Là con trai trưởng của ông Tổng giám đốc Công ty Minh Long 1 Lý Ngọc Minh, sinh năm 1975, Lý Huy Sáng là người say mê công nghệ và rất biết cách kết hợp công nghệ với kỹ năng quản trị để đưa Minh Long lên một tầm mới.
-
Được biết ba anh đã cho anh đi du học ở Canada trước khi về làm việc ở
công ty của gia đình. Anh có thể kể tóm lược về quá trình du học của
mình?
Năm 1992, khi tôi đang học lớp 11, tôi bắt đầu đi du học ở Canada
theo sự giới thiệu của một vài người bạn của ba tôi ở bên đó. Thời đó,
trình độ học sinh và bằng cấp ở Việt Nam chưa được xem là tương đương
với Canada, do đó tôi phải học lại lớp 10 ở trường Douglas College. Rồi
mất thêm 1 năm để học ngoại ngữ, tức mất 3 năm để học lại trung học và
học ngoại ngữ. Tôi trải qua 4 năm để học đại học chuyên ngành quản trị
kinh doanh ở City University và 3 năm nữa để lấy nốt bằng thạc sĩ.
- Trở về Việt Nam làm việc cho công ty của gia đình, anh tiếp cận công việc ra sao? Có thuận lợi không?
Khi mới về Việt Nam, ba tôi cũng cho tôi đi làm việc như một nhân
viên bình thường. Tôi có là con của giám đốc thì cũng phải đi xuống
xưởng học việc như một người lao động. Tôi làm quen với máy móc, quy
trình sản xuất, học hỏi kỹ thuật và tìm hiểu mọi thứ.
- Khi mới du học về, có khi nào anh nghĩ sẽ làm việc ở một công ty khác, không phải là công ty của gia đình?
Thực tế là lúc mới về nước tôi đã được một vài công ty săn đầu người
đề nghị làm việc ở những công ty đa quốc gia. Nhưng có lẽ họ không nắm
được đầy đủ thông tin về tôi và gia đình. Khi đi học, ba tôi đã cho biết
tâm huyết của ba mẹ tôi, kỳ vọng sau khi tốt nghiệp chúng tôi sẽ góp
phần xây dựng, phát triển Công ty Minh Long 1. Và tất cả 4 anh em tôi
cũng đều hiểu là học xong sẽ về để tiếp tục tâm nguyện của gia đình.
- Mất bao lâu để anh học việc ở công ty?
2 năm.
- Và có được nhận lương không?
(Cười). Thực sự là không có.
- Khi nào thì anh bắt đầu thăng tiến trong công ty?
Từ năm thứ 3 tôi bắt đầu làm việc trong vai trò Giám đốc sản xuất.
- Hơi tò mò một chút, tôi nghĩ rằng việc
bổ nhiệm anh trong vai trò mới ở công ty lúc đó chắc cũng gây ra xung
đột giữa người cũ - người mới?
Thực ra khi dẫn tôi đến học việc trong công ty, ba tôi cũng đã trao
đổi với người quản lý và nói trước với họ. Giám đốc sản xuất cũ là người
có kinh nghiệm, đã làm việc với ba tôi trong một thời gian dài và hiểu
về văn hóa của công ty. Nói chung không có xung đột lớn. Cho đến giờ,
Giám đốc sản xuất cũ vẫn là cố vấn kỹ thuật cho công ty chúng tôi.
- Làm việc trong công ty của gia đình, anh cảm thấy như thế nào, nhất là khi anh là người học quản trị kinh doanh?
Đúng là thoạt đầu tôi thấy rất khó chịu. Văn hóa gia đình, sự vị nể,
dựa vào sự tin cậy nhiều quá… là những điều hạn chế và tôi thấy khó
thích hợp với những kiến thức quản trị kinh doanh mà tôi được học.
- Những nhược điểm là vậy, nhưng chắc anh cũng thấy có vài ưu điểm nào đó của cách quản lý gia đình?
Tôi nghĩ điểm mạnh chính là người trong gia đình có cùng một suy
nghĩ, mục tiêu cống hiến, xây dựng và phát triển công ty của gia đình.
Điều này cũng ít làm xáo trộn về nhân sự chủ chốt; ít có chuyện các
thành viên trong gia đình bị đơn vị khác mua chuộc bằng tiền bạc…
- Khi nhìn thấy những ưu và nhược điểm của quản lý gia đình, anh có đề nghị thay đổi cách làm việc đó với ba anh?
Đương nhiên là có. Tôi có đề nghị “sếp” nên thay đổi nhiều điều. May
mắn “sếp” là người suy nghĩ rất thoáng, cởi mở và chấp nhận những đề
nghị thay đổi của tôi.
Có đề nghị nào của anh bị… từ chối? Giữa anh và “sếp” có những xung đột lớn?
Cũng có luôn.
“Sếp” là người nhiệt tình, máu lửa. Với những thay đổi công nghệ, ông
là người rất quyết liệt và nôn nóng đi nhanh. Tôi hiểu được mong muốn
của “sếp”, nhưng tôi phải “thắng” ông lại, không để ông đi nhanh quá.
Trong sản xuất cũng như trong quản lý, cần có một sự ổn định rồi mới
phát triển. Phải ổn định cái đang có rồi mới phát triển nó lên tầm cao.
Không thể nôn nóng đốt cháy giai đoạn được vì điều đó sẽ rủi ro và gây
ra những thiệt hại lớn, không lường trước được.
- Vậy phần thắng - thua giữa anh và “sếp” là…?
50-50.
- Làm Giám đốc sản xuất rồi bây giờ là Phó tổng giám đốc, anh khá trẻ, liệu tuổi tác có gây trở ngại cho anh?
Thời gian đầu tôi luôn phải quan sát và lắng nghe. Khi nêu ra những
điều mới để thay đổi một thói quen không có hiệu quả, có người nhìn tôi
nghi ngờ. Tôi cũng cảm thấy rất khó khăn khi mình quá trẻ. Dần dần khi
mọi người thấy được những ý kiến của mình có đem lại thay đổi, hiệu quả
tích cực thì họ tin tưởng mình hơn.
- Vậy trong vai trò là một thành viên ban
giám đốc công ty, anh tự đánh giá sức khỏe Minh Long 1 như thế nào ở
thời điểm hiện nay?
Hiện tại công ty có khoảng 2.200 nhân viên. Nếu phát triển với quy mô
như hiện nay thì sức khỏe vẫn tốt. Còn nếu muốn phát triển mạnh và quy
mô lớn hơn, công ty cần phải thay đổi nhiều hơn. Giống như một người
biết đi xe đạp, không có nghĩa là người đó sẽ lái được xe gắn máy, xe
phân khối lớn hay xe ôtô. Minh Long 1 cũng phải thay đổi nếu muốn chạy
xe phân khối lớn.
- Trước đây người ta biết Minh Long 1 mạnh
về xuất khẩu; chỉ hơn 3 năm gần đây Minh Long 1 mới thực sự tham gia
nhiều hơn ở thị trường nội địa với nhiều sản phẩm cho nhiều đối tượng
khác nhau, và giá cả các sản phẩm cũng có thể tiếp cận được nhiều người
tiêu dùng trung bình. Đây là do những thuận lợi khách quan hay là chiến
lược của công ty?
Điều này là do những thuận lợi khách quan: Cung và cầu gặp nhau. Thực
sự thì ngay từ đầu Minh Long 1 luôn đặt trọng tâm vào chất lượng, mẫu
mã, nhưng sức mua nội địa chưa cao vì thu nhập của người dân còn thấp.
Gần đây khi đời sống người dân khá lên và đủ sức mua những sản phẩm tốt,
chất lượng thì sản phẩm của Minh Long 1 mới tiêu thụ được tại thị
trường trong nước.
- Trước đây Minh Long 1 phân phối hàng qua
Q- Home; điểm giới thiệu và bán sản phẩm ở Saigon Center hiện nay của
Q-Home đang bán hàng của Minh Long 1 và bán cả những sản phẩm khác của
Thái Lan chẳng hạn. Là nhà sản xuất, anh nghĩ sao về điều này?
Trong hợp đồng với nhà phân phối, Minh Long 1 có thỏa thuận hàng của
Minh Long 1 chiếm 70% diện tích trưng bày. Q-Home vẫn đáp ứng rất tốt
những tiêu chí đó. Tôi nghĩ là có thêm những sản phẩm khác trưng bày thì
người tiêu dùng sẽ có thêm sự so sánh, đánh giá hàng của mình với đơn
vị khác. Chúng tôi tự tin khi thấy hàng của mình vẫn chiếm ưu thế.
- Ông Lý Ngọc Minh có lần đánh giá công tác marketing của công ty chưa tốt, anh nghĩ công ty sẽ thay đổi điều này như thế nào?
Đúng là Minh Long 1 chưa làm điều này trước đây và chúng tôi vẫn dựa
chủ yếu vào “hữu xạ tự nhiên hương”, nhưng bây giờ thì phải làm lại công
việc marketing một cách chủ động hơn và bài bản hơn thì mới phát triển,
mở rộng được thị trường.
- Ông Lý Ngọc Minh có đôi lần tâm sự rằng ở
tuổi của ông, ông rất muốn trao quyền điều hành công ty cho những người
con. Có lẽ là một ngày gần đây, ông Minh sẽ trao quyền CEO lại cho anh.
Anh nghĩ gì về trách nhiệm này? Đó là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho
những gì anh đã nỗ lực 9-10 năm nay?
Nếu muốn phát triển mạnh và quy mô lớn hơn, công ty cần phải thay đổi nhiều hơn
|
“Sếp”
cũng muốn trao quyền lâu rồi nhưng vẫn phải chờ cho mọi thứ chín muồi.
Nói rằng tôi hay những em tôi ai xứng đáng hơn thì cũng rất khó vì tôi
là anh cả và đi học trước, vào làm việc, tiếp cận mọi việc sản xuất,
kinh doanh, quản lý trước các em nên dĩ nhiên sẽ có nhiều kinh nghiệm
hơn. Nếu cùng một xuất phát điểm thời gian như nhau thì dễ đánh giá hơn
những nỗ lực, đóng góp của mọi người. Các anh em tôi đều được ba má cho
ăn học và truyền lại ý nguyện tiếp nối sự nghiệp của gia đình nên tôi
thấy điều hành công ty đó là điều hẳn nhiên mình phải cố gắng để làm
tròn sứ mệnh.
- Trong những năm làm việc cho công ty gia
đình, có điều gì ở công ty anh muốn thay đổi mà chưa đạt như ý muốn? Có
khi nào anh cảm thấy nản lòng?
Áp dụng cách quản lý hiện đại vào một công ty gia đình thực sự cũng
không phải dễ. Đôi lúc tôi cũng thấy nóng ruột nhưng không thể làm nhanh
hơn được. Nhất là trong vấn đề quản lý nhân sự, đôi lúc tôi thấy mình
chưa kiên quyết, mềm yếu trong việc kỷ luật nhân viên. Có những điều cần
thay đổi nhanh mình lại thiếu quyết liệt. Hơn nữa ngành này có khá
nhiều thách thức. Mỗi ngày luôn có những điều mới khiến mình phải suy
nghĩ, giải quyết và chính điều đó cũng kích thích tôi sáng tạo và say mê
với công việc hơn.
- Và điều gì làm anh thấy vui với công việc?
Tôi chủ trương tự động hóa, vi tính hóa và được “sếp” ủng hộ. Tôi
trao đổi với các anh em IT, bộ phận lập trình thực hiện phần mềm chạy
trên ipad giúp quản lý và hỗ trợ công việc của đội ngũ bán hàng,
marketing. Tôi thấy máy móc, kỹ thuật số giúp mình rất nhiều. Con người
thì lúc vui, lúc buồn. Mất người, công ty phải đào tạo lại người rất tốn
kém và mất thời gian. Còn máy móc thì vẫn là nó, trung thành, tin cậy.
Cái gì có thể để máy móc làm thế mình thì tôi ưu tiên.
- Máy móc cũng có lúc bị “treo”, bị mất dữ liệu…?
(Cười). Mình cũng phải có giải pháp phòng ngừa và “back up” chứ.
Vài năm nay tôi cũng đang tiến hành một dự án, yêu cầu mọi người viết
lại toàn bộ công việc mình làm, quy trình xử lý công việc. Việc này lúc
đầu tốn rất nhiều thời gian và như một “đám rừng”, nhiều người chưa
quen thấy nó quá phức tạp, nhưng rồi từ đó tập hợp lại sẽ thành một “bản
đồ”. Có “bản đồ” trong tay rồi thì mình có thể tự đi được đến nơi nào
mình muốn. Tôi đang cố thúc mọi người làm xong việc này.
“Sếp” có khi nào khen anh?
- “Sếp” biết những việc tôi làm và ủng hộ. Đó cũng là một cách khen.
Thực ra, điều làm tôi vui hơn đó là khi những điều mình làm được mọi
người trong công ty hiểu, chia sẻ và thừa nhận là nó đem lại hiệu quả.
Từ đó họ tin cậy và mình cảm thấy phần thưởng đó rất đáng khích lệ.
- Anh thích và không thích tính cách nào của ba anh trong vai trò một chủ doanh nghiệp?
Phải ổn định cái đang có rồi mới phát triển nó lên tầm cao, không thể nôn nóng đốt cháy giai đoạn được
|
Ba
tôi là người rất tâm huyết với nghề; ông rất kiên trì và làm cho tới
cùng những điều ông muốn. Ông cũng cởi mở với những thay đổi, ý tưởng
mới nên tôi cũng học được sự kiên trì ở ba tôi mà không cảm thấy quá nản
lòng khi công việc chưa như ý muốn.
Ông cũng là người nóng tính. Sự nóng nảy có thể làm ảnh hưởng đến
quyết định trong công việc, đến tinh thần làm việc của nhân viên. Đó
cũng là một hạn chế.
- Tiếp tục sự nghiệp gia đình, đến giờ
phút này cảm giác của anh là gì? Có bao giờ anh nghĩ nó là một gánh nặng
không? Anh chịu ảnh hưởng của ba anh điều gì? Có bao giờ anh thấy bóng
dáng của ba anh là quá lớn?
Tôi không nghĩ tôi chịu ảnh hưởng mà là di truyền thì đúng hơn. Từ
nhỏ tôi đã được ba dẫn đi vô xưởng làm gốm xem mọi người làm việc. Tôi
học hỏi kỹ thuật và được ba chỉ dẫn mọi thứ trong nghề. Ba tôi và tôi có
gu nghe nhạc, gu thẩm mỹ giống nhau. Sách mà ba tôi đọc cũng là những
sách mà tôi thích đọc. Nói chung cách giáo dục trong gia đình và những
điều tôi học được hình thành tính cách của tôi. “Sếp” là “sếp”. Tôi cũng
không nhất thiết phải giống “sếp”. Tôi nghĩ mỗi người có một sự độc đáo
riêng.
- Với tất cả những câu chuyện về quản lý của anh, có thể thấy anh là một tín đồ của công nghệ?
Đúng. Công nghệ giúp mình rất nhiều. Máy móc không có chuyện bè phái,
không phức tạp, rắc rối như con người. Công nghệ giúp mình quản lý công
việc tốt hơn, thuận lợi hơn, nhưng quan trọng là mình phải làm chủ được
nó. Điều này cũng tương tự như những chiếc xe tốc độ cao; chúng có công
suất, máy móc giống nhau, nhưng để trở thành một tay đua cự phách lại
là chuyện khác. Mình phải biết cách làm chủ công nghệ, đó mới là điều
tiên quyết.
- Có những chủ doanh nghiệp khác cũng cho
con cái đi du học và sau đó các bạn này không muốn tiếp tục sự nghiệp
của gia đình. Có thể ba anh là một người thành công trong việc chuyển
giao sự nghiệp cho con cái. Với lợi thế là một người trẻ, có học thức và
say mê công nghệ như anh, có khi nào anh muốn rẽ sang hướng khác?
Ba tôi truyền cho anh em tôi lòng đam mê với nghề nghiệp của tổ tiên,
gia đình. Cách giáo dục của ba mẹ tôi đã “ăn” vào suy nghĩ của tôi và
khi tôi bước chân đi du học, tôi được truyền lại một sứ mệnh rất rõ ràng
là tiếp nối sự nghiệp của gia đình. Đúng là nếu như “sếp” không phải là
người cởi mở, chấp nhận cái mới và kích thích sự sáng tạo trong tôi thì
cũng có thể tôi đã không làm trong ngành này. Cũng may là những điều
tôi học được có thể áp dụng cho công việc của gia đình. Ngành này cũng
có nhiều cái mới và thách thức nên tôi cũng cảm thấy nó thu hút được
mình. Tôi vẫn đang học kinh nghiệm của “sếp”. Điều đó không chỉ là công
thức, kỹ thuật mà như là một phản xạ đã ăn vào máu “sếp”. Chắc chắn tôi
và những đứa em của mình vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp này.
- Xin cảm ơn anh!
Thiên Thủy - An Nhiên
DDDN.COM.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét