Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Khởi sự doanh nghiệp xã hội ngay trong thời khủng hoảng


Khi nền kinh tế vẫn còn chật vật, thật khó để bắt đầu một dự án xã hội. Kinh doanh thu lợi nhuận còn khó, nữa là những công việc với mục tiêu cải thiện thế giới.
Nhưng có một số quan điểm rằng, thời điểm khó khăn có thể làm tăng mối quan tâm đến các dự án xã hội. Ông Wes Selke, nhà quản lý đầu tư của công ty vốn đầu tư mạo hiểm Good Capital tại San Francisco nói: “Tôi có cảm giác rằng suy thoái lại khiến ngày càng nhiều người muốn đầu tư vào các công ty làm đúng việc, đúng cách, ngay từ lúc bắt đầu.” Có ít nhất 3 quỹ đầu tư “kinh doanh mang tính xã hội” đã gây quỹ được hơn 100 triệu USD trong vòng hai năm trước: Quỹ Ignia, Leapfrog Investments và Micro Vest.
Theo ông Del Nelson, đối với một doanh nghiệp xã hội, người ta kì vọng sứ mệnh xã hội ít nhất cũng phải được coi trọng ngang với sứ mệnh thu lợi nhuận. Do đó, tập đoàn thuốc lá Philip Morris dù có quyên góp hào phóng đến thế nào cho các hoạt động nghệ thuật và xã hội, cũng không lọt được vào danh sách. Nhưng nếu doanh nghiệp coi một thách thức kinh tế xã hội hay bảo vệ môi trường như nỗi trăn trở của mình – ví dụ như bán đèn năng lượng mặt trời giá rẻ cho các thôn làng thiếu điện – thì doanh nghiệp đó sẽ được cân nhắc là doanh nghiệp xã hội. (Ông Del Nelson là giám đốc điều hành Mạng lưới Doanh nghiệp Xã hội, một tổ chức của khoảng 500 giám đốc điều hành, nhà sáng lập công ty, các lãnh đạo và nhà đầu tư phi lợi nhuận.)
Với những ai đang tìm cách bắt đầu những doanh nghiệp như vậy, các nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư xã hội đưa ra một số lời khuyên như sau.
Kiếm tiền cũng tốt
Nếu bạn chọn mô hình vì lợi nhuận, hãy đi theo hướng đó mà không cần cảm thấy tội lỗi gì cả. Một vài năm trước, Assaf Shafran đã thành lập một công ty phi lợi nhuận tại Israel chuyên cung cấp hệ thống chuyên chở những người hồi đáp đầu tiên trong các tình huống khẩn cấp (như nhân viên cứu hỏa hay kỹ thuật viên y tế khẩn cấp) dựa trên điện thoại thông minh.
Nhưng doanh nghiệp xã hội của anh, với cái tên IsraelLife, có một khoảng thời gian không thể đưa hệ thống đến với các tổ chức tình nguyện, chủ yếu bởi vì các tổ chức này nghi ngờ chuyện cho không – họ nghi ngờ bên anh sẽ yêu cầu quyền lợi độc quyền hay giở thói quan liêu. Anh Shafran đã quyết định không làm việc tốt nữa, mà sẽ đem bán hệ thống. Năm 2008, anh cùng nhóm của mình thành lập công ty vì lợi nhuận, gọi tên là NowForce, hiện giờ đã mở rộng sang Mỹ. Doanh nghiệp đã gây được 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư cá nhân, và anh Shafran hi vọng doanh thu sẽ vượt mức 3 triệu USD trong năm nay.
Chọn đi theo mô hình vì lợi nhuận, có thể sẽ bắt bạn phải dán mắt vào bảng cân đối kế toán trước khi giải phóng được sứ mệnh xã hội của mình, mà theo như bà Lisa Lorimer, nguyên giám đốc điều hành của công ty Vermont Bread, công ty chuyên sản xuất bánh quy hữu cơ từ năm 1978, thì “Bạn không thể trả cho nhân viên của mình một mức lương đủ sống nếu bạn không có tiền trong ngân hàng”
Vốn đầu tư mạo hiểm không phải là lựa chọn duy nhất.
Huy động vốn cho doanh nghiệp xã hội có lẽ khó khăn hơn gây quỹ cho doanh nghiệp truyền thống. Một vài nhà khởi nghiệp thích tự gây vốn và vay ngân hàng. Một vài người khác theo đổi vốn đầu tư mạo hiểm, và họ chấp nhận điều không thể tránh khỏi - đánh mất quyền kiểm soát.
Vermont Bread bắt đầu công ty với một cam kết sẽ trả cho nhân viên “mức lương đủ sống” – tức là cao gấp 3-4 lần so với mức lương thấp nhất của hầu hết các đối thủ cạnh tranh. Công ty cũng cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và mua nguyên liệu từ các nông trang bền vững ở địa phương, điều này lại càng góp phần vắt kiệt lợi nhuận.
Kêt quả là, công ty tăng trưởng rất chậm chạp. Tại thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp làm bánh nói rằng Vermont Bread thiếu thực tế khi cố bán sản phẩm hữu cơ (với thời hạn sử dụng ngắn) và cố trả tiền bảo hiểm cho nhân viên. Tuy vậy, Vermont Bread lúc đó cũng đã tìm được một ngân hàng địa phương cung cấp các khoản vay nhỏ, nhờ đó doanh nghiệp non trẻ này có thể mua được thiết bị - một chiếc chảo rán, một chiếc xe tải, một lò nướng bánh pizza.
