Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Xây dựng doanh nghiệp top 500 thế giới từ … những ý tưởng tồi

Để tạo ra nhiều công ăn việc làm, những người cầm trịch phải hiểu rằng con người còn quan trong hơn ý tưởng rất nhiều và ý tưởng không thôi thì chẳng là gì cả

Meg Whitman

Trong cuối sách The Coming Jobs War (Cuộc chiến việc làm đang tới), Chủ tịch của công ty tư vấn Gallup Jim Clifton đã đưa ra một nhận định táo bạo rằng các lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia đang dành quá nhiều quan tâm cho những sáng kiến và quá ít cho việc nuôi dưỡng những doanh nhân tài năng. Theo ông, đây là lối suy nghĩ ngược đời. Để tạo ra nhiều công ăn việc làm, những người cầm trịch phải hiểu rằng con người còn quan trong hơn ý tưởng rất nhiều và ý tưởng không thôi thì chẳng là gì cả. 

Chúng ta hãy cùng xem Jim Clifton chứng minh lý lẽ của mình ra sao qua một bài viết đã từng đăng tải trên tạp chí quản lý Gallup. 

Jim Clifton

Một trong những doanh nhân mà tôi rất thích là Wayne Huizenga. Trong sự nghiệp của mình, ông ấy phất lên nhờ 3 ý tưởng rất “xoàng”.

Khi còn làm quản lý về thu gom rác, Wayne đã quyết định mở công ty thu gom rác của riêng mình. Ý tưởng này rõ ràng chẳng hay ho gì vì việc thu gom rác từ trước đến nay vẫn rất ổn và người ta chẳng cần phải có thêm một công ty thu gom rác nữa để mà làm gì. Song, Wayne vẫn bắt tay vào gây dựng “cơ đồ” với rác. 

Wayne Huizenga

Và ông đã biến nó thành một doanh nghiệp hàng tỷ đô la chễm chệ trong danh sách Fortune 500, một doanh nghiệp đi đầu về bảo vệ môi trường trong khi vẫn rất có lãi và được khách hàng trân trọng, một nơi làm việc lý tưởng và một nguồn điện năng của thế giới. Doanh nghiệp ấy có thể bạn đã từng nghe tên: Công ty Waste Management.  

Câu hỏi ở đây là: Waste Management thành công được như ngày nay có phải là do ý tưởng không? Hẳn nếu không biết thì đa số mọi người vẫn sẽ trả lời là “đúng”, Wayne thành công là nhờ vào ý tưởng hơn là khả năng kinh doanh của mình.

Ý tưởng tiếp theo của Wayne lại còn tệ hại hơn, đó là cho thuê băng đĩa tại những cửa hàng, trung tâm buôn bán và những tòa nhà nhỏ có thương hiệu. Thế nhưng công ty ra đời từ ý tưởng đó – Blockbuster – lại trở thành doanh nghiệp thứ hai của Wayne kiếm được hàng tỷ đô mỗi năm và đứng trong danh sách Fortune 500. Blockbuster cũng là doanh nghiệp lớn ở Mỹ với hàng triệu khách hàng và hàng trăm ngàn nhân viên. 

Bằng cách đó, Wayne làm được điều mà chưa ai từng làm: ông tạo dựng được hai công ty trong danh sách Fortune 500 chỉ trong nháy mắt. Là ý tưởng hay là Wayne đã khiến hai công ty ấy đạt vị thế cao đến thế?

Một ý tưởng nữa khá là dở của Wayne: chuỗi cửa hàng bán ô tô đã qua sử dụng trên cả nước. Anh ấy gọi nó là Cty AutoNation và nó trở thành công ty tỷ đô thứ 3 của ông lọt vào danh sách Fortune 500. 

Vậy điều gì lý giải cho những thành công rực rỡ này: ý tưởng hay Wayne? Có vẻ như bất cứ ý tưởng nào mà Wayne chọn đều trở thành ý tưởng tốt cả. Cái công thức thành công dễ thấy trong trường hợp của Wayne là: “Dù ý tưởng thế nào thì vào tay Wayne đều trở thành ý tưởng tốt vì ông biết làm cho mô hình kinh doanh của ý tưởng đó hoạt động hiệu quả”. Chứ không phải: “Wayne là người biết chọn ý tưởng tốt”. 

Thế nhưng hầu hết những người cầm trịch vẫn cho rằng câu thứ hai mới là câu trả lời đúng. 

Tôi thì luôn cảm thấy rằng nếu bạn lấy đi của Wayne tất cả - nguồn lực tài chính, đội ngũ quản lý, tiền bạc, chìa khóa ô tô – và tống anh ấy vào một phòng trọ nhỏ ở khu trung tâm Miami thì khéo ở đó sẽ lại tòi ra một công ty Fortune 500. Bởi sự lạc quan tột bậc, ý chí sắt đá khôn cưỡng và nỗ lực vô biên, Wayne chẳng cần phải có ý tưởng đột phá nhưng ông vẫn có thể gây dựng một doanh nghiệp rất đỗi thành công. 

Vì thế, nghiên cứu con người là một lựa chọn khôn ngoan hơn nghiên cứu ý tưởng.

Bản tin 24 giờ? 

Một doanh nhân yêu thích nữa của tôi là Ted Turner. Với tôi, một kênh tin tức 24 giờ chẳng có vẻ gì là một ý tưởng sáng giá. Tôi đã từng nghiên cứu phản hồi của thị trường. Chẳng ai muốn xem thêm tin tức cả, mà những tin tức mà Ted dự kiến sẽ phát sóng chẳng qua chỉ là những báo cáo được tua đi tua lại. Tóm lại, chỉ cần nhìn qua cũng có thể thấy tin tức 24 giờ là ý tưởng quá “xoàng”. Nó chẳng là gì so với việc phát mình ra máy bay hay chiếc bóng bán dẫn hay vành đai bức xạ của Van Allen. 

Ted Turner

Dĩ nhiên, Ted Turner đã xây dựng được CNN, một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô có sứ mệnh hết sức cao cả từ một ý tưởng tầm thường và đòi hỏi nhiều công sức. 

Nhưng trong Ted Turner luôn bừng bừng một ý chí quyết tâm và tinh thần lạc quan vì thế bất cứ ý tưởng nào ông chọn  trong làng truyền hình đều trở thành “tuyệt vời”. Nguồn năng lượng của ông chỉ cần có nơi để tuôn trào và CNN là thứ nó đã tìm được. 

Rất nhiều người có ý tưởng hay. Nhưng đa số đều không thành công khi xây dựng doanh nghiệp.

Ý tưởng mới đây nhất của Ted Turner là nuôi trâu rừng và mở một chuỗi nhà hàng thịt trâu rừng. Thực sự là chẳng hay ho gì. Nếu có nghe thấy ý tưởng này chắc chả ai nói “Ôi trời, ước gì mình cũng nghĩ ra ý tưởng đó”. Thế nhưng có nhiều khả năng Ted sẽ biến ý tưởng tồi tệ ấy thành tiền bởi dù ý tưởng dở thế nào mà rơi vào tay Ted cũng sẽ trở thành nơi chất chứa tinh thần lạc quan và ý chí quyết tâm của ông. Và bên cạnh sự thành công của Ted là hàng ngàn công ăn việc làm cho những con người năng nổ và đầy nhiệt huyết.  

Để tôi điểm thêm một ý tưởng ngốc nghếch nữa: một trang internet nơi mà mọi người có thể bán đồ thải bỏ cho người khác – một kiểu hàng thùng 24/7 của thế giới. Với tôi, đây là ý tưởng dở nhất trong các loại ý tưởng. 

Thế nhưng, Meg Whitman lại chọn ý tưởng này để “làm ăn”. Kết quả là eBay ra đời. Không chỉ là công ty công nghệ mới đem lại nhiều lợi nhuận trong suốt 25 năm qua, eBay còn tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu khách hàng kinh doanh trên trang web của mình. Có thể eBay chỉ là một ý tưởng “xoàng” nhưng Meg đã làm nó trở thành ý tưởng tuyệt vời bởi bất cứ thứ gì bà chọn đều có khả năng thành công rất lớn.

Tinh thần lạc quan và lòng quyết tâm của Meg luôn là lá bùa hộ mệnh cho ý tưởng và cho những con người tìm được việc làm ở eBay. 

Là ý tưởng hay là khả năng kinh doanh? Cả hai. Nhưng điều quan trọng là bản thân ý tưởng sẽ chẳng có giá trị gì cho đến khi nó được một doanh nhân tài ba lựa chọn. 

Song, những doanh nhân thực thụ vô cùng hiếm. Vì thế chúng ta cần dành ưu tiêng hàng đầu cho doanh nhân bởi đó là nơi sản sinh ra công ăn việc làm. Rất nhiều người có ý tưởng hay nhưng đại đa số những doanh nghiệp mới đều thất bại. Thất bại không phải vì thiếu đam mê mà vì thiếu khách hàng. Mỗi ngày có hàng triệu doanh nghiệp ra đời nhưng chỉ có một số ít ỏi trong đó thành công bởi vì đa số đều chưa có đủ ý chí và tinh thần lạc quan.

Tài năng kinh doanh 

Một doanh nhân thực thụ phải là người có ý tưởng hút hồn anh ta hoàn toàn – một ý tưởng gần như trở thành nỗi ám ảnh, thành lối sống, lối suy nghĩ của người đó. Nỗi ám ảnh ấy tạo nguồn năng lượng nuôi dưỡng tinh thần lạc quan và ý chí quyết tâm. 

Doanh nghiệp nào cũng có những khó khăn nhưng những doanh nhân tài năng lại thích đón nhận những khó khăn ấy. Còn những doanh nhân kém cỏi thì bị những khó khăn ấy hạ gục. Vì thế khao khát làm doanh nhân thôi thì chưa đủ. Khuyến khích mọi người trở thành doanh nhân bình thường – đi học, vay tiền và mở công ty – là dẫn họ đến với thất bại. 

Xét ở khía cạnh đầu tư, trong môi trường kinh doanh mới, nhà đầu tư luôn phải hỏi mình đang đầu tư vào cái gì: con người hay ý tưởng. 

Những nhà tâm lý học giáo dục có thể phân loại khả năng tiếp thu bẩm sinh của đủ mọi sinh viên một cách chính xác đến khó hiểu. Những bài kiểm tra SAT và IQ gián tiếp chỉ ra những học viên tiềm năng ở lĩnh vực khoa học, toán học, ngôn ngữ, công nghệ, y tế và kỹ thuật. Nhưng nếu bảo những nhà tâm lý học ấy xếp loại vẫn những sinh viên ấy theo khả năng kinh doanh, có lẽ họ cũng khó mà làm được. 

Một số người cầm trịch cho rằng ai cũng có thể trở thành doanh nhân nếu được đào tạo. Đây là quan niệm sai lầm. Kinh doanh là một năng khiếu hiếm có. Theo ước tính của tôi, chỉ có 3/1000 người có khả năng gây dựng doanh nghiệp với doanh thu bằng hoặc lớn hơn 50 triệu USD.

Và trong khi hệ thống giáo dục đã xác định được quy trình đào tạo để có được những học viên tốt nhất, người ta vẫn còn rất mơ hồ về việc bồi dưỡng cho những doanh nhân có tài. Điều này lý giải tại sao có quá nhiều ý tưởng và quá ít doanh nhân có khả năng. 

Theo TTVN/Businessinsider

Không có nhận xét nào:

Flag Counter