Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Doanh nhân chán chuyện nhậu nhẹt


Cuộc họp kết thúc, anh Đức, cán bộ của Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, vội "chuồn" cho nhanh, bởi nếu còn nán lại, kiểu gì cũng bị mời đi tiếp khách. Kể từ khi được liệt vào hàng "sớm phát tướng”, vòng eo có nguy cơ nở rộ, anh bắt đầu ít lui tới tiệc chiêu đãi hay những cuộc nhậu tới bến của bạn bè.
Vốn nổi tiếng là một tay “tửu lượng” vào hạng nhất nhì cơ quan, cộng với tài ăn nói hóm hỉnh, nên ngay từ khi mới về công ty, anh Đức đã lọt vào “tầm ngắm” của các sếp. Hầu hết các buổi chiêu đãi đối tác hay giao lưu giữa các đơn vị, anh đều có mặt.
Lúc đầu, anh cảm thấy hãnh diện với câu mà các sếp thường nói: “Cuộc nào mà không có thằng Đức là kém vui”. Nhưng lâu dần, anh bắt đầu cảm thấy oải. Bởi đi dự tiệc, hầu như, anh toàn uống, uống và uống, rồi cười cười, nói nói, bắt tay, chào hỏi đến mệt bã người… Thậm chí có những ngày, anh phải dự tiệc cả sáng, trưa, chiều, tối, về đến nhà là lăn ra ngủ, chẳng kịp cởi giầy. Nửa đêm bụng đói meo, anh lại lục ục dậy ăn mì tôm hoặc sục sạo cơm nguội.
Nếu như với những người bình thường, chuyện ăn ngon, mặc đẹp hay việc đến thưởng thức tại nhà hàng sang trọng vẫn còn là niềm mơ ước, thì với những doanh nhân ngày ngày tất bật với công việc, họ lại mong có chút riêng tư, hoặc một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi bên gia đình. Thậm chí, không ít chủ doanh nghiệp còn lắc đầu quầy quậy khi nghe nhắc đến hai từ “nhậu nhẹt”.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội cho biết từ một năm nay, ông bắt đầu "ở ẩn" vì cảm thấy mệt nhoài với những buổi tiệc tùng. Giờ đây, những buổi ký kết hợp đồng, lễ khai trương hay mở văn phòng đại diện… ông đều giao cho cấp dưới và chỉ lui tới những bữa tiệc nào quan trọng mà bản thân ông không được phép vắng mặt. "Quả thật nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì ăn uống. Tôi ao ước được ăn một bữa cơm đạm bạc với vợ con, chỉ một ít cá kho, canh chua...", ông tâm sự.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Hà Nội cho rằng đã làm kinh doanh thì không thể tránh khỏi chuyện nhậu nhẹt, chè chén. Tiệc chiêu đãi đôi lúc cũng là cơ hội để doanh nhân tìm hiểu bạn hàng, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác làm ăn. Chưa kể, có những việc nếu gặp nhau mặt đối mặt tại công ty lại không hiệu quả hoặc ra vấn đề bằng việc mời nhau đến nhà hàng, kề cà bên quán rượu. Tuy nhiên, ông Chuyên thừa nhận: "Cái gì cũng cần có điểm dừng, nếu không biết kiểm soát tửu lượng, thì chính rượu sẽ là tác nhân gây ra một loạt các vấn đề như thiếu kiểm soát hành vi, tiết lộ bí mật kinh doanh, lộ khuyết điểm hoặc ảnh hưởng sức khỏe…"
Ông cho biết xu hướng mới trong giới doanh nhân hiện nay là thay vì đến quán nhậu, họ dành nhiều thời gian cho mình hơn trên sân golf hay tennis. Hiện hai môn thể thao này đang ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Giới doanh nhân còn coi sân chơi này là cơ hội tốt để giao lưu, giải tỏa căng thẳng và tìm kiếm đối tác làm ăn.
Ông kể, nhiều đối tác đến với công ty chỉ làm việc tại văn phòng chừng mươi phút, sau đó lại kéo ra sân golf đến 4-5 tiếng đồng hồ. Trên sân chơi, lúc di chuyển từ lỗ này đến lỗ khác (thường vài trăm mét) chính là khoảng thời gian lý tưởng để họ trao đổi, thậm chí chốt những điều khoản cơ bản để ký kết hợp đồng. "Không gian, thời gian trên sân tạo cho đôi bên đều có tâm lý thư giãn, cởi mở hơn, vừa giảm được stress lại tốt cho công việc, đâu cứ phải lôi nhau đến bàn nhậu", ông Chuyên kết luận.
Hồng Anh
VNEXPRESS.NET

Không có nhận xét nào:

Flag Counter