm 2/9; Cty Dược phẩm; Cty Dược liệu và Cty Cung ứng Vật tư Thiết bị Y tế, với cơ sở vật chất hầu như không có gì, còn thị trường tiêu thụ chỉ… nội tỉnh. Khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, cũng là lúc Dược Hậu Giang phải tự tìm cho mình một hướng đi mới. Đó là quãng thời gian khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi...”.
 
Dược Hậu Giang đứng trước ngưỡng cửa giải thể và giám đốc xin từ chức! Nhưng khuất phục trước khó khăn không phải là bản tính của chị, do vậy, trước khi thôi nhiệm vụ, chị quyết định tìm một số giải pháp nhằm "bảo vệ quân" và tìm hướng để vực dậy Dược Hậu Giang. Trước mắt chị cho thành lập những đội xung kích lên Mộc Hóa - Long An để trồng tràm; đi Phước Long - Sông Bé (cũ) để trồng tiêu, điều; xuống Bạc Liêu để nuôi tôm, lên Tây Nguyên trồng rừng… nhưng đều thất bại và thua lỗ. Không nản chí, quay về xí nghiệp, nhờ nguồn vốn có được do làm dịch vụ kiều hối cho bà con ĐBSCL để mua một số máy móc chuyên dụng và mượn của một số máy của các DN bạn ở TP HCM để sản xuất, cùng với việc mua thương hiệu bạn để dễ tiếp cận thị trường.

Chị không thể nào quên được những ngày cùng với các nhân viên bám trụ ở thị trường Hà Nội, đến từng cửa hiệu thuốc trong mùa đông rét lạnh để giới thiệu sản phẩm của xí nghiệp và gởi hàng nhờ bán giùm. Rồi những kỳ hội chợ, trong lúc nhiều doanh nghiệp khác không còn hàng bán cho khách thì gian hàng của Dược Hậu Giang hàng vẫn còn nguyên!


Sau những lần thất bại, chị nghiệm ra: Dược Hậu Giang phải đi lên bằng con đường đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để CBCNV xí nghiệp phát huy được tài năng và sức lực của mình. Bằng nhiều nguồn vốn: vốn vay ngân hàng, quỹ phát triển sản xuất… chị cho cải tạo lại nhà xưởng, đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất theo công nghệ hiện đại, cải tiến mẫu mã, thay đổi phương thức tiếp thị sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua quan hệ tốt nguồn nguyên liệu nhập đầu vào.



Thận trọng trong từng bước đi, từ 25 sản phẩm sản xuất trong năm 1998, đến nay, Dược Hậu Giang đã cung ứng ra thị trường tân dược gần 200 mặt hàng thuốc các loại. Không những thế, Dược Hậu Giang còn tạo lập và duy trì được mối quan hệ tốt giữa Y và Dược, nhằm đáp ứng đủ danh mục thuốc cho các cơ sở khám trị bệnh cho 64 tỉnh, thành trong cả nước và thương hiệu "Dược Hậu Giang" còn xuất hàng qua một số quốc gia khác như: Moldova, Ukraina, Lào, Mông Cổ, Hàn Quốc, Campuchia… với số lượng lớn.

Tuy đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng trăn trở lớn nhất của chị chính là công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ kế thừa để đảm đương phát triển lâu dài của Dược Hậu Giang. Với chị, công tác tổ chức, huấn luyện và đào tạo nhân viên được xem là chìa khóa thành công của Dược Hậu Giang. bản thân chị là đầu tàu gương mẫu cho thế trẻ trong xí nghiệp. Từ tấm bằng tốt nghiệp đại học Dược năm 1980, nhận Thạc sĩ kinh tế chuyên ngành Quản trị Kinh doanh năm 1999, và năm 2003, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: "Một số biện pháp nâng cao hiệu quả cạnh tranh của các xí nghiệp dược quốc doanh Việt ".

Chị nói: "Phải tìm nguyên nhân tại sao trong nhiều năm qua, công nghiệp ngành dược Việt không thể chiếm lĩnh ngay tại thị trường nội địa", và chị cũng lý giải: "Nguyên nhân chính là chúng ta không quảng bá thương hiệu cùng với các sản phẩm đi kèm, và sản phẩm đó phải đạt chất lượng cao". Trong những năm qua, cùng với việc phát triển thương hiệu, Dược Hậu Giang còn nghiên cứu và cung ứng ra thị trường tân dược các loại thuốc đặc trị như hai sản phẩm thuốc kháng sinh thế hệ mới trong hệ thống điều trị mang tên Haginat (diệt khuẩn) và Klamentin (kháng khuẩn), với nguồn nguyên liệu nhập từ Châu Âu - giá thành chỉ bằng một nửa sản phẩm ngoại cùng loại nhưng chất lượng quốc tế. Song song đó, Dược Hậu Giang còn xây dựng những túi thuốc gia đình xuống từng hộ dân với giá chỉ 10.000 đ/bao gồm: thuốc cảm, tiêu chảy, hạ sốt, băng dán cá nhân… Chính những phương thức mới trong quản lý kinh doanh, tiếp thị và tình người của chị nên thương hiệu "Dược Hậu Giang" đã trở thành "Thương hiệu Việt của người Việt".
 
Trong công tác xã hội, Dược Hậu Giang đã tích cực tham gia xây dựng nhiều căn nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng Bà mẹ VN Anh hùng, ngoài ra còn nhiều hoạt động xã hội thiết thực khác. Chị quan niệm một điều, làm công tác xã hội điều cốt yếu không phải là tiền mà ý nghĩa lớn lao chính là giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần "uống nước nhớ nguồn" và đây cũng là "văn hóa" của Dược Hậu Giang. Với quan niệm đó, trong 2 ngày 18-19/2 vừa qua, Dược Hậu Giang đã tổ chức khá long trọng tại TP HCM để tỏ lòng biết ơn và tri ân khách hàng và những thầy thuốc của mình.
 
Với tất cả những cống hiến trong hoạt động và điều hành, Chị nhận được nhiều Huân chương cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng như: Huân chương Lao động hạng 3, Huy chương vì thế hệ Trẻ, Huy chương vì sự nghiệp Công đoàn, Huy chương vì sự nghiệp Giải phóng Phụ nữ, Huy chương vì sự nghiệp đền ơn đáp nghĩa và cao quý nhất là danh hiệu Anh hùng Lao động mà chị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng năm 2000. Đặc biệt trong tiến trình cổ phần hóa DN, chị Phạm Thị Việt Nga được tập thể CBCNV tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm TGĐ Cty cổ phần Dược Hậu Giang do đã có công lớn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu "Dược Hậu Giang" trở thành một trong 100 thương hiệu mạnh trên thị trường.
 
Thật khó hình dung động lực nào giúp chị vượt qua những khó khăn tưởng chừng không có lối mở để xây dựng nên một Dược Hậu Giang hôm nay. Phải chăng đó là bản chất của người phụ nữ - minh chứng sống động cho truyền thống của Phụ nữ VN từng được Bác Hồ tổng kết trong 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Và chính bản lĩnh trong quản lý và điều hành xây dựng thương hiệu "Dược Hậu Giang", chị đã được tập thể cán bộ công nhân viên tôn vinh chị là: "Thủ lĩnh" Dược Hậu Giang.

Không có nhận xét nào:

Flag Counter