Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Đếm từng ngày để khẳng định mình

Cuộc đời của chị gắn liền với hai từ nỗ lực. Nỗ lực vừa đi làm, vừa học, nỗ lực để từ một nhân viên bình thường lên được vị trí trưởng phòng kinh doanh - tiếp thị rồi đảm đương chức vụ Tổng giám đốc một khu nghỉ dưỡng để nỗ lực... cứu công trình ấy “sống lại”.
Minh họa cho quá trình phấn đấu của chị là một đường thẳng, tăng dần đều. Nhưng khi bước vào vai trò của một người đứng mũi chịu sào một doanh nghiệp, đường thẳng ấy đã thay bằng biểu đồ hình sin, hết lên rồi lại xuống...
Người Sài Gòn ra biển




* Đang yên lành theo đúng nghĩa đen trong vị trí Trưởng Phòng kinh doanh tiếp thị của khách sạn Rex với doanh thu tăng dần đều hàng năm, chuyện chị chấp nhận xa Sài Gòn, xa gia đình, làm việc ở tận Ninh Chữ. Có vẻ như là vấn đề “không được bình thường” dẫu đây là chuyện “lên chức”?

- Mọi người vẫn nghĩ thế khi biết quyết định của tôi. Thậm chí, có người còn nghĩ tôi có tính toán riêng nào đấy. Thật sự, chỉ có những ai sống “an toàn” trong một môi trường ngày này qua tháng khác mới hiểu được suy nghĩ của tôi về quyết định này.

Yên mãi trong một môi trường, tôi thấy mình già cỗi đi. Ai mà không có khát khao vượt thoát hơn hiện tại. Ngay khi được hỏi mình có muốn đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Resort Sài Gòn - Ninh Chữ không, tôi chỉ mất có 5 phút để suy nghĩ rồi trả lời đồng ý.

Đừng vội nghĩ rằng tôi ham chức vụ. Đơn giản, đó đúng là giai đoạn tôi cần phải thay đổi bản thân mình. Vả chăng, vẻ đẹp quá hấp dẫn của khu nghỉ dưỡng này, từ thiên nhiên đến thiết kế công trình khách sạn, nhà nghỉ... đã thu hút tôi.

* Nghĩa là, chị đã xác định được tiềm năng của thành công khi được giao nhiệm vụ đó?

- Resort Sài Gòn - Ninh Chữ khai trương năm 2006. Đến tháng 7/2007 tôi mới chính thức nhận nhiệm vụ tại nơi này. Khi đó, công trình đang trong tình trạng báo động vì tuy đẹp như mơ nhưng số lượng khách đến nghỉ dưỡng lại... chưa đông.

* Đó là khó khăn chung của một công trình du lịch mới. Chấp nhận bỏ phồn hoa xuống biển, chắc hẳn, chị cũng đã thấy được những thuận lợi của việc phát triển du lịch tại Ninh Chữ?

- Với điều kiện tự nhiên và địa lý, Ninh Chữ đã được xác định là một trong ba cạnh của tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang. Cảnh quan thiên nhiên quá đẹp với các bãi biển và vịnh biển còn hoang sơ, không thiếu các di tích, danh thắng gắn liền với dân tộc Chăm, với cuộc di dân vào Nam của các chúa Nguyễn.

Những năm gần đây, Ninh Chữ nói riêng còn có những sản vật địa phương để du khách đem về làm quà lưu niệm, biếu tặng và sử dụng, mà không phải điểm du lịch nào cũng có được. Đó là lý do để Tổng công ty Du lịch Saigontourist quyết định đầu tư nơi đây.

Tôi còn nhớ, ngày đó, khi chưa có khu nghỉ dưỡng này, chỉ có một nhà nghỉ của Nguyễn Văn Thiệu (cựu Tổng thống của chế độ Sài Gòn) và một khách sạn 2 sao mang tên Ninh Chữ cũng đã thu hút được hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm.

Đáng tiếc, giao thông trên quốc lộ 27A để đưa khách từ Đà Lạt đến Ninh Chữ lại quá tệ. Hai năm gần đây, du lịch tại Ninh Chữ gần như mất toàn bộ khách từ Đà Lạt. Đối chiếu với “con đường thảo nguyên”, nối biển và hoa từ Nha Trang đi Đà Lạt, khách du lịch từ Đà Lạt đổ xô về Nha Trang là chuyện đương nhiên.

Nếu tính riêng về du lịch biển, Ninh Chữ lại kẹt giữa hai trung tâm du lịch đã phát triển đến mức chuyên nghiệp là Phan Thiết và Nha Trang. Từ TP.HCM, du khách sẽ đến Mũi Né cho gần và nếu đã đi xa thì gắng hơn chút nữa, đến hẳn Nha Trang để hưởng thụ các dịch vụ đa dạng của thành phố du lịch chuyên nghiệp.

Thêm vào đó, mức sống người dân địa phương chưa cao. Họ sẽ rất ngại ngùng và không dám chọn khu resort 4 sao đẹp đẽ này, mặc dù thực tế là giá các dịch vụ ở đây chỉ bằng một nửa so với các resort đồng hạng nơi khác. Vì thế, nguồn khách địa phương phải xác dịnh ngay từ đầu là không có. Tất cả những khó khăn ấy khiến Resort Sài Gòn - Ninh Chữ rất khó để “bằng chị bằng em”.

* Hiện thực mịt mù như thế, thật khó để một chủ doanh nghiệp phấn đấu?

- Muốn định hình một khu nghỉ dưỡng trên bản đồ du lịch, phải mất ít nhất 10 năm. Đồng ý rời Sài Gòn xuống biển, tôi biết mình sẽ là một trong những "viên gạch lát đường". Tôi không băn khoăn nhiều khi chấp nhận hiện thực đó, bởi vì mình cũng đang hưởng thụ những gì mà các thế hệ trước đã xây đắp.

Tỉnh Ninh Thuận đang cố gắng hoàn chỉnh giao thông quốc lộ 27A, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa hoàn thành. Sẽ mất khoảng 3 đến 5 năm sau, bộ mặt tỉnh mới chỉn chu được. Cá nhân tôi nghĩ, để trở thành một địa danh du lịch, Ninh Thuận sẽ không bằng được Bình Thuận và Khánh Hòa.

Thế nhưng, nhìn ở hướng phát triển công nghiệp, Ninh Thuận là nơi Chính phủ quyết định đặt ở đây 3 nhà máy điện hạt nhân. Khách du lịch sẽ e ngại về điều này, nhưng bù lại, nguồn khách chuyên gia đến phục vụ công trình xây dựng nhà máy sẽ có thể nuôi sống Resort Sài Gòn - Ninh Chữ.

Tôi vẫn tin, với chủ trương phát triển Ninh Thuận thành một thành phố bán du lịch, việc phục vụ các thương gia và chuyên gia sẽ giúp khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Ninh Chữ có một tương lai khác.

Đánh thức vịnh Vĩnh Hy

* Với tất cả những khó khăn, chị đang nuôi Sài Gòn - Ninh Chữ trong giai đoạn “nằm ổ”, chờ thời cơ?

- Khó khăn là khó khăn chung của ngành du lịch. Với riêng Sài Gòn - Ninh Chữ, hiện vào Xuân và mùa Hè, chúng tôi không đủ phòng để bán. Chỉ lo mùa Đông, lượng khách trong quý IV là chưa được như mong đợi. Tôi rất ghét việc chờ thời. Resort Sài Gòn - Ninh Chữ chưa thể dựa vào hoàn toàn bản thân mình thì tôi buộc phải bước ra ngoài, đón khách, chủ động tìm thêm nguồn thu cho mình.

* Một công trình phục vụ nghỉ dưỡng chẳng phải là trung tâm dịch vụ lữ hành, thưa chị?

- Việc phân công lao động chỉ đúng và thích hợp ở nơi có đầy đủ thành phần. Với những nơi chưa có bộ phận cần thiết, mình có thể làm cho có. Sau khi khảo sát địa bàn, tôi trực tiếp thiết kế tour, liên hệ các hãng vận chuyển, về Sài Gòn tìm nguồn khách hàng. Nhân viên khách sạn thì biết bán tour, biết chào mời khách đến nghỉ dưỡng.


Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân đã có mặt tại khách sạn Sài Gòn - Ninh Chữ

Nghe có vẻ ngược ngạo nhưng thực tế là có thể thay đổi hiện thực từ cố gắng của mình. Còn nhớ, tour nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm mang tên "Đánh thức Vĩnh Hy" của Sài Gòn - Ninh Chữ đã kéo khách Sài Gòn nườm mượp đến Ninh Thuận từ năm 2008. Chỉ riêng chương trình này, tôi đã làm cho doanh số Sài Gòn - Ninh Chữ tăng 40% doanh thu.

Rất nhiều công ty du lịch ở TP.HCM lấy chương trình của tôi để làm tour, tôi cũng chấp nhận, chỉ mong khách đến Ninh Chữ nhiều là được. Đến tận bây giờ, tour này vẫn còn giá trị khai thác. Cuộc sống không tự mang đến cho bất kỳ ai điều gì, nếu họ không biết tự vận động.

* Nhưng vận động quá mức dễ bị đuối sức. Hơn 5 lần vào bệnh viện, kể từ khi nhận nhiệm vụ chưa khiến chị sợ sao?

- Nếu tự nhận xét thì tôi là một người quyết liệt và cầu toàn. Đã nghĩ cái gì là phải làm cho bằng được nên đôi khi quên mất điểm hạn chế của mình. “Sức khỏe” của Sài Gòn - Ninh Chữ thì cứ trêu ngươi tôi.

Hết lần này đến lần khác, đang phát triển tốt thì lại rơi vào khó khăn mà toàn là những khó khăn khách quan. Đang đón khách không kịp thì bất ngờ khủng hoảng kinh tế cuối 2008, đầu 2009. Cả tập thể nỗ lực để vượt bão, vừa mới tăng nhanh doanh thu nhanh trong thời gian gần đây thì bão lũ miền Trung ào tới.

Chuyện bão lũ ảnh hưởng đến Ninh Thuận là điều ít ai lường đến. Hàng loạt khách hàng của tôi hủy đặt chỗ trong những ngày qua. Giờ thì lại bắt đầu giai đoạn khắc phục khó khăn rồi đây!

* Liên tục vượt thử thách, bí quyết khắc phục khó khăn của chị?

- Kiên trì và tôn trọng từng ý tưởng. Thời khắc con người nảy ra ý tưởng trong cuộc đời không nhiều lắm đâu. Thế nên, phải trân trọng ý tưởng của mình trước khi nghĩ xem điều đó có thực hiện được hay không.

Tôi có một cuốn sổ tay, với nội dung chia làm ba mục, luôn mang theo bên mình. Mục thứ nhất ghi lại những điều cần phổ biến, triển khai ngay với nhân viên trong ngày. Mục thứ hai ghi lại mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và mục thứ ba là ghi lại ý tưởng mà mình bất chợt “sáng ý”.

Cuốn sổ này được việc lắm, nó giúp tôi quản lý công việc tốt hơn và nắm rõ từng bước mình phải đi để đến được từng mục tiêu của mình, khi khó khăn cũng như lúc đang phát triển.

Bên cạnh đó, tôi cũng đòi hỏi khá cao ở nhân viên. Con người là tiềm lực quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn, việc cần nhất là giữ người và nâng chất từng con người. Một tập thể mạnh sẽ tạo nên doanh nghiệp mạnh.

* Nhưng nâng chất con người bằng cách ngày ngày bỏ thời quan sát nhân viên, hướng dẫn trực tiếp như chị là quá tỉ mỉ?


- Không tỉ mỉ, không cầu toàn thì không thể tồn tại trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Mình bán cho khách hàng dịch vụ, sự hài lòng của họ là doanh thu cho mình. Vả chăng, người lãnh đạo thì lúc nào cũng thấy doanh nghiệp của mình chưa hoàn hảo cả.

Càng ra ngoài, quan sát cách làm của các đơn vị du lịch khác, tôi càng thấy Sài Gòn - Ninh Chữ chưa hoàn hảo. Massage đắp bùn khoáng, quầy bar ngoài trời... là những dịch vụ mà tôi học tập được từ các khách sạn, resort bạn bè.

Trong cái khó của vùng nắng hạn Ninh Thuận, tôi đã tìm được nguồn nước, tự tạo được nguồn phân hữu cơ để tiền cảnh của resort có hồ phong thủy, cỏ xanh mượt bốn mùa và lúc nào cũng có hoa khoe sắc.

Tôi cũng đang chuẩn bị tour mới "Nếp nhà Ninh Chữ" để du khách thử làm làm diêm dân, ngư dân hay người hái táo thuê... và thưởng thức cuộc sống ở địa phương này.

Nếu không hoàn thiện từng ngày bằng những dịch vụ phụ trợ như thế, chỉ với chính sách giá, Sài Gòn - Ninh Chữ làm sao đủ sức cạnh tranh?

Điểm tựa bình yên

* Dành hết thời gian vật lộn sinh kế cho Sài Gòn - Ninh Chữ. Niềm vui của chị là đâu?

- Từng giai đoạn trưởng thành của Sài Gòn - Ninh Chữ đều mang đến cho tôi niềm vui và tự hào. Thế nhưng, việc dành thời gian vật lộn vì nhu cầu cơ bản tương tự “cơm áo gạo tiền” của khu nghỉ dưỡng này khiến niềm vui của tôi không thể “thăng hoa” được. Đó là, một sân golf mini, khu trò chơi trẻ em, dự án nuôi chim yến, một trung tâm ẩm thực đặc sản Sài Gòn và tiệc cưới bên ngoài khách sạn...

Vui đó mà lo đó! Nhìn lại, dẫu sao mình cũng là một phụ nữ. Mà phụ nữ mà xa nhà, đi làm như thế cũng là một cái lỗi đối với mái ấm của mình.

* Người đàn ông của chị nói sao về cái “lỗi” ấy?

- Tôi may mắn lấy chồng cùng nghề. Anh ấy đam mê và hiểu được đam mê của nghề nên không “bắt lỗi” mà còn ủng hộ, động viên tôi rất nhiều. Thú thật là đi xa như thế, chúng tôi mới hiểu được lòng nhau. Vậy là, không những không “cách lòng” mà còn thương quý nhau hơn.

Hai tuần một lần, tôi mới về nhà. Thời gian đó, tôi dành hết cho việc vun vén chuyện nhà. Đi chợ, làm sẵn thức ăn, nước uống trữ trong tủ lạnh. Mỗi ngày, chồng tôi sẽ tự rã đông, hâm nấu. Như cách đùa của anh ấy thì bây giờ cả hai chúng tôi đều tự lập cao.

* Nhưng về lâu về dài, việc xa mặt như thế liệu có ổn cho đời sống vợ chồng?

- Ở cái tuổi mà thời gian không cho phép phiêu lưu nữa, tôi bắt đầu trân quý quỹ thời gian của mình. Tôi ý thức được rằng mình đang đánh đổi cuộc sống yên bình của mình cho sự nghiệp nên đếm từng ngày để khẳng định bản thân.

Khi thời gian “lót đường” của mình đã xong, tôi sẽ trở về với một công việc nào đấy có thể gần gia đình. Thế nên, hiện tại, tôi làm hết sức mình để không thành công thì thành nhân.

Theo Doanh nhân Sài Sòn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter