Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

“Quy trình chuẩn” cài đặt thành công của Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Topaco

Trong mọi mặt cắt của công việc, để tránh rủi ro và tiết kiệm tối đa mọi nguồn lực, đều cần có một quy trình chuẩn. Đối với công việc là như thế, còn với việc phát triển sự nghiệp của một người, liệu cũng có một quy trình chuẩn? Dường như, tôi đã tìm được lời giải đáp sau buổi nói chuyện với anh Nguyễn Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Xây dựng Toàn Phát - Topaco.

Anh Nguyễn Ngọc Vinh trong chuyến công tác tại Nhật Bản

Bài học đầu đời về việc đặt mục tiêu và sẻ chia trong cuộc sống

Anh Vinh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Ninh Bình nhưng bố mẹ rất quan tâm đến việc học của con. Bố mẹ anh luôn lặng lẽ nhận về mình mọi vất vả, đắng cay của cuộc đời để tạo ra một tuổi thơ bình yên giúp con tập trung học tập. Nhưng đáng tiếc, lần đầu tiên thi đại học, anh Vinh đã trượt cả hai trường Đại học An ninh và Quân sự.

Đối với nhiều sĩ tử khác trong trường hợp như thế, sẽ rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, định hướng tương lai có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hơn. Còn đối với những người có tố chất thành công, ẩn sau mỗi thất bại lại là một bài học cần được ghi nhận. Anh nhận ra nguyên nhân gây ra thất bại chính là do thiếu sự tập trung. Anh mới cố gắng học tốt và hy vọng mình sẽ đỗ đại học mà không đặt cho mình mục tiêu phải đỗ đại học. Chính điều này khiến cho mọi nỗ lực của anh không hướng về một chỗ duy nhất. “Ngộ” ra bài học lớn, mọi hành động của anh sau đó đều tập trung vào việc ôn thi, mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Sau khi thi lại lần thứ 2, anh Vinh đỗ 3 trường đại học và chọn vào học tại Đại học Xây dựng.

Quán triệt bài học về sự tập trung, để đạt mục tiêu được vào học khoa tốt nhất của trường – Khoa Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp – ngay từ năm học đầu tiên, anh Vinh đã tự cạo trọc đầu, vừa là nhắc nhở bản thân phải chuyên cần học tập và cũng là cách để hạn chế việc đi chơi của mình. Tự thân nỗ lực chưa đủ, thấy còn cần phải học thêm kinh nghiệm của người đi trước, anh Vinh đã viết thư cho năm giáo sư hàng đầu của Đại học Xây dựng Hà Nội để xin lời khuyên. Lần đầu gửi thư không nhận được hồi âm nào nhưng anh vẫn không nản chí, tiếp tục gửi thư lần thứ hai cho năm người khác.

Và sự kiên trì của anh đã được đền đáp. Anh đã có một buổi trò chuyện không quên với Giáo sư Nguyễn Tài - người thày lớn không những đã chỉ bảo cho anh những kinh nghiệm quý báu trong học tập mà còn để lại ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của một tâm hồn biết sẻ chia với người khác. Hơn chục năm đã trôi qua, cảm giác lâng lâng sung sướng của buổi chiều khi vừa bước ra khỏi cửa phòng thầy vẫn còn tươi nguyên. Giây phút thoáng chạm vào những giá trị chân thực của cuộc sống đẹp đẽ vẫn còn đây. Anh ghi nhớ, từ nay về sau, nếu có thể giúp được ai điều gì giống như thày, anh sẽ không bao giờ từ chối.

Nhờ toàn tâm toàn ý, anh đã được tuyển thẳng vào khoa mơ ước khi bước vào năm thứ ba. Trong suốt những năm tháng sinh viên, sách là người bạn giúp anh hình thành nhân cách và trau dồi kiến thức. Hầu như cuối tuần nào, anh cũng qua thư viện Hà Nội và thư viện Quốc gia để đọc sách. Những cuốn sách anh yêu thích nhất là những cuốn viết về các bậc vĩ nhân, những tấm gương thành công, các doanh nhân thành đạt và kiến thức chuyên ngành. Sách đã góp phần không nhỏ tạo nên những ước mơ thủa đó và những ước vọng về sau của anh Vinh.

Để có kiến thức thực tế, anh Vinh đã chủ động xin vào làm việc không công cho một số công trường xây dựng. Dường như, triết lý hãy cho đi trước khi nhận này, không được ai dạy, đã được cài đặt sẵn trong vô thức của anh Vinh. Và điều này được thể hiện rất rõ nét trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời anh.

Khi biết chấp nhận thực tế, tình huống nào cũng sẽ là một bậc thang đi tới tương lai đã định

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, anh Vinh hoàn toàn có thể được nhận vào làm tại các tổng công ty xây dựng ở nội thành Hà Nội, nhưng với khao khát tích lũy kinh nghiệm thực tế, anh đã xin vào làm tại một công trường xây dựng lớn ở Bắc Ninh của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà. Cuộc sống vốn dĩ vẫn vận hành theo một quy luật đúng đắn nhất, nhưng đôi khi lại khoác lên mình những vỏ bọc khó hiểu. Trớ trêu thay, mặc dù được nhận vào làm việc ngay, nhưng bác đội trưởng xây dựng ở đây lại phân công cho chàng kỹ sư mới ra trường công việc của một người… thủ kho kiêm bảo vệ.

Vừa ra trường với bao nhiêu khát khao, hoài bão, anh Vinh như bị dội một gáo nước lạnh. Thất vọng và đã từng nghĩ đến ý định từ bỏ, quay trở lại Hà Nội tìm kiếm một cơ hội khác. Nhưng rồi sau một đêm thức trắng, anh đã thay đổi và nghĩ đây là lại một công trình lớn và phức tạp, thủ kho hay bảo vệ biết đâu cũng sẽ là một trải nghiệm hay, hãy thử sức xem mình có thể chịu được vất vả không? Với suy nghĩ đó, sáng hôm sau, anh Vinh vui vẻ nhận công việc mới với quyết tâm một ngày nào đó sẽ trở thành kỹ sư chính trên chính công trường này.

Công việc chính của anh Vinh là tối đi canh đường dây điện nối từ xã Khắc Niệm – huyện Tiên Du – tỉnh Bắc Ninh về công trường, sáng bơm nước, ngày nhập vật liệu. Bất kể lúc nào rảnh rỗi, anh đều tranh thủ đến văn phòng công trường để nghiên cứu bản vẽ, đọc toàn bộ tài liệu về công trình cũng như tham gia lập biện pháp thi công. Sau hai tháng, làm tốt công việc được giao, lại chịu khó nghiên cứu để hiểu thực trạng công trình, tư vấn được nhiều ý kiến quan trọng, anh Vinh được chính bác đội trưởng tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm kỹ thuật chính tại chính công trường đó đúng với mơ ước và mục tiêu đã đặt ra.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi làm thủ kho đó, do được sống, ăn ngủ, làm việc cùng với công nhân, giúp anh Vinh hiểu hơn tâm tư và cuộc sống của những người lao động. Điều này giúp anh đưa ra được những quyết định đúng đắn, đánh giá đúng giá trị của nhân viên cũng như đóng góp của họ cho công ty khi đứng trên cương vị tổng giám đốc như hiện nay. Đến bây giờ, đôi lúc nghĩ lại, anh Vinh vẫn thầm cảm ơn cuộc sống đã cho mình cơ hội có được những trải nghiệm đáng giá như vậy.

Vậy phải chăng, khi đã có một mục tiêu rõ ràng, mọi tình huống xuất hiện cho dù có vẻ trớ trêu đến đâu, cũng chỉ là một trải nghiệm cần thiết kiến tạo nên thành công sau này cho bạn? Vấn đề chỉ là, đừng cưỡng lại thực tế, hãy sống thuận theo nó, làm tốt công việc “lỡ” đặt lên vai bạn, nhưng không quên mục tiêu và âm thầm chuẩn bị cho đích đến của mình.

Không dừng lại ở  đó, giám đốc của công ty chính ở Hà Nội, sau nhiều lần xuống hiện trường quan sát, phát hiện ra năng lực của chàng kỹ sư trẻ, đã điều anh Vinh về làm tại phòng kỹ thuật của công ty ở Hà Nội.

Khát vọng chinh phục bản thân là động lực lớn để vươn lên trong cuộc sống

Về làm tại văn phòng công ty, với khát vọng chinh phục chính bản thân mình, anh Vinh xác định mục tiêu mới là trở thành trưởng phòng kỹ thuật. Trưởng phòng kỹ thuật đương nhiệm sau 15 năm công tác mới được đề bạt vào chức vụ này. Anh Vinh đưa ra mốc thời gian cho mình là 10 năm. Anh tự đặt ra câu hỏi, để đứng vào vị trí đó, cần phải có kiến thức chuyên môn ở mức độ nào, có những kỹ năng gì và sự cống hiến cho công ty ở mức độ nào? Lặng lẽ quan sát, liên tục đặt câu hỏi hướng tới mục tiêu đã định, hoàn thiện bản thân để có thể giải quyết được vấn đề mà câu hỏi đặt ra, làm việc say mê và bằng mọi giá hoàn thành xuất sắc nhất mọi nhiệm vụ được giao, lại là một “công thức thành công mới” mà anh rút ra trong giai đoạn này.

Anh Vinh thực sự đã làm việc hết mình. Mỗi khi cần chuẩn bị hồ sơ cho những vụ đấu thầu quan trọng, anh sẵn sàng làm việc đêm hôm và thậm chí ngủ lại công ty để đưa ra được những phương án hoàn hảo nhất. Với mức lương 3 triệu/ tháng, một mức lương trung bình vào năm 2001 ở Việt Nam, anh đã nỗ lực hơn rất nhiều mức kỳ vọng của lãnh đạo. Giá trị bản thân được chứng minh, anh được bổ nhiệm làm kỹ thuật chính, chỉ huy trưởng, chủ nhiệm của nhiều công trình xây dựng quan trọng của công ty.

Với bất cứ công việc được giao nào, “công thức thành công”  đều giúp anh tạo ra những kết quả bất ngờ. Kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian này là vào năm 2003, khi anh được giao làm kỹ thuật chính cho công trình xây dựng khách sạn Khăn Quàng Đỏ ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Lúc đó đã gần Tết, theo lịch trình đã định phải sau Tết 1 tháng mới hoàn thành việc ép cọc. Với suy nghĩ, sau Tết sẽ vào mùa mưa xuân, công nhân tập trung sau kỳ nghỉ thường không đúng hạn, công việc ép cọc sẽ không thuận lợi và có thể bị kéo dài, anh Vinh tự đặt ra quyết tâm, phải hoàn thành việc ép cọc trước Tết, nhanh hơn yêu cầu của lãnh đạo. Nghĩ là làm, sau khi tính toán khối lượng công việc với đội ép cọc, chỉ cho họ thấy việc này có thể làm được, và phân tích tính hiệu quả của việc này, anh còn hứa với công nhân nếu việc ép cọc hoàn thành trước Tết, họ sẽ được nhận một khoản tiền thưởng riêng từ chính tiền lương của anh.

Nếu người ngoài nhìn vào quyết định này của một nhân viên làm công ăn lương, có lẽ nghĩ đây là một người “điên”, nhưng với anh, việc làm được một “điều tưởng như không thể” vào lúc đó quan trọng hơn sự hao tổn vật chất vì nó đánh dấu khả năng vượt lên trên chính bản thân mình của anh. Đúng 29 Tết năm đó, công việc ép cọc được hoàn thành, anh được Giám đốc Công ty gọi lên văn phòng khen ngợi và thưởng riêng cho anh một phong bì đủ để bù lại khoản anh đã thưởng cho công nhân và còn thừa để anh mua được một chiếc TV màu tặng bố mẹ vào dịp Tết năm đó.

Triết lý cho trước nhận sau đã một lần nữa được khẳng định, chỉ sau hơn hai năm công tác ở phòng kỹ thuật, anh Vinh được đề bạt vào chức trưởng phòng, “vượt kế hoạch” 8 năm so với mục tiêu đề ra. Cũng có một đôi người đố kỵ với người trưởng phòng tuổi đời còn quá trẻ, nhưng hầu hết đều thấy việc đề bạt một người làm việc “trâu bò” và tâm huyết như anh Vinh là một quyết định đúng đắn.

Con đường thăng tiến ở công ty trở nên rất thuận lợi. Bên ngoài nhìn vào có vẻ như mọi việc rất ổn, nhưng khát vọng chinh phục bản thân đã buộc anh không thể đứng im một chỗ. Làm việc trong một tổ chức, đương nhiên không phải lúc nào cũng có thể làm được tất cả những điều mình mong muốn và cho là đúng, vì vậy, để được làm theo đúng khát vọng của mình, anh Vinh lại tự đặt ra cho mình mục tiêu mới - mở công ty riêng.

Có thể nói, những cuốn sách về sự phát triển của những công ty ở châu Á và về các vĩ nhân, doanh nhân, các tấm gương thành công mà anh Vinh hay đọc, đã tạo một động lực không nhỏ, thôi thúc anh dấn thân vào một con đường mới. Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách hay Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm… không những chỉ ra cho anh con đường hành động mới, mà đồng thời còn củng cố niềm tin về sự thành công tất yếu của những dự định mà anh đang ấp ủ.

Mọi thành công đều là sự tích lũy dần dần…

Lộ trình phát triển của Topaco là sự phát triển tự nhiên và tuần tự.

Trong tay chỉ có  20 triệu VND, cùng với số tiền của bốn người bạn  góp vào thành 80 triệu VND là số vốn tiền mặt ít ỏi ban đầu của của Công ty Nhật Minh (tiền thân của Toàn Phát) thành lập vào năm 2005. Có sẵn một số quan hệ với các đơn vị thuộc Tập đoàn Sông Đà đang thi công ở Sơn La, anh Vinh xách một chiếc laptop tới đây để tìm kiếm những hợp đồng thầu phụ, bắt đầu cuộc hành trình tạo dựng ra Công ty Cổ phần Xây dựng Toàn Phát (Topaco) với giá trị sản lượng theo kế hoạch lên tới 400 tỷ VND vào năm 2011 như hiện nay.

Lộ trình phát triển của Topaco là sự phát triển tự nhiên và tuần tự. Bắt đầu với những công việc vừa nhỏ vừa khó mà các công ty xây dựng khác không muốn làm của một nhà thầu phụ, đến thầu chính, tổng thầu, góp vốn cùng đầu tư… Mỗi một bước phát triển được đánh đổi bằng sự cam kết làm việc hết mình, tinh thần sáng tạo vượt lên trên mọi khó khăn và thậm chí là sự sát cánh cùng với chủ đầu tư khi họ có các khó khăn về tài chính.

Vạn sự khởi đầu nan, năm đầu tiên thành lập công ty, tối 30 Tết, do chủ thầu chính chưa thanh toán, không có tiền bù trước để trả lương cho công nhân, công nhân kéo đến nhà bố mẹ anh Vinh ở Ninh Bình rất đông để đòi tiền công. Bố mẹ anh vốn là nông dân không thể hỗ trợ anh về mặt tài chính, chỉ biết dùng danh dự của mình để giúp con thuyết phục những người công nhân, cùng anh vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Tết năm đó có lẽ cũng là một cái tết đáng nhớ nhất của anh Vinh cùng gia đình.

Buồn nhưng không nản là tâm trạng của anh Vinh khi đó. Anh cho biết, để vượt qua thử thách đó, ngoài sự động viên về tinh thần của bố mẹ, anh có được sự động viên rất lớn từ tri thức. Do đã nghiên cứu trước những hình mẫu thành công của các công ty như Hyundai, Deawoo, Sony, Mitsubishi… anh hiểu những khó khăn ban đầu như vậy là bình thường và các công ty đi trước đều đã phải trải qua những tình huống tương tự như vậy.

Sau hơn một năm khởi nghiệp với công việc của nhà thầu phụ, một nhà đầu tư đề nghị công ty anh Vinh làm nhà thầu chính cho một công trình… vừa nhỏ vừa khó. Công trình này đã được giao cho hai công ty xây dựng lớn khác và bị từ chối. Đó là một cái cầu bắc qua một con suối giữa hai vách núi chênh vênh. Khó ở chỗ, vì muốn đường thông sớm, nhà đầu tư muốn cầu hoàn thành trước khi đường được mở đến đây. Đường không có, việc vận chuyển vật liệu rất khó khăn. Cầu lại quá nhỏ để mở trước một con đường thi công. Nếu làm đường thi công, thì tiền làm đường còn cao hơn làm cầu.

Khi nghe lời đề nghị, anh Vinh đã phải suy nghĩ rất nhiều. Hai công ty lớn trong ngành xây dựng đã từ chối, liệu công ty của anh có đủ sức để đảm nhiệm không? Sau vài ngày suy nghĩ, tính toán phương án thi công, anh nhận thấy đây là một cơ hội để khẳng định mình trong vị trí nhà thầu chính nên đã quyết định nhận lời. Với sự sáng tạo của anh Vinh và các cộng sự, cùng sự đồng lòng của những người công nhân, công trình hoàn thành đúng hạn, đánh dấu sự chuyển biến bước ngoặt của Topaco – công ty bắt đầu có những hợp đồng làm nhà thầu chính. Cùng với sự phát triển này, các hoạt động tài chính của công ty đã được cân đối. Dù vậy, thu nhập khi đó của anh Vinh, sau khi công ty thành lập được hai năm, vẫn còn thấp hơn so với thời gian anh làm trưởng phòng kỹ thuật ở công ty cũ.

Bắt đầu từ cuối năm 2007, nhận được sự cảm mến và tin tưởng của nhiều nhà đầu tư, Topaco trở  thành nhà thầu chính của một số hạng mục của  Công trình Thủy điện Nậm Chiến 2 trị giá lên vài chục tỷ VND – đánh dấu bước đột phá mạnh mẽ của công ty. Đằng sau sự thành công là nỗ lực làm việc hết mình của anh Vinh. Anh đã phải làm việc 16-18 tiếng/1ngày, suốt ngày lăn lộn ngoài công trình, thậm chí, tuần trăng mật của vợ chồng anh cũng diễn ra tại Sơn La – nơi anh Vinh đang chỉ đạo thi công các công trình xây dựng…

Sang năm 2008, khi đang triển khai công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Chiến 2, diễn ra khủng hoảng kinh tế, ngân hàng thắt chặt tín dụng, chủ đầu tư không có tiền để trả, một vài nhà thầu đã dừng thi công hoặc trì hoãn công việc. Ngược lại, Topaco không lùi bước, kiên quyết vượt qua khó khăn về tài chính cùng với chủ đầu tư. Anh Vinh đã động viên các thành viên trong hội đồng quản trị của công ty cùng anh thế chấp nhà để vay tiền. Bản thân anh cũng đã về quê mượn sổ đỏ và cả sổ lương của bố mẹ để thế chấp vay tiền lấy vốn tiến hành công việc theo đúng cam kết về tiến độ, chất lượng với chủ đầu tư.

Bố mẹ anh Vinh rất thông cảm và đồng lòng cùng con vì một mục tiêu dài hạn hơn. Và sự nỗ lực của anh cùng các thành viên HĐQT cũng như của gia đình, đã góp phần không nhỏ giúp công trình Nậm Chiến 2 đã hoàn thành vượt dự kiến. Sự cam kết đồng hành này cũng đã giúp Toàn Phát tạo được uy tín lớn đối với giới đầu tư xây dựng.

Năm 2009, Topaco đã tích lũy đủ vốn để đầu tư 22% vào một nhà máy thủy điện có tổng mức đầu tư trên 400 tỷ VND – Công trình thủy điện Bắc Giang – Lạng Sơn. Đặc biệt, Hội đồng đầu tư sau khi kiểm tra kỹ năng lực của Topaco đã tin tưởng trao nhiệm vụ tổng thầu xây lắp của chính công trình này cho Công ty – đánh dấu một bước tiến mới của công ty. Đây chính là bước ngoặt chứng minh Topaco hoàn toàn đủ uy tín để đấu thầu những công trình trị giá vài trăm tỷ.

Thời gian 2009-2010, là thời gian phát triển nhanh chóng của Topaco. Hiện tại, tổng số nhân viên của Topaco khoảng trên 800 người, làm việc tại các chi nhánh Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Nghệ An, công trường tại Hòa Bình, một công ty con chuyên xây dựng đô thị và hai công ty liên kết.

Đây cũng là thời điểm công ty khủng hoảng về nhân sự lãnh đạo. Năng lực của lãnh đạo chưa đáp ứng được với sự phát triển quá nhanh của công ty. Thấu hiểu tầm quan trọng của tri thức, anh Vinh lại đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm cho bản thân, cho ban lãnh đạo và cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước. Gần đây nhất, anh Vinh được nhận bằng giỏi của Chương trình Đạo tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Grigg – Hoa Kỳ.

Anh Vinh chụp ảnh kỷ niệm cùng T. Harv Eker tại Khóa học Tư duy triệu phú


Anh Vinh và nhân viên Topaco tham dự Hội thảo "Chiến lược Kinh doanh tạo mưa tiền" của Diễn giả Adam Khoo.

Tri thức không những giúp cho Topaco giải quyết được khủng hoảng về lãnh đạo mà còn mạnh dạn đặt ra những mục tiêu lớn khác. Ban Lãnh đạo Topaco hiểu rằng một tổ chức không thể phát triển nếu không có một mục tiêu rõ ràng, xuyên suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, phải dám nghĩ lớn và hành động dứt khoát. Đó cũng là kinh nghiệm đã được đúc kết từ rất nhiều những doanh nhân thành công tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Đầu năm 2010, Hội đồng Quản trị của Toàn Phát đã thông qua chiến lược phát triển công ty với những con số ấn tượng, 100 triệu USD doanh số vào năm 2015 và 500 triệu USD vào năm 2020. Những con số này đã được công bố trên website www.topaco.vn  của Toàn Phát, chứng tỏ sự quyết tâm cao của Ban Lãnh đạo.

Tổng kết lại con đường đã đi qua của anh Nguyễn Ngọc Vinh, tôi rút ra “quy trình chuẩn” để đi đến thành công của một con người cũng như một tổ chức xin chia sẻ với các thành viên của Dự án Hoclamgiau.vn như sau:

1. Không đốt cháy giai đoạn, tuần tự đi từng bước từ thấp đến cao. Ví dụ trong trường hợp của anh Vinh là:
  • Đối với sự phát triển của 1 con người: Học sinh -> Sinh viên -> Thủ kho kiêm bảo vệ -> Kỹ sư chính -> Trưởng phòng Kỹ thuật -> Tự làm chủ -> Chủ một hệ thống.
  • Trong định hướng phát triển công ty: Thầu phụ -> Thầu chính -> Tổng thầu xây lắp -> Nhà đầu tư + Tổng thầu -> Tập đoàn trong nước -> Tập đoàn đa quốc gia.
2. Luôn đặt mục tiêu rõ ràng và cao nhất có thể cho từng giai đoạn trong cuộc sống. Cam kết hết mình để đạt được mục tiêu. Việc này giúp cho bạn có thể đạt được thành công cao nhất trong giai đoạn phát triển đó.

3. Giải bài toán ngược bằng cách tìm câu trả lời cho câu hỏi muốn đạt được mục tiêu đó, bạn phải làm gì?

4. Luôn đề cao tri thức, cam kết hết mình trong công việc và sống theo triết lý cho trước nhận sau, là các công cụ hữu hiện để hiện thực hóa các câu trả lời của bước 3 trong cuộc sống thực. Điều này đồng nghĩa với việc đạt được mục tiêu đề ra.

“Mọi thành công đều là sự tích lũy dần dần…” là câu nói tôi liên tục được nghe anh Vinh nhắc đi nhắc lại trong hơn 3 tiếng đồng hồ trao đổi. Từ nhịp điệu, đến nội dung câu có vẻ như toát lên một sự đều đều và buồn tẻ đối với những người đọc, nhưng khi được nghe lời nói đó trực tiếp từ một người nhiều lần trải nghiệm sức-mạnh-của-sự-tích-lũy, có thể bạn sẽ cảm nhận được sức nặng của một giọt nước khi rơi xuống phiến đá. Và đó cũng chính xác là cảm xúc của tôi.


Nguồn: Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter