Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Tạ Minh Tuấn - Giám đốc công ty Help Corporation: Khởi nghiệp dù không có vốn!


 










Khát khao thực hiện và mạnh dạn chia sẻ ý tưởng để tìm đối tác, Tạ Minh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Help Corporation, đã làm được điều mà rất nhiều bạn trẻ Việt Nam mong muốn: khởi nghiệp dù không có vốn!
Trước là “báo hiếu cha”...
Tuấn khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên, đón nhận và ứng dụng truyền thông kỹ thuật số từ những ngày đầu tiên xu hướng này xuất hiện tại Việt Nam, điều hành cùng lúc hai quỹ từ thiện.
Nhưng cái tên Tạ Minh Tuấn lại gắn liền với chữ “Help”, là tên của trung tâm chăm sóc sức khỏe tại gia do Tuấn sáng lập và điều hành.
Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết Tuấn chỉ có trong tay 5 triệu đồng nhưng đã gầy dựng nên một trung tâm cung cấp dịch vụ y tế đòi hỏi số vốn hơn 14 tỷ đồng.
Năm 2007, Tạ Minh Tuấn chuẩn bị bước vào tuổi đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người, thế nhưng tin cha bị ung thư như sét đánh ngang tai cậu sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Nhìn thấy cha từ một người khỏe mạnh trở thành ốm yếu, tiều tụy.
Tuấn cứ trăn trở với câu hỏi: “Nếu như được phòng bệnh từ trước và kiểm tra sức khỏe kịp thời, thì liệu cha mình có vướng phải căn bệnh ung thư quái ác này không?”.
Câu trả lời tất nhiên là không và chữ “không” ấy luôn thôi thúc Tuấn phải làm một cái gì đó để có thể thực hiện ước mong lớn nhất của mình là chăm sóc sức khỏe cho cha, cho người thân, cho cộng đồng...
“Nghĩ cũng lạ, lúc chọn trường đại học thi vào, ai nói gì tôi cũng không nghe, không muốn theo ngành y nối nghiệp ông ngoại, mà thi vào khoa Kỹ thuật hệ thống, Đại học Bách Khoa TP.HCM”, Tuấn kể rồi tự biện bạch: “Có lẽ tại tôi không thích đi theo con đường người khác vẽ sẵn cho mình”.
Và khi đã có ý tưởng, Tuấn không vội bắt tay triển khai kế hoạch kinh doanh, mà dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu thị trường, tìm các mô hình kinh doanh dịch vụ y tế tiên tiến của thế giới để học hỏi. “80% trường hợp mắc bệnh mãn tính là hậu quả của lối sống.
Thế nên hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh ngay từ đầu”, Tuấn cho biết. Tuy nhiên, đến bệnh viện để được chăm sóc, thăm khám định kỳ lại quá nhiêu khê, bởi các bệnh viện tại Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải.
Tạ Minh Tuấn khẳng định: “Hiện nay, được cung ứng những dịch vụ y tế, chăm sóc, thăm khám tại gia nhằm ngăn ngừa và phát hiện bệnh để điều trị kịp thời là mong muốn của rất nhiều người”.
Sau “gieo” đề án...
Đã biết được cái thị trường cần lẫn cái mình muốn, nhưng thật đáng tiếc, vốn liếng lại là trở ngại lớn. Chuyển giao Công ty Truyền thông Tiếp thị kỹ thuật số IDEE cho bạn hữu, Tuấn ra đi mà chỉ nhận 5 triệu đồng tượng trưng cho giá trị cổ phần trong khi đầu tư cho y tế cần một số vốn không nhỏ.
Việc đầu tiên của Tuấn là bắt tay vào viết đề án kinh doanh chi tiết, sau đó “rao” với mọi người. “Tôi đặt ra mục tiêu là mỗi ngày phải chia sẻ với ít nhất một người về ý tưởng kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia. Vậy mà có ngày tôi nói được với tới sáu người về đề án ấy”, Tuấn nhớ lại.
Sau một tháng cần mẫn đi “rao”, Tuấn tìm được 20 người có cùng chí hướng, trong đó chủ yếu là các y, bác sĩ tâm huyết với nghề. Họ chấp nhận làm không công ngoài giờ, cùng Tuấn triển khai mô hình kinh doanh mới mẻ này. Song song với thử nghiệm dịch vụ, Tuấn mạnh dạn tìm đến các quỹ và nhà đầu tư... để tìm kinh phí.
Số tiền 14 tỷ đồng có được là nhờ sự kiên trì thuyết phục và nhiệt tình của ông chủ nhỏ. “Nhà đầu tư thường quan tâm đến lợi ích, chỉ cần cho họ thấy được tính khả thi của đề án, chắc chắn họ sẽ mạnh dạn bỏ tiền cho mình thực hiện”, Tuấn tiết lộ.
Quả là “nhân định không thể thắng thiên” nên cuối cùng Tuấn cũng lại dấn thân vào ngành y. Anh đã thử sức ở nhiều ngành nghề, từ xây dựng đến dịch vụ truyền thông, tiếp thị... và luôn gặt hái được nhiều thành công.
Điển hình là Công ty IDEE do Tuấn cùng bạn bè thành lập khi còn là sinh viên năm II đã góp phần phổ biến hình thức tiếp thị kỹ thuật số tại Việt Nam khi nó vẫn còn là xu hướng mới mẻ đối với một số quốc gia trên thế giới.
Vượt qua rất nhiều khó khăn để tạo được niềm tin nơi khách hàng, kết quả là một số thương hiệu lớn như Sony, Samsung... đã trở thành khách hàng của IDEE.
Nói về thành quả đạt được, Tạ Minh Tuấn cho biết, đó là do anh đã ứng dụng thành công những lý thuyết lĩnh hội được trên giảng đường: “Kỹ thuật hệ thống là ngành có khả năng ứng dụng rất rộng, không chỉ bó hẹp trong quản lý hệ thống máy móc, mà còn là quản lý hệ thống nhân sự, hệ thống quảng bá thương hiệu... Cơ thể con người cũng là một hệ thống”, Tuấn phân tích.
Thành lập chưa đầy hai năm nhưng Công ty Help đã phát triển hơn cả như mong đợi, có chi nhánh tại các quận ở TP.HCM và đang mở rộng ra các tỉnh lân cận như Bình Dương...
Đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, cộng với lợi thế tiên phong và hiện giờ là độc quyền, chắc chắn Help sẽ còn phát triển trong tương lai.
Nguon: doanhnhan.net

Không có nhận xét nào:

Flag Counter