Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nữ doanh nhân Việt: Lời giải nào cho những bài toán khó?

Phụ nữ Việt càng ngày càng khẳng định vai trò của mình trên thương trường và cả trên chính trường. Nhưng trên những "mặt trận" đó, họ vẫn âm thầm hy sinh và gánh nặng chưa bao giờ giảm bớt trên những đôi vai gầy.
Nữ doanh nhân Việt: Khó đủ bề

Theo thống kê của Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, doanh nhân nữ ở Việt Nam hiện đang làm chủ 21% tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp trong nước, 30% doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán và 24,4% đại biểu quốc hội.

Trong khoảng 100.000 doanh nghiệp trên cả nước là do nữ doanh nhân làm chủ thì phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, chế biến hàng nông sản, thủy sản, da giày…

Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu nhân công và chế độ chính sách chưa rõ ràng…, thì bản thân doanh nhân nữ còn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi và hy sinh bởi phải đảm bảo cân đối giữa công việc và vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình như bao người phụ nữ khác.

Doanh nhân nữ chịu nhiều áp lực khi vừa đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình bên cạnh công tác xã hội. Những phụ nữ làm kinh doanh thường làm việc vất vả và căng thẳng nên ít có thời gian dành cho hạnh phúc riêng. Điều thiệt thòi này đôi khi khiến họ phải hy sinh, thậm chí, không ít phụ nữ thành đạt chia sẻ, càng làm ở chức vụ cao hơn, sự cô đơn và thiếu sự chia sẻ, quan tâm càng lớn.

Giám đốc Ngân hàng thế giới, bà Victoria Kwakwa cho biết “Những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ. Các hoạt động thường ở quy mô nhỏ, không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp và thường ít sử dụng tiền mặt”.


Việt Nam là một nước đang phát triển, cũng như nhiều quốc gia khác doanh nhân nói chung và doanh nhân nữ nói riêng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận thông tin - khoa học công nghệ hay vấn đề về nhân lực… Cũng chính bởi những khó khăn đó nên rất khó có thể so sánh chính xác sự đóng góp của các nữ doanh nhân Việt Nam với những nước phát triển khác chẳng hạn như Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, phụ nữ điều hành rất đa dạng về quy mô, từ các công ty lớn đến nhỏ hoặc quy mô gia đình. Các doanh nghiệp này có đóng góp vào GDP và tạo nhiều việc làm cho các phụ nữ khác.

Ai giúp nữ doanh nhân giải những bài toán khó?

Lời khuyên của Giám đốc Ngân hàng thế giới, bà Victoria Kwakwa đối với các nữ doanh nhân: “Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không thể kinh doanh được vì không có vốn. Điều bạn cần là kiến thức và kinh nghiệm. Đừng khởi đầu bằng những thứ lớn lao. Hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt. Giải pháp đối với vấn đề thiếu vốn là hãy chỉ sử dụng những đồng vốn mà bạn đang có. Công việc kinh doanh sẽ phát triển cùng với kiến thức và kinh nghiệm của bạn. Vấn đề không phải là vốn, một khi bạn chứng minh được bản thân, nguồn vốn sẽ tự tìm đến bạn”.

Bà Victoria Kwakwa cũng đề cập đến sự giúp đỡ của 2 bên Chính phủ và Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nhân nữ trong kinh doanh, nhưng luôn nhấn mạnh, bản thân người phụ nữ cần tự giúp lấy mình trước:

- Chính phủ nên tận dụng việc sửa đổi luật sắp tới để có thể cải thiện những vấn đề mà các doanh nhân nữ đang gặp phải.

- Ngân hàng cần đưa ra các sáng kiến giúp phụ nữ nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Như sáng kiến nâng cao tiết kiệm tín dụng; các sáng kiến giúp phụ nữ hiểu về rủi ro tài chính. Đây là yếu tố cơ bản đưa lại cơ hội công bằng cho phụ nữ trong tiếp cận nguồn vốn. Cần các công cụ hỗ trợ các doanh nhân nữ tiềm năng.

- Doanh nhân nữ cần tìm cách tăng thêm giá trị nguồn hàng hóa và dịch vụ của mình, tìm các nguồn hàng hóa mới hiệu quả và năng suất cao, tìm các lĩnh vực mới, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tận dụng từ việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Xác định được khả năng mới đối với thị trường Việt Nam…

Bà Kwakwa bật mí một số kinh nghiệm trong việc cân bằng công việc và cuộc sống, bằng cách quản lý tốt thời gian hiệu quả, các nữ doanh nhân làm quản lý cần học cách giao phó công việc cho cấp dưới để dành thêm thời gian cho gia đình. Phụ nữ trong xã hội Việt Nam có sự gắn bó mật thiết với gia đình và họ hàng hơn các quốc gia phương Tây, đây chính là động lực hỗ trợ trong việc gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Câu chuyện “thiếu” đối với 3 khó khăn của doanh nhân nói chung và nữ doanh nhân Việt Nam nói riêng khi điều hành doanh nghiệp (thiếu tiền, thiếu thông tin và thiếu người lao động), được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra cách giải quyết khá cụ thể:

- Tiền: Với thiếu tiền (vốn), đây là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp, không chỉ đối với doanh nhân nữ, chính phủ chỉ hỗ trợ bằng các biện pháp mang tính vĩ mô chứ không riêng gì với doanh nghiệp nữ. Giải pháp cho bài toán về vốn có thể được giải quyết bằng việc cơ cấu lại dịch vụ, sản phẩm, thiết kế lại quy trình để giảm thời gian chờ đợi và phân tích cân bằng vật tư – năng lượng – lao động ở từng khâu.

- Công nghệ: Đảm bảo đưa thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, thông qua các sản phẩm công nghệ như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động. Ba website mà các nữ doanh nhân cần thường xuyên truy cập là website của chính phủ, website kinh tế và website khoa học - công nghệ.

- Nhân lực: Chương trình cung cấp nhân sự cho doanh nghiệp có nữ làm chủ đã được các cơ quan chức năng lên lộ trình cụ thể thông qua quy hoạch nhân sự theo ngành và theo địa phương. Theo đó, 15 Bộ trưởng sẽ duyệt quy hoạch nhân lực cho ngành mình, các tỉnh, thành duyệt quy hoạch nhân lực của địa phương mình và Ban chỉ đạo quốc gia về nhân lực sẽ được thành lập dưới sự chỉ đạo của phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Do đó, trong trường hợp gặp khó khăn về nguồn nhân lực, doanh nhân nữ có thể tìm đến Bộ trưởng ngành kinh doanh của mình, Chủ tịch tỉnh, TP địa phương hoặc trực tiếp gặp phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Về cơ chế ưu tiên đối với doanh nhân nữ, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI cũng chia sẻ: "Việc dành riêng các chính sách đối với doanh nghiệp nữ là điều rất khó thực hiện (không thể có các chính sách thuế hay tín dụng riêng). Tuy nhiên, sẽ có các chính sách ưu tiên đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, tư vấn và đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho nữ doanh nhân, hỗ trợ về giới tính và gia đình cho lao động nữ".

Nữ giám đốc Ngân hàng thế giới đánh giá cao khả năng giải quyết vấn đề của đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân nữ nói riêng. Bà ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mỗi sáng thức dậy vừa đi chợ bán rau, bán gạo, vừa bồng theo con nhỏ để chăm sóc. Thậm chí, những nữ doanh nhân vẫn làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ và rất thành công ở vị trí người điều hành kinh doanh, điển hình như trường hợp của bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch của Vinamilk vừa được bình chọn là 1 trong số 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.
Câu nói "Sau lưng người đàn ông thành công là người phụ nữ" có lẽ đã trở nên quá quen thuộc. Và khi đặt trong bối cảnh ngược lại, người ta thấy cần nhiều hơn sự tinh tế, lo toan của tự bản thân họ cũng như sự cảm thông, chia sẻ của gia đình.

Không có nhận xét nào:

Flag Counter