Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012
Ăn cây nào, rào cây ấy
Từng là người sáng lập Ngân hàng Twenty Ten, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Philam Plans tại Singapore, Giám đốc điều hành hoạt động môi giới chứng khoán cho một tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới..., Jack Howell có sự trải nghiệm phong phú về toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính cũng như văn hóa từ Âu sang Á. Ông tâm sự, chính sự trải nghiệm này đã giúp ông duy trì thành công với Prudential Việt Nam và cũng không ngần ngại thuyết phục tập đoàn đầu tư 10 triệu USD cho các hoạt động cộng đồng, văn hóa tại một đất nước mà cả gia đình ông đã chọn làm nơi định cư cho một cuộc sống lâu dài.
Ảnh: Thi Khánh
Tài sản lớn
* Ông đã từng nói: “Bí quyết thành công của chúng tôi rất giản dị. Đó là xây dựng và nuôi dưỡng niềm tự hào của một tập thể lớn và chính niềm tự hào đó đã giúp chúng tôi vươn tới sự xuất sắc”. “Điều giản dị” này cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Điều giản dị đó nằm ở những con người chung một “mái nhà Prudential”. Tập thể 1.800 nhân viên và 90.000 tư vấn viên Prudential rất tự hào về công việc mình đang làm, về uy tín của công ty, về đồng nghiệp của mình, về ngôi nhà chung - nơi thử thách, nuôi duỡng tài năng và sự sáng tạo của họ.
Ngọn lửa đam mê của đội ngũ này là điều khiến tôi ngạc nhiên và hứng thú nhất khi đến làm việc tại Việt Nam.
Quản lý tốt các công việc kinh doanh hiện tại là chưa đủ, chúng ta còn phải tạo ra tương lai cho doanh nghiệp của mình. Muốn đạt được điều đó bạn phải có “đam mê”, chứ không chỉ đơn giản là kiếm ra lợi nhuận.
* Và ông cũng từng nói:“Giá trị văn hóa doanh nghiệp và yếu tố con người là nhân tố quan trọng quyết định thành công của Prudential”. Vậy văn hóa doanh nghiệp của Prudential được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Một câu hỏi thú vị! Chúng tôi đã hỏi nhân viên của mình câu hỏi này từ những ngày đầu tiên Prudential có mặt tại Việt Nam và nhận được vô số câu trả lời hết sức thú vị và trùng lặp nhau.
Tựu trung, mọi người đồng ý rằng, văn hóa Prudential được thể hiện qua 5 giá trị cốt lõi: Chính trực - Hợp tác - Quan tâm - Sáng tạo - Vượt trội.
Điều này đuợc thấy rõ trong mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ của chúng tôi (với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, cộng đồng). Đây là tài sản vô giá của Prudential mà những cựu thành viên Prudential sau nhiều năm vẫn còn trân trọng.
Công việc của những nhà lãnh đạo kinh doanh sáng tạo là quản lý hiện tại trong khi kiến tạo tương lai. Phải thừa nhận rằng, chúng ta luôn luôn là sản phẩm của chính những gì chúng ta thực hiện và trở thành hình mẫu như chúng ta mong muốn.
* Prudential đã đạt được những vị trí cao nhất trong thị trường bảo hiểm nhân thọ nhiều năm liền, ông đã hết mục tiêu phải phấn đấu chưa?
- Mục tiêu của Prudential rất rõ ràng: cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho mọi người, mọi gia đình ở Việt Nam, qua đó giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong những năm tiếp theo, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện những chiến lược đã giúp Prudential thành công, như: đa dạng hóa sản phẩm, phát triển đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ của mạng lưới văn phòng trên toàn quốc, phát triển kênh bảo hiểm liên kết ngân hàng.
Chúng tôi tự hào là một doanh nghiệp nước ngoài được nhận bằng khen, huân chương của Thủ tướng Chính phủ và những giải thưởng khác vì đây là sự ghi nhận của cộng đồng, của Chính phủ cho những thành tựu mà Prudential Việt Nam đã đạt được.
Tuy nhiên, dù có hay không có sự ghi nhận đó, chúng tôi vẫn thực hiện công việc của mình với tất cả tinh thần trách nhiệm đối với khách hàng, cộng đồng. Quỹ xã hội Prudence của chúng tôi cũng đang tích cực giải ngân nguồn tài trợ 10 triệu USD (hơn 200 tỷ đồng) cho các hoạt động cộng đồng tại Việt Nam.
Có câu ngạn ngữ đại ý là “Đừng để một ai chẳng nhận được gì khi rời bạn mặc dù bạn biết rằng có thể sẽ không bao giờ gặp lại họ. Đôi khi chỉ một ánh mắt thiện cảm dành cho người khác cũng là một món quà lớn lao trong đời”.
Và người Việt Nam hay nói “Ăn cây nào rào cây ấy”. Đang hưởng trái ngọt từ Việt Nam nên chúng tôi tìm mọi cơ hội để thể hiện trách nhiệm phát triển “cây xã hội” tại đây ngày càng vững chắc hơn nữa.
Lợi thế của “người tiên phong”
* Bất chấp những biến động của nền kinh tế thế giới và những khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam, Prudential vẫn tăng trưởng ấn tượng. chắc ông phải có một chiến lược khác biệt?
- Năm 2011 vừa qua, Prudential tiếp tục là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất trong ngành bảo hiểm nhân thọ, với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 6.000 tỷ đồng, chiếm 38% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành.
Doanh thu từ hợp đồng mới đạt con số kỷ lục gần 1.400 tỷ đồng, với số lượng hợp đồng khai thác mới đạt 38% tổng số hợp đồng mới của toàn ngành năm 2011. Thu nhập từ hoạt động đầu tư đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2010.
Những con số ấn tượng trên là kết quả của một quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển thương hiệu, sản phẩm, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và văn hóa doanh nghiệp.
Theo tôi, chiến lược của công ty không có gì quá đặc biệt ngoài những giá trị chúng tôi đã cam kết, điều quan trọng là chúng tôi đã thực hiện thành công những chiến lược này.
* Được biết, mới đây, Prudential đã chi trả khoản thưởng bảo tức đặc biệt với tổng trị giá lên đến 430 tỷ đồng cho khách hàng. Đây có phải là một trong những chiến lược để Prudential thu hút khách hàng?
- Thực ra, đây không phải là “chiêu” để thu hút khách hay chiến lược kinh doanh gì lớn lao, mà là một trong những chính sách tập đoàn đã thực hiện từ nhiều năm nay. Và đây không phải là lần đầu tiên Prudential công bố trả bảo tức đặc biệt cho khách hàng.
Năm 2007, chúng tôi cũng đã trả bảo tức đặc biệt trị giá 521 tỷ đồng cho khoảng 740.000 khách hàng, nhờ vào kết quả đầu tư xuất sắc của công ty. Lãi chia cuối hợp đồng trong những năm qua liên tục tăng.
Sau 12 năm hoạt động, Prudential đã chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền tổng cộng 9.786 tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu trường hợp. Chỉ tính riêng trong năm 2011, con số này là 3.010 tỷ đồng cho khoảng 235.000 trường hợp.
* Tại Việt Nam, có thể xem Prudential là một trong những đơn vị “khai phá” thị trường bảo hiểm nhân thọ. Là doanh nghiệp tiên phong, chắc Prudential đã gặp không ít khó khăn?
- Không dễ mở ra thị trường đầu tiên, nơi một vài khách hàng sẵn sàng trả tiền cho các sản phẩm mới của bạn. Nhưng có một việc còn khó khăn hơn, đó là xây dựng và phát triển thị trường đó rộng lớn hơn.
Thông thường là người tiên phong thì thử thách, khó khăn gần như là chắc chắn nhưng cơ hội cũng rất nhiều.
Thấy được tiềm năng to lớn của thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam và với hiểu biết sâu sắc về văn hóa cũng như thị trường Việt Nam, trong các năm qua, Prudential đã không ngừng tiên phong trên tất cả các lĩnh vực như: xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, đào tạo nhân viên...
Chúng tôi không bao giờ bỏ qua lợi thế đi trước của mình vì trong cạnh tranh, đôi khi thắng thua chỉ cách nhau nửa bước chân.
Chúng tôi tự hào là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng hệ thống đại lý, mô hình văn phòng tổng đại lý rất thành công; tự hào là công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đầu tiên và duy nhất có hệ thống văn phòng trên khắp 63 tỉnh, thành trên toàn quốc và cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc giới thiệu dòng sản phẩm tiết kiệm giáo dục, liên kết đầu tư, phát triển thành công kênh bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance)...
“Nếu đời cho ta một trái chanh thì hãy pha thành một ly nước chanh” - hãy biến mọi cơ hội thành hiện thực bằng sự sáng tạo của bạn.
“Bàn tay vô hình”
* Đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, ông đánh giá ngành bảo hiểm Việt Nam như thế nào?
- Rất nhiều tiềm năng. Tỷ lệ dân số đã được bảo hiểm ở Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.
Hơn 90% dân số đang cần có hợp đồng bảo hiểm đầu tiên, 10% còn lại cần thêm những hợp đồng bảo hiểm tiếp theo luôn là sức hấp dẫn mạnh mẽ với những ai mong muốn cung cấp dịch vụ bảo hiểm chuyên nghiệp.
Và hiện nay, với mức sống đang tăng lên rõ rệt, ý thức về tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ đang được cải thiện. Tôi cũng cho rằng, có nhiều cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối mới đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
* Có nhiều nhận xét cho rằng, ngành bảo hiểm Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt. Ông thấy điều này có đúng?
- Chỉ trong vòng bốn năm qua, số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tăng lên gấp đôi. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn rất lớn của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Khi thị trường càng đông thì cạnh tranh là điều tất yếu, và cũng là điều cần thiết cho sự phát triển chung của thị trường.
Tôi luôn xem cạnh tranh như một “bàn tay vô hình” thúc đẩy bản thân và các cộng sự của mình luôn đổi mới, luôn sáng tạo, không bao giờ được “ngủ quên trên chiến thắng”.
Tuy nhiên, gần đây, thị trường có nhiều dấu hiệu của cạnh tranh không lành mạnh: giành giật nhân sự, xúi giục khách hàng hủy hợp đồng, tung tin đồn xấu, cản trở lẫn nhau...
Nếu tình hình này tiếp diễn sẽ có những tác hại không nhỏ đến thị trường đang còn khá non trẻ. Bạn hãy tạo ra một thị trường mà sự cạnh tranh là chất xúc tác cho cảm hứng sáng tạo, cho động lực và niềm say mê.
Khi đó bạn mới thực sự được sống trong một thị trường có nền văn hóa nuôi dưỡng doanh nghiệp. Cũng không ai khác, bạn phải là người tạo nên điều đó.
Và tình yêu Việt Nam
* Được biết, ông đã đưa gia đình đến sinh sống ở Việt Nam. Việc hòa nhập vào cuộc sống của một nước chưa phát triển như Việt Nam có khó khăn đối với các thành viên trong gia đình ông và họ đã làm quen với cuộc sống mới như thế nào?
- Việt Nam luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi và Jennifer, vợ tôi. Vì thế, khi có cơ hội được làm việc ở Việt Nam, chúng tôi quyết định chuyển đến đây ngay.
Bọn trẻ thì rất dễ dàng hòa nhập và có bạn bè ngay. Chúng tôi rất thích cuộc sống ở đây nhưng đôi khi cũng thấy nhớ người thân và bạn bè ở quê nhà.
Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại ngày nay thì việc liên lạc với người thân và bạn bè ở Mỹ cũng khá dễ dàng. Thỉnh thoảng chúng tôi được bố mẹ, anh em và bạn bè sang thăm.
Cả Jennifer và tôi đều thích thú với việc điều khiển xe gắn máy. Vào dịp cuối tuần, bất cứ khi nào có thời gian chúng tôi đều chở nhau trên vespa đi đây đó rất thú vị! Jennifer “gan” hơn tôi, cô ấy dám chở hai đứa nhỏ đi học bằng xe máy đấy.
Trong chuyến sang thăm chúng tôi gần đây nhất, bố tôi, đã ngoài 70 tuổi, vẫn chạy vespa một vòng thành phố từ quận 2 đến quận 7. Ông cụ hết sức tự hào về “thành tích” đó của mình!
* Đã hơn ba năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông thấy đất nước, con người Việt Nam như thế nào? Món ăn hay môi trường làm việc ở Việt Nam có là trở ngại đối với ông?
- Nhiều người hay hỏi tôi về sự so sánh Việt Nam với các nước khác dưới góc nhìn của một người nước ngoài. Tôi muốn trả lời câu hỏi đó với tư cách là một người trong cuộc vì đã rất gắn bó với Việt Nam, chứ không “khách sáo” gì.
Tôi yêu sự thân thiện, ham học hỏi và ý chí vươn lên của người Việt Nam. Tinh thần lạc quan của các bạn cũng lôi cuốn tôi. Tôi luôn cảm thấy hứng thú khi sống và làm việc trong môi trường như vậy.
Trước khi đến Việt Nam, tôi và gia đình đã sống ở Hồng Kông, Philippines vài năm và đã quen với món ăn châu Á. Nhưng tôi thích món ăn Việt nhất có lẽ vì phần lớn các món ăn Việt sử dụng ít thịt và chất béo, nhiều rau xanh.Xin khoe là tôi đã nếm đủ các món ăn của ba miền Bắc - Trung - Nam khi đi tham quan các văn phòng của Prudential trong ba năm qua.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét