Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Nữ giám đốc công ty thời trang "bén duyên" với nấm


Hai lĩnh vực có vẻ không mấy liên quan đến nhau lại được một nữ giám đốc duyên dáng và nhạy bén điều hành thành công với bí quyết độc đáo.
Một số món ăn từ nấm tại cửa hàng Nấm Việt (76 Lò Đúc - Q. Hai Bà Trưng - Hà Nội)
So với “tay phải” trong ngành thiết kế, có lẽ sẽ khá sớm khi nói về thành công bước đầu với nghề “tay trái” kinh doanh nấm sạch của chị Nguyễn Thị Ngọc Lan – giám đốc công ty thời trang Lan Việt.
Chị Lan hiện đang điều hành môt doanh nghiệp nhỏ với hơn 50 nhân công chuyên sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ từ lụa, mây tre, gốm sứ (sử dụng phẩm màu, men hữu cơ thân thiện với môi trường), xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản. Năm 2011, chị đạt giải doanh nhân sáng tạo của Hội đồng Anh và được tham dự Tuần lễ thời trang London.
Chừng ấy kinh nghiệm, thành công, những tưởng chị sẽ “đóng đinh” với các bộ thiết kế cùng cái nghiệp thời trang thì mọi người đều ngạc nhiên khi chị cho biết ý tưởng kinh doanh nấm và các món ăn từ nấm.
Nấm sạch: Làm chơi, ăn thật
Mấy năm gần đây, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên đáng báo động, vợ chồng chị Lan nảy ra ý tưởng sản xuất nấm sạch, mục đích phục vụ trước hết là cho gia đình và bạn bè. Bởi vậy mà khởi động trồng nấm bắt đầu từ 7 – 8 tháng trước, bán nấm sạch trực tuyến cũng đã 4 – 5 tháng chị mới chuyển sang… mở thử cửa hàng kinh doanh.
Khi bán hàng online, chị Lan nhận thấy hầu hết khách hàng đều gửi phản hồi là không biết cách sử dụng và chế biến các món ăn từ nấm. Vì vậy chị quyết định thử nghiệm với các món nấm ở cửa hàng mini đầu tiên rộng chừng 19m2, mang tên Nấm Việt tại số 76 phố Lò Đúc, Hà Nội. 
Tuy mới bán nhưng khách đông chật quán, hết chỗ là chuyện thường xuyên, dù bà chủ đã “cơi nới” thêm cỡ 20 – 25 m2 ngoài vỉa hè để phục vụ. Chính chị Lan cũng không ngờ, chỉ sau tháng đầu tiên, đã phải tìm đến cửa hàng thứ 2 vì lượng khách quá tải (!)

Một số loại nấm mà Nấm Việt cung cấp (Ảnh: Facebook Nấm Việt)

Người mua rỉ tai nhau tìm đến ngày một đông vì sự phong phú, đa dạng của các loại nấm: nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm dạ dày, nấm hương, nấm Đà Lạt... Các món ăn ở đây cũng được khách hàng đánh giá là “ngon, độc, lạ” và chưa thấy ở Hà Nội như xôi ruốc nấm, bún nấm, cháo nấm, súp nấm, nấm xào, pizza nấm, kem nấm…
Chị Lan cho biết, hiện tại với quy mô này, trung bình mỗi ngày cửa hàng của chị tiêu thụ hết khoảng 1 tạ nấm tươi và là đầu ra chính cho hơn 1,5 ha trang trại ở Sóc Sơn và Hòa Bình. Ngoài ra, nấm sạch của công ty có mức tiêu thụ khá ổn định tại một số cửa hàng, đại lý kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội.
Công thức: Sạch, ngon, lạ và… Facebook
Kể về 2 trang trại trồng nấm rộng gần 2 ha ở Sóc Sơn và Hòa Bình, chị Lan cho hay đó là sản phẩm mồ hôi và tâm huyết của hơn 20 con người. Việc nuôi trồng, bảo quản và chế biến nấm phải theo quy trình kỹ thuật khắt khe và nghiêm ngặt, chỉ sơ suất nhỏ có khi làm hỏng cả trại nấm.
Nhà trồng nấm sạch tại trang trại Nấm Việt (Ảnh: Facebook)
Chị nói vui: “Mọi người thường nói đùa, nước tưới cho nấm còn “sạch” hơn nước uống của người. Thuê xe chở nấm cũng cần giữ lạnh liên tục, thời tiết nóng quá cũng làm nấm hỏng, thành đồ bỏ đi”.
Theo quan sát, giá nấm tươi bán tại cửa hàng của chị Lan dao động từ 70.000 – 200.000 đồng/kg, hầu hết có giá trên 100.000 đồng/kg. Mức giá này theo chị Lan là “gấp 1,2 – 1,5 giá nấm bán ở chợ” nhưng chi phí sản xuất, bảo quản cũng đội lên gấp rưỡi so với cách làm truyền thống.
Một bí quyết nữa được bà chủ trẻ tuổi tận dụng khai thác tối đa chính là mạng xã hội. Bí quyết này chị Lan sử dụng từ những ngày bán hàng online. Nếu ghé qua page Nấm Việt của chị Lan, mọi người có thể thấy sự năng động và “xì tin” của chủ page hút khách đến thế nào. 
Chị Lan bật mí, các món như xôi ruốc nấm, bún nấm, pizza nấm hay kem nấm… được đánh giá cao đều được chế biến theo “công thức” riêng, nhờ những người thân đi nước ngoài về thực hiện. 
"Món ăn đánh vào trực diện cảm quan nên thu hút khách hàng đông đảo hơn. Ví như trên Facebook, chỉ 10 phút sau khi post ảnh món ăn đã có nhiều người like, trong khi để cả ngày mới có 1 người like ảnh túi nấm tươi thôi", chị hóm hỉnh chia sẻ.
Lợi nhuận: Tăng trưởng gấp đôi dù chưa đong đếm
Khá bận rộn với việc kinh doanh chính ở công ty thời trang, chị Lan chỉ có thể chia bớt thời gian để quản lý cửa hàng nấm. Chị tâm sự, “ban đầu chị chỉ định mở ra và thuê người quản lý. Nhưng rồi không yên tâm, vì công việc mới bắt đầu cần mình bắt tay vào xây dựng hình ảnh và quy trình để mọi thứ vào guồng. Ngay cả nhân viên cửa hàng cũng là những người thân trong gia đình giúp đỡ”.
Theo quan sát cách phục vụ khách hàng tại đây, “nhân viên” hầu hết là những phụ huynh lớn tuổi trong gia đình, nhưng chăm sóc khách hàng rất tận tâm và chu đáo. Chị Lan cho biết, gia đình chị thích văn hóa bán hàng của người miền trong, vì vậy mọi người luôn tâm niệm và chú trọng văn hóa phục vụ khách hàng.
Quy trình sản xuất pate gan gà sạch tại cửa hàng Nấm Việt được bà chủ đăng tải lên Facebook, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm 
Khi được hỏi về lợi nhuận, bà chủ vui vẻ cho hay, “vì cửa hàng mới mở nên công việc khá bề bộn, chị chưa đong đếm được hết, thậm chí “card visit” cũng chưa kịp in. Mình chỉ lo không làm xuể vì công việc chính cũng bắt đầu vào mùa cho bộ sưu tập mới”.
Theo tính toán sơ bộ của người viết, trong tháng đầu tiên, riêng 1 tạ nấm tươi tiêu thụ mang về doanh thu gần 20 triệu đồng/ngày, tương đương 600 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng tìm đến cửa hàng vì sự đa dạng và ngon miệng của các món ăn từ nấm, vì thế mà doanh thu từ món ăn lại nhỉnh hơn.
Ví như món xôi nấm - 1 trong 3 món chính của cửa hàng, lượng tiêu thụ mỗi ngày là 200 suất, giá mỗi suất khoảng 30.000 – 35.000 đồng, doanh số xôi là 6 – 7 triệu đồng/ngày. 
Các món chính khác như bún nấm giá 40.000 đồng/suất, cháo nấm giá 20.000 đồng/suất. Giả định lượng tiêu thụ 3 món như nhau thì tổng doanh số tháng đầu tiên ở đây đạt khoảng 20 triệu đồng/ngày. Tính chung cả tháng doanh số món ăn đạt cỡ 600 triệu đồng. 
Doanh số bán nấm tươi tương đương doanh số từ món ăn, nghĩa là tổng doanh thu từ cả hai đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng/tháng, chưa kể doanh thu từ các món theo ngày (bánh tét, bánh giò, pizza…) hay đồ uống.
Tất nhiên, đó là phép tính “thủ công” chưa kể đến các chi phí bỏ ra ban đầu của gia chủ. Nhưng trong thời buổi kinh tế hiện nay, mức doanh thu cho nghề "tay trái" như vậy lại không nhỏ chút nào. Chị Ngọc Lan giới thiệu, qua tháng thứ 2 bán hàng, chị sẽ mở thêm cửa hàng thứ 2 rộng rãi, khang trang tại số 1B phố Lê Ngọc Hân - Hà Nội.
Một số hình ảnh đăng tải trên FanPage Nấm Việt:

Xôi nấm ruốc
Bún nấm sườn chua
Cháo nấm gà ta 
Pizza nấm thịt bò 
Kem nấm

Bánh tét, bánh giò nấm
Kỳ Anh
Theo TTVN

Không có nhận xét nào:

Flag Counter