Chiều nay, 10 doanh nhân đạt giải "Nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc của thành phố năm 2004" đã được tôn vinh nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Những nhà doanh nghiệp trẻ TP HCM. TS đã trao đổi với một số gương mặt tiêu biểu.
Là doanh nhân nữ duy nhất trong tổng số 10 người đạt giải, Nguyễn Thị Ngọc Chúc (37 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàng Quan, quận 8, khá vất vả khi khởi đầu sự nghiệp do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Lên 9 tuổi, chị mới được cắp sách đến trường, nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đành phải bỏ lại sau lưng ước mơ về giảng đường đại học, để bước vào đời với công việc tại một công ty sản xuất, xuất khẩu nông sản. Sau đó, Ngọc Chúc lại đến với ngành keo dán công nghiệp như một cơ duyên, bởi chồng chị là một kỹ sư hóa chất. Tìm hiểu chợ đầu mối hóa chất ở chợ Kim Biên, chị quyết định chọn mặt hàng keo dán đa năng (keo 502) làm sản phẩm tiên phong tấn công thị trường.
Với quyết tâm cao, tự mày mò học hỏi, Ngọc Chúc đã nhanh chóng đưa sản phẩm keo dán công nghiệp của Hoàng Quan có mặt khắp trên thị trường và đạt huy chương vàng Hội chợ quốc tế Công nghiệp, cúp vàng thương hiệu năng động năm 2004... Chữ "tín" luôn được chị Chúc đặt lên hàng đầu trong công việc kinh doanh. Nó là phương châm hoạt động chính của cơ sở Hoàng Quan. Chính điều này đã giúp chị thành công rất nhiều trong công việc do được đối tác tin cậy. Và anh em trong công ty quý trọng bởi sự gần gũi, giúp đỡ và truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm làm việc bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ của mình.
Thái Tuấn Dũng.
Với chức vụ là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Ky Vy, quận 5, Thái Tuấn Dũng (34 tuổi) cho biết, từ ý tưởng giúp các bà mẹ Việt Nam có thêm thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn nên tháng 7/2001, sản phẩm của Ky Vy ra đời và chỉ trong một thời gian ngắn (cuối năm 2001) đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao với nhãn hiệu BiNo. Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt của hàng ngoại nhập, Ky Vy vẫn vươn lên với doanh số không ngừng tăng. Sản phẩm Ky Vy chiếm 40% thị phần trong nước và xuất khẩu (năm 2004 xuất khẩu đạt 501.000 USD). Ky Vy giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho hơn 240 lao động trực thuộc và 120 nhân viên bán hàng tại các nhà phân phối. Đồng thời công ty đã dành ngân sách gần 500 triệu đồng để hoạt động từ thiện. Tổng giám đốc Thái Tuấn Dũng tiết lộ, năm tới, công ty có 2 định hướng là đầu tư vào chiều sâu công nghệ để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của thị trường, dự kiến doanh thu trong 2 năm tới tăng gấp đôi so với hiện nay.
Với "máu" kinh doanh, thạc sĩ Nguyễn Thành Nhơn (32 tuổi), Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Nhơn Hữu, quận 10, bước vào thương trường khi mới còn là cậu sinh viên năm thứ nhất bằng việc bán hàng lưu động bút bi Bến Nghé đến từng nhà, từng cửa hàng mà theo anh đây là một cách tiếp thị mới lạ chưa hề có ở thời điểm đó. Mới đầu chỉ là một doanh nghiệp tư nhân tư mãi, đến năm 2002, Công ty cổ phần công nghệ Nhơn Hữu ra đời hoạt động trong 3 lĩnh vực: công nghệ sinh học, thiết bị điện và phần mềm máy móc Hitachi.
Trong công ty, anh vừa là người điều phối, hoạch định chiến lược cho các đội ngũ nhân viên triển khai kế hoạch, vừa đầu tư nghiên cứu về thiết bị máy móc và các phần mềm hiện đại, rồi kể cả lĩnh vực chế biến thực phẩm dinh dưỡng. Cuối năm 2003, Nhơn thành lập dự án làng nấm ở huyện Củ Chi, được xếp vào loại đặc biệt ưu đãi của TP HCM và đã tạo nghề mới cho 1.000 lao động ở địa phương.
Với Thành Nhơn, bí quyết dẫn đến thành công là người lãnh đạo doanh nghiệp phải biết coi trọng lao động, gần gũi với họ để nhận biết năng lực của mỗi người. Anh từng mua bảo hiểm nhân thọ Prudential cho những người gắn bó với công ty lâu năm để khi về già họ có mức thu nhập ổn định như lúc còn đi làm.
Nguyễn Hiếu Đức.
Nguyễn Hiếu Đức (43 tuổi), Giám đốc DNTN thương mại - sản xuất Đức Quân, quận Phú Nhuận, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tới 11 anh em nên từ nhỏ anh đã phải tự lập bằng cách đi đá bóng thuê để kiếm tiền trang trải học phí cho những năm học phổ thông và đại học. Anh đến với việc kinh doanh mực in bằng cả tâm huyết của một người kỹ sư hóa khi còn rất trẻ. Lúc đầu không vốn liếng, anh đã mượn tạm số nữ trang của bà xã (4 chỉ vàng) đem bán để đặt mua dụng cụ sản xuất. Phòng thí nghiệm đặt tại nhà bếp còn dụng cụ sản xuất chỉ cách giường ngủ có 1 mét và chỉ một mình anh làm tất cả mọi việc từ nghiên cứu sản xuất đến tiếp thị giao hàng.
Đến nay, Đức Quân cũng đã có trên 10 loại mực in khác nhau dùng để in bao bì và các công nghệ in như: PP, PE, PVC.... và tác giả của các công thức mực in đó chính là anh. Năm 2004, Đức Quân đã cung cấp cho thị trường 450 tấn mực in các loại. Đi liền với việc sản xuất, phương châm kinh doanh mà anh chọn là tính ổn định về giá cả và chất lượng của sản phẩm, nhằm tạo phương thức thanh toán linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho khách hàng.
Châu Ngọc Mỹ.
Giám đốc Công ty cổ phần Siêu Thanh (nhà phân phối chính thức sản phẩm máy móc văn phòng), Châu Ngọc Mỹ, theo anh trong kinh doanh phải làm sao để "sản phẩm ra đi mà khách hàng ở lại" thì mới có hiệu quả. Với ý nghĩ đó, công ty đã đưa ra chính sách bảo hành hết chu kỳ vòng đời hoạt động của một sản phẩm là 5 năm. Đây là một bước đột phá mà trong ngành kinh doanh sản phẩm văn phòng chưa ai làm và cũng là bí quyết đưa Siêu Thanh đến với thành công. Trong nhiều năm liền, dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Châu Ngọc Mỹ, Công ty Siêu Thanh luôn giữ mức độ tăng trưởng bình quân từ 25% đến 30%, lương bình quân khoảng 3 triệu đồng/lao động. Năm 2004, công ty đã đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng (tăng gần 30% so với 2003) và hứa hẹn đạt tới con số 300 tỷ đồng cho năm sau.
Trương Vĩnh Kiến.
Khởi đầu sự nghiệp từ một cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế gia đình với mặt bằng sản xuất chưa đến 100 m2, Tổng giám đốc Công ty TNHH dây và cáp điện Tân Cường Thành, ông Trương Vĩnh Kiến, tâm sự, mới đầu chỉ có 6 công nhân, máy móc thiết bị sản xuất cũ kỹ thô sơ và lạc hậu tự chế tạo trong nước, nên năng suất sản xuất rất thấp. Đến nay, Tân Cường Thành đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, dự kiến doanh thu 2004 là trên 20 tỷ đồng. Sang năm tới sẽ đầu tư một lò luyện nhôm với công suất 25.000 tấn/năm và một dây chuyền sản xuất cáp điện trung thế, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao.
Thùy Vinh
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét