(DĐDN) Ngay từ khi ngồi trên ghế
giảng đường ĐH, rất nhiều sinh viên đã nung nấu ý tưởng kinh doanh sáng
tạo, độc đáo. Nhưng để đưa những “ước mơ” kinh doanh vào thực tế là cả
một hành trình đầy thử thách chông gai. Trong đó, khó khăn về vốn đầu
tư là trở ngại ban đầu hầu hết các bạn trẻ đều vấp phải.
Để tìm “cánh cửa” mở ra cơ hội kinh doanh, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn
đưa ra ý tưởng sáng tạo của mình qua các cuộc thi khởi nghiệp như: Khởi
nghiệp cùng Kawai, Sinh viên Khởi nghiệp do VCCI tổ chức, giải thưởng
tài năng Lương Văn Can...
Các bạn cho rằng, việc tham gia “khởi nghiệp” qua những cuộc thi bổ
ích, thiết thực này không chỉ lĩnh hội được nhiều kiến thức, trải
nghiệm kinh doanh mà qua các kênh truyền thông và có thể tìm được nhiều
đối tác cho dự án mà mình tâm huyết.
Trần Mạnh Đức (nhóm Ươm mầm xanh, giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai năm 2012”) bày tỏ: “Động
lực để chúng em tham gia cuộc thi này không chỉ để có thêm kinh nghiệm
qua phần nhận xét, đánh giá của BGK về những thiếu sót của dự án mà còn
có cơ hội để tranh thủ sự quan tâm của các nhà đầu tư, có thêm nguồn
vốn để đưa những ý tưởng trở thành hiện thực”.
Tuy nhiên, không ngoại trừ trường hợp đối mặt với khó khăn, thách
thức khi không có nguồn “rót vốn” về, trong khi số vốn hiện có của
những “nhà doanh nghiệp trẻ” quá ít ỏi khiến việc loay hoay tìm cách
tháo gỡ càng trở nên khó khăn.
Chị Phạm Ngọc Lan, phó trưởng ban Kế
hoạch và Tài chính, tổ hợp giáo dục TOPICA - đơn vị bảo trợ chuyên môn
của cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai.
|
Chia
sẻ về vấn đề này, chị Phạm Ngọc Lan, phó trưởng ban Kế hoạch và Tài
chính, tổ hợp giáo dục TOPICA - đơn vị bảo trợ chuyên môn của cuộc thi
Khởi nghiệp cùng Kawai cho biết: “Các
bạn trẻ cần xác định rằng những công ty mới khởi nghiệp rất khó vay vốn
từ ngân hàng, nếu có hầu như phải thế chấp. Trong tình thế đó, các bạn
có thể gọi vốn từ các quỹ đầu tư, người thân trong gia đình. Đồng thời,
lên kế hoạch rõ ràng, dự trù rủi ro và tính toán đến cái giá phải trả
trước khi quyết định khởi nghiệp. nếu nôn nóng làm giàu, các bạn sẽ dễ
gặp thất bại và nản lòng”.
Hành trình tìm nhà đầu tư thực sự quan tâm đến các dự án rất gian
nan, khi đã tìm được nhà đầu tư phải thuyết phục họ bằng cách chứng
minh hiệu quả của dự án, khảo sát nhu cầu thị trường, tính toán khả
năng thu hồi vốn…
“Nhà đầu tư có rất nhiều sự lựa
chọn, còn người đang có dự án kinh doanh thì ngược lại. Bởi thế, phải
cạnh tranh ngay từ ý tưởng một cách quyết liệt. Để làm được điều đó,
ngoài kiến thức kinh doanh cần thiết, phải tạo các mối quan hệ và có tư
duy chiến lược thông minh trong việc nắm bắt cơ hội” – Chị Lan nhận xét.
Thu Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét