Ông Bill McDermott (phải) và ông Jim Hagemann Snabe, hai Tổng Giám đốc của Tập đoàn Công nghệ SAP.
Vào giữa đêm 15.2.2012, một ứng dụng mới có tên là Recalls Plus đã có mặt trong kho ứng dụng App Store của hãng máy tính Apple. Ứng dụng này sẽ báo động cho các bậc cha mẹ khi xuất hiện những vụ thu hồi trên thị trường, từ các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em đến ghế ngồi ôtô và cho phép họ chia sẻ các thông tin này với bạn bè.
Doanh số bán phần mềm dựa trên nền tảng đám mây tại SAP năm 2013 được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm 2009
Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên về Recalls Plus ngoại trừ 3 ký tự nhỏ xíu xuất hiện ở cuối phần mô tả về ứng dụng: SAP. Sự ngạc nhiên này cũng là dễ hiểu, vì Recalls Plus là ứng dụng miễn phí đầu tiên mà SAP, một tập đoàn công nghệ Đức, dành cho người tiêu dùng. Xưa nay, SAP chỉ chuyên cung cấp các phần mềm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với giá hàng triệu USD.
Recalls Plus chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy những thay đổi lớn đang diễn ra tại tập đoàn này dưới sự lãnh đạo của 2 vị Tổng Giám đốc (CEO) Bill McDermott và Jim Hagemann Snabe.
Những thay đổi lớn
Kể từ khi điều hành SAP vào tháng 2.2010, McDermott và Snabe đã đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm, thực hiện một số thương vụ mua bán và sáp nhập táo bạo và đưa SAP trở nên thân thiện hơn với khách hàng vốn đã mất niềm tin vào tập đoàn này. Và Recalls Plus là bằng chứng cho thấy Tập đoàn đang vươn ra ngoài lĩnh vực truyền thống của mình (tức cung cấp các phần mềm cho doanh nghiệp), đầu tư vào các công ty có thế mạnh về di động, điện toán đám mây và phân tích thời gian thực.
Một số người có thể cảm thấy khó hiểu về sự chuyển hướng này giữa lúc SAP đang tận hưởng một vị thế đáng thèm muốn trên thị trường: khoảng 80% trong 500 doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune 500 (500 công ty hàng đầu của Mỹ theo bình chọn của Fortune) sử dụng phần mềm SAP để phục vụ việc lên kế hoạch hàng tồn kho và 63% giao dịch tài chính trên toàn thế giới được xử lý thông qua các phần mềm của SAP.
Mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp tại SAP nếu khách hàng của Tập đoàn không bắt đầu suy nghĩ lại về cách họ mua và sử dụng phần mềm. Nhân viên của họ chính là lý do dẫn đến sự thay đổi này: Người lao động đang ngày càng muốn đưa các thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh và máy tính bảng vào nơi làm việc và mong đợi văn phòng của mình cung cấp cùng các loại ứng dụng và dịch vụ trực tuyến họ đang sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Thế nhưng, thay vì hòa nhập vào xu hướng mới - tức cung cấp phần mềm trực tuyến hay dựa trên nền tảng đám mây, SAP lại chỉ cung cấp phiên bản trực tuyến của các sản phẩm mà mình hiện có. Nhiều đối thủ nhỏ hơn như NetSuite, Workday và Salesforce.com đã nhanh chóng lấp vào khoảng trống này. Mới đây, Salesforce.com đã hất SAP khỏi vị trí nhà cung cấp phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM) lớn thứ hai thế giới (vị trí số 1 trong phân khúc này đang thuộc về Oracle của Mỹ).
Trước những mối đe dọa này, vào cuối năm ngoái, McDermott và Snabe đã đồng ý bỏ ra 3,4 tỉ USD mua lại nhà sản xuất phần mềm về nhân sự dựa trên nền tảng đám mây SuccessFactors. Khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Fortune, McDermott và Snabe đều thừa nhận việc chuyển sang mô hình đám mây có thể sẽ làm suy giảm doanh thu của SAP. Năm ngoái, Tập đoàn đã báo cáo đạt 19,8 tỉ USD doanh thu, 49% trong số đó đến từ phí cài đặt phần mềm và các hợp đồng bảo trì dài hạn. Trong khi đó, đối với mô hình cung cấp phần mềm như là một dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây, khách hàng chỉ phải trả một khoản phí hằng tháng rất thấp cho mỗi nhân viên sử dụng ứng dụng. “SuccessFactors có thể sẽ ăn vào một phần doanh thu này, nhưng đó là điều phải làm”, McDermott nói.
Cặp bài trùng McDermott - Snabe
Công ty mà McDermott và Snabe thừa hưởng vào năm 2010 là một mớ hỗn độn. Doanh số bán bản quyền phần mềm tại SAP năm 2009 đã giảm 28%, trong khi doanh thu giảm 8% còn 14,9 tỉ USD. “Chúng tôi đã đánh mất lòng tin của khách hàng, còn nhân viên thì không tin tưởng vào dàn quản lý”, Hasso Plattner, đồng sáng lập Tập đoàn kiêm Chủ tịch Ban Giám sát, nhận xét. Plattner cho rằng Công ty cần có một dàn quản lý mới và tháng 2.2010, McDermott và Snabe đã được chọn đồng giữ vị trí CEO tại SAP, thay cho Leo Apotheker.
Một trong những động thái đầu tiên của McDermott và Snabe sau khi lên nắm quyền là thâu tóm Sybase (Mỹ) với giá 5,8 tỉ USD, một thương vụ đã giúp SAP đẩy mạnh mảng cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho các thiết bị di động. Hai vị CEO này cũng đã tung ra một công nghệ cơ sở dữ liệu mới gọi là HANA, giúp các phép tính trở nên cực nhanh bằng cách lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ thay vì trên các đĩa truyền thống. HANA đã tạo ra một cú hích về doanh số bán, khi mang lại 221 triệu USD doanh thu vào năm ngoái trong khi chỉ mới ra mắt vào nửa cuối năm 2011. Snabe và McDermott cược rằng HANA có thể giúp SAP đạt được mục tiêu tham vọng của mình: đó là giành thị phần từ đối thủ Oracle, nhà cung cấp phần mềm cơ sở dữ liệu số 1 thế giới.
Có được những kết quả ban đầu này là nhờ sự kết hợp ăn ý giữa McDermott (người Mỹ) với Snabe (người Đan Mạch). Snabe phụ trách điều hành mảng sản phẩm của SAP trong khi McDermott phụ trách nhóm kinh doanh và marketing. Cả hai, theo nhận xét của khách hàng và nhân viên của Tập đoàn, làm việc rất hòa hợp, bổ sung cho nhau. Điều này là rất đáng ngạc nhiên xét trong bối cảnh phần lớn các trường hợp cùng giữ vị trí CEO đều thất bại. Research in Motion (RIM), nhà sản xuất điện thoại BlackBerry (Canada), chẳng hạn, gần đây đã bỏ kiểu quản lý có 2 CEO.
Kiểu quản lý “cùng chia sẻ quyền lực” đã giúp gia tăng niềm tin của nhân viên. 72% nhân viên của SAP cho biết họ rất tin tưởng vào định hướng phát triển của Tập đoàn, tăng 9 điểm phần trăm so với năm 2010. Trong khi đó, giá cổ phiếu đã tăng gần 40% kể từ khi McDermott và Snabe cùng đảm nhiệm vị trí CEO.
Tuy nhiên, 2 vị CEO này còn phải trải qua nhiều chặng đường cam go phía trước. Giới phê bình cho rằng sau khi thâu tóm SuccessFactors, SAP vẫn còn thiếu một văn hóa doanh nghiệp cùng những tài năng có thể giúp Tập đoàn tạo ra các sản phẩm cải tiến và phòng vệ hiệu quả trước những đối thủ như Salesforce.
Ngoài ra, McDermott và Snabe cũng cần thận trọng và khéo léo khi thực hiện quá trình chuyển đổi từ kinh doanh phần mềm truyền thống vẫn còn sinh lợi sang các dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây. McDermott đã tỏ ra lo ngại, mô hình cung cấp phần mềm dựa trên nền tảng đám mây có thể sẽ làm suy giảm doanh thu của Tập đoàn và đây là điều sẽ khiến cổ đông không vui.
(Theo Fortune)
Theo Nhịp cầu Đầu tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét