Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Võ Quốc Thắng - Tôi chia sẻ với người dám làm doanh nhân


Nhiều người biết đến ông với những cách gọi khác nhau "Thắng Đồng Tâm", "Thắng gạch", "Bầu Thắng" của đội bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An, "Nghị sĩ Thắng" vì ông từng là đại biểu Quốc hội, "Chủ tịch Thắng" vì ông đang là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM.

Lắm sự với cuộc đời như vậy nhưng tuồng như ông vẫn tiếp tục đa mang.




Là một doanh nhân nổi tiếng và thành đạt lại vừa được nhận giải "Sao vàng Đất Việt" của năm nay trong ngày Quốc khánh, tiếng tăm có làm ông mệt mỏi lắm không, ví dụ như đang bị nhà báo "quấy rầy"?
- Tôi không dám nhận mình là người thành đạt, chỉ là người ham làm mà thôi. Nổi tiếng càng không, chẳng qua là vào cái thời doanh nhân được xã hội chú ý nên tôi cũng được biết đến như mọi người. Cũng chẳng ai quấy rầy mình mà tôi tự "quấy rầy" tôi bằng công việc. Mình nghĩ ra quá nhiều việc và vùi đầu với nó, khi nào cũng có cảm giác thiếu thời gian.
Doanh nhân cũng là một cái nghiệp, đầy nặng nhọc và rủi ro, hạnh phúc và cay đắng. Biết vậy nhưng dấn thân rồi thì không dứt ra được. Đôi lúc tôi tự nghĩ không biết mình làm cho ai, làm cho Cá nhân mình cũng không đúng, mà không làm cho cá nhân mình cũng không đúng.
Người ta luôn nhìn thấy ông thành công, ngưỡng mộ và mơ ước làm được như ông đấy chứ?
- Nhiều người nhìn thấy một doanh nhân tươi cười, luôn tay bắt mặt mừng nhưng không ai biết có những lúc ngoài miệng cười mà trong lòng nhiều nỗi xót xa. Bi kịch của doanh nhân là khi thành công thì chia sẻ được với rất nhiều người, nhưng thất bại thì một mình gánh chịu. Đau đớn hơn là vừa bị thất bại, vừa bị sức ép từ những người không hiểu mình. Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước trong thời gian qua, có thể ghi nhận công lao của doanh nhân.
Nhiều người dám khai phá, không ít người phải trả giá, chịu những bản án oan ức, thậm chí là sinh mệnh. Một thời pháp luật có khuynh hướng hình sự hoá các vụ án kinh tế đã đẩy nhiều doanh nhân vào kiếp nạn khác nhau. Nhưng cũng từ những cái giá phải trả của những con người đó, xã hội dần dần nhận ra điều phải quấy, chính sách về kinh tế và quy định của pháp luật cũng phải được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của cuộc sống, đòi hỏi của công bằng. Từ trải nghiệm của bản thân và quan sát biến chuyển của thời cuộc, tôi thực sự chia sẻ với những người dám làm doanh nhân.
Có lẽ ông từng gặp những bi kịch nên thấu hiểu và cảm thông với đồng nghiệp?
- Ba tôi sản xuất gạch bông từ năm 1969, từng cung cấp cho những công trình lớn ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975. Sau giải phóng làm được một năm thì phải đóng cửa và chuyển sang làm nghề nông. Lịch sử có lý do riêng và lạnh lùng giẫm lên nhiều số phận. Một cơ sở sản xuất như gia đình tôi chưa đáng gì, nhiều doanh nghiệp khác ở Sài Gòn cũng phải chịu sập tiệm vì những sai lầm không phải do mình gây ra. Đến năm 1986 khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, tôi bắt tay làm lại.
Với tuổi đời 19, trong đầu tôi không một thành kiến với những gì đã qua, chỉ tin rằng Nhà nước sẽ có nhiều chính sách mới, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh. Tôi được gia đình ủng hộ để thành lập tổ hợp sản xuất gạch Đồng Tâm. Ngày ấy chỉ vỏn vẹn 10 nhân công, nay đã hơn 3.300 con người. Đó là cái có thể định lượng, còn những truân chuyên của hơn hai mươi năm qua không dễ gì đong đếm. Nhiều lúc ngẫm lại, tôi có được niềm vui vì mình đã đánh giá đúng xu thế phát triển, tin vào những đổi thay của đất nước. Tôi cũng nhận ra rằng hãy biết nhìn cuộc sống với cái nhìn tích cực.
Nhưng kinh doanh cũng là một "trò chơi" đầy đam mê và thú vị, đâu chỉ những phiền muộn mà thôi?
- Tất nhiên rất thú vị, nếu không thì tôi chẳng dại dột chơi hoài. Kinh doanh bắt buộc người chơi không ngừng suy nghĩ và phải suy nghĩ nghiêm túc. Những quyết định không đúng phải được trả bằng tài sản, uy tín và sự nghiệp. Trong từng bước đi của doanh nghiệp, tôi luôn tập trung suy nghĩ để đưa ra quyết định đúng đắn. Suy nghĩ nhiều và mơ ước cũng nhiều. Hiện nay do sự cạnh tranh gay gắt của thi trường, Đồng Tâm phải có thêm nhiều sản phẩm, đa dạng các loại gạch, ngói, sơn, để khách hàng đến với Đồng Tâm không chỉ có gạch mà đày đủ các sản phẩm vật liệu xây dựng.
Ngoài sản xuất, Tôi còn liên doanh với một công ty Hàn Quốc xây dựng kho đông lạnh hiện đại nhất VN, ký thoả thuận với một bệnh viện của Nhật Bản để xây dựng một bệnh viện tại Long An. Ý tưởng này xuất phát từ quan sát thực tế, tôi thấy nước mình thiếu những bệnh viện cao cấp nên dân mình cứ đem tiền đi sang làm giàu cho các bệnh viện nước ngoài. Bắt tay sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án kinh tế mang đến sự thú vị, đầy cảm xúc như những người phát minh và sáng tạo nghệ thuật.
Và còn một điều khác, làm kinh tế mang đến tiền bạc, sự giàu sang cho người thành công?
- Tôi từng suy nghĩ về cái sự giàu mà người đời luôn nghĩ đến. Thật khó nói rằng ai là người giàu nhất thế giới. Bởi vì xét cho cùng với thu nhập tương đối thì biết thế nào là giàu hơn giàu thua. Cho dù ai đó có tiền thật nhiều thì họ cũng ăn như nhiều người có tiền vừa đủ khác, ngủ trong căn phòng có đủ tiện nghi mà nhiều người khác cũng có được, đi lại bằng xe hơi, máy bay cũng như thiên hạ mà thôi. Vậy thì giàu nhất hay không nhất có khác gì nhau đâu? Tôi nghĩ mình phải sống thế nào để có thật nhiều bạn tốt thì mình đã là người giàu có.
Có thể khi đầy đủ rồi con người ta có quyền bình tĩnh để "chất vấn" đồng tiền theo cách như ông, nhưng người nghèo thì cơm áo vẫn còn nặng trĩu, như đối với cán bộ nhân viên của Đồng Tâm chẳng hạn?
- Triết lý về xây dựng cuộc sống cho người lao động của Đồng Tâm được tổ chức theo mô hình rất đơn giản: Một cụm nhà máy sản xuất kinh doanh, cụm nhà ở của cán bộ nhân viên, phương tiện đi lại cho mọi người, cuối cùng là tham gia làm từ thiện. Điều này có ý nghĩa rằng, Đồng Tâm phải tạo được công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Nhân viên của Đồng Tâm phải có căn nhà để ở, gia đình hạnh phúc, con cái được học hành tử tế. Nhân viên của Đồng Tâm phải có phương tiện đi lại (có xe hơi càng tốt). Khi lo cho mình được rồi thì phải nghĩ đến những người nghèo khổ và có tấm lòng san sẻ.
Những mục tiêu đặt ra đó Đồng Tâm đang làm và cố gắng làm thành công. Ngoài tất bật lo chuyện làm ăn, tôi cũng có những hoài bão điên rồ là làm sao cho tất cả các trẻ em VN đừng phải bỏ học vì nghèo. Nhưng sức mình làm chuyện lớn không được nên đành phải làm chuyện nho nhỏ, có làm mới an lòng. Đôi khi tôi cũng hay suy nghĩ vu vơ về xã hội, chưa làm được gì để thay đổi những điều chưa tốt nhưng tôi cho rằng hãy cứ suy nghĩ còn hơn chai lì cảm xúc và rã rời tư duy.
Ông đã làm điều gì nho nhỏ cho sự điên rồ và cho cái gọi là suy nghĩ vu vơ của ông?
- Nhìn thấy thanh thiếu niên nước mình thất học, lêu lổng, hút thuốc, uống rượu tôi cảm thấy sốt ruột không chịu được. Thấy nhiều trẻ em vì có hoàn cảnh khó khăn không đến trường được tôi thấy không đành lòng. Tại sao đất nước mình phải như vậy? Tôi luôn cố gắng để hỗ trợ quỹ tiếp sức cho các em đến trường. Đồng Tâm đã cấp học bổng cho 126 em học đại học và đã ra trường, hiện nay tiếp tục cấp học bổng cho 30 em, mỗi em được 300.000đ/tháng.
Năm nay tình hình khó khăn, toàn công ty thực hành tiết kiệm, nhưng chúng tôi cũng cố gắng dành 2 tỉ đồng để giúp trẻ em nghèo đi học. Cán bộ nhân viên Đồng Tâm đồng lòng với quyết định này, mọi người đều hiểu còn có rất nhiều người nghèo khổ đang cần được giúp đỡ. Còn điều vu vơ ư, đơn giản nhất là nước mình sao nhiều rác vậy? Để cho dân mình không vứt rác ra đường là điều không dễ, phải xây dựng nhận thức đó từ nhỏ, trong môi trường giáo dục học đường và nền nếp gia đình. Tôi nghĩ hãy bắt đầu tư doanh nghiệp mình và mời một chuyên gia Nhật Bản huấn luyện, tổ chức lại quy trình về an toàn, vệ sinh và thân thiện với môi trường.
Từ khi thực hiện đến nay, bộ mặt của các nhà máy, phòng ban thay đổi hẳn, ý thức giữ gìn vệ sinh của cán bộ nhân viên được nâng cao. Nếu như nhà máy, công sở nào cũng làm được việc giữ gìn vệ sinh thì sẽ có sự lan toả trong xã hội, đến với từng người dân. Thực hiện việc này tất nhiên phải tốn kém kinh phí, nhưng lợi ích mà nó mang lại không thể tính hết. ẹt nhất là giảm bệnh tật cho con người.
Là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM, ông có nhận định gì về giới doanh nhân trẻ hiện nay, đặc biệt là năng lực và sự chuẩn bị để hội nhập?
- Qua quá trình tiếp cận với thương trường và làm việc với nhiều anh em, tôi nhận thấy rằng các doanh nhân trẻ chưa được tự tin, trước đây tôi cũng như thế. Ngay thời điểm này, nếu không tự tin để vượt qua những thử thách thì sẽ thất bại. Doanh nhân trẻ cũng đang cố gắng nhiều để hội nhập, xây dựng thương hiệu cho VN.
Nhưng để làm được điều lớn lao đó cần phải có sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, Nhà nước phải đưa đường mở lối cho doanh nghiệp. Nhật Bản, Hàn Quốc có hàng trăm thương hiệu lừng danh thế giới là do họ giỏi, doanh nhân giỏi và Chính phủ giỏi. Những quyết định và chính sách vĩ mô rất quan trọng. Tôi nghĩ đơn giản thôi, nếu tôi hoạch định và quyết định chiến lược kinh doanh sai thì 3.300 người lao động lao đao. Còn một ông đứng đầu tỉnh, thành phố mà hoạch định và quyết định sai thì sẽ ảnh hưởng đến biết bao con người.

Theo Laodong

Không có nhận xét nào:

Flag Counter