Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Chàng sinh viên 21 tuổi: "Kinh doanh phải uy tín, chất lượng"

Chang sinh vien 21 tuoi: 'Kinh doanh phai uy tin, chat luong'
 Mới 21 tuổi và là sinh viên nhưng đã thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm bằng việc làm thêm. Bí quyết của anh chàng này là gì?
Xuất thân từ gia đình làm ruộng vùng nông nghiệp quê lúa Thái Bình nhưng mới 21 tuổi đầu chàng trai sinh viên trẻ Lại Tuấn Việt đã có được một thu nhập đáng mơ ước ngưỡng mộ cho rất nhiều người. Hàng trăm triệu đồng cho bản thân mỗi năm và tạo thu nhập đều đặn cho hàng nghìn người khác, đặc biệt là những sinh viên trẻ.
Đang là sinh viên năm thứ 2, lớp trưởng lớp Quản Trị Kinh Doanh trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội, nhưng Việt giành thời gian làm thêm rất hiệu quả bằng thời gian rảnh rỗi của mình, Việt đã khai thác tiện ích internet để kinh doanh.
Thấy được nhu cầu thị trường hiện nay về những dịch vụ lễ tân, cưới hỏi, PG, phát tờ rơi, quảng cáo hình ảnh... Việt đã mở công ty cung ứng nhân sự thời vụ lớn ở Hà Nội qua trang web cá nhân của mình, vừa kiếm thu nhập cho bản thân vừa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho rất nhiều các bạn sinh viên khác.
Thủng xăm cũng đi bê tráp
Mới lên Hà Nội, Việt cũng như nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác là đi làm đủ thứ việc để có thu nhập để phụ gia đình học tập như bê phở, rửa bát ở các quán ăn...
Làm quen với Hà Nội được hơn 1 tháng, thì Việt tình cờ được nhờ làm nhân viên bê tráp, lễ tân. Thấy công việc nhàn mà thu nhập cũng khá, lại không cần thường xuyên nên phù hợp với sinh viên.
Việt kể: "Thời gian đó ngày đạp mấy chục km sang tận Long Biên, mấy lần thủng xăm, trời mưa đi lại vất vả. Đợt đó đường Vĩnh Hưng chỗ mình bê tráp bị ngập, tìm mãi chẳng có quán vá xăm, mà trời thì mưa, anh quản lý mình thì cứ gọi, chẳng còn cách nào bê xe chạy".
Năm 2009, Việt đi làm công việc này khoảng 1 tháng thì gom được 700 nghìn, cùng với kinh nghiệm học lỏm kinh nghiệm của anh quản lý trước đó, Việt xuống Vạn Phúc Hà Đông mua 7 bộ áo nữ bê tráp hết 630.000, sau đó lên chợ Đồng Xuân mua 21 cái cavat bắt đầu kế hoạch kinh doanh.
Những nhân viên đẹp, nhiệt tình, trách nhiệm của Việt
Việt chia sẻ bí quyết: "Trong những lần đi bê tráp mình để lại số điện thoại và nói mức giá rẻ hơn so với anh quản lý mình. Về sau, họ gọi cho mình và chuẩn bị trang phục, huy động bạn bè cùng làm. Rồi mình cứ gây dựng lên cơ ngơi như bây giờ".
Ngoài việc kinh doanh, Việt còn phải sắp xếp thời gian học trên trường và thời gian học thêm tiếng anh nữa, lịch rất bận, nhưng may nhờ có chiếc điện thoại nên việc quy hoạch công việc cũng bớt đi phần nào cho cậu: "Nhiều khi khách gọi mình phải xin ra ngoài nghe điện thoại liên tục, cũng rất ngại, vì thế ở lớp bạn bè gọi mình là "worker", hoặc là người busy"- Việt kể.
Kinh doanh là phải "uy tín, chất lượng"
Từ quyết tâm kết hợp với lực lượng sinh viên năng động, lớn mạnh mà Việt quen biết ở Hà Nội đi tới quyết định thành lập công ty riêng cho mình và phát triển lĩnh vực này.
Thời gian đầu khởi nghiệp của chàng sinh viên này cũng gặp rất nhiều khó khăn: "Mình bắt đầu nhận được hợp đồng đầu tiên, mình cũng đi làm luôn cùng mấy bạn mới tuyển được".
"Mỗi lần có hợp đồng đều cố gắng làm thật cẩn thận và vui vẻ, và mình cứ làm, càng làm số lượng hợp đồng lại càng tăng lên, dần dần, mình ko đi làm cùng nhân viên nữa, mình chỉ ở nhà và làm quảng cáo, và suy nghĩ về các phương hướng phát triển sắp tới của dịch vụ và điều hành nó, khi đó mình có khoảng 60 bạn nam nữ, sinh viên năm 2, 3, 4... Mình làm với tiêu chí đề ra với dịch vụ và toàn thể nhân viên là Uy tín đưa khách tới, Thân thiện giữ khách bên."
Luôn quan tâm tới uy tín, chất lượng nên công việc của Việt ngày càng thành công
Sau thành công bước đầu, Việt mở rộng dần lĩnh vực hoạt động, bắt đầu là các hợp đồng PG, PB người mẫu, hay 1 số hợp đồng phát tờ rơi, dán poster, up tin, đăng tin.
Với một cậu sinh viên 21 tuổi có nhiều vấn đề nảy sinh, Việt băn khoăn về tuổi tác của mình, vì các nhân viên đều hơn tuổi, thêm đó có khách tìm đến gặp nhưng khi gặp Việt và biết được tuổi tác của cậu thì họ lại có vẻ thiếu sự tin tưởng: "Thậm chí 1 số khách hàng chưa gặp mình chỉ giao dịch qua điện thoại, đều gọi mình là Anh, nhưng đến gặp nhiều khi mình lại phải gọi ngược lại là cô hoặc anh. Đó là điều khó và nhiều khi cũng dở khóc dở cười nhất".
Hiện tại công ty của Việt nhân viên ngày càng đông, số lượng nhân viên, cộng tác viên: lên tới 4252 và lĩnh vực hoạt động mở ngày càng rộng. Các bạn học sinh sinh viên đều thấy hài lòng khi công việc vừa nhàn lại vừa chủ động thời gian, mà có thu nhập cả tháng cũng từ 1,5 -2 triệu.
Nguyễn Bích Hường (sinh viên trường ĐH Thương mại Hà Nội) là nhân viên lâu năm của công ty Việt cho biết: "mỗi lần mình đi bê tráp mất khoảng 2h đồng hồ, tính sơ sơ lương cứng là 50.000, ngoài ra còn có lì xì của họ nhà trai ít nhất cũng 20.000, vì thế công việc mình thấy rất nhàn mà thu nhập lại cao".
Kinh doanh, kiếm tiền nhưng vẫn không chểnh mảng việc học tập, Việt vẫn đang là lớp trưởng lớp QTKDC09, các bạn ở lớp rất quý phục và nể cậu sinh viên có chí làm giàu này. Hai năm liền Việt vẫn đạt học lực khá, điểm trên 7 phẩy.
Việt nói: "Kiếm tiền hay học cùng đều quan trọng như nhau. Học tốt sẽ là nền tảng vững chắc nhất để đi đến thành công thực sự sau này."
Yến Chi

Không có nhận xét nào:

Flag Counter