Thị trường giải pháp phân tích kinh doanh đang thực sự nóng, và các nhà
cung cấp đang nhắm đến đối tượng khách hàng là các ngân hàng, doanh
nghiệp tài chính, viễn thông…
Giải
pháp phân tích kinh doanh có thể hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp
trong việc quản lý rủi ro và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. T.L
Giải
pháp phân tích kinh doanh được thiết kế cho phép nhanh chóng đưa ra kết
quả cho các yêu cầu về thông tin, một công việc mà trước đây thường
phải mất tới vài tuần.
Tiếp cận thị trường
Bà
Phạm Thị Thu Diệp, phụ trách thị trường phía Nam, Bộ phận Phần mềm của
Công ty IBM Việt Nam, nhận xét Việt Nam là một trong những thị trường có
tiềm năng lớn cho giải pháp phân tích kinh doanh. Nền kinh tế Việt Nam
đang phát triển, các doanh nghiệp ngày càng hướng tới những cách thức
làm việc thông minh hơn, quản lý tốt rủi ro và đáp ứng tốt nhất nhu cầu
của khách hàng, mà công nghệ phân tích kinh doanh có thể hỗ trợ đắc lực
để thực hiện việc này.
Còn theo ông Nguyễn
Quang Khải, Kiến trúc sư trưởng giải pháp, Công ty SAP Việt Nam, hiện
nay một trong những điều ưu tiên của các doanh nghiệp là tiết giảm chi
phí và tối ưu hóa hoạt động. Giải pháp phân tích kinh doanh sẽ hỗ trợ
quá trình cạnh tranh, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản
phẩm-dịch vụ. Nó cũng giúp cho các nhà quản lý xem xét lại quá trình
hoạt động của toàn doanh nghiệp, giảm bớt lỗi hệ thống để đạt hiệu quả
cao hơn hoặc nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, khi tình
hình mua bán sáp nhập giữa các tổ chức và doanh nghiệp trở nên phổ biến,
thì giải pháp phân tích kinh doanh sẽ giúp cho quá trình này diễn ra
nhanh chóng, đơn giản và mang lại nhiều giá trị.
Cả
IBM và SAP đều đưa công nghệ phân tích kinh doanh vào Việt Nam từ năm
2010 và đã ứng dụng tại một số ngân hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây
các doanh nghiệp này mới đẩy mạnh hơn hoạt động tiếp cận khách hàng
thông qua các cuộc hội thảo giới thiệu giải pháp.
Bà
Diệp cho biết, khi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, IBM nhận
thấy họ rất quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ phân tích kinh doanh.
Nhu cầu đang gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây, nhất là trong các
ngành như ngân hàng, tài chính, viễn thông và dịch vụ. Hiện nay, IBM đã
giới thiệu, tư vấn cho các khách hàng tập trung vào việc ứng dụng và
triển khai các giải pháp công nghệ trong phân tích kinh doanh, phân bổ
chi phí, phân tích doanh thu và tối ưu hóa lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro.
Ông
Khải cũng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam dần hiểu được những giá
trị mà những giải pháp phân tích kinh doanh mang lại. Họ đã nhận ra rằng
phương thức quản lý truyền thống không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế
hội nhập hiện nay. Để cạnh tranh được với các doanh nghiệp toàn cầu,
không có cách nào khác là phải trang bị những công cụ hữu hiệu như giải
pháp phân tích kinh doanh để hoạt động có hiệu quả và nâng cao khả năng
cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo bà Diệp, công nghệ
phân tích kinh doanh còn khá mới mẻ tại Việt Nam, chính vì vậy nhiều tổ
chức vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, học hỏi các kỹ năng, kiến thức
để ứng dụng và triển khai giải pháp này.
Qua
những cuộc khảo sát và đánh giá hằng năm, biết được nhu cầu gia tăng của
các doanh nghiệp, gần đây IBM đã tổ chức các chương trình giới thiệu,
các cuộc hội thảo rộng rãi, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về
tính cấp thiết, hiệu quả của việc áp dụng giải pháp, cách thức triển
khai cũng như những tư vấn về giải pháp phân tích kinh doanh phù hợp với
doanh nghiệp trong từng ngành và quy mô khác nhau. IBM đã giới thiệu
những bài học thành công của các doanh nghiệp ứng dụng giải pháp phân
tích kinh doanh trong khu vực cũng như tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận
thức, sự hiểu biết của các doanh nghiệp Việt, giúp họ từng bước tiếp cận
với xu thế của thế giới.
