Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Khi sinh viên làm “diễn giả”


Có không ít sinh viên đang tập làm “diễn giả” các chương trình kỹ năng sống, chia sẻ kinh nghiệm thi cử...đi “lưu diễn” qua nhiều trường đại học, các CLB đội nhóm...

Đó có thể là một chàng trai mắc tật cà lăm mỗi khi bối rối, một cô gái có phần “thấp bé nhẹ cân”... nhưng họ đã vượt qua hạn chế bản thân trở thành những “diễn giả SV” khi còn ngồi ở giảng đường ĐH.

Mang “bảo bối” chia cho mọi người

Bốn năm ở giảng đường ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng đã có thâm niên ba năm đi chia sẻ kinh nghiệm với SV, Ngô Nữ Huyền Trang (1990) nhiều lúc cũng không nghĩ rằng mình lại bén duyên với công việc này.

Trưởng thành trong môi trường của Tổ chức SV quốc tế AIESEC, Trang được trang bị kiến thức về kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian...Ban đầu đó chỉ là những lý thuyết suông, cho đến khi được thực tập, áp dụng vào thực tiễn Trang mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Sau khi tham gia Diễn đàn tuổi trẻ VN (VYF) năm 2009, từ suy nghĩ rằng tuổi trẻ có thể làm gì để đóng góp cho cộng đồng, Trang và nhóm bạn đã thành lập CLB môi trường mang tên Sài Gòn 350.

CLB ra đời là dịp Trang mang những “bảo bối” mình tích lũy được ra truyền thụ cho các thành viên. Ban đầu chỉ là những nhóm nhỏ ngồi quây quần bên nhau rủ rỉ rù rì như anh chị em trong một gia đình, nhưng rồi từ lúc nào Trang bắt đầu yêu thích công việc được... nói nhiều này. Cảm nhận những gì mình chia sẻ không chỉ giúp ích SV mà còn cho cả bản thân mình cùng tiến bộ, Trang mạnh dạn hơn khi nhận lời nói chuyện tại các CLB khác, hay ở các trường ĐH và trung học phổ thông trên địa bàn TP.HCM.

Trong khi đó, cái duyên đưa Nguyễn Hoàng Sang (1991)-SV ĐH Kinh tế TP.HCM - đến với công việc “diễn giả” là từ cuộc thi Tìm kiếm CEO tương lai của trường. Đăng ký trở thành thành viên ban tuyên truyền của cuộc thi, Sang hi vọng mình có thể cải thiện tính nhút nhát lâu nay.

Lần đầu tiên một cậu SV năm nhất khoa quản trị kinh doanh đứng trên bục giảng, cầm micrô để tuyên truyền với các anh chị SV lớn hơn mình, Sang đã không tránh khỏi cảm giác mất tự tin. Sau lần đó, bước ra khỏi giảng đường, Sang nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ quay lại với công việc. Nhưng được một đàn anh đi trước động viên, Sang quay lại luyện tập việc nói trước gương - vốn đã được Sang thực hành từ năm 7 tuổi để khắc phục tật cà lăm mỗi khi bối rối...

Bằng những nỗ lực của mình, cho đến năm thứ hai ĐH Sang đã trở thành trưởng ban tuyên truyền của cuộc thi, và giờ đây đã tự tin đứng trước hội trường cả ngàn người trình bày về tổng thể cuộc thi với tư cách trưởng ban thường trực, điều phối chung chương trình. Những gì Sang thể hiện đã được ghi nhận xứng đáng, khi chuyên gia tư vấn cao cấp Lý Trường Chiến tạo cơ hội cho Sang cùng đứng chung sân khấu với ông trong các buổi nói chuyện về kỹ năng sống, với tư cách là người đại diện cho thế hệ SV hôm nay.

Sức mạnh của chia sẻ

Hơn hai năm gắn bó với “đứa con tinh thần” Sài Gòn 350 đã cho Trang biết được thế nào là làm dự án với đủ những rủi ro phải đối mặt: nội bộ chia rẽ, nhà tài trợ rút tiền, xin giấy phép không được... Thành công có nhưng thất bại cũng đến bất cứ lúc nào. Cho nên khi lập kế hoạch cho một dự án, Trang luôn có hẳn kế hoạch sẽ làm gì khi mọi sự thay đổi mà mình không lường trước được.

Những kinh nghiệm quý giá đó Trang đều ghi chú lại, và đến khi có cơ hội Trang không ngần ngại chia sẻ với bất kỳ ai. “Khi mình nói chuyện với các bạn, mình cảm nhận được sức nặng của từng lời mình nói ra. Nếu chỉ đơn giản là những lý thuyết suông mình có được, chẳng khác nào bạn kể lại câu chuyện từ một quyển sách mà mình đọc được cả”, Trang cho biết.

Qua nhiều lần làm “diễn giả”, chia sẻ kinh nghiệm tại các chương trình tập huấn cán bộ Đoàn-Hội, chàng đảng viên 9X Hoàng Minh Thông (1990) - bí thư Đoàn khoa quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - đã rút ra kinh nghiệm “ba biết” cho một buổi chia sẻ kinh nghiệm thành công. “Biết được nội dung mình cần trao đổi là gì, đối tượng mình chia sẻ là ai, và mình là ai, ở vị trí nào để chia sẻ đúng với những gì mình biết”, Thông kết luận. Thông luôn quan niệm khi bạn biết một điều gì đó và chia sẻ cho nhiều người thì giá trị của kinh nghiệm đó sẽ được nhân rộng.

Cùng chung suy nghĩ đó, Nguyễn Hoàng Sang cho rằng trong quá trình làm “diễn giả SV”, khi cho đi một ý tưởng, nhận về một ý tưởng thì bạn đã làm giàu thêm cho chính mình. “Chia sẻ ở đây không phải là góc nhìn của mình hoàn hảo hơn các bạn khác, mà chỉ đơn giản là đem đến thêm một góc nhìn mới”, Sang nói giọng chắc nịch.

Theo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Flag Counter