Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Muốn đi đường dài phải có hành trang

Bỏ lại tất cả công việc đúng vào thời điểm Công ty Netviet đang ăn nên làm ra để đi du học là cách mà Dương Xuân Giao chuẩn bị hành trang cho cả chặng đường dài phía trước của mình.
Tạm gác lại những bộn bề công việc, anh Dương Xuân Giao, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phát triển Nguồn Nhân lực Netviet, trông khá thảnh thơi khi ngồi hàn huyên với Nhịp Cầu Đầu Tư. Anh kể chúng tôi nghe chặng đường 10 năm của một người ngoại đạo trong lĩnh vực nhân sự và hồ hởi nói về những dự án sắp tới của mình. Anh bảo từ giờ trở đi, cứ mỗi quý, Netviet sẽ giới thiệu một dịch vụ mới và sẽ duy trì việc này trong 5 năm hoặc nhiều hơn thế nữa.
Chuyện công ty một thành viên
Một ngày cuối năm 2000, trong phòng của một vị giám đốc người Việt Nam, Giao đang say sưa trình bày về những dịch vụ nhân sự của công ty mình thì chợt khựng lại bởi một câu hỏi mà đến bây giờ anh vẫn không thể nào quên: “Thế anh trả chúng tôi bao nhiêu để chúng tôi nhận người của anh?”. Thoáng thất vọng, nhưng anh cũng hiểu rằng, việc sử dụng công ty nhân sự vẫn là khái niệm còn quá xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ. Ngay cả anh cũng còn phải mò mẫm.
Với việc trở thành nhân viên của Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) vào năm 1995, Giao không chỉ được thỏa mãn niềm đam mê từ thuở nhỏ mà còn có nhiều cơ hội tiếp xúc với những điều mới mẻ. Và một trong số đó là lĩnh vực nhân sự mà anh theo đuổi đến tận bây giờ. Ngày ấy, HSBC thường bị thiếu nhân sự nên việc tuyển dụng là lẽ đương nhiên. Song, HSBC lại thường sử dụng dịch vụ của các công ty “săn đầu người” chứ ít khi trực tiếp tuyển dụng. Điều này quá đỗi bình thường, nhất là đối với một ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, nó lại là một điều bất bình thường với Giao. Anh đã nhận ra lĩnh vực nhân sự vào lúc đó hoàn toàn vắng bóng doanh nghiệp Việt Nam.
Và anh đã không cho phép mình bỏ lỡ cơ hội “khai hoang”. Nói thì dễ nhưng từ một người chuyên làm trong lĩnh vực marketing chuyển sang làm nhân sự đâu thể một sớm một chiều. “Nhiều lúc tưởng như muốn vứt bỏ khi phải mày mò giữa một rừng kiến thức xa lạ với mình”, anh tâm sự. Tuy thế, niềm đam mê và khát vọng đã giúp anh chiến thắng chính mình.
Sau hơn 2 năm tìm hiểu, đến đầu năm 2000, Giao quyết định nghỉ việc tại HSBC. Dành thêm 3 tháng chuyên tâm nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tháng 7.2000, Giao cho ra đời Công ty Netviet với một thành viên duy nhất là anh. Tự tay ngồi đánh văn bản, tất tả trong vai trò một anh văn thư hay lịch sự khi thành giám đốc là công việc hằng ngày của anh.
Có lẽ trước khi Netviet ra đời, anh cũng không lường hết được những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt khi đối thủ là các công ty quốc tế với bộ máy rất chuyên nghiệp. Nếu không nằm lòng quy tắc của marketing “khi gõ 10 cánh cửa mà có 1 cánh cửa mở ra là bạn đã thực sự thành công” thì rất có thể anh đã bỏ cuộc.
Với lợi thế là người Việt Nam, hiểu những ứng viên Việt Nam, anh đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng. “Tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi với khái niệm này và sử dụng dịch vụ của chúng tôi”, anh nói. Năm 2003, Giao đã có trong tay 30 nhân viên và định vị cho Netviet chuyên về tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp. Bước sang năm 2004, khi Công ty đang ăn nên làm ra, lượng khách hàng đã lên tới con số hàng trăm (với những công ty lớn như Pepsi, P&G, Prudential…), anh bỗng bỏ tất cả để đi du học theo chương trình học bổng Fulbright (Mỹ).
Cuộc sống nên biết đánh đổi
Lý giải cho việc đi du học, anh bảo, càng lấn sâu vào lĩnh vực nhân sự mình càng thấy nó bao la. Nhân sự đâu chỉ có tuyển dụng và tính lương. Vậy là phải đi tìm kiến thức. Năm 2005, anh nhận được học bổng Fulbright. Bạn bè khuyên can từ từ hãy đi học, lo kinh doanh trước đi. Bởi lúc đó, các công ty nhân sự trong nước đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều. Vợ con lo lắng nhưng anh vẫn quyết định đi vì cho rằng “muốn đi đường dài phải có hành trang”. Công việc ở nhà anh đành nhờ vào các cộng sự với mục tiêu là duy trì hoạt động Công ty.
Giao theo học đồng thời 2 chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) và Thạc sĩ quản trị nhân sự (MILR) tại 2 trường Johnson và ILR thuộc Đại học Cornell, Mỹ. Anh là một trong số ít người Việt được học 2 bằng (Dual Degree) của chương trình Fulbright tại Việt Nam và là người Việt đầu tiên theo học tại Trường Johnson kể từ năm 1975.
Song, việc quan trọng nhất mà Giao đã làm được là mở rộng quan hệ với các ứng viên người nước ngoài trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ và Canada qua việc tham gia mạng lưới cựu sinh viên của Đại học Cornell. Nhờ đó, Netviet có thể cung cấp các nhân sự ngoại cấp cao. Việc thành lập văn phòng tại Toronto (Canada) là một phần minh chứng cho sự vươn tay ngày càng xa của Netviet.
Năm 2008, Giao kết thúc học tập ở Mỹ và trở về Việt Nam. Nhìn lại cơ hội đã qua, anh cho rằng, ranh giới giữa được và mất đôi khi rất gần nhau. Ba năm (2005-2008) đi du học anh mất cơ hội đưa Công ty bước những bước tiến dài. Nhưng nay, khi trở về anh lại mang đến cho doanh nghiệp một bước đi vững chắc.
Anh cho biết, kể từ năm nay, anh sẽ giới thiệu một loạt những dịch vụ mới trong lĩnh vực nhân sự. “Các giám đốc Việt Nam đã hiểu rằng bên cạnh công nghệ hay nguồn lực tài chính thì nhân sự là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Chính vì thế, cơ hội cho chúng tôi là rất lớn”, anh nói
Nguồn: NCĐT

Không có nhận xét nào:

Flag Counter