Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Những câu chuyện khởi nghiệp của Doanh nhân trẻ


Dưới đây là những câu chuyện khởi nghiệp của một số doanh nhân trẻ tuổi thuộc thế hệ 7X, 8X. Gặp khó khăn thử thách họ vẫn không nản, vấp ngã rồi lại đứng dậy tạo cho mình một cơ hội khác…

Dưới đây là những câu chuyện khởi nghiệp của một số doanh nhân trẻ tuổi thuộc thế hệ 7X, 8X. Gặp khó khăn thử thách họ vẫn không nản, vấp ngã rồi lại đứng dậy tạo cho mình một cơ hội khác…


Đam mê bộc phát
Đang làm Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nani, chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi tôm, men vi sinh thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ… có văn phòng ở quận Tân Phú, TPHCM, anh Nguyễn Văn Thắng quyết định mở thêm quán đặc sản hàu tại huyện Củ Chi, nơi Công ty Nani đặt nhà máy sản xuất.
Anh kể: một người bạn thân ở miền Trung nhiều lần thúc tôi nên mở quán bán hàu và các loại hải sản vì nguồn hàng đảm bảo quanh năm, mua được tận gốc khá rẻ, bán ở thành phố chắc chắn sẽ lời nhiều. Nức lòng trước cơ hội kinh doanh mới, anh cùng vợ và người thân về Củ Chi thuê mặt bằng mở quán.
“5 giờ sáng mỗi ngày, vợ chồng tôi đi ô tô xuống Củ Chi để nhận hàng từ ngoài quê gửi vào, đi chợ chuẩn bị cho một ngày buôn bán. Đến 12 giờ khuya mới lên xe về nhà ở quận Tân Phú”, anh cho biết.
Sau những ngày đầu buôn bán tấp nập, quán đặc sản hàu dần vắng khách. Buôn bán ế ẩm, mỗi ngày còn tốn đủ thứ chi phí, chỉ sau gần nửa tháng hoạt động quán đã lỗ trên 100 triệu đồng.
Vợ thì phát bệnh, con cái không ai chăm sóc, cuối cùng anh quyết định đóng cửa quán, chuyên tâm cho công việc chính. Một năm sau, trong lúc tâm sự với bạn bè, anh thừa nhận mình thất bại vì đã đầu tư vào lĩnh vực không hề am hiểu.
Cũng nhạy bén không kém trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, anh Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lai Cung Én Phúc Sang, quận 1, đã mở công ty in áo thun vào quí 4-2008. Đối tượng khách hàng của công ty là lứa tuổi mới lớn muốn thể hiện cái tôi trước đám đông.
Anh Lộc cho biết công ty luôn chú trọng khâu thiết kế, sáng tạo nên tất cả nhân viên, họa sĩ đều rất tự do trong giờ làm việc. “Môi trường làm việc ở công ty thoải mái đến mức tất cả nhân viên được tự do quá mức cần thiết. Mọi người vừa làm việc vừa uống cà phê, vừa nghe nhạc nên không gian làm việc hỗn loạn, ồn ào. Cái tôi của ai cũng bộc lộ quá đáng, có hứng thì làm, không thì ngồi tán chuyện. Kết quả là công ty thường xuyên trễ nải trong việc giao hàng cho khách. Các thành viên sáng lập xung đột với nhau, một số người đã phải ra đi”, anh Lộc kể.
Rút kinh nghiệm, công ty đã tổ chức lại bộ phận nhân sự nòng cốt, lên kế hoạch đào tạo nhân viên chuyên nghiệp hơn. “Khoảng đầu năm 2009, chúng tôi đã sử dụng phần mềm quản lý công việc dành cho bộ phận sáng tạo, thiết kế mẫu. Công ty vẫn khuyến khích nhân viên sáng tạo, nhưng là sự sáng tạo và tự do trong khuôn khổ. Đến cuối giờ làm việc nhân viên phải nộp mẫu thiết kế cho bộ phận quản lý”, anh Lộc cho biết.
Còn anh Nguyễn Minh Hoàng, quê ở Daklak, sau nhiều năm bôn ba làm việc lúc ở Khánh Hòa, lúc ở TPHCM trong lĩnh vực kinh doanh dầu nhớt đã phải cuốn gói về quê chỉ vì công ty giảm biên chế. Lương của Hoàng ở thời điểm năm 2001-2002 là 10 triệu đồng/tháng. Từ số tiền tích lũy cộng với vay mượn từ gia đình tất cả được 700 triệu đồng, Hoàng mở tiệm kinh doanh Internet tại huyện Dak Min. Năm 2005, công việc kinh doanh đang thuận lợi thì cửa hàng của anh bị sét đánh, gần 60 chiếc máy vi tính cho thuê đã biến thành đống phế liệu. Đến năm 2007, Hoàng quyết định quay lại TPHCM.
Đường nhiều lối rẽ
Hùn hạp với một số người bạn, Hoàng tham gia kinh doanh đồ gỗ nội thất. Kinh nghiệm chưa nhiều, cộng thêm quá tin tưởng vào bạn bè nên lần này anh lại trắng tay. “Tất cả tài sản đều đội nón ra đi, chỉ còn lại mỗi chiếc xe đạp. Thời gian đó tôi còn không dám gọi điện thoại về nhà”, Hoàng kể.
Thời gian nguôi ngoai, sang năm 2008, quan sát thấy nhu cầu thưởng ngoạn tranh, thư pháp chữ Quốc ngữ đang trở lại, anh lại nhảy vào thương trường.
Anh cho biết tuy vẫn thất bại nhưng những kiến thức tiếp thu được đã giúp anh phát hiện một số loại gỗ có thể ứng dụng vào việc sản xuất đồ mỹ nghệ độc đáo. Từ đó anh chọn dòng thư pháp, tranh, lịch mỹ nghệ và khay trà làm bằng gỗ để kinh doanh vì chưa có ai làm.
Do vốn ít, không có điều kiện thuê mặt bằng, Hoàng đã sử dụng căn phòng trọ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, làm văn phòng giao dịch. Việc thiết kế mẫu thì nhờ bạn bè có tay nghề hỗ trợ, tranh, lịch thì đặt các cơ sở ở tỉnh Bình Dương gia công. “Công việc của tôi là tìm địa chỉ e-mail của các doanh nghiệp để gửi thông tin chào hàng. Nếu khách có nhu cầu, tôi sẽ mang sản phẩm đến tận nơi cho họ xem. Đây chính là sự khác biệt so với dòng sản phẩm tương tự được bán ở các cửa hàng, nhà sách, siêu thị”, Hoàng nói.
Anh cho biết do những sản phẩm này được làm thủ công nên năng lực cung ứng trong năm 2008-2009 chỉ đạt khoảng 500 sản phẩm/tháng. Sau hai năm hoạt động, năng lực cung ứng sản phẩm của Hoàng đã nâng lên khoảng 1.000 sản phẩm/tháng. Theo kế hoạch, bên cạnh trang web tranhgomynghe.vn, trong năm 2010 Hoàng sẽ thành lập công ty để thuận tiện trong việc kinh doanh.
Còn anh Lộc cho biết trước đây đã có người cho rằng thương hiệu “áo thun.vn” sẽ không tồn tại lâu vì thị trường trong nước chưa quen với những sản phẩm cá nhân hóa, chỉ mặc một hai lần rồi bỏ, giá mỗi chiếc áo thun cũng khá cao, từ trên 100.000-148.000 đồng. Để chinh phục người tiêu dùng trẻ tuổi, Công ty Lai Cung Én Phúc Sang đã thiết kế diễn đàn trên một trang mạng, tặng điểm thưởng cho bạn trẻ nào đưa ra được những ý tưởng thiết kế áo thun, giới thiệu đến mọi người cùng biết đến “áo thun.vn”.
Mỗi điểm thưởng tương ứng với 1.000 đồng. Chỉ hơn một năm mở diễn đàn, số lượng thành viên trên mạng đã tăng lên hơn 3.000 người. Thương hiệu “áo thun.vn” cũng dần được biết đến tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… Từ giữa năm 2009 đến nay, tình hình kinh doanh của công ty đã dần ổn định nhờ việc tiếp thị sản phẩm đến gần hơn với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Anh Thắng ở Công ty Nani cho biết trong thời gian làm ăn khó khăn, từ năm 2008 đến những tháng đầu năm 2009, đầu óc của anh lúc nào cũng căng như dây đàn.
“Hàng hóa bán không được, công nợ dài hạn không thu hồi được do nông dân nuôi tôm, cá thất bại. Tuy công ty gặp khó khăn những không thể cho nhân viên nghỉ việc vì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Cũng không thể lấy lý do kinh doanh khó khăn mà không tăng lương cho họ, trong khi thu nhập của họ chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng, giá cả sinh hoạt lại không ngừng gia tăng. Tôi chấp nhận giảm lợi nhuận hơn phân nửa nhằm ổn định sản xuất, duy trì chất lượng hàng hóa với hơn 40 loại men vi sinh, phân bón hữu cơ, thuốc xử lý môi trường”, anh nói.
Nhờ một số giải pháp đó mà Công ty Nani đã có thêm nhiều khách hàng mới, doanh số bán hàng tăng trở lại.
Đến tháng 6-2010, mặc dù chưa đạt được doanh số kỳ vọng 1 tỉ đồng/tháng nhưng đầu óc anh Thắng đã bớt căng thẳng. Anh cho biết: “Khi tôi hiểu ra doanh nghiệp tồn tại là nhờ chất lượng sản phẩm, kinh doanh bằng cái tâm chân thật thì nhân viên mới gắn bó lâu dài với mình và đó mới chính là tài sản của công ty”.

Không có nhận xét nào:

Flag Counter