Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Sứ mệnh trong tay doanh nhân

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết cho rằng, đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: có một số doanh nhân, doanh nghiệp (DN) có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á.

Như vậy, trải qua nhiều khúc quanh của lịch sử đất nước, doanh nhân Việt Nam có ba cột mốc trong lịch sử của mình: Bác Hồ nói chuyện với giới công thương ngày 13/10, cổ động doanh giới trong công cuộc tái thiết nước nhà; Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 được Chính phủ phát động sau khi Luật DN ra đời, nhìn nhận lại vai trò của kinh tế tư nhân trong giai đoạn Việt Nam hội nhập; và bây giờ là Nghị quyết về vai trò của doanh nhân nhằm đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn với kinh tế toàn cầu.
“Trong lịch sử 81 năm của Đảng, lần đầu tiên chúng ta có một nghị quyết về phát huy vai trò doanh nhân”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bình luận như vậy về ý nghĩa của nghị quyết này.
Nghị quyết ra đời trong bối cảnh 2011 là một năm kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nhất kể từ năm 1991 trở lại đây. Khủng hoảng kinh tế thế giới làm bộc lộ rõ hơn những khiếm khuyết của mô hình phát triển kinh tế. Lần đầu tiên số DN tuyên bố phá sản được công bố là 48.000.
Biểu tượng của sự thất bại của nền kinh tế quốc gia là việc tập đoàn tàu thủy Vinashin của Nhà nước đã đổ vốn đầu tư gấp nhiều lần nhằm kéo dài tình trạng gần như phá sản với các khoản nợ lên đến 4,4 tỷ USD.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán TP.HCM, ra đời hơn 10 năm trước trong sự chào đón của các nhà đầu tư, đã chạm đáy thấp kỷ lục kể từ khi sàn chứng khoán có mặt tại Việt Nam, có những cổ phiếu chỉ còn có giá 700 đồng, bằng tiền mua ba cọng hành ngoài chợ...
Trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, giới quan sát cũng nhận thấy nhiều chính sách kinh tế vĩ mô đã được thiết lập “thiếu hợp lý”, trong đó Việt Nam đã chững lại trong xu hướng cải cách thể chế nói chung, cổ phần hóa các DN, tập đoàn nhà nước...
Từng được ca ngợi là “con rồng châu Á” kế tiếp, sự phát triển của Việt Nam dựa trên việc tận dụng tài nguyên đất đai còn chưa được khai thác hết và nguồn nhân lực dồi dào. Thâm hụt thương mại khổng lồ hiện nay chứng tỏ mô hình tăng trưởng của Việt Nam giờ đã lỗi thời, bế tắc trong việc sản xuất chỉ có cà phê, gạo, hạt điều, giấy, giày dép và đồ may mặc.
Cũng chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, những yếu kém và đề ra nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.
Thử nghiệm mang tính “quyết định” đối với Việt Nam nằm ở khả năng cải tổ các DN nhà nước của chính phủ, bởi các DN này là nguồn gốc của sự lãng phí nhưng vẫn tiếp tục thống lĩnh thị trường.
Đồng thời, Đảng và Chính phủ phải có những chính sách kinh tế dẫn dắt, khuyến khích người dân và các DN hoạt động hiệu quả hơn, coi đây như “cuộc đổi mới lần thứ hai", tiếp sau cuộc đổi mới lần thứ nhất đã “mở rộng quyền tự do kinh tế cho người dân và DN”, giải phóng một động lực lao động rất lớn trong giai đoạn đầu những năm 1990 và đầu những năm 2000; khuyến khích động lực thực sự của khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) vốn đóng góp tới gần 70% hiệu quả đầu tư.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực DN, việc phát triển DN và xây dựng đội ngũ doanh nhân ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Quy mô DN còn nhỏ bé, chỉ tương đương DN nhỏ và vừa, thậm chí là nhỏ và siêu nhỏ ở các nước phát triển. Chỉ có 9% DN có trên 50 lao động và 2,68% DN có trên 200 lao động...
Đã qua 10 năm tính từ năm 2000, khi Luật DN chính thức có hiệu lực mà các DN tư nhân Việt Nam vẫn không lớn được. Vì sao? Những rào cản bất bình đẳng mà DN tư nhân gặp phải là một trong những nguyên nhân cơ bản. Họ ít có khả năng tham gia đấu thầu quốc tế và đa số gặp rào cản trong tiếp cận công nghệ, thị trường, vốn; quản trị DN yếu và thiếu chiến lược phát triển...
Thừa nhận vai trò của doanh giới có nghĩa là Đảng đã phát mệnh lệnh gỡ bỏ các rào cản này, để khối kinh tế tư nhân có điều kiện phát huy sáng tạo, tận dụng mọi nguồn lực trong dân.
Đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tư nhân - nhà nước cũng tạo ra động lực cho chính các DN lớn của Nhà nước. Những “đứa con” được nuông chiều sẽ phải làm quen với sóng to, bão lớn để thực sự trở thành những đầu tàu kinh tế của đất nước.
Đại hội IX của Đảng chưa dùng từ “doanh nhân”, mà gọi là “các nhà DN” và “các nhà DN” này là giai cấp xếp sau công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi...
Đến Đại hội X, sau khi tổng kết 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, trong văn kiện của Đảng đã ghi “doanh nhân”, lần này không phải xếp sau các tổ chức như trước, mà chỉ xếp sau công nhân, nông dân, trí thức.
Đại hội lần thứ XI của Đảng đã tiến thêm một bước, khẳng định: “Tạo điều kiện xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh”. Như vậy, nhận thức dần phát triển lên, thấy vai trò của doanh nhân ngày càng quan trọng trong các thành phần kinh tế và cả giai tầng xã hội Việt Nam.
Trải qua những khúc quanh và thăng trầm, lịch sử đã được tin tưởng đặt vào tay doanh nhân để tạo nên những thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Flag Counter