Tốt
nghiệp trường Tổng hợp kỹ thuật điện St.Pertersburg đầu năm 1997 sau 10
năm học đại học và tiến sĩ, Võ Tấn Long đến với ngành công nghệ thông
tin khá là tình cờ. Ngành anh theo học là nghiên cứu về vật liệu và
thiết bị vi điện tử, do vậy thường chỉ phù hợp với các viện nghiên cứu
hoặc giảng dạy. Nhưng anh về nước, đúng lúc IBM cần một người quản lý dự
án. Công việc lúc đầu chỉ là hỗ trợ kỹ thuật cho khâu kinh doanh dòng
máy chủ, sau đó vừa làm kỹ thuật vừa làm kiến trúc hệ thống, rồi chuyển
sang quản lý một nhóm kinh doanh…
Chỉ sau hơn 10 năm làm
việc ở IBM, Võ Tấn Long trở thành một trong những tổng giám đốc đầu tiên
của IBM Việt Nam là người Việt. Trầm tính nhưng không xa cách, năng nổ
trong công việc nhưng không vì thế mà thiếu sự quan tâm đến các đồng
nghiệp… Đó là những cảm nhận ban đầu của bất cứ ai khi tiếp xúc với Võ
Tấn Long. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những ngày đầu, khi anh
bước chân vào IBM. Anh cho biết:
Tranh Hoàng Tường |
-
Khi bắt đầu làm ở IBM, công việc của tôi hoàn toàn là kỹ thuật. Sau đó
vừa làm kỹ thuật, vừa làm kiến trúc hệ thống. Công việc thú vị ở chỗ là
mình phải luôn tìm tòi cái mới, nhiều khi phải tự học.Năm
2004, IBM ở Việt Nam có tổng giám đốc mới là người Singapore - lúc đó
quy mô của IBM ở đây còn rất nhỏ. Ông đặt ra mục tiêu là phải thay đổi
cơ cấu đội ngũ, cách tiếp cận thị trường.
Thời điểm đó tôi đã có
kinh nghiệm bảy năm làm việc ở IBM, nhưng có lẽ đã đến lúc đi vào lối
mòn, cần phải có một môi trường mới. Ông ấy đưa tôi sang quản lý một
nhóm kinh doanh.
Tôi rất lo lắng bởi vì từ xưa đến nay là dân kỹ
thuật, và không phải là người quảng giao, và hình như cũng cảm thấy làm
việc với máy móc “ổn” hơn làm việc với con người…
* Và khi chuyển sang làm kinh doanh, anh thấy làm việc với con người có “ổn” không?
-
Thấy tôi còn do dự, tổng giám đốc lúc đó bảo tôi: Đó không phải là việc
khó, mà vấn đề ở chỗ biết mình phải làm cái gì và dẫn dắt đội ngũ ấy
đến đâu. Phải xây dựng cho bản thân niềm tin là mình làm được.
Cái
thật sự khác biệt giữa người làm được và người không làm được là ở niềm
tin ấy. Đó là điều tôi học được. Và quả thật, công việc kinh doanh giúp
tôi phát triển rất nhiều. Cách tư duy cũng khác hẳn. Đối với người làm
kỹ thuật, mọi việc cần phải theo những bước thứ tự mạch lạc.
Nhưng
người làm kinh doanh lại có cách nghĩ khác, linh hoạt hơn rất nhiều:
Không nhất thiết sau A phải là B, sau B phải là C… Kinh doanh lại thêm
cách tiếp cận lôgic, có cấu trúc của người làm kỹ thuật là một sự trải
nghiệm thú vị.
Làm được điều đó cũng chính là tự tin và tạo niềm
tin cho những người xung quanh. Điều đó không chỉ có lợi trong công
việc, mà còn nhiều mối quan hệ nữa trong xã hội, gia đình.
Có lợi hơn cả trong công việc điều hành sau này của anh, khi đã ở vị trí tổng giám đốc là gì?
Tôi
cho rằng, mô hình về kỹ năng của một người hiện nay phải giống như chữ
T: Phải có chuyên môn sâu, nhưng không thể thiếu được một loạt các kỹ
năng xã hội khác.
Ví dụ trong bối cảnh toàn cầu hóa, anh cần có kỹ
năng văn hóa, xã hội không chỉ ở nước mình mà còn của các dân tộc khác,
các nước khác. Tất cả các kỹ năng ấy được coi là gạch ngang của chữ T.
Xã hội càng phát triển thì gạch ngang của chữ T càng quan trọng.
Dù
là ở vị trí nào thì ngoài kiến thức chuyên môn sâu (gạch dọc của chữ
T), anh vẫn phải có những kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết khác. Truyền
thống bổ nhiệm lãnh đạo của IBM là thường chọn những người đã kinh qua
nhiều vị trí làm việc khác nhau chứ không đi theo chiều dọc chữ T.
Tuy
vậy, người đã từng qua vị trí kinh doanh vẫn có lợi thế hơn. Ở Việt
Nam, người mình không kém bất cứ ai ở nét dọc của chữ T (đi thi quốc tế ở
nhiều bộ môn khác nhau, nắm bắt khoa học kỹ thuật rất tốt…), nhưng tại
sao tốt nghiệp đại học ra không đủ khả năng để làm ở các công ty nước
ngoài?
Đơn thuần là 2/3 trong số họ không đáp ứng được yêu cầu
ngoại ngữ, 1/3 còn lại thì vẫn cần từ 6-18 tháng để hòa nhập vào với môi
trường đó, vì thiếu kỹ năng xã hội và kỹ năng làm việc theo nhóm.
Ở
Việt Nam, kỹ năng làm việc trong xã hội chỉ tập trung ở ngành dọc. Nói
một cách cụ thể, ở IBM có một số nhân viên người Việt rất giỏi nhưng khi
làm việc, cái mà họ thiếu là những kỹ năng xã hội để tạo ra sự khác
biệt.
Và do đó không có khả năng tạo ra một nhóm làm việc với mình
thì không đi xa được. Anh có thể rất giỏi chuyên môn nhưng lại không có
khả năng sắp đặt công việc theo một trình tự nhất định để người khác có
thể cùng làm việc hoặc hỗ trợ thì cũng rất khó thành công.
Anh có nghĩ mình là người may mắn khi làm việc ở một môi trường như vậy?
Nếu
như tôi không ở vị trí như ngày hôm nay thì liệu có cuộc trò chuyện của
chúng ta hiện nay không, mặc dù tôi vẫn là tôi với những tố chất được
tạo nên từ một quá trình học hành, trải nghiệm…
Nói thế để thấy
rằng, bản thân mỗi con người chỉ là một phần của sự thành công, phần còn
lại là mình có cơ hội được làm việc ở trong một môi trường chuyên
nghiệp, và cơ hội đó lại mang lại cho mình sự phát triển bản thân nhiều
hơn nữa.
Hai điều này tương hỗ lẫn nhau và cùng phát triển. Làm
việc trong IBM, tôi luôn có cơ hội được tiếp cận với những điều thách
thức bản thân mình.
Con người như lò xo, nếu không bị nén lại thì
cũng khó mà có sức bật. Qua mỗi lần như vậy là mình lớn lên một chút.
Đối với những người thực sự muốn phát triển bản thân thì càng qua nhiều
công việc bao nhiêu, càng nhiều kinh nghiệm bấy nhiêu.
Ở ta, việc thay đổi công việc hầu như là một ý nghĩ “cực chẳng đã”. Còn ở nước ngoài thì ngược lại, đó là cơ hội.
* Anh đánh giá thế nào về vị trí của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam trên thế giới?
-
Kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành Công nghệ thông tin cho phép
tôi nghĩ rằng người Việt Nam có thể cung cấp được dịch vụ, sản phẩm có
chất lượng toàn cầu.
Đây là sự chuyển biến không chỉ về lượng mà
còn vì chất. Hiện, Việt Nam đứng thứ hai về tốc độ phát triển về thị
trường CNTT trên thế giới.
* Theo anh, tốc độ phát triển CNTT như thế có ảnh hưởng như thế nào tới xã hội?
=
Ai cũng có thể nhìn thấy CNTT là tác nhân tạo ra một số thay đổi lớn về
nhận thức, về xã hội, về công việc của mỗi người. Khoảng chục năm trước
đây, nếu nói đến việc để tiền trong tài khoản ngân hàng thì ai cũng e
ngại.
Hoặc nếu như muốn chuyển tiền cho ai đó là cả một mớ thủ tục
hành chính và phí cũng tương đối cao. Hoặc mua một cái gì mà không cần
đến cửa hàng là điều không tưởng.
Nhưng bây giờ đó là những việc
rất bình thường. Nói tóm lại, CNTT đã giúp thay đổi quan trọng về nhận
thức để hòa nhập với thế giới, nâng cao chất lượng cuộc sống bằng những
dịch vụ tiên tiến. Tác động đó ảnh hưởng đến từng người…
* Với sự phát triển công nghệ như thế thì liệu trong tương lai gần có xảy ra tình trạng thất nghiệp?
-
Tôi không nghĩ vậy. Sự phát triển công nghệ sẽ thay đổi cơ cấu lao
động, nhưng nó không tạo ra sự thất nghiệp. Nếu như mình nhìn công nghệ,
hay kỹ thuật nói chung là một phương tiện nâng cao năng suất lao động
thì rất dễ nhầm là sẽ tạo ra sự thất nghiệp.
Nhưng nếu nhìn ngược
lại thì bao giờ cũng thấy được một sự cân đối giữa nhu cầu nâng cao năng
suất lao động và sự phát triển. Có những giai đoạn mà sự phát triển đòi
hỏi phải nâng cao năng suất lao động.
Cách đây mấy tháng tôi có
dịp nghe bài trình bày của ông Erich Clementi - một lãnh đạo cấp cao của
IBM. Ông đưa ra câu hỏi là tại sao câu chuyện về Cách mạng khoa học kỹ
thuật (Cái nồi hơi) lại xảy ra ở Anh chứ không phải ở Đức hay nước nào
khác?
Bởi vì lúc đó khoa học kỹ thuật (KHKT) ở Anh rất lạc hậu, đòi hỏi phải có sự phát triển đột biến, nâng cao đời sống xã hội.
Đó
là một câu trả lời rất xác đáng cho các vấn đề của Việt Nam hiện nay:
Với 89 triệu dân và 95% là đã được xóa mù chữ, người Việt Nam được thế
giới công nhận là cần cù, chăm chỉ.
Nhưng sự đãi ngộ có xứng đáng với sự cần cù chăm chỉ ấy không? Không.
Là
bởi vì phần lớn là làm thuê, là công nhân… KHKT tạo ra năng suất lao
động, cụ thể là năng suất lao động trong một giờ sẽ nhiều hơn vì vậy,
càng nhiều người làm thì càng tạo ra nhiều của cải hơn, sức phát triển
càng lớn.
Nói một cách cụ thể: Nếu tôi là chủ một doanh nghiệp có
1.000 lao động thì tôi vẫn muốn giữ 1.000 người ấy và tìm một phương
cách sản xuất nào đó để tăng doanh thu lên gấp đôi, chứ không thể là
muốn giảm đi một nửa người để doanh thu vẫn giữ như cũ.
Do vậy,
công nghệ không bao giờ tạo nên sự thất nghiệp mà chỉ tạo nên năng suất
và sự phát triển xã hội. Ở Việt Nam điều này càng quan trọng vì nếu như
mình không tiếp cận với KHKT tiên tiến thì mình sẽ mãi mãi là đất nước
mà người ta đến vì giá nhân công rẻ.
Đó là một trong các vấn đề mà chính phủ và các doanh nghiệp cần lưu ý.
*
Là một người gắn bó với công nghệ thông tin, anh nhận xét thế nào về
khả năng xuất khẩu công nghiệp phần mềm của Việt Nam trong những năm
tới?
- Tại Việt Nam, khi nói đến thị trường phần mềm, chúng
ta thường đề cập đến hai phân loại: thị trường nội địa và thị trường
xuất khẩu.
Thứ nhất là thị trường phần mềm dành cho các khách hàng
trong nước. Theo đánh giá của chúng tôi năm nay, chi phí dành cho thị
trường này chiếm khoảng 10% tổng chi phí của Việt Nam dành cho CNTT.
Nếu
muốn biến Việt Nam thành nước mạnh về CNTT thì thị trường phần mềm cần
phải mang lại những giá trị ở tầm cỡ lớn hơn cũng như thị trường này
phải có được một ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển nền kinh tế.
Để
có được điều này, đội ngũ CNTT không chỉ làm phần mềm một cách đơn giản
mà phải thực sự hiểu biết cả về nghiệp vụ của lĩnh vực được ứng dụng,
biến những lợi ích công nghệ thành những giá trị kinh doanh chính.
Thứ
hai là thị trường xuất khẩu phần mềm. Đây là một thị trường tiềm năng
cho Việt Nam nếu chúng ta thực sự biết tận dụng. Có thể nói cho đến nay,
Ấn Độ, sau đó là Trung Quốc, nằm trong số những quốc gia chiếm thị phần
lớn nhất trong phân đoạn này.
Vì thế, để cạnh tranh được với họ,
đối với các chuyên gia CNTT của Việt Nam, ngoài việc cần nâng cao kiến
thức CNTT nói chung, chúng ta còn cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh
về mặt chuyên môn cũng như phải không ngừng tích lũy và gia tăng bề dày
kinh nghiệm của mình.
Hiện nay, có thể nói tại Việt Nam, các hoạt
động xuất khẩu các phần mềm mang tính chất như một giải pháp trọn gói là
rất ít mà chúng ta chủ yếu cung cấp phần mềm theo phương thức
outsourcing (gia công) nhưng cũng rất ít doanh nghiệp làm được điều này.
Nếu
muốn Việt Nam có thể xuất khẩu các giải pháp phần mềm trọn gói trong
các lĩnh vực ví dụ như ngân hàng hay viễn thông, thì trước tiên các giải
pháp đó buộc phải có bề dày thử nghiệm thành công tại Việt Nam hoặc các
nước trong khu vực trước, cũng như phải có sức cạnh tranh với các giải
pháp tương tự trên thị trường.
Khi thực sự có được điều đó, Việt
Nam có thể hướng tới các thị trường tiềm năng như các nước có trình độ
phát triển gần như Việt Nam, các nước đang phát triển trong khu vực,
hoặc các nước mới phát triển ở châu Mỹ Latin và châu Phi.
* Anh nhận định như thế nào về các xu hướng CNTT trong năm 2012?
-
Năm 2012 sẽ là năm đặt ra nhiều thách thức lớn hơn với nền kinh tế toàn
cầu cũng như nền kinh tế Việt Nam, do khủng hoảng nợ công vẫn còn đang
tiếp diễn tại những nền kinh tế “lõi” trong khu vực.
Trong bối
cảnh biến động của thị trường tài chính hiện nay, các doanh nghiệp sẽ
không chỉ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn để tái đầu tư
mà còn phải đối mặt với tình trạng nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm,
doanh nghiệp thiếu sức cạnh tranh.
Song song với những chính sách
vĩ mô từ chính phủ Việt Nam trong việc duy trì chặt chẽ chính sách tiền
tệ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn, các doanh
nghiệp vẫn phải chủ động “vượt bão” bằng cách thúc đẩy các hoạt động tự
tái cấu trúc toàn diện, nghiên cứu những hình thức phát triển sản xuất,
kinh doanh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc
giải mã bài toán về trên phụ thuộc vào chiến lược nâng cao sức cạnh
tranh để chiếm lĩnh thị trường; chú ý đào tạo nguồn nhân lực, đón đầu
được các xu hướng CNTT chủ đạo trong tương lai và đẩy nhanh đầu tư cho
công nghệ.
Trong bối cảnh chi tiêu dành cho công nghệ thông tin sẽ
được thắt chặt hơn, những doanh nghiệp biết sử dụng CNTT làm một công
cụ đắc lực để tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh năng suất sẽ có khả năng tạo
sự khác biệt trên thị trường.
* Mấy năm gần đây, chương trình
KidSmart của IBM đã thu hút được sự quan tâm của ngành giáo dục. Vậy
nên, có vẻ như các anh đang có chiến lược “tấn công” vào thị trường giáo
dục?
- Được làm quen với CNTT từ nhỏ sẽ giúp các em có những
nhận thức mới, có hướng tư duy mới. Đó chính là việc giáo dục từ gốc.
Ngoài KidSmart, IBM còn có các chương trình hỗ trợ giáo dục từ lứa tuổi
mầm non đến sau đại học.
Hàng trăm trường học và hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên đang được hưởng lợi từ các chương trình này.
Ngoài
ra, các năm gần đây IBM đều cử chuyên gia đến những đơn vị khó khăn
trong lĩnh vực kinh doanh và giúp đơn vị đó, cơ sở đó, vùng đó về khả
năng làm kinh doanh (không chỉ về lĩnh vực CNTT mà là ở tất cả các lĩnh
vực kinh doanh), truyền đạt kinh nghiệm về khả năng phát triển.
Năm
2011, các nhân viên và lãnh đạo của IBM Việt Nam đã đóng góp hơn 5.000
giờ hoạt động tình nguyện trong nhiều dự án vì cộng đồng khác nhau tại
Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình Trách nhiệm Xã hội.
Ngoài
các dự án tài trợ thường niên, trị giá hơn 15 tỉ đồng, IBM còn tài trợ
gần 4 tỉ đồng cho 23 dự án tại 20 trường đại học, tổ chức phi lợi nhuận,
các trung tâm đào tạo và nghiên cứu trong nước, nhằm huy động tinh thần
tình nguyện trong cộng đồng.
* Một ngày làm việc của ông tổng giám đốc như thế nào?
-
Thực ra với một người làm CNTT thì khó có thể nói bắt đầu từ khi nào và
kết thúc vào lúc nào. Bây giờ người ta ít nói về sự cân bằng giữa công
việc và cuộc sống mà nói đến sự tích hợp giữa công việc và cuộc sống.
Trong
tình cảnh toàn cầu hóa nhiều khi không có lựa chọn. Bản thân tôi, có
những người làm việc với mình 4, 5 năm trời nhưng chưa bao giờ gặp mặt,
hoặc họ ở tận nửa địa cầu bên kia. Do vậy, muốn được việc thì mỗi người
lại phải chịu thiệt một chút.
Điều này dẫn đến chuyện công việc
của một doanh nghiệp không dừng lại trong tám giờ hành chính nữa. Công
việc được phân đoạn ra rất nhiều.
Tôi đọc được một câu chuyện ngụ
ngôn ở đâu đó rằng: Có một đống cát, một đống sỏi, và một đống đá phải
cho vào một cái bình. Có người đã đổ sỏi, cát và đá vào thì không thể
được. Nhưng người khác đã làm lại bằng cách đổ đá vào trước, sau đó là
sỏi và cát…
Như vậy, trong cuộc sống của mình có đá, có sỏi, có
cát. Mình biết cách đặt cái gì vào trước, thì những thứ còn lại lách vào
được hết. Có lẽ đó là phương châm để tôi sử dụng 24 tiếng trong ngày
làm sao có thể đủ cho vừa làm việc, vừa nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
* Đó là những chia sẻ thú vị về công việc, vậy cuộc sống ngoài công việc của anh thế nào?
-
Thời gian rảnh rỗi, tôi cũng làm những công việc thường nhật như bao
người như dạy con học, tập thể dục, đọc sách… Có thể nói đọc sách là
thói quen của tôi từ hồi còn nhỏ.
Tôi tranh thủ đọc sách bất cứ khi nào có thể. Winning là
tiêu đề một quyển sách mà tôi thường đọc lại khi có điều kiện. Tác giả
của nó là Jack Welch (cựu CEO của Công ty GE). Quyển sách này nói về
cách quản lý cũng như cách thức để làm sao xây dựng được một tập thể
thành công.
* Nhìn tổng thể con đường đi của anh có vẻ trơn tru, nhưng thực tế, có khi nào anh cảm thấy rất mệt mỏi, thất vọng?
-
Nơi tôi làm việc luôn có sức ép, dù ở bất cứ vị trí nào. Nhiều khi nó
là sức ép nội tại vì mình muốn hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Cũng có những lúc tôi nản chí.
Nhưng chỉ ngay sáng hôm sau, tỉnh
táo hơn lại nghĩ: Nếu mình bỏ cuộc thì mình lại thua một ai đó, hoặc
thua đối thủ cạnh tranh của mình, hoặc cụ thể hơn là thua những khó khăn
của mình, thua bản than vì vấn đề bản thân mình gặp phải…
Và thật không thể tin được là qua mỗi lần như vậy thì tôi lại càng cảm thấy khó khăn bớt đi rất nhiều ở những lần sau.
Nguồn Doanh nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét