Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Phỏng vấn 80s


Phạm Thị Phương Hoà luôn luôn gây ấn tượng với người đối diện bởi sự năng động và tự tin của mình. Cô bạn đang học năm thứ 3 Trường Đại học Ngoại thương này từng là phó chủ tịch của TEC và đã đạt giải  trong cuộc thi ”Khởi nghiệp cùng Kawai 2009”, cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên có tổng số giải thưởng lớn nhất miền Bắc. Dự án Công ty TNHH Góc nhìn mới do Hoà làm trưởng nhóm đã đạt giải nhì ”Khởi nghiệp cùng Kawai 2009” và giải nhất ” Sinh viên khởi nghiệp”. Trước thềm ” Khởi nghiệp cùng Kawai 2010”, chúng ta hãy cùng gặp gỡ Phương Hoà để hiểu rõ hơn về dự án Quán café ’80s thú vị và độc đáo này nhé.
Chào bạn, bạn có thể cho biết vì sao bạn lại chọn dự án quán café 80s làm đề tài dự thi?
Hoà mình vào không khí cùng cả nước đón chào 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nhóm bọn mình, gồm 5 sinh viên Đại học Ngoại thương và những đứa con của Hà Nội muốn góp chút công sức nhỏ của mình giới thiệu với bạn bè thế giới và trong nước về hình ảnh Thủ đô. Qua nghiên cứu và tìm hiểu, bọn mình nhận thấy hiện nay chưa có một địa điểm nào giới thiệu về thời kỳ bao cấp của Hà Nội, do đó ý tưởng xây dựng một quán cafe văn hóa kết hợp với du lịch mang phong cách thời kỳ bao cấp của bọn mình đã ra đời với mong muốn tái hiện lại thời kỳ bao cấp nhằm gìn giữ những nét riêng của Hà Nội và với ước mơ lớn hơn, nhóm bọn mình không chỉ muốn dừng lại chỉ với thời kỳ bao cấp mà còn muốn xây dựng một chuỗi các cửa hàng cafe văn hóa mang phong cách của các thời kỳ khác nhau của Hà Nội trên khắp mọi miền của tổ quốc.
Trong quá trình lập đề án, bạn đã có những thuận lợi nào và đã vấp phải những khó khăn ra sao?
Khó khăn nhất là ý tưởng, và thực tế hoá để nó không phải là một ý tưởng viển vông. Bọn mình mất nhiều thời gian nhất vào phần phác thảo ý tưởng. Khi có 1 ý tưởng sơ bộ nào rồi thì lại vấp phải một khó khăn nữa, đó là làm sao để ý tưởng ấy phù hợp với mình, mình có khả năng làm được nó chứ không fải là một ý tưởng xa vời không thể thực hiện được.
Vậy các bạn đã mất bao lâu để phác thảo ý tưởng?
Bọn mình mất tầm 2 tuần để hoàn thành ý tưởng, và sau đó bắt tay vào viết dự án. Ý tưởng là do cả nhóm cùng nghiên cứu và đề xuất. Có 1 điều thú vị là thường thì người ta có ý tưởng trước, rồi sau đó mới kêu gọi những người phù hợp và yêu thích ý tưởng lập thành 1 nhóm. Nhưng nhóm mình thì ngược lại hoàn toàn, thành lập nhóm trước, rồi sau đó mới chung tay bàn bạc, phác thảo ý tưởng và viết dự án.
Bạn tham gia cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai khi đang là sinh viên năm thứ 2 , khá bận rộn với chuyện học hành. Hơn nữa, nhóm của bạn đông người mà hầu hết đều là những sinh viên đang học tín chỉ. Vậy mọi người đã sắp xếp thời gian như thế nào cho mỗi lần họp nhóm?
Bọn mình họp nhóm liên tục, các bạn đều là những người có ý thức và hứng thú với dự án nên không ai lơ là chuyện họp nhóm. Đợt nào nhiều việc, có nhiều thứ cần giải quyết, bọn mình họp nhóm liên tục, có khi 3,4 buổi/ tuần. Ngược lại, có những khoảng thời gian bọn mình không cần thiết phải họp thường xuyên. Thường thì bọn mình tập trung họp ở nhà các thành viên, hoặc ở trường, đợt nào không thế tìm được phòng thì đành họp ở hành lang nhà D, trước cửa phòng D202. Bọn mình sẽ chỉ tiến hành họp khi có đủ các thành viên, không đủ thì có thể hoãn họp chứ tuyệt đối không nhắc đi nhắc lại 1 vấn đề quá nhiều lần.
Giả sử nhóm bạn có những thành viên không đi theo nhóm đến cùng, chỉ tham gia theo sở thích nhất thời thì bạn sẽ giải quyết ra sao? Lúc ấy bạn sẽ bổ sung thêm người mới hay vẫn sẽ tiếp tục với số người còn lại?
Trong trường hợp có thành viên nào đó muốn xin rút ra khỏi nhóm thì bọn mình vẫn giữ nguyên số thành viên cũ thôi. Vì như bên nhóm mình phân công khá rõ ràng từng công việc, nếu các thành viên còn lại có khả năng hoàn thành công việc của thành viên rời đi thì không cần thiết phải bổ sung. Còn nếu như các thành viên không thể lấp vào chỗ trống thì mới tìm thành viên phù hợp thay thế. Nói chung mình nghĩ rằng, dù làm gì cũng phải có tình linh hoạt, tuỳ tình hình để giải quyết.
Một trường hợp khác xảy ra, nếu một số thành viên trong nhóm không hoàn thành công việc theo đúng deadline, để ảnh hưởng đến tiến độ của dự án thì bạn sẽ giải quyết thế nào?
Trước khi đặt deadline, bao giờ mình cũng để deadline sớm hơn deadline thực tế, ”phòng bệnh hơn chữa bệnh” mà. Trong quá trình làm việc, bọn mình vẫn thường hay nhắc nhở nhau và theo dõi tiến độ làm việc của nhau để có gì khó khăn sẽ tiện khắc phục. Nhóm mình may mắn tập hợp những người có kinh nghiệm hoạt động và tham gia nhiều CLB nên các bạn rất có ý thức hoàn thành công việc đúng thời hạn. Nói chung, mình thích cách làm việc thoải mái và nhẹ nhàng nhưng có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm.
Sau khi hoàn thành đề án, bạn có tham khảo ý kiến và nhận xét của những người đi trước như giáo viên hay các doanh nhân có kinh nghiệm không?
Có chứ, sau khi viết xong dự án, bọn mình gửi cho rất nhiều người nhờ nhận xét. Dẫu sao bọn mình vẫn là sinh viên, suy nghĩ còn non lắm. Những người đã đi làm, đã va vấp ngoài thực tế họ có rất nhiều điều mà mình cần học hỏi, họ sẽ chỉ ra cho mình những điều mình chưa biết, thậm chí là chưa bao giờ nghĩ tới. Cái dự án ban đầu của bọn mình viết rất non, suy nghĩ khá trẻ con, sau khi được nhận xét và chỉ bảo mới có được cái dự án hoàn chỉnh dự thi.
Tại sao dự án kinh doanh của các bạn lại là dự án một quán café chứ không phải là một mô hình kinh doanh khác, khi ma trong số những dự án đăng kí thi thì có non nửa số dự án là những quán ăn, quán café?
Vì café là mô hình kinh doanh đơn giản, dễ nắm bắt được thị trường, vốn không quá to, chi phí cũng không cần quá lớn và mình lại có khả năng duy trì hoạt động.
Vậy bạn nghĩ sao nếu như năm nay mô hình kinh doanh quán café vẫn chiếm phần lớn đơn đăng kí? Liệu điều đó có làm cho BGK cảm thấy nhàm chán không?
Không hề. Mình nghĩ, BGK có nhàm hay không phụ thuộc vào cách mình thực hiện nó như thế nào. Như dự án của bọn mình, quán café chỉ là mô hình, cái chính là phong cách quán của bọn mình khác, giá trị văn hoá của bọn mình khác. Đây là cuộc thi không chỉ là về ý tưởng kinh doanh, muốn thực hiện nó thì mình phải chứng minh cho người ta thấy là mình có doanh thu, và doanh thu đơn giản và dễ hiểu nhất chính là khách hàng. Khách hàng sẽ không chọn quán của mình nếu như nó chỉ là một quán bình thường. Muốn thu hút được họ, mình phải sáng tạo và làm nên sự khác biệt không có ở những nơi khác. Nhưng thật lòng mà nói thì mình nghĩ rằng bây giờ các quán café cũng rất muôn màu muôn vẻ rồi, nên có lẽ mô hình quán café sẽ không được chuộng nữa. Thay vào đó, mình nghĩ các dự án văn hoá du lịch có lẽ là khá hay.
Vậy lúc biết tin dự án được lọt vào vòng 3 Kawai, cảm xúc của cả đội thế nào? Các bạn có hạ nhiệt và giảm tần suất hoạt động không, hay thậm chí còn hoạt động nhiều và căng hơn trước?
Căng chứ. Bọn mình hi vọng nhiều nên phải cố gắng nhiều thôi.
Theo bọn mình biết thì bạn là người hoạt động năng nổ và hay tham gia những cuộc thi dành cho sinh viên. Vậy làm sao để cân bằng được thời gian và hoàn thành tốt việc học trên lớp?
Mình phải học cách sắp xếp thời gian và công việc. Nhiều khi bạn phải chấp nhận đánh đổi một chút, đặt cái nào quan trọng hơn lên trước, việc nào cần hơn làm trước, đặt những mốc thời gian thật hiệu quả thì bạn sẽ thành công thôi.
Để kết thúc cuộc trò chuyện này, bạn có muốn nhắn nhủ gì với những đội chơi năm nay không?
Mình chỉ muốn nói là: Mọi thứ đều có thể, chỉ có điều mình có muốn làm và dám làm hay không thôi.
Xin cảm ơn bạn và chúc bạn thành công hơn nữa trong cuộc sống.

tec-ftu.org

Không có nhận xét nào:

Flag Counter