Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Có phải VNPT, Viettel, FPT đầu tư ngoài ngành?


Viettel, FPT, VNPT chỉ vi phạm đầu tư ngoài ngành nếu chuyển sang sản xuất nội dung, kênh chương trình giống như các đài VTV, VTC... đang làm. (Ảnh minh họa)














Ba doanh nghiệp (DN) Viettel, FPT, VNPT vừa nhăm nhe nhảy vào thị trường truyền hình cáp lập tức bị các đối thủ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền "tố" là đầu tư ngoài ngành. Vậy đâu là sự thật?

VTV như... "ngồi trên đống lửa"

Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV)… đã đồng loạt có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT lên tiếng đòi "ngăn sông, cấm chợ" đối với VNPT, Viettel, FPT.

Tại Công văn số 1474/THVN-VP ngày 24/8/2012, VTV cho rằng việc các Tập đoàn kinh tế Viettel, VNPT, FPT dự kiến đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp hiện nay là chưa phù hợp vì Nhà nước đang có chủ trương không để các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành. 

Hơn nữa, các đơn vị này không có thế mạnh về sản xuất nội dung truyền hình - một yếu tố quyết định sự thành bại của dịch vụ truyền hình trả tiền. Quan trọng hơn, điều này dễ gây ra lãng phí nguồn lực, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt là việc cạnh tranh bản quyền các giải thể thao, chương trình truyền hình nước ngoài.

Ngày 23/8/2012, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng có văn bản chính thức đề nghị Bộ TT&TT không cấp phép triển khai thêm mạng cáp truyền hình cho các đơn vị mới. Nguyên nhân sâu xa là nếu đầu tư thêm một mạng cáp truyền hình mới sẽ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, hiệu quả sử dụng thấp, khả năng thu hồi vốn chậm, hiện tượng chồng chéo mạng sẽ gây mất mỹ quan đô thị, điện năng sử dụng cho mạng cáp gây lãng phí nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các DN đang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phản ứng như vậy bởi việc thêm người chơi mới trên thị trường sẽ đẩy cạnh tranh quyết liệt hơn. Trong đó, nhiều DN truyền hình cáp đang có thị phần lớn như VTV có nguy cơ bị mất thị phần khi Viettel, VNPT và FPT nhập cuộc. Như vậy, chắc chắn VTV sẽ là đơn vị phản ứng mạnh nhất khi các DN viễn thông muốn tham gia vào thị trường này.

VNPT, Viettel, FPT không đầu tư ngoài ngành

Những lý lẽ mà các DN truyền hình "tố" các DN viễn thông có vẻ như mang tính chủ quan áp đặt, đưa đến tư tưởng ngăn cản thị trường phát triển. Theo các quy định của pháp luật, toàn bộ việc đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả viễn thông, Internet, truyền hình (có dây và không dây)… đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông. Còn việc sản xuất nội dung chương trình, kênh chương trình… thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí.

Như vậy, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT, AVG... khi tham gia vào thị trường truyền hình cáp, nếu chỉ dừng lại ở mức làm hạ tầng, triển khai mạng, cung cấp dịch vụ thì vẫn theo phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông và là ngành cốt lõi của họ. Họ chỉ vi phạm đầu tư ngoài ngành nếu chuyển sang sản xuất nội dung, kênh chương trình… giống như các đài VTV, VTC... đang làm. Tuy nhiên, theo Luật Báo chí thì chỉ có các cơ quan báo chí mới được đầu tư xây dựng kênh chương trình, DN không được cấp phép làm việc này.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&&TT) cho biết, việc Viettel, FPT xin cung cấp dịch vụ truyền hình cáp không phải là đầu tư ngoài ngành. "Trên hạ tầng mạng nếu DN cung cấp càng nhiều dịch vụ càng tốt. Cục Viễn thông khuyến khích DN tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó kể cả truyền hình cáp vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng. 

Bởi vậy, Viettel, FPT, VNPT có thể sử dụng hạ tầng mạng đó để cung cấp nhiều dịch vụ khác chứ không riêng gì truyền hình. Cục Viễn thông xem xét thấy khả năng hạ tầng mạng của các doanh nghiệp đó đáp ứng được yêu cầu và theo quy định mới là đầu tư vào dịch vụ gì thì phải cam kết trong mấy năm đầu làm đến đâu, đầu tư bao nhiêu - nếu xác định các DN có đủ điều kiện này thì cho phép cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, việc họ có được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hay không còn phải có ý kiến của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử", ông Phạm Hồng Hải nói.

Tại hội thảo của Bộ TT&TT được tổ chức vừa qua về quy hoạch truyền hình, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết đến thời điểm hiện nay, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến các hộ gia đình trung bình là cách khoảng 350m, sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200m, thậm chí chỉ còn 100m vào năm 2015. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát mỗi gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và đặc biệt có thể lan đến vùng sâu, vùng xa.

Rõ ràng là việc các DN truyền hình cáp "tố" những DN viễn thông đầu tư vào lĩnh vực truyền hình cáp là "đầu tư ngoài ngành" không hề có cơ sở. Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất là phải quy hoạch tốt thị trường này cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ và duy trì cạnh tranh tốt trên thị trường chứ không phải là khư khư giữ "mảnh đất riêng" của mình.

Trong công văn gửi Bộ TT&TT, các DN truyền hình cáp còn cho rằng, các nhà mạng sẽ cạnh tranh giành giật bản quyền giải trí thể thao, chương trình truyền hình từ nước ngoài, dẫn đến phí bản quyền truyền hình sẽ tăng cao, chảy máu ngoại tệ, gây thiệt hại cho kinh tế Nhà nước. 

Các đơn vị sẽ đua nhau đặt hàng sản xuất phim truyền hình, sản xuất kênh truyền hình trong bối cảnh mà số lượng đạo diễn, quay phim, diễn viên có tay nghề quá ít, tạo ra hiện tượng chạy show, nâng giá cát-xê, gây ra cơn sốt giá trị ảo, số lượng phim Việt được sản xuất ra nhiều nhưng không có chất lượng, làm cho nền điện ảnh nước nhà ngày càng đi xuống.

Nhưng theo quy định thì các doanh nghiệp viễn thông chủ yếu tham gia triển khai hạ tầng, còn khi muốn mua bán bản quyền thì vẫn phải phân phối qua hệ thống kênh chương trình của các đài truyền hình (thực tế là họ không có kênh riêng để phát). 

Như vậy, mối quan hệ mua bán phân phối bản quyền chương trình giữa DN hạ tầng truyền hình cáp và các kênh nội dung là mối quan hệ hợp đồng mua bán nội dung các kênh. Thực tế cả bên truyền dẫn và sản xuất nội dung đều cần đến nhau. Hơn nữa, thế mạnh về mua bán chương trình bản quyền là của nhà đài chứ không phải của nhà mạng nên chuyện ép giá bản quyền rất khó xảy ra.

Theo Thái Khang
ICT News/Báo Bưu điện Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Flag Counter