Hãy thận trọng với tăng trưởng. Năm 2005, James Gutierrez thành lập ngân hàng Progreso Financiero tại Mountain View, California. Ngân hàng này cung cấp các khoản vay nhỏ, trung bình khoảng 1.000 USD cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ vốn không có hoặc có rất ít tiền lệ tín dụng, thông qua quầy hàng tại các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc Tây Ban Nha ở California và Texas. Người đến vay thường sử dụng khoản vay để mua xe tải chở hàng hay các thiết bị khác.
Anh Gutierrez năm nay 33 tuổi, ông bà của anh là dân nhập cư từ Mexico đến Mỹ. Anh có ý tưởng hình thành Progreso Financiero như một dự án nghiên cứu “khởi nghiệp xã hội” khi anh còn đang học MBA tại Stanford. Anh muốn tìm hiểu xem liệu việc cho vay các khoản nhỏ có thể giúp được hàng triệu người nhập cư tại Mỹ hay không. Anh khởi đầu tại một siêu thị Mexico ở Đông Los Angeles.
Trước đây khá lâu, anh điều hành các quầy hàng tại 16 cửa hàng Sears and Kmart, mà anh từng nghĩ sẽ trở thành viên nam châm hút các gia đình nhập cư. “Chúng tôi đã nghĩ đây là một cơ hội lớn, một cách thức tuyệt vời để tăng trưởng nhanh chóng”, anh nói. Nhưng mọi việc lại không diễn ra như vậy.
Sears and Kmart đã đóng cửa các quầy hàng của Progreso vì khối lượng cho vay của họ quá ít. Gutierrez nói về bài học đáng giá: “Chúng tôi phát hiện ra rằng siêu thị bình dân phải là nơi mà mọi người đến 3 lần 1 tuần, chứ không phải là chuỗi cửa hàng toàn quốc”.
Progreso thu lãi suất trung bình 36% trên các khoản vay, gần như gấp đôi lãi suất trên thẻ tín dụng của ngân hàng nhưng lại ít hơn nhiều so với lãi suất mà các hãng dịch vụ cho vay ngắn ngày vẫn thu. Nếu người vay trả nợ đúng hạn, Progreso sẽ cấp cho họ những điều khoản tốt hơn cho những khoản vay tiếp theo. Với 480 nhân viên, công ty thu được 75 triệu USD từ vốn đầu tư mạo hiểm và thêm 75 triệu USD nữa từ vay nợ, và cung cấp cho khách hàng hơn 160.000 khoản vay. Tỉ lệ lỗ của Progreso là từ 5 – 10%. Gutierrez nói anh kì vọng ngân hàng của mình sẽ bắt đầu có lợi nhuận từ năm sau.
Hub Ventures, Social Venture Network, Echoing Green, Invested Development và Unreasonable Institute, tất cả đều cung cấp dịch vụ cố vấn và cơ hội cho các nhà đầu tư.
Vẫn thuê được người tài
Mặc dù trả ít tiền hơn so với các công ty cùng ngành, doanh nghiệp xã hội vẫn có khả năng thuê được người tài.
Mathieu Senard là giám đốc điều hành của Alter Eco Americas, một công ty tại San Francisco chuyên bán các sản phẩm hữu cơ của Fair Trade, bao gồm sôcôla đen, diêm mạch, gạo và đường cho các hãng bán lẻ. (người mua của Fair Trade đưa ra mức giá cao hơn giá thị trường nhằm thúc đẩy sự bền vững tại các nước đang phát triển.)
Ông Senard và Edouard Rollet đã thành lập Alter Eco tại Mỹ năm 2005, với hi vọng đẩy lùi được nghèo đói nhờ kinh doanh. Họ mua sản phẩm giá cao tại các nông trang tập thể nhỏ ở các nước phát triển. Ông Senard kì vọng doanh thu sẽ tăng lên 5 triệu USD trong năm nay, so với 3 triệu USD năm ngoái.
Senard lo rằng mình không thể thu hút được người tài trong ngành. Và một bất ngờ lớn đã xảy ra, khoảng 4 năm rưỡi trước, khi Kate Tierney, phó chủ tịch bán hàng tại một nhà phân phối thực phẩm thiên nhiên lớn, đã đồng ý tham gia ban quản trị Alter Eco.
Bà Tierney đã giới thiệu Alter Eco tới các đại lý và các hãng bán lẻ có tầm ảnh hưởng. Bà gia nhập đội ngũ điều hành Alter Eco trong một chuyến tới thăm khu nông trang tập thể tại Thái Lan. Sau khoảng 3 ngày ở ngôi làng nhỏ, bà Tierney đã nói với ông Senard rằng bà dự định từ bỏ công việc hiện tại để đến làm việc cho ông. Ông Senard kể lại: “Tôi lúc đó giống như một con nai ngơ ngác trước ánh đèn pha vậy. Tôi nói: Chúng tôi không đủ tiền để trả lương cao cho bà. Chúng tôi chỉ có thể trả được 1 nửa so với mức lương hiện tại của bà thôi.” Không nhụt chí vì điều đó, bà Tierney vẫn gia nhập Alter Eco và bà đã giúp công ty tăng gấp đôi doanh số.

Theo NyTimes

Không có nhận xét nào:

Flag Counter