Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Dưới chân mình cũng có những ước mơ

Mọi thành viên của Mr DO tự gọi công việc mình đang theo đuổi là “sự nghiệp lượm bạc cắc” và phải dồn sức để tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, họ vẫn kiên trì và nỗ lực bởi họ tin đấy chính là hướng đi của riêng mình.
Đánh giày cao cấp
Hơn 10 giờ đêm một ngày năm 2008, đường phố đã vắng hẳn bước chân người và tiếng động cơ xe máy. Trên vỉa hè, “shop” giày của cô chủ nhỏ vẫn còn nấn ná với hy vọng tìm được thêm vài khách hàng xuống phố trễ. Nhìn đứa con mới chỉ hơn một tuổi ngáp dài, cô chủ quyết định dọn hàng.Hôm nay hai mẹ con cô lãi hơn 100 ngàn đồng, mức thu nhập đủ để hài lòng. Xếp vào hộp những đôi giày da xuất khẩu chẳng may bị vướng một vài lỗi nhỏ, không thể xuất khẩu, “chạy” ra vỉa hè với giá chỉ nhỉnh hơn giá sản xuất một chút, giờ đang là tất cả tài sản của mình, cô chủ mỉm cười. Tha hương vào TP.HCM với vốn liếng duy nhất là một chiếc nhẫn vàng mẹ cho và cô đã chuyển hết sang giày.
Thế nhưng, nụ cười ấy tắt nhanh khi tay cô chạm đến những đôi giày da bị trầy xước. Xếp chúng vào một túi riêng, cô thở dài, ao ước: “Giá như có cách nào sửa chữa những vết xước, những mảng da bạc màu... thì mình sẽ không bị lỗ vốn những sản phẩm này”.
Hơn ba năm sau, trong một cửa hiệu nhỏ trang trí với màu vàng chủ đạo, cô chủ năm nào xếp những đôi giày, túi xách LV, Prada... lên kệ, kiểm tra lại lần cuối trước khi giao hàng cho khách. An tâm về độ bóng, độ mịn, màu sắc... của sản phẩm, cô mỉm cười hài lòng. Cô là Trần Thị Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ da giày DEO.
“Gọi tôi là người đánh giày thuê cũng được, nhưng là đánh giày cao cấp, bởi chúng tôi mang đến thị trường dịch vụ đánh giày, sửa chữa, bảo dưỡng... các sản phẩm làm bằng da”, Hà tếu táo. Cô kể, vì niềm khát khao ngày còn làm chủ “shop” giày vỉa hè mà cô gắn bó với sự nghiệp này.
Cách đây một năm, trong một lần họp mặt với các bạn học cùng đại học ở Hà Nội, Hà đã gặp lại một anh bạn đang sống ở Đức. Nghe Hà kể về công việc của mình, anh bạn ấy tỏ ra vô cùng thích thú vì sở thích của anh cũng là làm mới những túi xách bằng da.
“Tưởng chỉ là chuyện phiếm, nào ngờ anh bạn lặn lội sang tận Ý và tìm được nơi sở hữu công nghệ tái chế các sản phẩm da. Và sau cuộc hội ngộ đó chúng tôi đã triển khai, hiện thực hóa ước mơ của mình”, Hà tiết lộ.
Đường dài, nhiều thử thách
Gặp người có cùng sở thích, lại tìm được cả công nghệ, cái khó nhất của Hà là vốn. Hôn nhân tan vỡ, một mình nuôi con ở TP.HCM, tích cóp chẳng được bao nhiêu nhưng khi đã hùn hạp, Hà không muốn người cùng làm chịu thiệt.
Lấy hết can đảm, Hà về mượn mảnh đất ở quê của mẹ đem bán, vay thêm tiền từ bạn bè cho đủ phần hùn, rồi bắt tay vào làm... bà chủ đánh giày Mr DO. DO là họ của anh bạn, Hà lấy làm thương hiệu cho dịch vụ của mình luôn. “Hiện chỉ có bốn nước có dịch vụ làm đẹp cho sản phẩm da là Singapore, Nhật, Pháp và... Việt Nam”, Hà khoe.
Hăm hở thực hiện ước mơ, nhưng dịch vụ của Mr DO chưa thể triển khai ngay do điều kiện khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam khiến sản phẩm da dễ khô và hư, khác hẳn với các nước châu Âu.
Vậy là các chuyên gia chuyển giao công nghệ cho Mr DO phải mất thêm thời gian nghiên cứu phương pháp và sản xuất các chất liệu đặc biệt dành riêng cho thị trường Việt Nam. “Nhờ vậy mà sản phẩm do Mr DO xử lý có thể được bảo hành về độ bóng đẹp trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng sau”, Hà khẳng định.
Phân tích thị trường, Hà cho rằng, với điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nhu cầu làm đẹp các sản phẩm da hàng hiệu đã qua sử dụng sẽ cao, bởi giúp người tiêu dùng có thể tiết kiệm thay vì phải bỏ ra vài trăm đến vài nghìn USD để mua sản phẩm mới.
Thế nên, Hà rất tự tin khi ra mắt dịch vụ. Nào ngờ, gửi 1.000 thẻ sử dụng miễn phí dịch vụ đến khách hàng tiềm năng, Hà chỉ nhận được hơn 100 thẻ quay về. Cô thừa nhận: “Có thể tôi đã định vị dịch vụ của mình sai”.
Tuy nhiên, khi tham gia dịch vụ bán hàng theo dạng groupon, với phí dịch vụ giảm 85%, Mr DO lại thu hút được khách hàng đến thử dịch vụ. Chứng kiến khả năng làm đẹp cho đôi giày, chiếc túi xách cũ... của Mr DO, nhiều khách hàng đã quay trở lại, và Hà bắt đầu có nguồn thu.
Biết không có nhiều chi phí cho công tác marketing, Hà mạnh dạn liên hệ với các cơ sở sản xuất sản phẩm da để xin được hợp tác. “Đối tác tiềm năng này sẽ giúp Mr DO đến gần với khách hàng và ngược lại, Mr DO sẽ giúp họ tăng thêm dịch vụ hậu mãi”, Hà chia sẻ.
Đáng tiếc, vì lo ngại dịch vụ của Mr DO sẽ làm giảm lượng sản phẩm mới bán ra nên Hà chỉ nhận được những cái lắc đầu. Không nản lòng, cô quay sang liên kết với các tiệm giặt ủi cao cấp vì tin rằng khách hàng có nhu cầu làm sạch quần áo cũng sẽ có nhu cầu làm mới giày dép, túi xách... cao cấp.
Sáu cửa hiệu giặt ủi lớn của TP.HCM đã đồng ý làm đối tác và chia sẻ lợi nhuận với Hà. Nhờ vậy, ngoài giao nhận sản phẩm tận nơi, Mr DO có thêm lượng khách hàng từ những “vệ tinh” này.
Chi phí đánh một đôi giày chỉ từ 50.000 - 150.000 đồng, nhưng mức đầu tư cơ bản đã hơn 1 tỷ đồng, chả trách Hà gọi nghề của mình là lượm bạc cắc.
Tuy vậy, Hà thấy mãn nguyện khi nhìn những sản phẩm tinh tươm sau khi qua bốn công đoạn xử lý, vừa làm sạch, vừa dưỡng da của sản phẩm. Cô gái trẻ đầy nghị lực bảo rằng rất hạnh phúc khi được đi trên con đường mình đã chọn, nhưng với cô, tất cả chỉ mới bắt đầu...

Nguồn: doanhnhansaigon.vn
PHƯƠNG QUYÊN

Không có nhận xét nào:

Flag Counter