Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Chuyện về một nữ doanh nhân “đa cảm”...


Tôi “gõ cửa” văn phòng Công ty Khang Thông vào một buổi trưa cuối tuần, đúng lúc chị Phan Thị Phương Thảo đang trao đổi với một cộng sự. Quay sang tôi, chị phân trần: “Mình vừa đi Mỹ về, công việc dồn lại nhiều quá mà cái nào cũng cần xử lý nhanh”.
Sau ít phút tranh thủ ký một xấp văn bản vừa được nhân viên chuyển tới, chị khoe: “Chuyến đi này của mình rất thú vị, vì ngoài mục đích công việc còn hoàn thành lời hứa đưa ba mẹ đi chơi cho biết đó biết đây”...

Bước khởi nghiệp gian truân và "cú ngã định mệnh"
Nhìn cơ ngơi bề thế của Công ty cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ Khang Thông hôm nay, không ai nghĩ “bà chủ” Phan Thị Phương Thảo lại có một hành trình khởi nghiệp gian truân, đầy nước mắt. Nung nấu ý định đi xa kiếm tiền để lo gia đình, một đêm, chị lén ba mẹ, bỏ nhà đi tìm việc làm.
Đến bến xe miền Tây thì chút tiền còm dằn túi lại bị kẻ gian lấy mất. Ý định tìm về Tây Ninh, nơi có ông bà nội không thành, chị lang thang khắp các ngóc ngách của Sài Gòn đầy cạm bẫy. Bốn ngày sau, ái ngại trước hoàn cảnh của một cô gái trẻ, vợ chồng ông chủ tiệm cơm người Hoa đã nhận chị vào làm công.
Sau hai năm đầu tắt mặt tối, hết rửa chén lại giặt đồ mướn chị cũng tích góp mua được một chỉ vàng. Với mong muốn “biến” một chỉ vàng ấy thành nhiều chỉ vàng, thậm chí một cây vàng, năm 20 tuổi chị quyết định trở về quê (Long An) mua lúa xay xát thành gạo rồi mang lên Sài Gòn bán.
Một thời gian sau, thấy người ta bán chiếu có lời hơn, chị lại đổi nghề, mua chiếu thô về thuê thợ in hoa lên rồi mang lên tận Tây Ninh để bán buôn. Lúc này, tuy cuộc sống đã được cải thiện, nhưng cái nghèo vẫn ám ảnh chị, thôi thúc chị phải “làm ăn lớn”. Nghĩ là làm, chị khăn áo ra Vũng Tàu mở quán cơm, rồi buôn bán sắt thép phế liệu, “bỏ mối” cát, đá...
Không tìm được khách hàng ở Vũng Tàu, một thân một mình chị chở hai bảo tải đá, cát bằng xe honda lên tận Bình Dương, Đồng Nai... chào bán. Gặp bất cứ chỗ nào đang xây nhà chị cũng dừng xe, kiên trì tiếp thị. Song thật buồn, chẳng ai chịu mua cả và trong một lần thất bại trở về đến ngã ba Nhơn Trạch, chị đã bị xe tông.
Đưa chị vào băng bó tại một trạm xá gần đó, hai người đàn ông đi trên xe ân cần hỏi chị sao lại chở hai bao tải cát, đá nặng như vậy. Chị thật thà kể mục đích của mình, khiến họ không nhịn được cười. Rồi cũng nhờ “cú ngã điånh mệnh” ấy mà “nạn nhân” và “thủ phạm” trở thành bạn bè và họ đã giúp chị có một công việc ổn định tại mỏ cát của mình.
Từ sự giới thiệu của hai người bạn mới, chị dốc vốn liếng mua một máy sang cát, lấy cát nhỏ bán cho nhà máy thủy tinh, cát lớn bán cho một số nhà máy sửa chữa tàu biển dùng để rửa tàu. Công việc thuận lợi cộng với nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, chị phất lên từ đó.
Đến năm 1995, khi làn sóng đầu tư nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam thì tên tuổi chị đã không còn xa lạ trong giới kinh doanh vật liệu xây dựng với nhiều hợp đồng bán nguyên vật liệu cho một số khu công nghiệp. Hiện tại, chị là người sáng lập của 7 công ty và chủ đầu tư của Khu công nghiệp Thạnh Đức - Long An.

Đi qua cái khổ, càng thương người nghèo...
Trong Ban Công tác xã hội CLB Doanh Nhân Sài Gòn (DNSG), chị Phương Thảo luôn được nhắc đến với vai trò người khởi xướng chương trình “Doanh nhân Sài Gòn - Nghĩa tình biên giới”.
Nhiều lần theo chân chị cùng CLB DNSG đến những vùng biên giới xa xôi, tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu của bà con các dân tộc ít người đã khiến tôi “tâm phục khẩu phục” trước cách nghĩ và cách làm của chị.
Không một chút “ồn ào” hay vì mục đích “đánh bóng thương hiệu”, chị đề nghị được làm nhà tài trợ giấu tên trong 100 căn nhà Đại đoàn kết đã được trao ở nhiều vùng biên cương của Tổ quốc. Không chỉ tài trợ kinh phí xây dựng nhà, chị còn tặng thêm cho mỗi hộ gia đình 1 chiếc ti vi màu 14 inch để góp phần nâng cao dân trí cho bà con và một triệu đồng để họ mua một số vật dụng cần thiết.
Nhiều lần đi làm từ thiện cùng chị, nhưng tôi nhớ nhất là chuyến đi về vùng biên giới Tân Châu - Tây Ninh. Với bàn chân bó bột, chị Phương Thảo vẫn một mực cùng đoàn từ thiện CLB DNSG vượt gần 200 cây số để đến với đồng bào dân tộc xã Tân Đông, nơi chỉ cách biên giới Campuchia chưa đầy 1km. Nhìn chị chống nạng bước đi khó nhọc, ai cũng xuýt xoa.
Đáp lại sự ái ngại của mọi người, chị cố nén đau, cười “trấn an”: “Không sao đâu, đi chuyến này về là hết đau thôi”. Lần khác, khi đi tặng quà Tết cho đồng bào nghèo vùng biên giới An Giang cùng CLB DNSG, thấy vài phụ nữ không thuộc diện được tài trợ nhưng vẫn có mặt tại điểm tập kết với ánh mắt đầy hy vọng, chị đã không thể làm ngơ.
Dúi vội vào tay họ mỗi người vài trăm ngàn đồng, chị quay sang nói với tôi: “Năm hết Tết đến rồi, mình bớt tiêu một chút là gia đình họ có ít đồ cúng ông bà tổ tiên”. Khi chị quày quả bước đến bên một cụ già tới nhận quà trễ vì mải đi làm cỏ mướn, một người bạn đi cùng chị “méc”: “Nhìn bề ngoài như... Trương Phi vậy đó, nhưng đa sầu, đa cảm lắm”.
Tôi hiểu lời bạn chị nói vì đã có lần chị kể cuộc đời chị đã nếm đủ tủi hờn và nước mắt, phải bươn chải kiếm sống từ năm 12 tuổi, hết giặt đồ mướn, gánh nước thuê lại bán khoai lang dạo...  

Theo: cafef

Không có nhận xét nào:

Flag Counter