Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Ngọc: Người biến cỏ dại thành tiền!

Một sinh viên đang trăn trở với dự án biến cỏ “bồ công anh” thành thức uống có lợi cho sức khỏe. Vấn đề hiện nay là tìm được “bạn đồng hành”.
Ngẫu nhiên “gặp gỡ” để rồi “quen biết” với cây bồ công anh, Nguyễn Ngọc Ngọc - Sinh viên khoa Công nghệ Sinh học, trường Đại học Đà Lạt đã chọn loài thực vật hoang dã này làm cái “nghiệp” của mình. Dành trọn 3 năm với tất cả tâm huyết để đưa loài cây vốn chỉ được xem là cỏ dại này trở thành một loại nước uống thảo dược có lợi cho sức khỏe.

Ngọc tâm sự: “Bồ công anh sinh trưởng rất tốt ở Việt Nam. Trước đây, từng được người Pháp cho trồng ở Đà Lạt để làm rau sống.Vì vậy, em nghĩ không có lý do gì mà không phát triển loại sản phẩm mà chúng ta có thể chủ động được nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam”.

Giá trị của loại bồ công anh

Cơ duyên đến với cây bồ công anh của cậu sinh viên từng 3 lần thất bại trong quyết tâm trở thành sinh viên đại học y cũng thật tình cờ. Năm 2005, khi Ngọc mới nhập học khoa Công nghệ sinh học một thời gian ngắn đã may mắn được hợp tác làm việc cùng một nhà vườn ở Đà Lạt.

Cùng thời gian này, Công ty nước ép thảo dược Phương Thảo Thái Bình đến cở sở nhà vườn này để đặt trồng cây bồ công anh. Trước khi bắt tay vào trồng loại cây mới, Ngọc và người chủ nhà vườn đã dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ về điều kiện sinh trưởng và công dụng của bồ công anh. Từ đó, Ngọc đã thật sự “kết” loài thực vật bị người Đà Lạt xem là cỏ dại này. Tuy nhiên, lô hàng đầu tiên này đã không thể xuất đi do Công ty Phương Thảo Thái Bình gặp khó khăn, không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký trước. Không nỡ làm khó dễ đối tác, Ngọc đành mang số bồ công anh đó phơi khô để uống dần. Và, cũng từ đó Ngọc nung nấu ước mơ xây dựng sản phẩm giải khát từ cây bồ công anh của riêng mình.

Ngọc nói: “Em biết việc sản xuất sản phẩm nước giải khát từ thảo dược bồ công anh là một điều mới mẻ ở thị trường Việt Nam. Nhưng, em tin rồi người tiêu dùng sẽ chấp nhận nó nếu mình biết cách giới thiệu bồ công anh với họ. Vì loại thảo dược này thật sự có lợi cho sức khỏe và đã từng được sử dụng trong y học cũng như làm thực phẩm. Hiện nay người dân tại nhiều địa phương vẫn dùng cây bồ công anh như một loại thuốc giúp giải nhiệt, thanh độc. Đặc biệt, nhiều nơi còn dùng như một loại thuốc thông sữa cho phụ nữ cho con bú”. Bên cạnh đó, việc phát triển cây bồ công anh còn góp phần tạo thêm một giống cây mới cho bà con nông dân ở Đà Lạt. Đây là một loại cây có chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh và khả năng chống chịu tốt.

Để sản xuất được những lô nguyên liệu bồ công anh của riêng mình, Ngọc đã có lúc trở thành kẻ ngớ ngẩn trong mắt mọi người khi chỉ “vác bao đi nhổ cỏ về trồng. Ba năm ròng từ năm 2006 đến năm 2008, Ngọc đã phải tự đấu tranh với bản thân mình thật nhiều để tiếp tục theo đuổi ước mơ. Trong ba năm đó, Ngọc đã trồng được 10 vụ công anh với mục đích tìm hiểu các đặc tính của cây, tìm hiểu khả năng phát triển của cây trong các điều kiện thời tiết khác nhau.

Ngày 24/3/2009 mới đây, Ngọc đã xuất 1 tạ nguyên liệu bồ công anh đầu tiên của riêng mình. Lô hàng này sau khi trừ hết chi phí chỉ lãi được 500 ngàn đồng, nhưng bù lại Ngọc giữ được 1/3 diện tích nguyên liệu để làm… luận văn.

Chuyên nghệp và chuyên biệt hóa


25 tuổi với 24 triệu đồng - con số khiêm tốn này là khởi đầu lập nghiệp của Ngọc. Vốn ít - Ngọc chọn cách bắt đầu bằng việc xây dựng một dự án mang tên “Cơ sở sản xuất trà Ngọc Ân” để tham gia chương trình khởi nghiệp 2008 do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức với mong muốn tìm kiếm một nhà đầu tư. Dự án “thật thà” đến mức chủ nhân của nó thú nhận ngoài phần vốn cố định thì phần vốn lưu động sẽ được góp thêm bằng vài trăm ngàn tiền ăn tiết kiệm được hàng tháng.

Dù không đoạt giải và cũng chưa có nhà đầu tư nào “ngỏ lời” nhưng Ngọc vẫn quyết định triển khai trong thực tế với sự hỗ trợ của ba người bạn học. Ngọc hiểu rõ lý do dự án của mình không được đánh giá cao trong chương trình khởi nghiệp này và cũng hiểu cả cách để khắc phục những nhược điểm đó.

Ngọc có niềm tin vào tương lai của cây bồ công anh với những tâm sự chân thành: “Em đã nghiên cứu rất nhiều và nhận ra rằng nhu cầu trà trên thị trường ngày càng phát triển, nhất là với trà thảo dược. Do vậy, em đã nghiên cứu rất kỹ về việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu bồ công anh, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch cho đến việc tạo ra các sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe. Bồ công anh là một loại dược liệu quý và lành tính, vì vậy rất có tiềm năng phát triển trong tương lai”.

Cơ sở sản xuất nguyên liệu bồ công anh của Ngọc mới đi vào hoạt động nhưng đã có những khách hàng dài hạn. Công ty nước ép thảo dược Phương Thảo Thái Bình sau khi vượt qua khó khăn đã trở thành khách hàng lớn nhất của Ngọc hiện nay. Ngoài ra, Bệnh viện Y học Phạm Ngọc Thạch và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt) cũng là những đối tác hỗ trợ đắc lực cho Ngọc. Hiện tại, Ngọc đang hướng tới việc giới thiệu sản phẩm với các du khách ở khu vực Langbiang. Xa hơn nữa sẽ tiếp cận với những du khách ở Đà Lạt và công nhân viên ở nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin (Khánh Hòa) và các công ty sản xuất dược mỹ phẩm. Về lâu dài, Ngọc dự tính thâm nhập thị trường nước giải khát thảo dược ở Lâm Đồng, TPHCM, một số tỉnh Đông Nam bộ và miền Trung.

Với 1.000 m2 đất Ngọc đang thuê được để trồng bồ công anh chỉ đủ cung cấp 3 tấn bồ công anh/tháng, bằng 1/3 nhu cầu nguyên liệu của công ty Phương Thảo Thái Bình. Đó là chưa tính đến những khách hàng khác và phục vụ cho việc sản xuất trà bồ công anh đóng gói theo một phương thuốc dân gian mà Ngọc đã lên kế hoạch thực hiện.

Tuy nhiên, việc tạo ra thói quen tiêu dùng và chấp nhận sản phẩm từ bồ công anh đang khiến Ngọc phải trăn trở nhiều nhất. Để khắc phục “đồng vốn quá ít ỏi”, Ngọc thực hiện chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Ngọc tâm sự: “Trước mắt, em chỉ cung cấp nguyên liệu cho Công ty Phương Thảo Thái Bình để có thể quay vòng vốn thật nhanh. Đồng thời, sẽ tích lũy thêm vốn và kinh nghiệm để khi hình ảnh nước ép bồ công anh của công ty này xây dựng đã được người tiêu dùng chấp nhận thì mình nhân đó giới thiệu sản phẩm trà khô bồ công anh”.
Nguồn:  Doanh nhân

Không có nhận xét nào:

Flag Counter