Ở Campuchia, sở hữu 3, 4 cái xe hơi, vài căn nhà lầu..., khoe cho thiên hạ biết thì mới chứng tỏ là người thành đạt! Nhiều người Việt Nam sống ở đây bảo rằng: sắm xe hơi đâu khó gì, chỉ cần làm vài tháng, kiếm chừng 1.200 USD là có thể mua một chiếc xe cũ rồi. Nhưng đó chỉ là bề nổi, có những người Việt đã sắm cả cơ ngơi làm ăn vững chắc ở đất nước này.
Mới thì thắng!
Nhiều người Việt sống ở Campuchia cho biết: Campuchia là vùng đất còn
mới mẻ, sẵn sàng tiếp nhận những cái mới. Do vậy, chịu khó thì sẽ mau
làm giàu.
Chi Phạm Phương Dung (còn gọi là Sok Chanda), người Cần Thơ, qua
Campuchia từ năm 1983, đến nay chị đã là chủ siêu thị Anana rộng khoảng
2.000m2 và là chủ nhân của miếng đất 1ha gần sân bay Pochentong. Siêu
thị của chị có một khu vực rộng để bán hàng vi tính, một khu bán văn
phòng phẩm và phần còn lại là siêu thị bán đủ loại hàng tiêu dùng.
Chị cho biết, những ngày đầu tiên sang Campuchia, vốn liếng của chị
chỉ là 1 chỉ vàng. Nhờ biết nghề may, chị nhận may đồ, thêu áo cho những
người cùng xóm rồi những người ở chợ. Hết làm nghề may, chị chuyển qua
làm mát xa mặt. Những năm 1980, sản phẩm cây thông Noel ở Campuchia cũng
còn khá xa lạ thì chị Dung đã nhanh nhạy về Việt Nam học nghề quấn
thông Noel và qua lại Campuchia hành nghề. Chắt chiu những món tiền kiếm
được nhờ bán được những mặt hàng “độc”, chị góp vốn để làm chủ một sạp
làm hoa giả tại chợ Cũ. Nhờ có bà con ở Việt Nam, chị luôn cập nhật để
tung ra bán những loại hoa, trái giả mới nhất. Vì thế, chỉ trong một
thời gian ngắn chị trả dứt nợ và trở thành chủ nhân thực sự của sạp hoa
giả này. Những sạp kế cận không cạnh tranh nổi trước những hàng hóa luôn
đổi mẫu của chị đã tự ý rút lui. Dần dần chị mua thêm những sạp kế cận
và chuyển giao công việc kinh doanh cho những người em cùng tham gia.
Công việc kinh doanh của chị phát đạt nhưng chị luôn ý thức “chỉ đánh
một mặt hàng nào đó trong một thời gian ngắn; khi người khác nhảy vào
làm thì mình phải đi trước tìm hàng khác mới hơn". Phương châm kinh
doanh này của chị tỏ ra khá thành công.
Trong một lần về thăm nhà ở Cần Thơ, chị than phiền với người bạn về
chuyện giấy tờ, sổ sách làm ăn quá nhiều; người bạn mách nước cho chị
tậu một chiếc máy vi tính để máy móc giúp chị dễ quản lý công việc. Chị
bỏ ra đúng một tuần để học vi tính cấp tốc tại Việt Nam rồi ôm chiếc máy
tính sang Campuchia đăng ký học tiếp. Tình cờ, một người bạn ở trường
phổ thông Campuchia thấy chiếc máy tính của chị và nhờ chị mua giùm 4
máy cho trường. Thế là chị đi về Việt Nam tậu 4 dàn máy tính. Chị Dung
cho biết cú mua bán máy tính đầu tiên trong đời đem lại cho chị 800USD
đã thôi thúc chị tính đến chuyện làm ăn lớn hơn: bán máy tính cho thị
trường Campuchia. Chị mang tất cả giấy tờ kinh doanh làm thế chấp cho
một công ty ở Việt Nam để công ty này chấp nhận bán hàng gối đầu cho
chị. Vì thị trường máy tính còn khá mới đối với Campuchia lúc đó nên
chẳng mấy chốc chị trở thành đơn vị kinh doanh máy tính nhất nhì ở Phnom
Penh. Sẵn đà phát triển, chị không ngần ngại thuê nhân viên kỹ thuật
cho Anana computer. Chị nói: một nhân viên ráp máy tính chị sẵn sàng trả
500-800USD/ tháng, nhưng ngược lại những nhân viên này có thể kiếm cho
chị 70USD/người/ngày.
Mảnh đất màu mỡ?
Anh Tiv Chy Khung, người Việt gốc Hoa, hiện đang là giám đốc công ty
Cambo Ad. Dù chưa từng theo học bất cứ khóa học chính thức nào về quảng
cáo, tiếp thị, nhưng hiện nay công ty anh có gần 100 nhân viên; trong đó
có 4 nhân viên người Malaysia, 4 người Việt Nam. Anh cho biết: thị
trường dịch vụ quảng cáo ở Campuchia còn rất mới mẻ; có những công việc
như thiết kế mẫu, in ấn chất lượng cao đôi khi phải mang sang Việt Nam
để thực hiện vì vừa đẹp lại vừa rẻ. Theo anh, Campuchia có khoảng 100
công ty chuyên vẽ quảng cáo, lo thủ tục dịch vụ nhưng thị trường dịch vụ
design, quảng cáo ở Campuchia vẫn còn rất màu mỡ. Hiện tại anh cho biết
anh sẵn sàng trả 500-800USD/tháng, cung cấp chỗ ở, vé máy bay khứ hồi
1năm/ lần cho cho một nhân viên designer Việt Nam nếu đồng ý qua
Campuchia làm việc. Lý do đơn giản vì theo anh, ở Campuchia quá hiếm
người biết nghề thiết kế.
Cũng đồng một suy nghĩ về làm ăn ở Campuchia, nhiều người từng sống
tại Campuchia nhận xét: Campuchia đang rất cần những dịch vụ chất lượng
cao.
Ðến thăm một phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, một người Việt
sang Campuchia gần 10 năm, khi thấy hầu như bệnh nhân nào vào khám bệnh,
vị bác sĩ này cũng chích thuốc hoặc ...vô nước biển, một dược sĩ Việt
Nam nhận xét: sao người ta bệnh nặng mà không chở vô bệnh viện? Vị bác
sĩ này thân tình trả lời: "bệnh nặng hay nhẹ gì cũng phải chích hết chị
ơi. Không chích, không vô nước biển, người dân ở đây không chịu, cho
là... bác sĩ dỏm." Còn vô bệnh viện thì giá mắc khủng khiếp: ngoại kiều
là 60USD tiền phòng một đêm. Chị Việt Nga, giám đốc Xí nghiệp dược Hậu
Giang nói: ông bác sĩ này ở Việt Nam tui lạ gì, vậy mà qua đây nó làm
giàu nhanh quá, làm mình phát mê.
Chị So, qua lập nghiệp tại Campuchia gần 20 năm. Hiện nay chị có một
quầy đổi tiền nằm tại tầng trệt chợ Olympic. Hằng ngày, lượng ngoại hối
khách hàng đến đổi hoặc gửi tiền, nhận tiền luôn tấp nập. Quầy đổi tiền
của chị So luôn có 4 người túc trực để đáp ứng việc thanh toán, gởi, đổi
tiền cho khách. Chị cho biết: khắp đất nước Campuchia người dân có thể
xài tiền ria- Campuchia, đô la Mỹ hoặc một số khu người Việt sinh sống
nhiều người ta dùng tiền Việt Nam. Ở khắp nơi, người dân dùng đô la chi
trả cũng hết sức bình thường. Các siêu thị niêm yết hàng hóa cũng tính
bằng đô la. Chính vì cơ chế quản lý kiều hối của Campuchia thoải mái như
thế nên chị cũng chẳng ngần ngại ghi một dòng chữ dán trên tủ kính:
nhận chuyển tiền về TP.HCM trong ngày. Chị nói thêm: ở Campuchia có khá
nhiều người Việt sinh sống, buôn bán, vì thế họ có nhu cầu trao đổi tiền
hàng hầu như hàng ngày. Ởã quầy của chị, chỉ cần khách đến giao tiền
thì ở Việt Nam, trong vòng một ngày đã có thể nhận được tiền. Cứ
10.000USD chuyển đi hoặc về, chị lấy phí 30USD. Chị cho biết hơn 50%
khách hàng của chị là người Việt Nam.
Dĩ nhiên không phải ai cũng dễ dàng làm giàu trên đất Campuchia. Chị
Phạm Thanh Thủy- Tổng hội Việt kiều tại Campuchia cho biết: hàng năm hội
Việt kiều ở đây cũng phải tổ chức đi cứu trợ những người Việt gặp khó
khăn. Tuy nhiên với những người Việt siêng năng, chịu khó, đất Campuchia
không phải là quá khó để làm giàu.
Theo sgtt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét