Nhiều cuộc chuyển giao đầy khó khăn, thậm chí thất bại do các mối quan
hệ cha - con, dâu - rể, vợ lớn - vợ nhỏ, con riêng - con chung... Đó có
thể xem như sự thất bại của chuẩn mực văn hóa...
“Chuyển
giao cơ nghiệp” không phải là chuyện gì bí mật đối với các doanh nghiệp
mà là chuỗi nối tiếp của khởi nghiệp. Thành công (và cả thất bại) của
một doanh nghiệp đều nằm trong quá trình vận hành cơ nghiệp, và đến thời
điểm thích hợp nào đó thì các thế hệ đi trước phải tính đến bài toán
chuyển giao cơ nghiệp. Tuy nhiên, chuyển giao cơ nghiệp như thế nào cho
thành công, đó mới là điều cần bàn.
Doanh
nghiệp gia đình là hình thái phổ biến nhất, có thể nói chiếm hơn hai
phần ba số doanh nghiệp đang sử dụng hơn một phần hai lực lượng lao động
của toàn cầu.
Tuy nhiên “cơ nghiệp gia đình”
trong nền kinh tế toàn cầu không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cũng có
nhiều cuộc chuyển giao đầy khó khăn, phức tạp, thậm chí thất bại do các
mối quan hệ cha - con, dâu - rể, vợ lớn - vợ nhỏ, con riêng - con
chung... Ở đây cũng có thể xem như sự thất bại của chuẩn mực văn hóa khi
chuyển giao cơ nghiệp.
Cụ thể như đã từng xảy
ra trong gia đình Tập đoàn Formosa (Đài Loan) giữa các con và người vợ
thứ ba của ông Vương Vĩnh Khánh. Hay mới đây là sự tranh chấp trong dòng
họ Quách thuộc tập đoàn bất động sản lớn nhất Hong Kong Tân Hồng Cơ
(tháng 3-2012), kết quả là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành đều bị
câu lưu. Nghe nói đằng sau sự việc là do ông anh lớn và cô vợ không được
lòng bà mẹ, đã tố cáo sự vụ nội bộ Tân Hồng Cơ.
Còn
biết bao nhiêu vụ việc trong cái thế giới mênh mông và thiếu vững chắc
của khối tài sản luôn luôn chuyển hóa... Và chắc chắn trong muôn vàn
doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cũng có những doanh nghiệp không
thoát khỏi dòng xoáy đổ vỡ khi chuyển giao. Có doanh nghiệp chuyển giao
thành công thì cũng có doanh nghiệp chuyển giao thất bại.
Thực
tế cho thấy không phải cứ có cơ nghiệp, có của chìm của nổi là cứ thế
mà hưởng. Và sẽ là mơ hồ khi cho rằng chuyển giao là có thể bảo toàn cái
cơ nghiệp vĩ đại đó. Nhiều bài học thực tiễn cho thấy nếu một chủ doanh
nghiệp đến lúc gần qua đời mới mời con cái lại để giao tài sản thì có
lẽ ông ta dù có mở mắt vẫn không biết cơ nghiệp tương lai sẽ đi về đâu.
Có người thì lại sẵn sàng giao cho người con thứ chứ không phải là người
con trưởng do có thời gian đánh giá năng lực con cái. Có người thì
không giao cho bất cứ người con nào mà lại giao cho một “bà hàng xóm” dễ
thương, luôn quan tâm ông khi người vợ đã khuất... Những tréo ngoe
trong cuộc sống làm tăng thêm hương vị mặn ngọt nhưng rõ ràng cũng sẽ
rất chua xót khi phải “đáo tụng đình” hoặc lâm cảnh “nồi da xáo thịt”.
Để
chuyển giao thành công cần có một chuẩn mực nhất định mà quan trọng
nhất là phải xác định mục tiêu chuyển giao. Chuyển giao cơ nghiệp nào?
Ai là người thích hợp? Nền tảng lâu dài được xây dựng trong gia đình có
kết hợp các giá trị về sự nghiệp, giáo dục, văn hóa và tài chính hay
không? Đây là công việc lâu dài và cần có trọng tâm, định hướng. Khuynh
hướng thường thấy là nhiều chủ doanh nghiệp đã tự đánh giá mình học lực
thấp, lại thêm tính cạnh tranh khốc liệt của thương trường, nên họ đã
định hướng cho con cái phải học bù những cái mà họ thiếu để có thể vững
vàng nhận bàn giao cơ nghiệp.
Tâm huyết với cơ
nghiệp gia đình thường được xem là nền tảng mà thế hệ được chuyển giao
phải có (dù là tiềm ẩn) ngay từ khi còn học phổ thông và phải có sự va
chạm thực tế để có thể lộ diện dần đâu là sự thích nghi công việc, ứng
xử với cơ nghiệp của cha mẹ.
Một việc nữa cũng
khá quan trọng là cần hài hòa lợi ích sự nghiệp gia đình với các đồng
sự, công nhân viên trong công ty. Mặc dù ai cũng hiểu đây là sự nghiệp
của một gia đình nhưng cách điều hành của cả hệ thống không bộc lộ quá
rõ nét là “gia đình trị”, mà hãy mở rộng nhiều cửa sổ, nhiều không gian
cho các tài năng đang nằm trong guồng máy vận hành sản xuất - kinh doanh
để họ có thể bộc lộ khả năng sáng kiến và làm lợi doanh nghiệp. Cũng
cần mạnh dạn “cầu hiền” bằng cách đi tìm người quản trị tài năng hơn
người trong gia đình mà không lo bị chi phối về phí tổn bởi thành công
mà người quản trị tài năng mang lại cho doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều.
Người
được chuyển giao cơ nghiệp cần tạo được sự cân bằng giữa gia đình và
các cộng sự trong doanh nghiệp, cho họ nhiều thông tin cần thiết, kể cả
những thông tin không thuận lợi trong kinh doanh. Chính các cộng sự sẽ
giúp đưa ra các cách xử lý và giải quyết khách quan, phát huy thêm sức
mạnh cơ nghiệp của gia đình.
Trong thế giới của
ba hình thái doanh nghiệp đang khá phổ biến hiện nay là công ty gia
đình, tập đoàn đa ngành và doanh nghiệp sở hữu nhà nước thì công ty gia
đình dễ trụ lại hơn khi mà kinh tế toàn cầu khó khăn, thị trường sụp đổ.
Công ty gia đình sẽ dễ dàng vượt qua thức thách, giữ được cơ nghiệp nếu
“biết tiến biết thoái”, biết chuyển giao “đúng lúc, đúng người”.
Theo Đỗ Long - Chủ tịch HĐTV Công ty Bita’s
TBKTSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét