Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Từ cô giáo dạy văn trở thành Tổng giám đốc công ty Bảo hiểm



  Làm thế nào mà cô giáo ở một thị trấn nhỏ trở thành doanh nhân - chính khách, được hàng triệu người ngưỡng mộ?



Người phụ nữ đa cảm ấy ra đi từ vùng đất của Hai Bà Trưng. Sau nhiều năm tháng gian khổ, chị trở thành người phụ nữ duy nhất của Việt Nam vừa là doanh nhân vừa là chính khách, được hàng triệu người ngưỡng mộ. Chị là Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Bảo hiểm AAA, Đại sứ danh dự Nam Phi tại TP.HCM.
Đã hơn 3 năm rồi kể từ khi gánh vác thêm trọng trách làm Đại sứ danh dự Nam Phi tại TP.HCM, chị luôn tỏ rõ khát khao, nghị lực mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Văn phòng Lãnh sự đã rút ngắn khoảng cách về mặt địa lý của hai nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân TP.HCM xin visa đi Nam Phi với thời gian nhanh nhất và tiết kiệm nhất.
Chị sẵn sàng cung cấp thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, đồng thời tiến hành nhiều cuộc đàm phán hợp tác thương mại của doanh nghiệp hai nước. Và hẳn các bạn trẻ sẽ cảm thấy rất thú vị nếu biết rằng, Tổng giám đốc Bảo hiểm AAA có xuất phát điểm là cô giáo dạy văn cấp 2, không hề được đào tạo kinh doanh bài bản, không may mắn, cũng chẳng có nhiều vốn liếng.
Vậy thì vì sao chỉ trong 5 năm, Bảo hiểm AAA do chị đứng đầu lại lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam? Câu trả lời hết sức giản đơn, sức mạnh của ý chí và nghị lực đã giúp người phụ nữ đất Bắc vượt qua được chặng đường đầy gian khó ấy để làm nên những kỳ tích ở nơi đất khách quê người.
Một trái tim biết yêu thương, chia sẻ...
Cho dù đích đến có là đâu và người đời có trân trọng gọi chị bằng bao nhiêu danh xưng, thì trở về với đúng bản ngã, cũng là xuất phát điểm của mình, chị là một người mẹ, người vợ bình thường của gia đình. Để rồi, chị đem trái tim của một người mẹ đối đãi với tất cả trẻ thơ sống quanh mình.
Chẳng thế mà suốt mấy năm nay, chị nhận chu cấp hàng tháng cho một em bé mới 4 tháng tuổi cho tới khi trưởng thành, bởi em đã mồ côi cả cha lẫn mẹ trong một tai nạn giao thông.
Quá xót xa trước cảnh phụ nữ và trẻ em đánh đu với số phận trên sông Pô Kô, chị cùng gia đình đã tài trợ đến 1,5 tỷ đồng để chính quyền xây dựng cầu treo.
Rồi mới đây nhất Bảo hiểm AAA cũng bỏ ra gần 1,5 tỷ đồng xây trường mầm non cho trẻ em nghèo ở tỉnh Bình Phước. Và cả những phần quà, học bổng cùng những chuyến đi từ thiện... chị không muốn kể mà chia sẻ bằng chính tuổi thơ thiếu ăn thiếu mặc của 6 chị em mình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em ở Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), Đỗ Thị Kim Liên là con thứ nhưng lại thường thay bố (lúc đó ở Nga) làm rất nhiều việc giúp mẹ lo chạy chợ. Chị chia sẻ: “Gia đình tôi đông anh chị em, bố mẹ đều bận bịu lo kiếm sống, nên chúng tôi phải tự bảo nhau học là chính. Vào thời bấy giờ phấn đấu học hành là khó lắm chứ đâu có điều kiện tốt như bây giờ, thế mà rồi đều nên người cả”.


Dường như được trải qua hoàn cảnh khó khăn ấy mà sau này, khi rời quê vào miền Nam tìm kiếm những cơ hội mới, chị luôn vững vàng với cuộc sống tự lập.
Lý giải về việc mình từng là cô giáo dạy văn, chị tâm sự: “Có lẽ, việc chọn chuyên ngành sư phạm như một mô típ chung của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa hồi bấy giờ, hơn nữa, gia đình tôi lại có truyền thống làm giáo viên. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn (ĐH Sư phạm II), đứng lớp giảng bài 3 năm tôi kịp nhận ra mình còn có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa.
Tôi luôn có ước muốn cháy bỏng là được làm một nghề có thể tận dụng hết năng lực, được sống với niềm đam mê, trách nhiệm và có điều kiện thực hiện ước mơ của mẹ khi còn sống là thoát khỏi nghèo đói. Vì vậy, tôi quyết định vào miền Nam với khao khát có thể tự thay đổi cuộc đời mình, cho dù lúc đó hành trang mang theo chỉ là đam mê chứ kiến thức từ thực tế còn sơ sài lắm”.

Chị Đỗ Thị Kim Liên (thứ 3 từ trái sang) trong một chuyến đi từ thiện
Cuộc sống khốn khó với quá nhiều “cám dỗ” như những thử thách ban đầu giúp Đỗ Thị Kim Liên quen dần với cuộc sống tự lập ở Vũng Tàu – một nơi cách quê chị cả nghìn cây số. Tại đây, chị làm thuyết minh tại Viện Bảo Tàng, nhưng kỳ thực, nó cũng chỉ có thể gọi là “trạm dừng chân” của một cô gái mới hơn hai mươi tuổi, bởi sau đó, chị còn chuyển qua khá nhiều công việc khác để mưu sinh.
Sinh ra trong nghèo khó, lại xa quê, xa gia đình nên chị luôn có ý thức phải vươn lên. Quan trọng hơn, khi phải đối mặt với khó khăn xảy đến dồn dập, còn phải biết tránh những cám dỗ. Chị bảo: “Bài học đầu tiên mà tôi rút ra trong quá trình lập nghiệp là phải biết vượt qua mọi cám dỗ. Tôi thấy lòng mình thanh thản vì ngay cả những lúc khó khăn nhất tôi đã tránh được cái bẫy này. Đây cũng là tài sản lớn nhất mà tôi có và nó hình thành từ trải nghiệm thực tế mà không phải ai cũng đủ sức chịu đựng”.
… và triết lý "con người là trung tâm”
Trong thuyết ngũ hành, số 5 được coi là là con số may mắn, bởi nó ứng với chữ sinh – đem lại sự sống, sự trường tồn cho vạn vật. Và như một sự sắp đặt của định mệnh, những triết lý sâu sắc của Đỗ Thị Kim Liên lại ứng với con số 5 ấy, đó là: Bình tĩnh - Bình tâm - Bình thản - Bình thường - Bình an.
Chị bảo rằng, Bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua được những cái mốc sau đó, nhất là với lãnh đạo trong ngành tài chính, phải liên tục đối mặt với nhiều rủi ro, có thể trả giá bằng cả sự nghiệp. Nếu không Bình tĩnh thì khó mà tiến tới Bình an.
Điều đó đã được minh chứng khi nữ TGĐ Bảo hiểm AAA đưa doanh nghiệp này liên tục tăng trưởng với những con số vô cùng ấn tượng. Chị mạnh dạn chọn sự khác biệt trong hướng kinh doanh khi đưa nhiều sản phẩm bảo hiểm mới vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, như bảo hiểm y tế toàn cầu, bảo hiểm du lịch toàn cầu, bảo hiểm mất cắp xe máy, mất cắp điện thoại…
Tập thể AAA của chị từ một văn phòng vỏn vẹn 12m2 với 9 nhân sự và doanh thu năm 2005 mới ở mức khiêm tốn là 5 tỷ đồng thì tới 2008 con số đó đã là 218 tỷ đồng.
Năm 2009, dù phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn quốc, Bảo hiểm AAA dưới sự chèo lái của chị vẫn giành được những kết quả khá tốt với doanh thu 320 tỷ và được bình chọn là 1 trong 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.
Năm 2010, chị Liên tiếp tục chèo lái con thuyền AAA vượt qua nhiều ghềnh thác để cán đích với doanh thu 365 tỷ đồng (dự kiến năm 2011 sẽ là 400 tỷ đồng).


Trung tuần tháng 9/2010, Bảo hiểm AAA lại tiếp tục được nhận giải “Thương hiệu nổi tiếng quốc gia 2010” và cá nhân chị được nhận giải “Doanh nhân xuất sắc Đất Việt”. Chị cũng từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều năm liền được trao tặng cúp Bông hồng vàng.

Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên được trao tặng cúp Bông hồng vàng 2010
Theo quan điểm của chị Liên, những thành công ấy là hệ quả tất yếu sau cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của gần hàng trăm thành viên của ngôi nhà AAA, trong đó điều quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết.
Chị Liên trải lòng: “Dù máy móc có hiện đại tới đâu đi chăng nữa thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, vì vậy tôi yêu thích triết lý lấy con người làm trung tâm và tin tưởng điều đó sẽ duy trì được sự phát triển bền vững cho Bảo hiểm AAA trong suốt cuộc hành trình. Với tôi, CBNV dù đang giữ bất kỳ vị trí nào trong Bảo hiểm AAA, kể cả anh bảo vệ hay chị lao công cũng đều có đóng góp vào thành công chung ấy”.
Chị bảo rằng, cuộc sống không phải là một câu chuyện cổ tích, rất khó để cùng lúc giúp đỡ được tất cả những số phận kém may mắn, nhưng vẫn luôn cố gắng bằng một cách nào đó làm cho cộng đồng quanh mình tốt đẹp hơn. “Trên cương vị TGĐ Bảo hiểm AAA và Lãnh sự Danh dự Nam Phi tại TP.HCM, tôi có thể hoạch định sát sao những chiến lược cho mình. Nhưng ở khía cạnh của một con người, được trở về sống đúng với trái tim mình, thì công tác từ thiện là cái cần làm và nên làm. Chỉ cần có khả năng là tôi vẫn sẽ làm”, chị Liên chia sẻ.
Con người này, tâm thế này ngồi ở chiếc ghế TGĐ Bảo hiểm AAA, có quyền năng đem may mắn của bản thân và số đông chia sẻ với bất trắc của số ít, đã làm dấy lên tiếng đồn về cách hành xử rất lạ, như tăng lương cho những nhân viên lẽ ra phải bị… sa thải, biến số điện thoại di động của mình thành đường dây nóng 24/24 để gỡ rối tơ lòng, quyết định chi xuất bồi thường cho những trường hợp… không có trong hợp đồng của Bảo hiểm của AAA.
Giờ đây khi nói tới Đỗ Thị Kim Liên, người ta thường bảo chị có một khả năng kỳ lạ, rất nhiều đồng nghiệp luôn tìm kiếm những ẩn số đã làm nên dấu ấn đậm nét của chị ở Bảo hiểm AAA.
Có một điều khá thú vị là Đỗ Thị Kim Liên sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, nhưng lại đang rất thành công tại TP.HCM. Ai đó đã nói rằng, Đỗ Thị Kim Liên có duyên với đất Sài Gòn hoa lệ, nhưng với chị thì lại là cả một quá trình phấn đấu trong gian khổ để có được sự kết hợp tuyệt vời giữa khả năng phân tích thị trường nhạy bén của phương Tây và văn hóa làm việc mềm dẻo nhưng quyết đoán và chắc chắn của phương Đông.
Chị cũng luôn cần mẫn và giản dị, trung thực và thẳng thắn, cẩn trọng nhưng cũng liều lĩnh, thông minh và đầy tham vọng. Nhiều người đánh giá chị là người điều hành số một tại Bảo hiểm AAA không chỉ bởi những chỉ số tăng trưởng bền vững của thương hiệu này trong suốt hơn 5 năm qua, mà trên hết đó còn là bài học sống về sự cần cù, khát vọng sống, lòng kiên định, chữ tín và ý chí vươn tới thành công.
Chị Liên chia sẻ: “Thực lòng, vì đã trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn, nên tôi rất cảm thông với anh chị em đang làm việc tại Bảo hiểm AAA. Nhìn vào hoàn cảnh của họ, tôi như lại thấy chính mình ngày xưa, vì thế tôi luôn khích lệ họ phải phấn đấu từng phút, từng giờ để trở thành những cán bộ xuất sắc, có đóng góp lớn cho Bảo hiểm AAA.
Có hai câu ngạn ngữ mà tôi rất thích và muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ đó là "Điều chắc chắn nhất trên đời là không có gì chắc chắn cả" và "Kinh doanh mà chỉ làm ra tiền thôi thì chưa phải là kinh doanh".
Tôi đã chứng kiến quá nhiều bài học rồi và biết chắc chắn rằng, doanh nghiệp sẽ thất bại nếu điều hành bằng tiền và quyền lực. Ngược lại, lãnh đạo có tâm sáng thì sẽ khiến anh em đoàn kết, sức mạnh ấy là khởi nguồn của thành công”.
Theo Doanhnhan360.com

Từ cậu bé sơn xe trở thành 'ông trùm' tỷ phú điện thoại





  22 tuổi, lập công ty riêng với số vốn vay mượn, 15 năm sau, anh trở thành ông chủ một trong những tập đoàn phân phối điện thoại hàng đầu Việt Nam.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Bảo



Nguyễn Quốc Bảo, tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Thành Công Mobile là một trong những doanh nhân trẻ và thành đạt nhất trong Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM. Câu chuyện của Bảo cũng giản đơn như con người anh, nhưng những gì ngày hôm nay anh đạt được là nỗ lực không mệt mỏi từ hai bàn tay trắng và một triết lý sống rất riêng.
Cậu bé sơn xe với ước mơ tự lập
Cho đến ngày hôm nay, nắm giữ một doanh nghiệp kinh doanh với gần 200 nhân viên, Nguyễn Quốc Bảo vẫn giản đơn, nhưng lịch thiệp. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh trong một buổi sáng hơi se lạnh của Sài Gòn gần đến Giáng sinh là con người của công việc. Mặc dù đã có hẹn trước, nhưng cũng phải hẹn tới hẹn lui vài lần, anh mới sắp xếp để trò chuyện.
Hào sảng, dí dỏm và khiêm tốn, Bảo cho rằng cuộc đời mình chẳng có gì đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình có cha làm nhà giáo, mẹ làm kinh doanh, kinh tế gia đình thường thường bậc trung, Bảo có ý thức tự lập từ rất sớm. Ở tuổi 15 - 16, đầu lớp 10, ngoài giờ học, anh lân la tại các quản sửa chữa xe máy của hàng xóm xin được phụ sửa xe hay làm bất cứ việc gì được sai bảo.
Thạo việc, chỉ một năm sau, Bảo nhận mối về sơn xe tại nhà và kể từ đấy hầu như chuyện tiền bạc ít khi phải dựa vào gia đình. Dù vậy, việc học hành của anh vẫn luôn được đảm bảo, bởi theo anh quan niệm ngoài đam mê thôi chưa đủ, phải có kiến thức mới làm được việc.
4 năm học Đại học Mở Bán công TP.HCM, khoa Quản trị kinh doanh, Bảo say mê với tài chính, viễn thông và bất động sản. Ngay từ những ngày còn rất trẻ, Bảo đã nhìn thấy lợi nhuận từ những ngành hàng này. Không có vốn, chàng trai gần 20 tuổi khi đó nhận làm môi giới các dịch vụ pháp lý về nhà đất, xe cộ. Ngay từ những ngày giảng đường, Bảo đã nghĩ về tương lai bằng những dự định táo bạo.
“Tôi không quan niệm cuộc sống này có gì gọi là chông gai. Quan trọng là người ta biết lạc quan, biết biến những phức tạp rồi biến những phức tạp trở nên giản đơn”. Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ như vậy khi được hỏi về việc thành lập Thành Công Mobile, doanh nghiệp của anh.
“Năm 22 tuổi, mới ra trường, tôi vay ba mẹ được 12 triệu, vay những người quen khác được thêm 24 triệu, cùng với 3 nhân viên, tôi bắt đầu khởi nghiệp. Nói về số vốn ban đầu như thế, thật sự, tôi cũng hơi xấu hổ (cười). Những khó khăn thì muôn trùng, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người mạo hiểm”.
Mặt hàng đầu tiên anh kinh doanh chủ yếu điện gia dụng và bếp gas. Năm 1999, anh quyết định rẽ ngang bằng việc kinh doanh điện thoại di động. Đến năm 2001, Thành Công Mobile của Bảo bắt đầu chuyên tâm kinh doanh vào hai lĩnh vực điện thoại và bất động sản.


"Không bán thuốc tây, không bán quan tài"
Năm 2007 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Thành Công Mobile khi được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận sản phẩm điện thoại Bavapen là sản phẩm điện thoại di động đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Đồng thời Thành Công Mobile của Bảo cũng là nhà phân phối độc quyền của dòng điện thoại Philips (Hà Lan) tại Việt Nam.
Từ cậu bé sơn xe trở thành 'ông trùm' tỷ phú điện thoại
Nguyễn Quốc Bảo tâm sự: “Để làm nên một Bavapen hôm nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nước ta chưa sản xuất được nhiều linh kiện, lại vướng những hàng rào hội nhập WTO nên sau khi được chứng nhận, Thành Công Mobile phải đưa ý tưởng thiết kế ra nước ngoài làm gia công sản phẩm”.
Bảo chia sẻ: Khi làm nhà phân phối độc quyền đối với một sản phẩm nước ngoài, điều đó có nghĩa là bạn làm thương hiệu, làm giàu cho người ngoại quốc. Bạn cạnh tranh để giành lấy thị phần và cuối cùng cái bạn còn lại chỉ là tiền bạc. Được thổi hồn mình vào những sản phẩm Việt như Bavapen sẽ tạo được dấu ấn cho cuộc đời kinh doanh của mình.
Nguyễn Quốc Bảo cũng có những nguyên tắc rất riêng cho mình. “Tôi luôn tâm niệm sống tốt từng ngày. Tôi không kinh doanh những thứ trái pháp luật, không mua bán những gì có liên quan đến cái chết. Tôi không bán thuốc tây, không bán quan tài. Những mặt hàng như thuốc tây nếu “tiêu cực” có thể hái ra tiền, nhưng tôi không thể làm giàu bằng việc mạo hiểm với sức khỏe người khác như vậy”.
Cũng có lúc Bảo kiếm được rất nhiều tiền từ việc mở một sàn vàng tư nhân, nhưng chỉ được vài tháng, anh đóng cửa sàn vàng vì quy định của nhà nước. “Sự thượng tôn pháp luật giúp những người làm kinh doanh chúng tôi kiếm được những đồng tiền chính nghĩa và bền vững hơn”, Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.
Từ cậu bé sơn xe trở thành 'ông trùm' tỷ phú điện thoại
Thành Công Mobile của Nguyễn Quốc Bảo ước mơ được thổi hồn mình vào điện thoại mang thương hiệu Việt Nam
Năm 2010, doanh nghiệp của Bảo đóng thuế cho nhà nước khoảng 16 tỉ đồng, anh cũng hỗ trợ hàng tỉ đồng cho các chương trình từ thiện. Nguyễn Quốc Bảo đặc biệt hâm mộ 2 tỉ phú Mỹ là Bill Gates và Warren Buffett vì khả năng kinh doanh thiên tài của họ cũng như việc họ luôn hướng về cộng đồng. Khi chúng tôi hỏi vui: “Bill Gates và Mark Zuckerberg bỏ học ở Havard rồi ra lập công ty. Giới trẻ bây giờ họ có người băn khoăn một câu hỏi “bỏ học thì dễ, nhưng làm sao để vào học Havard đây?" Là một người học xong mới lập công ty, anh nghĩ thế nào?”
Nguyễn Quốc Bảo cười rất tươi và chia sẻ: “Kiến thức luôn rất quan trọng. Tôi không lấy mình ra làm thước đo, nhưng đối với các bạn trẻ, tôi nghĩ rằng: học cách đam mê, lao động hết mình và nghĩ đơn giản thì chắc chắn sẽ thành công trong nghề kinh doanh nhiều thử thách nhưng cũng đầy thú vị”.
Theo Biz.cafel.vn

Nữ tướng vàng nữ trang



  Xây dựng thương hiệu vàng nữ trang hàng đầu Việt Nam từ con số 0, CEO của PNJ - Cao Thị Ngọc Dung cho rằng, để thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, phải biết tự giải tỏa trong tâm trí mình.



Năm 1988, khi mới tiếp nhận nhiệm vụ thành lập công ty vàng, bà Dung rất lo lắng bởi chưa có kiến thức gì về ngành này. Thế rồi, Công ty PNJ vẫn ra đời và cho ra miếng vàng Phượng Hoàng năm 1989, tồn tại song song với miếng Rồng Vàng của SJC.
Tuy nhiên, năm 1992, UBND TP HCM có chủ trương hóa giá nhà tính bằng vàng SJC, giúp thương hiệu này có lợi thế lớn của một phương tiện thanh toán chính thức. "Nếu lúc này PNJ cũng tập trung đầu tư vào vàng miếng, nhất định sẽ không thể cạnh tranh được với SJC. Vì thế, tôi quyết định dồn toàn lực sang hướng phát triển ngành vàng nữ trang còn vàng miếng chỉ là thứ yếu", nữ CEO chia sẻ.
Khi sản xuất vàng nữ trang, phần lớn các công ty khác đều hợp tác với chủ hiệu vàng tư nhân để lấy kinh nghiệm. Riêng bà Dung lại nghĩ rằng, nếu dựa vào người khác sẽ khó lớn lên được và quyết định tự làm. Lúc đó, trong nước không có một trường lớp nào dạy về ngành vàng nữ trang, mọi thông tin đều phải tự mày mò.
Bà Dung tìm những người quen của gia đình có kinh nghiệm kinh doanh ngành kim hoàn, thuê mướn kỹ thuật viên có tay nghề... để tự học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, công tác hạch toán của ngành kinh doanh đặc biệt này cũng là một vấn đề khá rắc rối, phải giải bài toán làm sao để đảm bảo nguồn vốn bằng vàng và đạt được lợi nhuận. Giá vàng lại tăng giảm hàng ngày hàng giờ khiến vị thủ lĩnh trẻ mất ăn mất ngủ khi tìm ra lời giải.
Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất với nữ doanh nhân này là lúc thực hiện ý tưởng đưa ngành nữ trang thủ công theo hướng công nghiệp hóa. Bà Dung được TP HCM giới thiệu hợp tác với một công ty nước ngoài, nhưng vì thấy sự hợp tác này không có lợi nên một lần nữa CEO PNJ quyết định tự đi lên bằng nội lực.
Khẩn trương bắt tay vào việc nhập khẩu dây chuyền máy móc thiết bị, nhưng người ta chỉ bán cho bà máy móc chứ không chuyển giao công nghệ. Để tìm cách vận hành, bà lại phải tự tìm đến các nước có thế mạnh về ngành công nghiệp kim hoàn để học hỏi kinh nghiệm. “Nghề sẽ dạy nghề", nữ tướng PNJ bộc bạch.
Thử nghiệm cả năm trời PNJ mới tạo ra được những sản phẩm nữ trang đầu tiên sản xuất theo mô hình công nghiệp. Nhưng có sản phẩm rồi thì gặp vấn đề về thị trường thị trường tiêu thụ. Vì đây là sản phẩm nữ trang cao cấp, có độ nét cao nên tỷ lệ hao hụt lớn, khiến giá thành cũng cao hơn các thương hiệu khác.


Cũng có lúc bà cảm thấy nản lòng nhưng nhờ vào sự động viên và giúp đở của Chủ tịch Hội đồng Vàng thế giới Khu vực châu Á, nữ doanh nhân này vẫn kiên trì với con đường của mình. Chủ tich Hội đồng Vàng thế giới Khu vực châu Á phân tích, các nước khác muốn thành công trong ngành này đã phải trải qua mấy chục năm. PNJ mới bắt tay vào làm thì chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn buổi đầu. "Bà đang đi đúng đường thì cứ mạnh dạn bước đi", vị chủ tịch Hội đồng vàng kết luận.
Sau 5 năm, một xí nghiệp sản xuất nữ trang theo quy trình công nghiệp thực sự hình thành, cùng với đó là một mạng lưới phân phối rộng lớn đưa PNJ thành thương hiệu nữ trang hàng đầu tại Việt Nam.
Nữ tướng PNJ và chồng - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, Trần Phương Bình. Ảnh: NVCC
Năm 2011, khó khăn lớn nhất đối với ngành vàng là sự không ổn định của kinh tế thế giới và trong nước khiến giá vàng bất ổn. Nhiệm vụ của người kinh doanh phải canh theo giá vàng để kịp ứng phó. Đặc biệt, những thời điểm sốt giá, bà phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn. "Cái khó của người lãnh đạo trong ngành này là phải làm sao vừa kinh doanh nhưng phải đảm bảo được giá trị nguồn vốn của mình không bị sụt giảm", bà nói.
Hiện nay, mặc dù vàng miếng PNJ chỉ là phần thứ yếu trong hoạt động kinh doanh của công ty nhưng nó vẫn là một thương hiệu uy tín trên thị trường được bà dày công vun đắp. Trong tương lai có thể sản phẩm ấy sẽ không còn tồn tại theo cơ chế chính sách mới khiến nữ tướng PNJ không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, bà cho rằng, thiệt thòi của công ty thì chắc chắn có nhưng sẽ tìm cách bù đắp sau. Quan trọng là phải biết hy sinh cho quyền lợi của quốc gia.
Bà tâm sự, có những lúc kinh doanh vàng miếng lãi hơn cả triệu đồng một lượng nhưng trong lòng không vui, bởi điều đó phản ảnh sự bất thường. Như vậy lợi nhuận chỉ tập trung cho một số ít (trong đó có PNJ) nhưng lại gây bất ổn cho nền kinh tế và sự thiệt thòi của người dân.
Dành phần lớn thời gian vào công việc và dấn thân vào các hoạt động cộng đồng, bà Dung dường như quên việc tìm niềm vui riêng cho mình. Bù lại, nữ tướng PNJ may mắn có người chồng (Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - Trần Phương Bình) là bạn tri kỷ, luôn động viên, khuyến khích bà vượt qua mọi sóng gió trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, ba cô con gái cũng là nguồn vui rất lớn của nữ doanh nhân này.
Để thành công trong một môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, Tổng giám đốc PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho rằng, quan trọng nhất là yếu tố tự giải tỏa trong tâm trí mình. Ngoài ra, người làm kinh doanh đừng bao giờ nhìn mọi việc bằng cái nhìn hoàn hảo và phải luôn sẵn sàng chấp nhận khó khăn thì áp lực sẽ trở nên nhẹ đi.
Nữ doanh nhân cũng không quên đúc kết, bản lĩnh bao giờ cũng làm nên sự khác biệt của mỗi người. Khi muốn làm điều gì, các bạn trẻ phải xác định được mục tiêu rõ ràng rồi thiết lập con đường đi để chinh phục. Trên con đường ấy sẽ luôn gặp những khó khăn nhưng mình phải biết nhìn thẳng vào nó để vượt qua và thẳng tiến đến mục tiêu.
Theo Biz.cafel.vn

Lập nghiệp từ " Xe Cuốc "



Lời giới thiệu tóm tắt:
-   Anh: Nguyễn Minh Hải
-   Công ty: Công ty TNHH đầu tư thương mại Hải Nguyễn
-   Năm thành lập: 2006
-   Lĩnh vực hoạt động: Dịch vụ máy văn phòng
-   Nghành nghề hoạt động chính
+  Ngành 1: sửa chữa, cung cấp máy tính, máy in, máy photo, thiết bị văn phòng đổ mực in;
+  Ngành 2: Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy văn phòng
-    Quy mô hiện tại: 10 nhân viên
Anh Nguyễn Minh Hải – Giam Đốc Công Ty TNHH ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI  HẢI NGUYỄN nhìn lại con đường khởi nghiệp của bản thân.
“ Thất bại hãy xem đó là thử thách một khó khăn trong nghàn vạn khó khăn. Nếu đường đi cứ yên lặng phẳng bằng thì tới đích chẳng còn gì thú vị”. Đó là quan điểm chủ đạo xuyên suốt suy nghĩ của bản thân và tôi lấy thất bại là một bài học quý giá để gồng mình trong cuộc sống.
Giữa thủ đô nhộn nhịp và xô bồ tôi không có gì ngoài chiếc xe đạp “Cà Tàng” mà bố mẹ cho để học hết  bốn  năm Bách Khoa, tuy nó cũ nát nhưng với tôi đó là cả một tài sản quý giá nên tôi gọi nó là “ Xe cuốc”.  Cuộc sống sinh viên với bao nhiêu lo toan “ tiền thuê nhà, tiền  học, rồi những chi phí phát sinh bên ngoài…” những khoản tiền đó bố mẹ có xoay tới đâu cũng không thể đáp ứng cho tôi được. Hết giờ học các bạn cùng trang lứa  vui vẻ hẹn hò đi chơi, đi mua sắm còn tôi thì cưỡi vội lên con “Xe Cuốc” đạp xe ba cây số đi dạy thêm.
Tôi nói những câu dưới đây không phải là để chỉ trích con nhà giàu, mà chỉ một cá nhân con nhà giàu đã hành hạ tôi trong khoảng thời gian tôi dạy kèm thêm cho cậu. Vào thời điểm năm 1996 máy tính là niềm mơ ước của bao nhiêu người đi làm thế nhưng cậu ấm mới chỉ học lớp 6 mà đã sở hữu ngay một con máy tính  mới toanh để phục vụ cho sở thích chơi điện tử của cậu. Tôi mang tiếng là đi dạy kèm nhưng phải nói là “bảo mẫu” thì đúng hơn. Đang dạy thì bà giúp việc mang đồ ăn lên “thầy giỗ cho cháu nó ăn hộ tôi cái”, rồi khi không chịu học tôi quát nó thì mẹ nó bảo “thầy cho cháu chơi điện tử lúc rồi cháu nó học tiếp”. Với bản chất nóng tính tôi không chịu được sự đàn áp  từ phía phụ huynh cậu ấm và xin nghỉ việc.
Dắt xe ra về với tâm trạng rối bời mình không đi dạy thêm nữa thì lấy đâu ra tiền đóng học? Tôi nghĩ mình học chuyên nghành điện tử sao không xin vào chỗ nào đó liên quan tới chuyên nghành làm nhi? Đạp lân la khắp các con phố gặp quán net nào tôi cũng vào xin việc, đi đâu cũng hỏi “đã có kinh nghiệm chưa” tôi lắc đầu nên không có ai nhận. Không bỏ cuộc hôm sau khi kết thúc giờ học tôi lại tiếp tục đi may thay vào  quán nhỏ bên đường lại được nhận vào trông máy buổi chiều, tôi vừa làm vừa tự mày mò sửa mỗi khi có máy tính hỏng nên chủ quán rất tin tưởng tôi.
Bốn năm đại học  kết thúc, năm 2000 tôi tốt nghiệp ra trường, trong tay ngoài tấm bằng đại học và con xe cuốc thì tôi chẳng có gì. Tôi lập kế hoạch để đi xin việc nhưng đi tới đâu cũng hỏi "anh có xe máy chưa"? Tôi lại lắc đầu và lẳng lặng bước đi. Lúc đó trong tay không có một xu tôi đành bán đi người bạn đã gắn bó với tôi bốn năm qua trên giảng đường đại học cho bà đồng nát để lấy lộ phí về quê. Bố mẹ vay mượn mua cho tôi con xe đời 81 cũ để lấy phương tiện đi lại, tôi nghĩ với mình như thế này là quá may mắn rồi, tôi vội phóng xe lên thành phố và đi xin vào làm sữa chữa cho một văn phòng sửa máy tính.
Một năm làm thuê ròng rã năm 2001 tôi đã góp được một chút vốn để ra mở văn phòng sửa máy tính riêng lấy tên “ Máy văn phòng Hồng Hà”. Nói là văn phòng nhưng thực tế tôi chỉ mượn nhà trọ làm văn phòng mà thôi. Kinh nghiệm không có, vốn cũng không mà xung quanh tôi đang có bao nhiêu đối thủ vây quanh, tôi đành lập một kế hoạch kinh doanh “ In và phát từ rơi cho từng công ty”. Tôi vừa là quản lý, vừa là nhân viên kinh doanh…Có một số công ty đã biết đến tôi nên tôi vừa sửa máy, vừa đổ mực máy in, tôi vay mượn thêm bạn bè để đổ vốn vào kinh doanh bán máy tính. Trong một lần tai nạn giao thông bị thương nặng tôi dồn hết tiền để chạy chữa thậm chí tôi còn phải nhờ thằng bạn thân bán hết những thứ gì còn sót lạị để thanh toán tiền viện phí. Thế là văn phòng máy tình Hồng Hà  giải thể.
Thêm một lần nữa tôi đi làm thuê cho công ty máy tính nhưng lần này quãng thời gian mà tôi làm không phải một năm mà là năm năm. Với thất bại từ Hồng Hà tôi rút ra cho mình một bài học “không nên nóng vội đầu tư khi chưa có vốn và kinh nghiệm”. Năm 2006 khi cảm thấy tay nghề chín chắn và có thêm một chút vốn tích góp tôi quyết định mở công ty về chuyên nghành máy tính “Công Ty TNHH ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI   HẢI NGUYỄN ”. Chuyên sửa chữa máy tính, máy in, máy photo, đổ mực in và sửa chữa một số thiết bị máy văn phòng... Tôi biết trên thị trường có bao nhiêu công ty có danh tiếng  họ lợi thế hơn tôi về nguồn vốn, kinh nghiệm và kho dữ liệu khách hàng Để giảm chi phí tôi chỉ dám thuê thêm một cậu nhân viên vào làm cùng. Hai anh em chạy từ văn phòng này đến văn phòng khác để tư vấn về dịch vụ của công ty, lên mạng tìm mail các công ty để gủi thư chào… Ba tháng trôi qua không hề có một khách hàng nào gọi, cậu nhân viên của tôi bắt đầu thấy nản và xin nghỉ việc. Hình ảnh khi nhân viên ra đi với nỗi thất vọng đè nặng lên đôi chân bước chậm rãi của cậu. Bước chân đó ám ảnh tôi và thúc dục lòng đam mê của tôi không vì chút thất bại nhỏ nhoi mà giải thể công ty thêm một lần nữa.
Không từ bỏ tôi tiếp tục đi đến làm phiền các công ty, và đi tìm các đại lý bán linh kiện giá rẻ để mua với hi vọng báo giá phù hợp sẽ thu hút được khách hàng.  Không lâu sau đã có khách hàng gọi tới công ty, những ngày đầu một mình tôi chạy đua với chiếc xe 81, có ngày phải chạy tới bốn năm công ty để sửa chữa máy tính, máy in, máy photo, rồi đổ mực… Kết thúc một ngày làm việc mệt nhoài nhưng tôi biết con đường thành công của tôi đang len lỏi đâu đây. Với tinh thần, trách nhiệm và kinh nghiệm trong công việc tôi đã mang lại niềm tin cho khách hàng nên có rất nhiều công ty gọi điện tới làm hơp đồng dịch vụ với  Hải Nguyễn . Đối tác ngày ngày càng nhiều nên tôi liên tục tuyển nhân viên vào để dịch vụ được đảm bảo tốt hơn . Lúc mới thành lập công ty chỉ có mình tôi vừa giám đốc vừa là nhân viên nhưng cho tới hôm nay tôi tự hào vì công ty  Hải Nguyễn đã có  tới hàng chục nhân viên sẵn sàng tác chiến khi có yêu cầu từ khách hàng.
Có được như ngày hôm nay tôi đã phải dẫm lên bao nhiêu khó khăn nên tôi hi vọng tất cả các bạn trẻ sau này khi lập nghiệp đừng vì khó khăn mà chùn bước, hãy ngẫng cao đầu để trãi nghiệm vì mỗi lần thất bại ta lại có thêm một bài học mới cho bản thân . Tôi biết khó khăn phía trước còn rất nhiều “ Cạnh tranh thị trường, yêu cầu khách hàng cao hơn…”. Nhưng với mục tiêu “Khách hàng là thượng đế” Công Ty TNHH đầu tư thương mại  Hải Nguyễn chúng tôi luôn đàm bảo  mang tới cho quý khách hàng một dịch vụ nhanh, chắc và chuyên nghiệp nhất.
MaiVT
Nguồn từ: khoinghiep.biz

Tạ Minh Tuấn - Giám đốc công ty Help Corporation: Khởi nghiệp dù không có vốn!


 










Khát khao thực hiện và mạnh dạn chia sẻ ý tưởng để tìm đối tác, Tạ Minh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Help Corporation, đã làm được điều mà rất nhiều bạn trẻ Việt Nam mong muốn: khởi nghiệp dù không có vốn!
Trước là “báo hiếu cha”...
Tuấn khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên, đón nhận và ứng dụng truyền thông kỹ thuật số từ những ngày đầu tiên xu hướng này xuất hiện tại Việt Nam, điều hành cùng lúc hai quỹ từ thiện.
Nhưng cái tên Tạ Minh Tuấn lại gắn liền với chữ “Help”, là tên của trung tâm chăm sóc sức khỏe tại gia do Tuấn sáng lập và điều hành.
Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết Tuấn chỉ có trong tay 5 triệu đồng nhưng đã gầy dựng nên một trung tâm cung cấp dịch vụ y tế đòi hỏi số vốn hơn 14 tỷ đồng.
Năm 2007, Tạ Minh Tuấn chuẩn bị bước vào tuổi đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người, thế nhưng tin cha bị ung thư như sét đánh ngang tai cậu sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Nhìn thấy cha từ một người khỏe mạnh trở thành ốm yếu, tiều tụy.
Tuấn cứ trăn trở với câu hỏi: “Nếu như được phòng bệnh từ trước và kiểm tra sức khỏe kịp thời, thì liệu cha mình có vướng phải căn bệnh ung thư quái ác này không?”.
Câu trả lời tất nhiên là không và chữ “không” ấy luôn thôi thúc Tuấn phải làm một cái gì đó để có thể thực hiện ước mong lớn nhất của mình là chăm sóc sức khỏe cho cha, cho người thân, cho cộng đồng...
“Nghĩ cũng lạ, lúc chọn trường đại học thi vào, ai nói gì tôi cũng không nghe, không muốn theo ngành y nối nghiệp ông ngoại, mà thi vào khoa Kỹ thuật hệ thống, Đại học Bách Khoa TP.HCM”, Tuấn kể rồi tự biện bạch: “Có lẽ tại tôi không thích đi theo con đường người khác vẽ sẵn cho mình”.
Và khi đã có ý tưởng, Tuấn không vội bắt tay triển khai kế hoạch kinh doanh, mà dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu thị trường, tìm các mô hình kinh doanh dịch vụ y tế tiên tiến của thế giới để học hỏi. “80% trường hợp mắc bệnh mãn tính là hậu quả của lối sống.
Thế nên hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh ngay từ đầu”, Tuấn cho biết. Tuy nhiên, đến bệnh viện để được chăm sóc, thăm khám định kỳ lại quá nhiêu khê, bởi các bệnh viện tại Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải.
Tạ Minh Tuấn khẳng định: “Hiện nay, được cung ứng những dịch vụ y tế, chăm sóc, thăm khám tại gia nhằm ngăn ngừa và phát hiện bệnh để điều trị kịp thời là mong muốn của rất nhiều người”.
Sau “gieo” đề án...
Đã biết được cái thị trường cần lẫn cái mình muốn, nhưng thật đáng tiếc, vốn liếng lại là trở ngại lớn. Chuyển giao Công ty Truyền thông Tiếp thị kỹ thuật số IDEE cho bạn hữu, Tuấn ra đi mà chỉ nhận 5 triệu đồng tượng trưng cho giá trị cổ phần trong khi đầu tư cho y tế cần một số vốn không nhỏ.
Việc đầu tiên của Tuấn là bắt tay vào viết đề án kinh doanh chi tiết, sau đó “rao” với mọi người. “Tôi đặt ra mục tiêu là mỗi ngày phải chia sẻ với ít nhất một người về ý tưởng kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia. Vậy mà có ngày tôi nói được với tới sáu người về đề án ấy”, Tuấn nhớ lại.
Sau một tháng cần mẫn đi “rao”, Tuấn tìm được 20 người có cùng chí hướng, trong đó chủ yếu là các y, bác sĩ tâm huyết với nghề. Họ chấp nhận làm không công ngoài giờ, cùng Tuấn triển khai mô hình kinh doanh mới mẻ này. Song song với thử nghiệm dịch vụ, Tuấn mạnh dạn tìm đến các quỹ và nhà đầu tư... để tìm kinh phí.
Số tiền 14 tỷ đồng có được là nhờ sự kiên trì thuyết phục và nhiệt tình của ông chủ nhỏ. “Nhà đầu tư thường quan tâm đến lợi ích, chỉ cần cho họ thấy được tính khả thi của đề án, chắc chắn họ sẽ mạnh dạn bỏ tiền cho mình thực hiện”, Tuấn tiết lộ.
Quả là “nhân định không thể thắng thiên” nên cuối cùng Tuấn cũng lại dấn thân vào ngành y. Anh đã thử sức ở nhiều ngành nghề, từ xây dựng đến dịch vụ truyền thông, tiếp thị... và luôn gặt hái được nhiều thành công.
Điển hình là Công ty IDEE do Tuấn cùng bạn bè thành lập khi còn là sinh viên năm II đã góp phần phổ biến hình thức tiếp thị kỹ thuật số tại Việt Nam khi nó vẫn còn là xu hướng mới mẻ đối với một số quốc gia trên thế giới.
Vượt qua rất nhiều khó khăn để tạo được niềm tin nơi khách hàng, kết quả là một số thương hiệu lớn như Sony, Samsung... đã trở thành khách hàng của IDEE.
Nói về thành quả đạt được, Tạ Minh Tuấn cho biết, đó là do anh đã ứng dụng thành công những lý thuyết lĩnh hội được trên giảng đường: “Kỹ thuật hệ thống là ngành có khả năng ứng dụng rất rộng, không chỉ bó hẹp trong quản lý hệ thống máy móc, mà còn là quản lý hệ thống nhân sự, hệ thống quảng bá thương hiệu... Cơ thể con người cũng là một hệ thống”, Tuấn phân tích.
Thành lập chưa đầy hai năm nhưng Công ty Help đã phát triển hơn cả như mong đợi, có chi nhánh tại các quận ở TP.HCM và đang mở rộng ra các tỉnh lân cận như Bình Dương...
Đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, cộng với lợi thế tiên phong và hiện giờ là độc quyền, chắc chắn Help sẽ còn phát triển trong tương lai.
Nguon: doanhnhan.net

Cô chủ nhỏ và chuỗi cửa hàng lớn



  








Khởi nghiệp cách đây 4 năm, với vốn liếng ban đầu là vải vụn, chỉ thừa của mẹ, Trần Phương Huyền dần xây dựng được một hệ thống cửa hàng rộng khắp cả nước với sản phẩm gối handmade độc đáo. Cô chủ nhỏ này đang là sinh viên năm cuối.
"Béo ơi", "Yêu mẹ nhất", "Khì khì khò khò"... là những dòng chữ ngộ nghĩnh, chứa đầy yêu thương mà khách hàng có thể bắt gặp trên sản phẩm gối Takeone của Phương Huyền. Trên chất liệu nỉ Hàn Quốc, Huyền cùng các nhân viên trong xưởng tha hồ sáng tạo phối hợp màu sắc, kiểu dáng, cho ra những sản phẩm "không đụng hàng".
Gặp cô chủ của những món quà xinh xắn này, người ta có ấn tượng bởi khuôn mặt nhỏ nhắn nhưng chững chạc hơn so với độ tuổi 22. Con đường đưa Huyền đến với nghề kinh doanh rất tự nhiên và đơn giản. Từ nhỏ Huyền đã quen với vải vóc, may vá do mẹ mở tiệm may tại nhà. Vốn được học qua mỹ thuật, từ bé Huyền đã và có thể may được những bộ quần áo búp bê.

Đến lúc đang học năm thứ nhất Đại học Ngoại thương, Huyền làm những chiếc gối xinh xắn đem tặng bạn bè và những người bạn của cô hưởng ứng nhiệt tình. Ý tưởng kinh doanh đã nhen nhóm trong suy nghĩ của Huyền từ đó.
Vốn liếng ban đầu của Huyền hoàn toàn chỉ là chỗ vải vụn, vải thừa cùng với kim chỉ của mẹ. Cho đến nay, Huyền đã có trong tay 11 cửa hàng và đại lý, 3 cửa hàng tại Hà Nội, 2 tại TP HCM, các đại lý tại Lào Cai, Buôn Mê Thuột và nhiều tỉnh khác.
                                                      Một cửa hàng của Huyền. Ảnh: Takeone

Vì là hàng thủ công nên gối của Huyền giá cao hơn so với một số thương hiệu trên thị trường. Tuy vậy, tình hình kinh tế khó khăn cùng sự suy giảm sức mua trong thời gian gần đây không ảnh hưởng mấy đến công việc kinh doanh của cô. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của chuỗi cửa hàng Takeone đã tăng gấp 3 lần.
Huyền cho biết: "Bí quyết kinh doanh của mình đơn giản là luôn giữ sự tương tác qua lại với khách hàng. Những lời nhận xét khen, chê của người mua phản ánh trực tiếp hay trên các diễn đàn giúp mình cảm thấy tự tin hơn để tiếp tục phát huy hoặc có sự điều chỉnh trong kinh doanh". Thêm vào đó, đây là công việc cô thật sự thích thú và mang lại niềm vui cho nhiều người, nên Huyền luôn làm việc một cách hết mình bằng tất cả niềm say mê. Cô chủ nhỏ cho rằng đây là điều hết sức quan trọng khi làm bất cứ công việc gì.
Từ những ngày khởi nghiệp cho đến nay, gối vẫn luôn là sản phẩm chủ đạo trong cửa hàng Takeone. Ngoài ra cô còn sản xuất các mặt hàng khác như ga trải giường, khăn và nhiều đồ lưu niệm theo yêu cầu khách hàng.
Mỗi sản phẩm làm ra đều 100% thủ công trong tất cả các khâu. Mặc dù hiện nay số lượng đơn hàng từ các đại lý tại Hà Nội, TP HCM ngày càng nhiều, nhưng Huyền vẫn không có ý định "cơ giới hóa" công việc sản xuất. Cô tâm sự: "Mình không muốn thay đổi thương hiệu gối handmade. Mỗi chiếc gối phải là một sản phẩm gửi gắm tâm huyết của người làm ra nó".
Đối tượng khách hàng chủ yếu mà Huyền nhắm tới là học sinh, sinh viên nên các sản phẩm đậm chất "teen", nhiều màu sắc, kiểu dáng cho teen lựa chọn. Hầu hết các bạn trẻ đến đây đều đã "thủ sẵn" một bản thiết kế với những dòng nhắn nhủ rất riêng để làm quà tặng độc đáo cho người yêu, bạn bè hay cho bố mẹ.

Nhiều sinh viên xem Phương Huyền là thần tượng vì đang ngồi trên giảng đường mà Huyền đã xây dựng được một "cơ nghiệp" kha khá. Để cân đối giữa học và làm, Huyền chỉ tập trung học những môn có ích cho công việc kinh doanh. Tuy nhiên, Huyền cho biết sẽ học thêm một bằng về quản lý. Cô cho rằng mình vẫn còn thiếu phong cách quản lý chuyên nghiệp. Hệ thống cửa hàng ngày càng mở rộng, chỉ điều hành hoạt động dựa vào kinh nghiệm cá nhân và lời khuyên của bố mẹ thì không đủ.
Huyền vẫn chưa hoàn toàn tự hào về bản thân mà khiêm tốn cho rằng xung quanh cô vẫn còn rất nhiều người giỏi hơn. Cô cho biết môi trường năng động của trường Đại học Ngoại thương đã tạo ra rất nhiều nhiều bạn trẻ có tiềm năng là những doanh nhân thành công tương lai.
Theo: dddn.vn

"Kỳ tích" của nữ doanh nhân 14 tuổi học đại học














 “14 tuổi học đại học, 18 tuổi làm giảng viên đại học. Năm 22 tuổi, một mình mang 20.000 đô la Mỹ đầu tư vào thị trường phố Wall tại Mỹ, và nhanh chóng kiếm được 1 triệu đô la Mỹ trong một thời gian ngắn. Năm 27 tuổi quay trở về quê hương và thành lập Tập đoàn giáo dục trực tuyến đầu tiên tại Trung Quốc. Năm 30 tuổi đã đứng đầu một công ty lớn với tài sản lên tới 60 triệu đô la Mỹ”.
Bản CV ngắn gọn trên là của một người phụ nữ với phong thái điềm đạm, lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ đoan trang nhưng lại rất nổi tiếng tại Trung Quốc. Đó chính là: Hi Tuệ Lâm, tổng giám đốc tập đoàn đầu tư giáo dục quốc tế Trung Quốc, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn giáo dục trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc.
Cô bé thiên tài

Sinh ra trong một gia đình trí thức cao cấp tại thành phố Tây An thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, cô bé Hi Tuệ Lâm đã sớm được tiếp nhận cuộc sống tự lập, đơn giản là bởi vì bố mẹ cô bé rất bận bịu với những chuyến công tác dài ngày. “Khi tôi bốn tuổi, mẹ sinh em trai, bố lại phải đi công tác, lúc đó hầu như mọi việc lặt vặt trong nhà tôi đều phải làm, trên cổ lúc nào cũng treo rất nhiều các loại chìa khóa của cả gia đình.” Cô vui vẻ kể lại.
Ngay từ hồi nhỏ, cô bé Hi Tuệ Lâm đã xác định mục tiêu của cuộc đời sau này của mình. Cô luôn có hoài bão là sẽ trưởng thành sớm hơn mọi người, đi làm sớm hơn mọi người và đạt được thành công cũng sớm hơn mọi người. Do vậy, ngay từ khi 4 tuổi, Tuệ Lâm đã được bố mẹ cho đi học lớp một. Với thành tích học tập xuất sắc, nửa năm sau cô được đặc cách lên học lớp 3.
Không chỉ có thành tích xuất sắc trong học tập, trong các lĩnh vực ngoại khóa khác, cô bé đáng yêu này cũng  làm những người xung quanh mình phải ngạc nhiên và thán phục. Hồi học tiểu học, cô được là học sinh cầm cờ trong đội lễ nhạc của nhà trường( tại Trung Quốc, học sinh thực sự xuất sắc mới được có vinh dự này). Học trung học, cô là chỉ huy dàn hợp xướng của nhà trường. Đồng thời cô bé còn tham gia rất nhiều các hoạt động thể chất khác như: thể dục nhịp điệu, khiêu vũ…  “ Chính vì được tham gia những hoạt động mang tính chất tập thể này mà tôi đã quen dần với cách thức hoạt động theo nhóm” Hi Tuệ Lâm nói.
Năm 14 tuổi, Hi Tuệ Lâm thi đỗ vào đại học sư phạm Bắc Kinh và trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của nhà trường. Tuy nhiên không vì nhỏ tuổi mà cô bị các sinh viên khác coi thường. Trong lễ đón tân sinh viên của trường sư phạm Bắc Kinh năm đó, Hi Tuệ Lâm, 14 tuổi đã nổi bật lên nhờ thành tích học tập xuất sắc, khuôn mặt xinh đẹp và vóc dáng như một người mẫu. Cô có nói rằng: "Con người phải biết thể hiện bản thân mình, biết tận dụng những cơ hội để được chứng tỏ năng lực của bản thân”. Đối với bản thân Tuệ Lâm mà nói, cuộc sống có rất nhiều cơ hội, điều quan trọng là nắm bắt cơ hội đó như thế nào mà thôi.
Giảng viên đại học tuổi 18
Cả 4 năm học đại học, thời gian chủ yếu của Hi Tuệ Lâm là trong thư viện. Năm 18 tuổi, khi tốt nghiệp đại học cô đã có trong tay hai tấm bằng khác: một tấm bằng đại học về văn học nước ngoài và một bằng về thương mại quốc tế, đồng thời trong năm này cô cũng đã có được một tấm bằng lái xe khi vừa đủ tuổi. Những thành tích của Tuệ Lâm luôn làm bố mẹ cô tự hào và mãn nguyện.
Sau khi tốt nghiệp, theo đúng nguyện vọng của mình, Tuệ Lâm trở thành giảng viên của khoa kinh tế đối ngoại thuộc Học viện dầu khí Bắc Kinh. Thời gian rỗi, cô dịch sách cho các nhà xuất bản và làm hướng dẫn viên du lịch của một tập đoàn du lịch của nước ngoài.
Trong thời điểm khi các công ty nước ngoài dồn vào đầu tư tại thị trường Trung Quốc, Hi Tuệ Lâm đã nhận được rất nhiều lời mời về làm tại các công ty này với những mức lương rất hấp dẫn. Ngay từ khi vừa mới tốt nghiệp, cô đã nhận được lời mời làm giám đốc đại diện cho một số công ty nước ngoài tại Trung Quốc.
“Được làm cho công ty nước ngoài tại Trung Quốc thì cũng là một điều tốt, nhưng một con người luôn muốn khám phá, tìm tòi như tôi thì nếu chỉ ở Trung Quốc thì không thể thỏa sức tang bồng của mình”. Chính vì nguyên nhân này, mà năm 22 tuổi, Hi Tuệ Lâm đã một mình mang theo 20.000 đô la đến Mỹ xâm nhập và đầu tư vào thị trường phố Wall. Và bắt đầu từ đây, một huyền thoại được ra đời.
Chinh phục nước Mỹ
Mùa hè năm 1993, khi bước xuống sân bay Chicagô- Mỹ, nhìn mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm, nhưng Hi Tuệ Lâm đã quyết tâm rằng: “Phải chinh phục được nước Mỹ, đây sẽ trở thành thiên đường cho công việc của mình.”
“Cơ hội và cơ may sẽ luôn đến với những ai đã chuẩn bị mọi thứ để đón nhận nó” Hi Tuệ Lâm trả lời như vậy khi được hỏi về vận may mà cô đã có khi vừa đặt chân tới Mỹ. Năm đó, cô đã thành lập công ty liên hợp “First Chicago Bank’s First Option” tại hai thành phố lớn là New York và Chicago, công ty này chuyên cung cấp vốn cho các công ty tư nhân đa quốc gia và các công ty nhà nước của Trung Quốc. Trong thời điểm đó, khi ở Mỹ một ngày có hàng trăm ngàn công ty được thành lập nhưng không bao lâu sau lại phá sản là một chuyện xảy ra “như cơm bữa” thì việc ra đời công ty “First Chicago Bank’s First Option” của Hi Tuệ Lâm cũng nhận được nhiều ánh mắt nghi ngại. Tuy nhiên, đối với Hi Tuệ Lâm mà nói, việc ra đời công ty là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của cô, cũng bắt đầu từ đây, cô thường xuyên phải làm việc với cường độ cao và cũng thường xuyên bị mất ngủ do công việc quá căng thẳng.

Từ đó về sau, công ty làm ăn phát đạt, xác định mục tiêu chính là ở Hồng Kông,  Hi Tuệ Lâm mở thêm công ty đầu tư  “Gardism”,  phụ trách quản lý đầu tư giữa các công ty, nhà máy, xí nghiệp của Hồng Kông có liên doanh với Trung Quốc đại lục. Đúng như nguyện vọng của mình, hai năm sau khi “Gardism” chính thức đi vào hoạt động, cổ phiếu của công ty bắt đầu được bán ra. Cũng giống như nhiều nhà kinh doanh thành công khác, cổ phiếu của công ty “Gardism” đã làm khuấy động thị trường, và trở thành cổ phiếu được chào đón nồng nhiệt nhất tại thời điểm đó.
Năm 1997, khi vừa tròn 27 tuổi, Hi Tuệ Lâm đã có trong tay lượng tài sản lên tới 10 triệu đô la Mỹ. Lúc này, cô lại bắt đầu từ một điểm xuất phát mới, và về nước là lựa chọn tiếp theo của cô. Năm 1998, khi internet bắt đầu nở rộ tại Trung Quốc, Hi Tuệ Lâm quyết định thành lập tập đoàn giáo dục dạy học trực tuyến đầu tiên tại Trung Quốc.
Dồn sức cho sự nghiệp giáo dục
“Nguyện vọng của tôi là làm thế nào để kết hợp được một cách hài hòa giữa sự nghiệp giáo dục mà tôi được đào tạo bài bản với nghề kinh doanh mà tôi yêu thích, chính vì thế hình thức giáo dục trực tuyến sẽ giúp tôi thực hiện được ước mơ của mình” Hi Tuệ Lâm tâm sự.
Hiện nay, tập đoàn giáo dục trực tuyến của Hi Tuệ Lâm đã ký kết hợp đồng làm đại lý độc quyền với tập đoàn giáo dục lớn nhất thế giới Pearson tại Trung Quốc. Hiện tại hình thức giáo dục của công ty chính là dạy tiếng Anh trực tuyến. Trong vòng 10 năm hoạt động, lợi nhuận của công ty đã lên tới 50 triệu đô la.
Để quảng bá và mở rộng đối tượng tiếp thu hình thức đào tạo mới của mình, Hi Tuệ Lâm đã đi rất nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, đi thăm và làm việc với hơn 1000 trường học trong cả nước từ đại học, trung học cho tới các trường tiểu học. Ngoài quảng bá hình ảnh cho tập đoàn của mình, cô đã mang tặng các thiết bị học tập và tiền mặt cho những ngôi trường thuộc các vùng khó khăn ở các tỉnh nghèo tại Trung Quốc. Hi Tuệ Lâm cho biết: “Muốn cải thiện xã hội thì phải bắt đầu từ cải thiện từ giáo dục, muốn cải thiện giáo dục thì phải bắt đầu từ con trẻ, mà tạo môi trường học tập tốt cho trẻ chính là điều kiện cơ bản nhất để chúng có thể học tập tốt”.
Mặc dù rất thành công trong công việc hiện tại nhưng Hi Tuệ Lâm vẫn có ước mơ là sẽ có ngày quay trở lại làm giảng viên. “Với tôi, giáo viên là nghề cao quý nhất, được làm giảng viên tôi có thể giúp đỡ những sinh viên nghèo không những về mặt kinh tế mà còn về cả nhận thức nữa” Hi Tuệ Lâm nói.
Một cô bé trưởng thành sớm với những ước mơ cũng sớm trở thành hiện thực đã trở thành tấm gương phấn đấu cho thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện đại. “Cuộc sống có rất nhiều cơ hội, cái chính là bạn có nắm bắt được cơ hội đó hay không mà thôi”. Đây là lời khuyên tổng giám đốc tập đoàn đầu tư giáo dục quốc tế Trung Quốc, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn giáo dục trực tuyến Trung Quốc: Hi Tuệ Lâm với những thanh niên đã đang và sẽ chuẩn bị bước vào con đường lập nghiệp của mình.
Theo: doanhnhan.net

Gặp chàng Phó Tổng giám đốc tuổi 24



  







 Tốt nghiệp loại giỏi hai bằng cử nhân trường đại học danh tiếng của Mỹ chỉ trong ba năm, cậu thanh niên 20 tuổi tự tin quay về Việt Nam...Giờ Huy đã là Phó Tổng GĐ Tập đoàn BIM-một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề như thuỷ sản, du lịch, bất động sản, hàng không...
Xách cặp cho bố
Đoàn Quốc Huy giờ đây đã có gần 5 năm kinh nghiệm làm việc cho Tập đoàn BIM group. Khó ai hình dung gương mặt non trẻ đó, giờ đã là Phó Tổng GĐ Tập đoàn BIM-một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề như thuỷ sản, du lịch, bất động sản, hàng không... có gần 200 nhân viên (trong hàng nghìn nhân viên) thuộc 15 quốc gia khác nhau.
Nhiều người vẫn nghĩ, tập đoàn này do bố mẹ Huy làm chủ nên cậu ta được cất nhắc lên làm Phó Tổng GĐ cũng không khó hiểu. Tuy nhiên, đường quan lộ của Huy không dễ như hình dung.
Được bố mẹ đưa sang Ba Lan sinh sống từ năm 4 tuổi, Huy luôn thuộc tốp đầu trong các năm học. Tiếp tục sang Mỹ học trung học phổ thông, để được vào Trường Đại học Nam California, bắt buộc những người như Huy phải nằm trong tốp được điểm cao (5%) của trường trung học phổ thông.
Chương trình học trong 5 năm, nhưng Huy hoàn thành chỉ trong 3 năm với 2 bằng đại học chuyên về doanh nghiệp và tài chính bất động sản.
"Mới ra trường, tốt nghiệp loại giỏi, lại được các doanh nghiệp đánh giá tốt luận văn nên tôi rất tự tin sẽ giải quyết được công việc ngay. Sau khi về làm trợ lý cho bố, nhìn thấy trực tiếp mọi việc mới biết là mình chẳng biết gì", Huy nói.
Bố mẹ Huy là những đại gia nhưng đều làm tiến sỹ tại Ba Lan nên cách dạy con cũng rất khoa học. "Không bao giờ bố mẹ tôi giục chị em tôi làm cái này cái kia mà luôn đặt ra những chỉ tiêu để chúng tôi hoàn thành".
Từ một trợ lý xách cặp cho bố đi từ vuông tôm này đến đồng muối kia, Huy được cất nhắc lên làm Trưởng phòng Kinh doanh bất động sản và Thuỷ sản. Trong quá trình triển khai công việc, Huy có nhiều đóng góp hiệu quả cho tập đoàn như giúp quản lý tốt toà nhà cao cấp cho thuê Fraser Suites (3 năm liền được khách hàng bình chọn là khu căn hộ tốt nhất Việt Nam) ở quận Tây Hồ (Hà Nội).
Dần dần, nhân viên Huy được cất nhắc lên làm Phó GĐ một công ty thuỷ sản thuộc Tập đoàn BIM và hiện là Phó Tổng GĐ tập đoàn. Huy kể: "Bố tôi khắt khe với con cái hơn cả nhân viên khác. Có những việc tầm quy mô nhỏ do tôi khăng khăng cho là đúng, bố cứ để làm đến khi nhận ra sai để rút kinh nghiệm".

"Tôi cần 20 hoặc 30 năm học hỏi"
Gặp Huy, khó có thể hình dung đây là một cậu ấm con một đại gia cỡ lớn, lại càng khó nghĩ đây là một chàng trai sống ở nước ngoài từ bé. Huy có vẻ ngoài của con cái nhà gia giáo. Dù bận rộn để điều hành một tập đoàn mang tầm vóc quốc tế, nhưng gia đình Huy vẫn dành các bữa sáng, bữa tối để quây quần bên nhau. Mỗi năm cùng nhau đi nghỉ.
Huy hiện cũng là thành viên HĐQT tham gia điều hành Hãng hàng không sếu đầu đỏ AirMekong (AM). Thành viên trong HĐQT ấy chủ yếu là những người lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và nổi tiếng.
"Hồi mới về nước, tôi vẫn bị đánh giá là trẻ con chưa biết gì. Giờ đây, tuy đã được ghi nhận, nhưng tôi nghĩ mình cần 20 hoặc 30 năm nữa để học hỏi thêm. Do đó, tôi lập kế hoạch 2 năm tới đây sẽ học tiếp để lấy bằng thạc sỹ", Huy chia sẻ.
AM là hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam hiện nay hoạt động. Sau 3 tháng cất cánh, tỷ lệ đúng giờ đạt 92%, một con số mơ ước của nhiều hãng hàng không. Số ghế được sử dụng trung bình trên 70%, vào những ngày cao điểm còn đạt 100%. Huy nói vui: "Hãng AM chủ yếu bay đi Tây Nguyên và vùng hải đảo (Phú Quốc-PV). Toàn vùng sâu, vùng xa".
Ít người biết, hơn 30 phi công Mỹ của AM có người là con của tỷ phú Mỹ, nhưng làm việc một cách chuyên nghiệp. Họ cũng xấp xỉ tuổi Huy, cách nghĩ, cách làm việc cũng như Huy. Chỉ khác một điều, Huy sang Mỹ học để về làm chủ, những phi công đó là người Mỹ và sang Việt Nam đi làm thuê. Thực ra đó chỉ là một cách nói, trên thực tế đó là biểu hiện toàn cầu hoá, xoá nhoà khoảng cách không chỉ về không gian mà ngay cả trong tư duy.
Cũng không nhiều người biết, chàng trai 24 tuổi này góp phần đưa Tập đoàn BIM hoạt động bài bản hơn, có tầm quốc tế. Năm qua, cũng chính chàng trai này chủ động tái cơ cấu mô hình tài chính (đầu tư đa lĩnh vực và phát triển bền vững). Tập đoàn BIM chính là một đơn vị xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam sang Mỹ mà không bao giờ sợ rào cản bởi luật chống bán phá giá vì giá bán còn cao hơn nước sở tại, và cung không đủ cầu.
Tiến sỹ Đoàn Quốc Việt-Chủ tịch Tập đoàn BIM, bố của Đoàn Quốc Huy, cho biết chưa bao giờ chiều các con mà luôn dạy cách sống độc lập. Ông Việt cũng đánh giá Huy là người trẻ có năng lực và mềm mỏng. Gia đình tiến sỹ Việt là một kiểu mẫu doanh nhân coi trọng tri thức nên chú trọng học hành và làm ăn chiến lược. Các con của ông Việt tuy sinh sống từ nhỏ ở nước ngoài nhưng ai cũng nền nã và nói tiếng Việt như người sinh trưởng trong nước.
Theo:dddn.com.vn

Từ thất học thành giám đốc ngân hàng



 












 Báo chí Trung Quốc gần đây thường nhắc tới cô bé thất học ngày nào nay trở thành một lãnh đạo ngân hàng xuất sắc tại tỉnh An Huy. “Cô bé mắt to”- biệt danh của Tô Minh Quyên, luôn là hình ảnh đẹp cho thế hệ thanh niên hiện đại và trẻ em nghèo Trung Quốc hướng tới.
Chuyện của 20 năm về trước
Hình ảnh Tô Minh Quyên sẽ không được ai chú ý, nếu không có ngày cô bé gặp được nhà nhiếp ảnh Giải Hải Long. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1991, khi còn là một nhiếp ảnh nghiệp dư, Giải Hải Long muốn đi đến khắp các vùng miền trên đất nước Trung Quốc để ghi vào ống kính cuộc sống người dân. Lý tưởng như vậy, nhưng thực hiện nó không phải là việc dễ dàng. 

“Thực ra, nghĩ đơn giản nhưng đến khi bắt tay vào làm thì tôi không hình dung được là mình nên chụp những gì? Tôi chưa xác định được phương hướng cho con đường phía trước, cho đến ngày tình cờ đi vào một thôn nhỏ thuộc tỉnh Hà Bắc. Có thể nói, con người nơi đó đã làm thay đổi cả vận mệnh của tôi”. Giải Hải Long kể lại. Nhà nhiếp ảnh nghiệp dư này đã đọc được một khẩu hiệu trên bức tường gạch trong thôn: “Có nghèo nhưng cũng không được nghèo giáo dục, có khổ cũng không để trẻ em phải khổ”. Dòng chữ này đã gây ấn tượng mạnh với Hải Long, vì ông biết để viết được ra nó, người dân ở đây cũng phải cố gắng đến mức nào.
“Cuối cùng, tôi cũng đã quyết định mình sẽ phải làm những gì? Mặc dù là nghệ sỹ nghiệp dư, nhưng công việc chính của tôi là một cán bộ văn hóa ở Bắc Kinh. Vì thế tôi quyết định chụp ảnh trẻ nghèo ở mọi vùng đất để gây quỹ khuyến học cho các em. Mọi người sẽ biết tới các em nhiều hơn và sẽ có nhiều người ủng hộ tôi trong công việc nhân đạo này” - Nhiếp ảnh gia Hải Long bồi hồi nhớ lại.
Những ngày sau đó, Giải Hải Long đi đến nhiều trường học của trẻ em nghèo 2 tỉnh Hà Bắc và An Huy. Ông luôn muốn tìm cho mình một gương mặt, một hình ảnh thể hiện tinh thần khao khát học tập dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn của những đứa trẻ ở vùng đất đã đi qua. Một ngày, khi bước chân vào trường tiểu học Kim Đào thuộc tỉnh Anh Huy, Hải Long chú ý ngay đến một cô bé đang cặm cụi viết chữ. Hỏi cô giáo thì được biết bé là Tô Minh Quyên, đã phải nghỉ học một năm do gia đình quá nghèo, nay mới có điều kiện trở lại lớp. Định đi qua hỏi chuyện, bất chợt Minh Quyên ngẩng mặt lên nhìn khách. Một cảm giác kỳ lạ, một sức hút lớn từ ánh mắt của cô bé khiến Hải Long lập tức giơ máy ảnh lên; và bức ảnh “Em muốn được đi học” ra đời.

Hình ảnh cô bé Tô Minh Quyên trong bức ảnh tạo cảm giác cực kỳ mạnh mẽ đối với những ai từng chiêm ngưỡng nó. Một em bé nông thôn tay cầm bút, ánh mắt to, trong veo với nỗi khát khao được học văn hóa đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho khát vọng vươn lên của trẻ em nghèo An Huy. Không dừng lại ở đó, sau khi đoàn thanh niên Trung Quốc chính thức thành lập quỹ “Công trình hy vọng”, nhằm quyên góp tiền cho trẻ em thất học của đất nước hơn 1 tỷ dân này, thì bức ảnh “Em muốn được đi học” chính thức được chọn làm biểu tượng chính của quỹ; và Tô Minh Quyên cũng trở thành sứ giả của những trẻ em nghèo thất học, cần sự giúp đỡ. Ánh mắt đầy nghị lực và khát vọng đến trường của cô bé nghèo Minh Quyên đã trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Trung Quốc từ năm 1991 đến nay.
Bức ảnh “Em muốn được đi học” đã làm thay đổi cuộc đời cô bé nghèo đến từ tỉnh An Huy.  Đồng thời nó cũng giúp vô số trẻ em nghèo khác được trở lại trường học. “Nhìn bức ảnh đó, tôi đã thấy trẻ em nghèo của đất nước mình khao khát được học hành như thế nào. Vì thế, thông qua Minh Quyên, mọi người sẽ biết thương yêu hơn đồng bào của mình”. Một nhà hảo tâm đã nói như vậy khi bỏ ra số tiền rất lớn ủng hộ quỹ “Công trình hy vọng” dành cho trẻ em thất học của Trung Quốc.
Sau khi nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm để có thể tiếp tục đi học, năm 2005 Tô Minh Quyên tốt nghiệp khoa tài chính ngân hàng thuộc trường đại học kỹ thuật An Huy. Sau đó, cô đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên khác để vào làm tại chi nhánh ngân hàng công thương Trung Quốc đặt tại tỉnh này. Năng lực và tính tích cực của một cô bé lớn lên trong sự giúp đỡ của người khác đã khiến lãnh đạo và đồng nghiệp tại ngân hàng này phải kính nể. Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Tô Minh Quyên đã chính thức được đề bạt làm giám đốc chi nhánh ngân hàng công thương Trung Quốc tại tỉnh An Huy khi mới tròn 27 tuổi.
Để có được vị trí như ngày hôm nay, Minh Quyên không bao giờ quên nghĩa cử của những người đã giúp đỡ mình và những trẻ em thất học khác đang cần sự giúp đỡ của xã hội. Vì thế, là hình ảnh đại diện cho quỹ “Công trình hy vọng, “cô bé mắt to” Minh Quyên ngày nào rất hăng hái và nỗ lực tham gia các hoạt động của quỹ này. Giờ đây, hình ảnh một thanh niên năng động, thành công trong công việc và đi đầu trong các hoạt động xã hội - Minh Quyên, đang trở thành tấm gương sáng cho thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện đại noi theo.
Vượt qua phạm vi của một tấm ảnh, “Em muốn được đi học” đã trở thành biểu tượng cho khát vọng đến trường của trẻ em nghèo Trung Quốc. Và hình ảnh “cô bé mắt to” Tô Minh Quyên sẽ còn được thế hệ thanh niên Trung Quốc nhắc tới nhiều, vì ý chí học tập và tinh thần vươn lên của cô
Theo tamnhin

Cô chủ chuỗi cửa hàng giá 50.000 đồng



  







Không phải mặc cả, chỉ cần 50.000 đồng trong túi, khách hàng có thể ung dung bước vào cửa hàng để mua sản phẩm thời trang. Cô chủ chuỗi cửa hàng "Một Giá" Đậu Bích Ngọc muốn xóa đi quan niệm "của rẻ là của ôi" ám ảnh tâm lý người mua hàng VN.
Một ngày đầu năm 2006, Đậu Bích Ngọc, cô gái xinh xắn thuộc thế hệ 8X bỗng bỏ công việc kế toán để mở cửa hàng kinh doanh. Sau nhiều ngày loay hoay tìm nguồn, cuối cùng Ngọc cũng khai trương được cửa hàng bày bán các sản phẩm thời trang giá rẻ mang tên "Một Giá - 50.000 đồng".
Tất cả các sản phẩm bày bán trong cửa hàng từ quần áo, giày dép, mũ kính đến thắt lưng ví da, túi xách... đều có chung giá 50.000 đồng. Điểm dễ nhận thấy nhất tại cửa hàng "Một Giá" là thuận mua vừa bán, không có chuyện mặc cả, cò kè bớt một thêm hai. Nhờ đặc điểm này, chuỗi cửa hàng "Một Giá", gồm 3 địa điểm số 325 Đê La Thành, số 2 Đặng Văn Ngữ, 169 Bà Triệu (Hà Nội)... đang chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng trẻ tuổi, kể cả cao cấp lẫn bình dân.
Từ ý tưởng 1 USD
Ngay từ hồi còn ngồi trên giảng đường Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành kế toán, cô gái sinh năm 1980, Đậu Bích Ngọc đã ôm giấc mộng trở thành một nhà kinh doanh giỏi.
Đầu năm 2006, sau khi đọc mẩu tin của Nhà báo Thomas Friedman (tác giả hai cuốn sách "Thế giới phẳng", "Chiếc Lexus và cây Ôliu"), giới thiệu về chuỗi cửa hàng 1USD - Wal-Mart, Ngọc mê ý tưởng kinh doanh sản phẩm giá rẻ của tỷ phú Sam Walton đến bỏ bê cả việc. Ngọc xin nghỉ chân kế toán tại công ty thuộc ngành đường sắt để thực hiện giấc mơ của mình. Ngọc tâm sự: "Cứ như có duyên nợ với thời trang vậy, ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh thôi thúc tôi ngay cả trong giấc ngủ".
Quan niệm "của rẻ là của ôi" vẫn còn đè nặng tâm lý người VN, nên khi đưa ra mô hình cửa hàng "Một Giá", Ngọc cân nhắc rất kỹ từ mẫu mã sản phẩm đến giá cả. Sau khi khảo sát thị trường, phân loại khách hàng, Ngọc quyết lấy mức 50.000 đồng để định giá cho tất cả các sản phẩm của mình và đối tượng tập trung chính vẫn là tầng lớp bình dân học sinh, sinh viên.
Ngọc đem ý tưởng đề xuất với một số hãng thời trang và xí nghiệp may trong nước. Các công ty này đều đồng ý bán sản phẩm cho cô với giá rẻ mà chất lượng, miễn là Ngọc mua với số lượng lớn và ký hợp đồng trong một thời gian dài. Yên tâm với sản phẩm trong nước, Ngọc lại sang Quảng Châu, Trung Quốc để tìm nguồn hàng. Qua những người bạn từng đi lại làm ăn buôn bán, Ngọc bắt được mối hàng. Chuỗi cửa hàng "Một Giá" của Ngọc có thêm nhiều loại hàng hóa gồm kính mắt, ví da, thắt lưng, quần áo, giày dép...
Ngọc cho hay cái khó nhất của người quản lý mô hình kinh doanh này là phải chọn được các sản phẩm đẹp, rẻ, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, cách bài trí cửa hàng cũng phải đẹp, tạo sự thân thiện để khách hàng - những người chỉ cần có 50.000 đồng trong ví cũng đủ tự tin bước vào cửa hàng.

Ngày khai trương, Ngọc khấp khởi mừng thầm vì thấy khách hàng ra vào tấp nập. Tưởng rằng đã thành công, nào ngờ, kết quả kinh doanh lại trái với mong đợi. Sau một tháng hoạt động, Ngọc nhận thấy khách vào cửa hàng thì nhiều song mua lại rất ít. "Qua dò hỏi, tôi mới vỡ lẽ, chỉ vì giá các mặt hàng quá rẻ (rẻ tới 3 lần so với các cửa hàng thời trang khác) nên khách hàng sợ mua phải hàng giả. Nguy cơ phá sản thấy rõ", Ngọc nói.
Không chấp nhận thất bại, một mặt Ngọc cho người đi tìm nguồn hàng đẹp và chất lượng, mặt khác, đích thân cô tự bài trí các sản phẩm trong cửa hàng sao cho bắt mắt. Biết rằng khách hàng rất coi trọng chữ tín, chỉ cần một lần mua phải sản phẩm chất lượng kém là họ có thể bị ác cảm rất lâu. Do vậy, Ngọc thiết lập số điện thoại nóng, quảng bá website cửa hàng nhằm tiếp nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng.
Bên cạnh đó, cô còn áp dụng chế độ bảo hành linh hoạt cho các mặt hàng. Tại bất kể cửa hàng "Một Giá" nào, Ngọc cũng áp dụng phương thức, nếu khách hàng phát hiện sản phẩm không tốt, chất lượng không ổn định thì sẽ được đổi và được đền tiền. Ngoài loại hàng có cùng giá 50.000 đồng, tùy theo từng địa bàn, Ngọc còn có thêm khu vực bày bán đồ cao cấp để thu hút khách có khả năng trả nhiều tiền hơn...
Tuy chưa làm phép thống kê xem con số lỗ lãi sau một năm hoạt động, nhưng Ngọc tự tin rằng mình đã thành công bước đầu. Tuy chỉ lãi khoảng vài nghìn đồng cho một sản phẩm, nhưng đổi lại mỗi ngày cả số lượng vài trăm sản phẩm được tiêu thụ tại cả 3 cửa hàng. Lãi ít nên Ngọc tính toán cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất. 3 cửa hàng chỉ có 6 nhân viên vừa bán vừa giao nhận hàng và làm nhiều công việc khác nhau.
"Mình đang định nhân rộng mô hình cửa hàng tại nhiều địa điểm khác của Hà Nội. Nếu thành công và cho doanh thu đều đặn, tới đây, "Một Giá" sẽ được nâng cấp lên thành những siêu thị nhỏ để có thể bày bán được nhiều sản phẩm hơn'', Ngọc tiết lộ.
Theo vnexpress

Nữ sinh khẳng định mình từ 'thương trường vỉa hè'



   












Tốt nghiệp xuất sắc nhất trường CĐ Quốc tế Kent (TP HCM), hiện đang quản lý bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty đào tạo ngoại ngữ, ít ai biết rằng cô gái Hoàng Vũ Thảo Nguyên từng là dân “đường phố”.
Thảo Nguyên (trái) đã tự tay mở cánh cửa tương lai cho chính mình

Nguyên không bao giờ phủ nhận mình là một người cứng đầu. Gia đình kinh doanh quần áo, lúc nhỏ tuy chỉ “giữ” trông hàng cho mẹ nhưng nếu mẹ… có những chính sách bán hàng không hợp lý, Nguyên sẽ phản bác ngay.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, cá tính của Nguyên bộc lộ quá mạnh cũng là nguyên nhân làm cho mối quan hệ giữa cô và mẹ rất khó thân thiết.
Gia đình Nguyên không quá đầu tư cho việc học của con, lại bận trông hàng thường xuyên, rồi có lúc buồn chán chuyện gia đình Nguyên cũng nghỉ học. Không biết bao nhiêu lần, bắt đầu từ tiểu học, Nguyên bỏ học giữa chừng. Bao nhiêu lần bỏ học, bấy nhiêu lần đi học lại.
Bố mẹ ly hôn, mẹ đi bước nữa. Cú sốc này nối tiếp cú sốc kia. Tâm lý xáo trộn mạnh, tâm tính Nguyên càng thay đổi. Nguyên quyết định rời khỏi nhà ra ngoài sống một mình khi đang học dở tại một trường cấp ba.
Phòng trọ nhỏ xíu, ẩm thấp ở quận 10 trở thành căn nhà nhỏ của Nguyên. Sống một mình đồng nghĩa với việc phải tự nuôi bản thân, Nguyên đi bán nước suối, dày dép, quần áo… ở khắp các vùng ngoại thành ở Củ Chi, Hóc Môn… để kiếm sống.
Nhiều năm ròng rã bán hàng kiếm sống như vậy, Nguyên thành “dân chợ búa”. “Tranh giành khách, chỗ bán, đi đêm về khuya… Hoàn cảnh như vậy phải tạo cho mình chút máu giang hồ chứ. Không thì sẽ bị bắt nạt ngay” - Nguyên nói.
Sau những ồn ào xô bồ chốn “thương trường vỉa hè”, trở về căn phòng trọ vào mỗi đêm là thời điểm để Nguyên chiêm nghiệm cuộc đời của mình và cả tương lai phía trước. Cô gái cứng đầu đó nhiều lần phải chảy nước mắt và thậm chí từng nghĩ đến cái chết. Không ít đêm, Nguyên một mình lang thang giữa phố như một người mất hồn, mất trí.
Không bỏ cuộc
Quá nhiều lần “nhấp nhổm” trong giằng xé như vậy, Nguyên quyết tâm đi học lại. Cô theo học hệ bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Trên đà thẳng tiến, Nguyên chọn trường CĐ Quốc tế Kent ở ngành học marketing đào tạo 2 năm. Lựa chọn liều lĩnh nhưng Nguyên biết cá tính của mình phù hợp với một trường học quốc tế.
Thảo Nguyên (phải) trong chuyến từ thiện tại mái ấm Tam Bình (Thủ Đức)

Hầu hết học viên theo học tại đây đều con gia đình khá giả. Cũng có lúc Nguyên hoang mang khi phải tự lo cho bản thân nhưng đó lại trở thành lợi thế của Nguyên.
Trong khi bạn bè đến khóa học này khóa học khác đầu tư cho ngoại ngữ thì đổi lại với Nguyên, học ngoại ngữ qua là những buổi đi bán hàng tại các trung tâm thương mại. Nơi đó, cô có điều kiện tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, khả năng nghe nói của Nguyên trở nên vượt trội.
Nguyên học không chỉ để có tấm bằng vào đời nên cô học một cách nghiêm túc. Cô quý từng giây khi ngồi ở lớp nghe giảng. Nguyên tắc của Nguyên là ghi chép chứ không dựa hết vào tài liệu có sẵn nên lề vở của cô cũng chi chít chữ.
Các bài tập, đề án của các môn học, học viên có thể hoàn thành trên cơ sở giả thuyết. Nhưng không, Nguyên lao vào thực tế, đến tận các công ty khảo sát, ghi nhận rồi tự mình vạch ra chiến lược marketing. Qua những lần như vậy, Nguyên nhận được rất nhiều lời mời tham gia các dự án về chiến lược từ nhiều doanh nghiệp.
Đến việc thuyết trình, Nguyên cũng tạo nên sự khác biệt bởi sự tự tin của một người va chạm thực tế. “Trước mỗi bài thuyết trình, mình thường đứng trước gương tự rèn cách trình bày, cách đối đáp cho đến cách thể hiện các cơ mặt, nụ cười”, Nguyên kể.
Bởi thế, không bất ngờ khi điểm các môn học của Nguyên đều cao chót vót. Cuối tháng 9 vừa rồi, khi đã bước qua tuổi 25, Nguyên trở thành sinh viên tốt nghiệp dẫn đầu trường với số điểm 92/100. Với Nguyên đó là một kết quả mà đến cô cũng không ngờ mình thực hiện được.
“Người con” của đường phố
Điều bất ngờ ít ai biết đến, Nguyên còn là “người con, người chị” của nhiều người già, trẻ em đường phố TP HCM. Nếu ai muốn tìm, muốn gặp và muốn biết về cuộc sống cũng như tâm tư của những mảnh đời “đường phố là nhà, ghế đá là giường” ở quận 1, quận 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận… cứ hỏi Nguyên.
Không chỉ ngày lễ Tết mà những ngày thường, những lúc có thể Nguyên vẫn phi xe ra thăm hỏi, trò chuyện với họ. Với Nguyên, đó như là một phần cuộc sống của mình vậy.
Nguyên kia sẻ: “Có lẽ chính những tháng ngày buôn bán ở vỉa hè đã giúp em tạo thuận lợi cho em có thể gần gũi với các em, các cụ hơn”.
Với khả năng của một chuyên viên marketing, Nguyên còn đến tận các doanh nghiệp xin tài trợ để tổ chức nhiều chương trình từ thiện vào các ngày lễ tết.
Công việc “từ thiện đường phố” ngấm vào Nguyên đến mức, dù dự định trong 5 năm tới sẽ thành lập một công ty tổ chức sự kiện chuyên về đám cưới nhưng song song đó, Nguyên sẽ tiếp tục tham gia dạy học cho trẻ đường phố.
“Dạy học là ước mơ hồi nhỏ của em. Khi nhìn thấy các em bi bô học chữ, em như tìm lại được tuổi thơ của mình”, Nguyên rưng rưng.
Theo Dân Trí
Flag Counter