Bên cạnh đó, IBM cùng
với các đối tác trong nước kết hợp với các chuyên gia toàn cầu của mình
từng bước đưa các chương trình đào tạo về giải pháp phân tích kinh
doanh đến các doanh nghiệp, các trường đại học, nhằm nhân rộng sự hiểu
biết về giải pháp này cũng như chuẩn bị đội ngũ triển khai cho các doanh
nghiệp.
Sự khác biệt giữa các giải pháp
Các nhà cung cấp đưa ra những ý kiến khác nhau về ưu điểm của các giải pháp.
Ông
Khải cho rằng, ưu điểm lớn nhất của giải pháp của SAP là có thể sử dụng
được trong nhiều môi trường. SAP sẽ giúp kết hợp tất cả các hệ thống mà
hiện các doanh nghiệp đang sử dụng vận hành trơn tru trên một nền tảng
duy nhất. Bên cạnh đó, công cụ phân tích dữ liệu của SAP giúp doanh
nghiệp có được các số liệu đã xử lý và báo cáo thống nhất, nhanh chóng,
được tích hợp trong nền tảng phân tích dữ liệu SAP HANA và trên các ứng
dụng di động. Một ưu điểm nữa là doanh nghiệp chỉ phải mất chi phí cho
một lần nhưng được một giải pháp trọn gói toàn diện, không chỉ riêng hỗ
trợ phân tích và ra quyết định, mà là từ quản lý các vấn đề cốt lõi cho
tới quản lý các hoạt động phân tích rủi ro, tài chính và các hoạt động
back-office.
Cũng đưa ra giải pháp phân tích dữ
liệu như SAP và IBM, nhưng Oracle lại tích hợp nó trong một hệ thống
gọi là thiết bị xử lý dữ liệu lớn (Oracle Big Data Appliance) – trong
đó tích hợp phần cứng với tập hợp phần mềm để cung cấp một giải pháp
hoàn chỉnh, dễ triển khai để thu thập, tổ chức và phân tích dữ liệu.
Oracle Big Data Appliance, cùng với máy chủ cơ sở dữ liệu Oracle Exadata
và thiết bị phân tích Oracle Exalytics, giúp doanh nghiệp thu thập và
tổ chức nhiều loại dữ liệu khác nhau, phân tích chúng cùng với các dữ
liệu hiện có của doanh nghiệp để khám phá ra những thông tin mới và đưa
ra được những quyết định kinh doanh có hiệu quả nhất.
Ông
Sundar Ram, Phó chủ tịch phụ trách tư vấn bán hàng công nghệ, khu vực
châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Oracle, cho biết cách tiếp cận dữ
liệu lớn của Oracle giúp khách hàng tránh được việc phải thực hiện các
hoạt động tích hợp các cấu phần phần cứng và phần mềm thích hợp để hình
thành nên kiến trúc xử lý dữ liệu, giúp doanh nghiệp thuận tiện khi được
hỗ trợ bởi một nhà cung cấp giải pháp duy nhất.
So
với các giải pháp khác, IBM cho rằng giải pháp của mình có một số ưu
điểm. Thứ nhất, danh mục giải pháp phân tích kinh doanh của IBM mang lại
một tập hợp đầy đủ các khả năng phân tích ở nhiều cấp độ, bao gồm báo
cáo, báo cáo chuyên sâu, quản lý hoạt động, quản lý rủi ro, phân tích
mang tính dự báo và phân tích theo tình huống nếu - thì. Thứ hai, IBM
mang lại cho khách hàng những giải pháp đặc thù cho từng ngành công
nghiệp bao gồm tài chính - ngân hàng, bán lẻ, viễn thông và sản xuất.
Thứ ba, IBM có đội ngũ chuyên gia, tư vấn về phân tích kinh doanh hùng
hậu, trình độ chuyên sâu tại Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng trong
việc tư vấn và triển khai. Được xây dựng trên những nền tảng mở, các
giải pháp phân tích kinh doanh của IBM có thể được sử dụng độc lập - đơn
lẻ hoặc kết hợp cùng nhau, hoặc được sử dụng như một phần của giải pháp
tổng thể giải quyết những thách thức trong kinh doanh.
Công cụ số một để nâng cao tính cạnh tranh
Trả
lời phỏng vấn Thời báo Vi tính Sài Gòn, ông Philip Carter, Phó chủ tịch
IDC châu Á-Thái Bình Dương, cho biết tăng cường đầu tư vào các giải
pháp phân tích kinh doanh đang trở thành một xu hướng lớn tại các tổ
chức và doanh nghiệp tại châu Á, trong đó có Việt Nam, do họ ngày càng
hiểu biết hơn về lợi ích to lớn của công nghệ phân tích kinh doanh.
Các
cuộc nghiên cứu của IDC cũng chỉ ra rằng trên thực tế các doanh nghiệp
ứng dụng các giải pháp phân tích kinh doanh có xu hướng trở nên cạnh
tranh hơn gấp đôi so với đối thủ trong ngành. Ngoài ra, những nhà lãnh
đạo tại các doanh nghiệp mạnh nhất trên thị trường sử dụng công nghệ
phân tích kinh doanh nhiều gấp hai lần những người lãnh đạo ở nhóm doanh
nghiệp ít cạnh tranh nhất.
Trên
toàn cầu, IDC dự báo thị trường công nghệ phân tích kinh doanh sẽ đạt
39,9 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2012, tăng 8,2% so với năm 2011. Trong số này,
IDC dự đoán rằng thị trường phân tích kinh doanh tại Việt Nam sẽ đạt hơn
10,5 triệu đô-la Mỹ vào năm nay, tăng 17% so với năm ngoái. Như vậy,
mặc dù Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của ứng dụng công nghệ phân
tích, nhưng cũng có thể thấy rằng đây là phân khúc thị trường đang phát
triển rất nhanh trong ngành công nghệ thông tin-truyền thông tại Việt
Nam.
Theo
IDC, các tổ chức có nhận thức cao về những lợi ích và việc ứng dụng
công nghệ phân tích, và nhận thức này đang gia tăng mạnh mẽ. Vào năm
2011, IDC đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.000 giám đốc công nghệ
thông tin và các giám đốc bộ phận tại châu Á. Kết quả cho thấy, giải
pháp phân tích kinh doanh được xếp là công cụ số một trong việc đẩy mạnh
tính cạnh tranh của tổ chức.
Những
xu hướng này cũng đang diễn ra tại Việt Nam. Theo một cuộc nghiên cứu
của IDC với 40 nhà lãnh đạo CNTT ở Việt Nam, gần 40% trong số họ đặt ưu
tiên vào công nghệ phân tích kinh doanh và nhận rõ tính cấp thiết của
việc ứng dụng công nghệ này.
|
Vai trò của công cụ phân tích kinh doanh
Sự
phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và các phương
thức kinh doanh, tiếp thị phi truyền thống đã tạo ra sự bùng nổ dữ liệu
với khối lượng gia tăng mạnh mẽ với nhiều chủng loại, định dạng khác
nhau và đây chính là những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp bất kể
quy mô nào. Nguồn dữ liệu đó, nếu được xử lý tốt sẽ trở thành những
nguồn thông tin chính xác và chuyên sâu, giúp doanh nghiệp quản lý và đề
ra các chiến lược kinh doanh một cách chủ động, tạo ra lợi thế cạnh
tranh và đi trước đối thủ trên thị trường.
Ứng
dụng công nghệ phân tích kinh doanh giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp
nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận được những nguồn dữ liệu phù hợp để đánh
giá những chỉ số cơ bản về hoạt động và doanh thu của doanh nghiệp
trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh thành công, nhận diện được các
cơ hội kinh doanh mới và mang tới những sản phầm và dịch vụ đúng với
nhu cầu của thị trường và khách hàng. Bên cạnh đó, công nghệ phân tích
kinh doanh hỗ trợ phòng ban phụ trách về rủi ro của doanh nghiệp nhận
biết được những rủi ro trước khi chúng có thể xảy ra, qua đó có những
biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Ông
Charles Manuel, phụ trách bộ phận Phân tích kinh doanh, nhóm phần mềm
của IBM ASEAN, nói: “Nhờ khả năng đưa ra được những thông tin hay thậm
chí dự báo chính xác về các dịch vụ kinh doanh, xu thế thị trường, kỳ
vọng của khách hàng, công nghệ phân tích kinh doanh giúp các tổ chức có
khả năng dự báo những thay đổi có thể xảy đến trong tương lai, qua đó có
những quyết định cần thiết để duy trì hiệu năng tối ưu hoặc mở rộng
kinh doanh”.
|
Theo Vân Oanh
TBKTSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét