Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Chọn tăng trưởng hay quy mô?



Trong nền kinh tế khỏe mạnh, các doanh nhân có ý tưởng có thể dễ dàng khởi nghiệp, những công ty hoạt động tốt nhất sẽ phát triển mạnh mẽ, hoạt động kém hiệu quả sẽ nhanh chóng bị gạt khỏi nền kinh tế. Quan trọng nhất là tăng trưởng, chứ không phải quy mô.
Một trong những lý do khiến các công ty nhỏ được ưa thích bởi nó tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn các công ty lớn. Nhưng nhiều công ty nhỏ vẫn giậm chân tại chỗ một cách vô thời hạn.Cuộc tranh luận về vai trò của quy mô doanh nghiệp (DN) trong tăng trưởng việc làm là vấn đề nóng hổi trong một thời gian dài. Người ta khẳng định “Phần lớn việc làm mới được tạo ra bởi các DN nhỏ”.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của John Haltiwanger thuộc (Đại học Maryland), không thấy có mối quan hệ mang tính hệ thống giữa quy mô DN và tăng trưởng. Nhưng họ thấy nổi bật tầm quan trọng của DN mới thành lập trong việc tạo ra công ăn việc làm tại Mỹ và đóng góp đáng kể vào GDP.


Thực tế đó cho thấy mối liên kết giữa các DN nhỏ và tăng trưởng việc làm phụ thuộc hoàn toàn vào những công ty nhỏ mới ra đời, chính họ tạo ra công ăn việc làm mới. Họ khởi sự với 3% lượng lao động, nhưng lại đủ mạnh để tạo ra 20% tổng việc làm.


Các công ty nhỏ là một vấn đề lớn đối với châu Âu. Trong đó, Hy Lạp nổi bật giữa các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu vì sở hữu nhiều công ty “còi cọc”.
Khoảng 1/3 các hãng sản xuất của Hy Lạp đều là các công ty sở hữu ít hơn 10 công nhân, trong khi đó ở Đức số công ty “vi mô” như thế chỉ chiếm 4,3%. Tương tự, Tây Ban Nha thiếu các hãng sản xuất lớn, Bồ Đào Nha chỉ có 19% các hãng sản xuất sở hữu 250 công nhân.
Trong bài nghiên cứu của ba nhà kinh tế tại Đại học Carnegie Mellon cho thấy, trong năm 2009, tổng số công ty nhỏ ở Bồ Đào Nha tăng lên một cách lạ thường trong khi số công ty lớn giảm đi so với những năm 1980.


Xu thế hướng tới các công ty nhỏ cũng có cái giá phải trả. Năng suất lao động trung bình của các công ty châu Âu với số nhân công ít hơn 20 người nhỏ hơn một nửa so với năng suất lao động của các công ty sở hữu 250 công nhân hoặc hơn.
Gốc rễ sâu xa hơn của cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu là mất khả năng cạnh tranh trong khu vực của những quốc gia gặp nhiều bất ổn này. Vấn đề này chủ yếu do sự tăng năng suất thấp trong thập kỷ qua chứ không phải do lạm phát tiền lương tăng nhanh.
Nếu các công ty nhỏ hoạt động tốt nhất có đủ khả năng phát triển lớn mạnh thì Hy Lạp và các nước khác có thể giải quyết vấn đề về khả năng cạnh tranh mà không cần phải cắt giảm lương hay rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.


Nhà kinh tế Carnegie Mellon cho rằng, việc các công ty ở Bồ Đào Nha thu hẹp là do Luật Lao động. Đây là một trong những luật khắt khe nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (mặc dù đang nới lỏng hơn) và đang đánh thuế dựa trên quy mô công ty nên các công ty nhỏ lấy đó làm lá chắn và cứ muốn duy trì ở mãi quy mô nhỏ.
Từ đây, có thể thấy rõ, dù nỗ lực đánh bóng hình ảnh của những DN nhỏ thì chính nền kinh tế với nhiều công ty khá lớn mới là yếu tố giúp duy trì mức sống tốt nhất. Một nhà máy lớn sử dụng ít chi phí và nhân công hơn một phân xưởng nhỏ để có thể sản xuất ra mỗi chiếc xe hơi hay ống thép.
Các siêu thị lớn như Walmart cung cấp đủ loại hàng hóa chất lượng cao ở mức giá thấp hơn so với các cửa hàng tạp hóa nhỏ. Quy mô sản xuất tạo nên sự chuyên môn hóa để thúc đẩy công cuộc đổi mới.
Một kỹ sư làm việc tại Google hay Toyota có thể tập trung hết tiềm lực của mình vào một lĩnh vực nhất định, anh ta không bị yêu cầu phải sửa máy tính xách tay cho ông chủ. Các nhà sản xuất ở châu Âu với 250 công nhân hoặc hơn đạt năng suất lớn gấp 30-40% so với các công ty “vi mô” có ít hơn 10 nhân công.


Các nhà hoạch định chính sách nên chú trọng vào tăng trưởng thay vì tập trung vào quy mô. Thay vì thực hiện biện pháp trợ giá và các chính sách ưu đãi, Chính phủ nên tập trung gỡ bỏ hàng rào để các công ty nhỏ có thể phát triển.
Giống như tại nhiều quốc gia châu Âu, các công ty nhỏ được miễn thực hiện những luật lệ xã hội gò ép. Nhưng điều này lại là nguyên nhân khiến các công ty nhỏ cứ muốn duy trì mãi ở quy mô nhỏ.
Tốt hơn hết, những quy tắc cứng nhắc gây phiền toái nên được bãi bỏ, nới lỏng các luật lệ điều chỉnh lao động, lương và bất động sản cho tất cả các loại hình DN để họ có thể tăng trưởng lớn mạnh hơn và giúp tăng nguồn thu từ thuế.


Tóm lại, các chính phủ nên bãi bỏ mức thuế suất khác nhau và bãi bỏ tình trạng quan liêu mà đối với các DN nhỏ. Điều quan trọng là phải tập trung không chỉ vào công ăn việc làm mà cả vai trò của các nhân tố năng suất và tăng trưởng.

NGỌC THỊNH (theo Economist, HBR)

Không có nhận xét nào:

Flag Counter