Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Trần Ngọc Sương - Nông Trường Sông Hậu


Trần Ngọc Sương người phụ nữ đầy cá tính, không chỉ làm rạng danh gia đình mà còn là niềm tự hào của người nông dân đồng bằng.


Trần Ngọc Sương, "Giám đốc Nhà nông"

Với những dự định táo bạo, từ một phép tính đến một chuỗi hiệu quả và chất lượng trong công việc, Giám đốc Nông trường Sông Hậu - Trần Ngọc Sương là người phụ nữ đầy cá tính đã đoạt giải “ Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2002” - một giải thưởng cao quý với 15 phụ nữ xuất sắc nhất chọn lọc từ 11 nước vào vòng chung kết tổ chức tại Singapore. Số tiền thưởng 10.000 USD đã được chị tặng cho những phụ nữ và trẻ em nghèo ở Cần Thơ. Việc làm đầy tình nghĩa đó của chị đã để lại “ấn tượng” sâu sắc trong lòng mọi người.

Người phụ nữ "toàn năng"


Nhìn lại sự “thay da đổi thịt” của nông trường Sông Hậu ngày nay, không ít người phải thán phục về ý chí, bản lĩnh và phong cách làm việc của Giám đốc Trần Ngọc Sương. Chị không bao giờ thỏa mãn với những thành công, hoặc bi quan trước những thất bại. Chị là người phụ nữ giàu nghị lực, nhiều ước mơ, luôn luôn nhìn thẳng vào sự thật, quan sát, lắng nghe thực tế, từ đó làm cuộc đổi mới hiệu quả.

Năm 16 tuổi, Trần Ngọc Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại Trường Cao đẳng nữ công gia chánh Bạc Liêu. Nhưng không chọn con đường mang đậm thiên chức tại gia của người phụ nữ, với hoài bão lớn cho tương lai, cô nữ sinh Trần Ngọc Sương theo học khóa I, Đại học Nông nghiệp Cần Thơ. Khi ra trường chị về làm việc tại nông trường Sông Hậu một thời gian. Để nâng cao kiến thức, chị lại đi nghiên cứu về quản lý kinh tế trên đại học ở Liên Xô. Và giờ đây, ở cương vị Giám đốc một nông trường tầm cỡ chị đã trở thành người phụ nữ toàn năng lo đủ việc: thủy lợi, giao thông, cải tạo đất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, tiếp thị, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, cả việc học hành, văn hóa, thể dục thể thao… của toàn thể nông trường.

"Hổ phụ sinh hổ tử"

Sau khi đi Liên Xô để nghiên cứu về quản lý kinh tế, cùng với tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư chăn nuôi trong nước, Trần Ngọc Sương về nông trường Sông Hậu, nơi cha của chị - ông Trần Ngọc Hoằng, người anh hùng chân đất xứ ruộng sình kinh ngập đã khai hoang phục hóa gần 7.000ha đất. Chị đã cùng cha luôn nghĩ cách vạch ra những kế hoạch, những chiến lược lâu dài mong biến vùng đất hoang lầy, nhiễm phèn này trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
“Hãy để cho người nông dân suy nghĩ ngay trên chính luống cày của họ”- câu nói của Lênin đã trở thành cách tổ chức quản lý của Trần Ngọc Sương với nông trường Sông Hậu.

Nông trường Sông Hậu hiện có trên 5.500 ha lúa hai vụ, hơn 1.000ha rau màu xen canh, và xen nuôi khoảng 5.100ha tôm, cá nước ngọt trên đất hai vụ lúa theo kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gần 200ha vườn cây ăn trái, hàng trăm máy cày, máy xới, máy bơm, máy xay xát, xưởng sửa chữa cơ khí, xưởng gạch ngói, các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu, trạm phát sóng FM nội bộ…

Năm 2002 nông trường phát triển mạnh đàn bò sữa lên gần 600 con, bình quân mỗi ngày cung cấp 1,5 tấn sữa tươi nguyên chất cho chi nhánh Công ty sữa Vinamilk tại Cần Thơ.
Nông trường hiện nay có 10 nhà máy chế biến nông sản, một nhà máy chế biến thực phẩm, một nhà máy chế biến gỗ gia dụng.
Nông trường hiện có khoảng 3.600 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (THPT). Trường THPT Trần Ngọc Hoằng là trường được đầu tư dạy và học theo trường chuẩn quốc gia, mấy năm qua là điển hình thi đua của huyện Ô Môn - tỉnh Cần Thơ về cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Nữ doanh nhân "thời Internet"

Nông trường Sông Hậu, nơi có hai cha con nối nghiệp giám đốc đều được nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2002 Trần Ngọc Sương lại đoạt giải “ Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, và chị cũng là một trong ba “ Nữ doanh nhân thời Internet” - như trong Tạp chí “Thế giới vi tính” số tháng 9-2001 đã khẳng định càng làm cho nông trường Sông Hậu thêm tỏa sang.


Nguồn http://doanhnhancuoituan.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter