Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

"Lười" để sáng tạo



Nỗi sợ là một trong những rào cản lớn nhất khiến con người không dám hành động để đạt được mục tiêu.


Không sợ hãi là một trong những tính cách nổi bật của anh Nguyễn Tất Đắc – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vnext. Nhờ tính cách này mà anh đã nhiều lần đánh bại đối thủ giỏi hơn mình chỉ trong gang tấc. 

Anh Nguyễn Tất Đắc – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vnext

Chơi nhiều hơn học

Anh Nguyễn Tất Đắc sinh năm 1980 trong một gia đình trí thức tại thành phố Hải Phòng. Bố anh học ngành không quân ở Nga, mẹ anh tốt nghiệp bằng đỏ ở Nga về ngành kỹ thuật thực phẩm. Ông nội anh là cán bộ phản gián cao cấp thời chống Pháp, ông ngoại làm trong UBND thành phố. Môi trường gia đình là một nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cá tính của anh. 

Ngay từ bé, ai gặp anh cũng đều buông một câu: “Tai to sau này lớn lên chắc chắn sẽ làm quan”. Câu cửa miệng được lặp đi lặp lại suốt thời thơ ấu đã hằn sâu vào tâm trí anh về hình ảnh tương lai “làm sếp là chuyện đương nhiên”. Dù chưa trở thành hiện thực nhưng cái ngẫu nhiên này đã định vị việc sau này anh sẽ “trở thành ai”.

Về mặt học hành, suốt thời gian đi học cấp 1 và 2, anh chơi nhiều hơn học. Vì vậy, kết quả học tập thường không cao nhất nhưng thành tích ham chơi thì luôn đứng số 1. 

Một sự việc tình cờ anh được chứng kiến khi đang học cấp 2: Ở gần nhà anh có một hàng đánh đề hoạt động rất mạnh, thường xuyên bị công an đuổi, nhiều lần chủ đề phải chạy trốn sang nhà anh. Lúc đó dù chưa biết gì về cờ bạc nhưng trong suy nghĩ, anh thấy chuyện cờ bạc cũng bình thường, không có gì đặc biệt. Và anh hiểu biết về cờ bạc từ sớm khi qua các sới bạc hàng xóm để xem họ sát phạt. 

Một trong những kỷ niệm khó quên thời học cấp 2 của anh là những trận đánh bài cực kỳ căng thẳng, cân não, gay cấn với các nhóm bạn trong lớp vì giá trị ván bài tương đối lớn, có khi lên đến vài triệu. Điều lạ lùng là lúc đánh bài, anh không hề cảm thấy lo lắng khi đối diện với đối thủ. Điểm cốt lõi nhất mà anh nhận thấy khi chơi bài là phải lạnh lùng, năng lực của hai bên chênh nhau không đáng kể nhưng chiến thắng tùy thuộc vào sự tỉnh táo của mỗi bên. Nhờ thế, nhóm bài của anh liên tục thắng. Sau này, các thành viên của nhóm anh đều trở thành những người giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ngân hàng lớn tại Việt Nam. Điều anh nghiệm ra được là đánh bạc không xấu nếu biết khai thác khía cạnh tích cực của nó, đó là: Rèn luyện khả năng ra quyết định không đâu tốt hơn chiếu bạc vì mỗi trận đánh bạc có hàng nghìn quyết định được đưa ra ngay lập tức và cái đầu phải tư duy liên tục. 

Học hết cấp 2, với bản tính khát khao tìm tòi cái mới, anh thấy mảnh đất Hải Phòng đã hết nơi để khám phá nên chủ động đề nghị bố mẹ cho thi vào cấp 3 ở Hà Nội. Mặc dù ban đầu, bố mẹ anh không chấp thuận nhưng anh đã thể hiện để bố mẹ tin tưởng rồi tự đi thi và đỗ vào lớp chuyên Tin - Khối chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội và bắt đầu cuộc sống đi học xa nhà. 

Chơi để trải nghiệm

Dù bắt đầu cuộc sống xa nhà từ sớm nhưng anh không bị mất thời gian để thích nghi với hoàn cảnh mới. Ngay khi mới lên học ở Thủ đô, ngược với nhiều bạn còn nhút nhát, lo sợ, nhớ nhà, anh không biết lạ là gì mà còn đi khám phá khắp các ngóc ngách Hà Nội.

Đi học cấp 3, có một nghịch lý là thời gian anh đầu tư cho học không nhiều như các bạn khác nhưng kết quả tương đối tốt. Với những kiến thức thày giáo giảng trên lớp, anh hệ thống lại, phân chia thành các dạng cơ bản và chỉ mất ít thời gian làm tốt các bài Toán tiêu biểu của mỗi dạng là vượt qua các kỳ thi một cách dễ dàng. Do đó, anh học không thuộc dạng thông minh nhưng kết quả thường đạt gần điểm tối đa. 

Năm lớp 12, anh đoạt giải Nhì Quốc gia môn Tin học. Tổng kết lại kinh nghiệm thi cử, anh rút ra bí quyết như sau:


• 
Chọn thầy mà học: Đây là một yếu tố quan trọng vì khi trước tham gia các cuộc thi, người thầy dạy rất có ý nghĩa. Vì vậy phải biết chọn thầy có kiến thức chuyên môn cao, tâm huyết với học trò. Muốn học được thày tốt phải dành thời gian tìm hiểu kỹ về các thày.


• 
Học sâu chứ không học nhiều: Phải biết hệ thống hóa các kiến thức của thày dạy thành các vấn đề chính, thông thường trong một môn học thì quy về khoảnh 10 vấn đề. Khi đã hệ thống được rồi, chỉ ôn thật chắc các bài tiêu biểu là khả năng đỗ rất cao.


• 
Kỹ năng thi: Khi làm bài thi, điều quan trọng nhất là biết phân chia thành các phần, phần dễ làm trước, phần khó làm sau, phần quá khó thì bỏ, không phải tư duy. Khi xác định làm bài theo hướng trên, năng lượng tập trung hoàn toàn vào phần dễ nên sẽ đạt điểm tối đa của phần đó. Do vậy, xác suất bị mất điểm, bị tiếc nuối ở phần bài dễ và chắc chắn làm được không xảy ra. Thời gian còn lại, suy nghĩ cách kiếm điểm từ phần khó. 

Với việc đoạt giải Quốc gia, anh được tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. 5 năm học Đại học đối với anh cũng là quãng thời gian “chơi và trải nghiệm” là chính. Bản tính tò mò, thích khám phá những điều chưa biết đã dẫn dắt anh tìm cách trải nghiệm các thú chơi từ chơi guitar, organ, nhảy đến cờ vua, cờ tướng… Cái gì chưa biết, anh sẵn sàng tìm cách học và trải nghiệm bằng được. 

Có một kỷ niệm đáng nhớ khi là sinh viên năm thứ 3, anh tình cờ gặp lại và có dịp đấu cờ vua với cô bạn học cùng lớp chuyên Toán hồi cấp 2 ở Hải Phòng . Cô bạn này là thành viên của đội tuyển thi cờ vua quốc gia. So sánh về trình độ chơi cờ thì anh kém xa cô bạn nhưng kết quả ván cờ, anh giành chiến thắng. Bí mật ở đây là anh biết chơi trò tâm lý trước đối thủ, cộng với sự lạnh lùng đã được tập luyện từ trước làm đối phương mất năng lượng trước khi thắng cuộc.

Một trong những trò chơi đỉnh cao thời sinh viên của anh là điện tử. Ngoài chơi cùng các bạn mê điện tử ở lớp, cuộc thi nào anh cũng tham gia và luôn giành giải Nhất. Khi đi tìm được một quán Games mới nổi, anh đều đến thi để thắng cuộc rồi đi về. Chơi điện tử, dù đánh đôi hay đánh đơn, anh vẫn thể hiện biệt tài chơi trò tâm lý với đối thủ (đoán được suy nghĩ của đối thủ) và không hề lo sợ. Thông thường, anh sẽ chủ động nói một câu gì đó khiến đối thủ sốc, hoang mang, bất an, mất bình tĩnh dẫn đến yếu đi và thua. Mọi trận games, chiến thắng anh giành được đều không tốn nhiều công sức. Đối với anh, các trò chơi đều có giá trị trở thành cơ hội luyện tập khả năng tư duy. 

Chiến thắng nhờ “lội ngược dòng”

Năm 1999, anh thi đỗ vào Trung tâm Tài Năng Trẻ của Công ty FPT (FYT). Cũng như các lần trước, anh vượt qua kỳ thi một cách nhẹ nhàng. Anh trở thành 1 trong 35 thành viên Khóa 1 Trung tâm FYT. 

Khi thi đỗ vào môi trường toàn thành viên từng đoạt giải quốc gia, quốc tế và điểm tổng kết cao khối ngành CNTT, anh cũng thấy rất nể các bạn vì biết đây là những bộ óc có “sạn”. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, khoảng cách bị xóa dần, anh cảm thấy rất tự tin “mình cũng phải có gì đặc biệt mới thi đỗ vào đây”. Sự tự tin sau đó càng được củng cố khi anh thấy mình và các bạn trong FYT không có nhiều khác biệt và anh vẫn ham chơi nhiều như trước.
Tuy học ít nhưng anh lại khiến nhiều người bất ngờ khi giành giải Ba cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam. Sản phẩm tham gia cuộc thi của nhóm anh là hệ thống website cho Sea Games 22. Nhóm của anh gồm 3 người, một người rất giỏi về lập trình và một người có chỉ số IQ rất cao. Một lỗi kỹ thuật xảy ra trước giờ thi, nếu không sửa được thì cả hệ thống bị lỗi, không chạy được. Tình huống cực kỳ căng thẳng khiến 2 người bạn trong nhóm lo lắng đến toát mồ hôi vì không sửa được lỗi coi như sản phẩm dự thi thất bại. Do đã được luyện tinh thần thi đấu qua nhiều năm, nhiều lần và với tâm lý không sợ thất bại, thái độ của anh rất bình tĩnh. Anh quyết định cắt bỏ phần lỗi mà hệ thống vẫn chạy bình thường. Kết quả, sản phẩm dự thi đoạt giải Ba cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam. Sau này, anh tổng kết lại: Những trận đánh bài, chơi games căng thẳng… ngày nào đã luyện cho anh khả năng ra quyết định và phản ứng kịp thời trước các tình huống bất ngờ xảy ra. 

Sự thất vọng khi đi làm thuê và khát vọng làm chủ

Tốt nghiệp Đại học, anh công tác tại FPT Software. Tính tự tin sẵn có, anh nghĩ mình có thể làm tốt công việc một cách hoành tráng. Tuy nhiên, mấy tháng đầu đi làm, kết quả trái ngược với sự tự tin của anh, dự án be bét, anh mới nhận thấy lỗ hổng của mình là thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa đi làm khác với đi học ở chỗ kinh nghiệm làm việc. Do đó, chưa có kinh nghiệm lại là rào cản với anh. Vì thế anh đã phải tập trung tư tưởng để bắt kịp công việc. 

Sau vài tháng, anh cùng với 6 trưởng nhóm khác được cử sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm làm việc, đồng thời làm cầu nối đưa công việc về Việt Nam. Sự tự tin, không biết sợ của anh một lần nữa được thể hiện: Mặc dù lần đầu tiên xuất ngoại, không học trước tiếng Nhật ở nhà nhưng khi đặt chân lên đất Nhật, anh thấy như ở nhà mình và đi du lịch khám phá khắp nơi.
Sau 6 tháng ở Nhật về nước, anh tiếp tục công việc tại FSoft. Do bản tính không thể chăm chỉ được như các đồng nghiệp nhóm Nhật, nên anh chuyển sang làm ở nhóm phụ trách mảng khách hàng Mỹ. Tuy chuyển nhóm nhưng công việc không khiến anh cảm thấy thỏa mãn với phương pháp làm việc hiện tại. Suy nghĩ đó cứ đau đáu trong anh và anh cảm thấy không yên tâm về cách quản lý dự án đang làm, cho nên với anh kết quả các dự án chưa thực sự được coi là thành công. Nguyên nhân đến từ các khuôn mẫu của công việc hiện tại khác với cá tính thích khám phá, tìm kiếm cái mới ở anh.
Vì lẽ đó, anh chuyển sang làm ở Phòng nhân sự của FPT với mục đích “thay đổi không khí”. Ở mảng nhân sự, chỉ có anh duy nhất là dân công nghệ nên công việc tuyển dụng được anh thực hiện tương đối hiệu quả. Trong vòng 4 tháng, anh phỏng vấn khoảng 1000 người, mỗi buổi phỏng vấn từ 20-30 người, mỗi người chỉ cần 3 phút. Thời gian này, anh tự học được bài học về logic nhân sự, khả năng nhận biết ứng viên phù hợp với công việc chỉ trong thời gian rất ngắn. 

Công việc ở phòng nhân sự cũng không làm anh thoải mái vì thế anh xin nghỉ việc. Trong thời gian đó, anh cũng thực hiện được một việc đáng kể là thi một loạt các chứng chỉ trong vòng 1 buổi sáng với kết quả cao nhất. Ý muốn mở doanh nghiệp riêng bắt đầu nảy sinh trong tâm trí và thôi thúc anh hành động bất chấp câu hỏi lo lắng của một số đồng nghiệp khác khi anh rủ ra ngoài làm riêng: “Không biết ra ngoài thì sẽ thế nào?”. 

Khát vọng đổi đời

Năm 2005, anh mở công ty với tổng vốn 200 triệu. Lúc đó, anh không có đồng nào nhưng dám vay 100 triệu để khởi nghiệp cộng với vốn của bạn bè góp vào. Mở công ty một thời gian thì công việc làm ăn thua lỗ, chậm trả tiền lương nhân viên, dự án lộn xộn, nhân viên bỏ việc. Lí do đến từ việc anh không quản lý được vấn đề tài chính do quá tin tưởng người khác làm. Điều này khiến một ngày đẹp trời, anh phải vào viện vì bị stress rất nặng. 

Sau khi ra viện thì anh bị giảm 50% thính lực. Đây là giai đoạn khó khăn nhất với anh từ trước đến giờ. Sau đó, anh bình tĩnh dần trở lại và thấy rõ ràng “muốn đứng vững được thì cần phải tự mình”. Anh xem lại sách vở, tài liệu, review tất cả mọi thứ thì tự nhiên cân bằng trở lại. Anh rút ra thất bại của mình đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng cái căn bản nhất là làm kinh doanh khác với làm công nghệ ở chỗ không chỉ đơn thuần là kỹ thuật mà làm kinh doanh thì cần biết cả núi vấn đề như tài chính, đàm phán, hợp đồng…

Năm 2008, anh khởi động lại sự nghiệp kinh doanh. Qua một người bạn học cấp 2 (sau này là đồng sáng lập Vnext), anh kết nối với một đối tác Nhật. Sau khi tiếp xúc, đối tác Nhật nhận thấy ở anh có năng lực lãnh đạo, điều hành một công ty sản xuất ra phần mềm với tính khả thi cao. Vì vây, mặc dù chưa có sản phẩm nhưng bên đối tác Nhật đã quyết định góp vốn để anh phát triển công ty và tặng 10% vốn. 

Lần thứ 2 gây dựng sự nghiệp với sự thận trọng và kỹ lưỡng về các mảng tài chính, tổ chức, cơ cấu..., anh đã khắc phục được các lỗ hổng của lần mở công ty trước. Về mảng nhân sự, anh trực tiếp phỏng vấn và đánh giá cao là những ứng viên bộc lộ tự tin và bật ra câu trả lời ngay khi được hỏi. Nhờ vào phương pháp tuyển dụng này, anh lựa chọn được những ứng viên phù hợp, có cùng “style” với mình thì sức mạnh tập thể sẽ được đẩy lên.

Đội ngũ nhân sự trẻ trung, năng động của Vnext
Anh chị em nhân viên Vnext trong chuyến dã ngoại tại Quan Lạn

Sau 4 năm, hiện nay Vnext đã được vận hành một cách trơn tru và các dự án cũng chạy suôn sẻ. Đối với các dự án về phần mềm, do quan sát trong thời gian làm việc tại FPT, anh biết cải tiến, sáng tạo ở khâu quản lý, các dự án tiến triển tốt và sớm có lợi nhuận. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, anh cũng thất bại ở một vài dự án nhỏ khi đang ở giai đoạn thử nghiệm. 

Hiện nay Vnext đang phát triển 2 mảng chính là: Sản xuất phần mềm xuất khẩu ra nước ngoài và Phân phối vé sự kiện. Ở mảng sản xuất phần mềm, anh đã có kinh nghiệm 10 năm nên vận hành tương đối nhẹ nhàng. Mảng phân phối vé sự kiện là mảng mới và rất có tương lai phát triển mạnh ở Việt Nam. Dự kiến của anh Đắc vẫn là đẩy mạnh phát triển về sản xuất phần mềm và sau này sẽ tập trung sâu hơn việc ứng dụng CNTT trong các service (dịch vụ) tại Việt Nam. 

Bí quyết của doanh nhân trẻ

Va vấp trên con đường kinh doanh và đã vực dậy, phát triển doanh nghiệp, anh Đắc chiêm nghiệm thành công là khi biết vượt qua nỗi sợ hãi: “Khi làm bất cứ việc gì đó, anh đều không thấy ngại ngùng và lo sợ gì cả, thậm chí kể cả thất bại, anh cũng không sợ nên nhìn thất bại là cái rất bình thường. Có lẽ vì thế hành động dứt khoát mà không lo lắng. Sợ hãi có thể vượt qua bằng cách luyện tập thành thói quen”.

Là doanh nhân tư duy nhiều, dám hành động nên khi tôi hỏi thêm anh về nguồn gốc của điều này đến từ đâu, anh cho tôi câu trả lời thú vị: “Anh luôn muốn làm mọi việc một cách hoàn hảo mà không cần tốn nhiều công sức. Nghe có vẻ buồn cười đúng không, nhưng thực ra là anh muốn trải cái việc đó ra để càng nhiều người làm càng tốt. Lúc đó, năng lượng của mình càng nhiều và được tập trung để suy nghĩ tiếp các việc khác. Cái đó, không phải là mình đi chơi mà mình dùng năng lượng để tư duy. Nhìn bề ngoài thì thấy là lười nhưng thực ra cái đầu lúc nào cũng phải làm việc, sự sáng tạo xuất hiện từ đó”.

Cuộc trò chuyện của tôi với anh Đắc diễn ra khoảng 1 tiếng rưỡi, tôi đã thu nạp được nhiều kinh nghiệm có ích về chuyện học hành, thi cử, kinh doanh. Tôi chợt nhận ra rằng, con người ta hoàn toàn có cách giảm nhẹ công sức, thay đổi cuộc sống của mình nhờ một thứ mỗi người có sẵn, đó chính là “Tư duy”.
 Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter