Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Doanh nhân đi xe gì?

Chẳng kể ở xứ ta, từ Tây cho tới Tàu, ở đâu xe hơi cũng luôn đóng vai trò đồng hành và gián tiếp thể hiện vị thế, đẳng cấp của chủ nhân.
“Ăn chắc mặc bền thì đi xe Nhật/Tính tình chân thật mua xe Hoa Kỳ/Phong cách cầu kỳ sắm xe Đức quốc”



Muốn thể hiện mình là doanh nhân, trước tiên phải có xe hơi, mà tốt nhất là xe hơi sang. Việc đầu tiên sau khi lập doanh nghiệp là phải mua ô tô, đó là luật bất thành văn. Cứ nhìn vào số lượng doanh nghiệp đăng ký và số xin giải thể là có thể biết “sức khỏe” của thị trường xe hơi, nhưng đó là chuyện “vĩ mô”, ta nên quay về với chủ đề chính của bài viết “Doanh nhân đi xe gì”?

Vào thời bắt đầu đổi mới, nói đến xe hơi nghĩa là xe Nhật. Thời nay, cho dù xe Nhật vẫn chiếm thế phần lớn nhưng các hiệu xe Âu châu, Mỹ quốc cũng đã trở nên thông dụng.


Mới đây, trên thị trường lại xuất hiện các mẫu xe đến từ các “con rồng”, “con cọp” Trung, Hàn, Mã, Ấn với giá cả “dễ chịu” và mẫu mã khá tân thời. Việc có nhiều mẫu xe để chọn cũng rất tốt, nhưng nhiều quá đâm ra khó chọn, nhất là đối với các doanh gia lần đầu mua xe. 


“Người làm sao của chiêm bao làm vậy”, hay diễn nôm ra là nhìn chiếc xe sẽ biết anh là người như thế nào. Trước hết, chiếc xe thể hiện mức độ giàu có của chủ nhân, sau đó là phong cách và thậm chí một phần tính cách. Vì vậy, nên chọn xe theo đúng nhu cầu, và hay hơn nữa - đúng sở thích. 


Doanh nhân tính toán chi li thường chọn xe Nhật bởi giá vừa phải, dễ bảo dưỡng và dễ bán lại. Trẻ trung hơn một tí có thể chọn xe Mỹ, vừa thể hiện sự cách tân mà lại ít sợ đụng hàng.


Còn việc bán lại ư? Dân chơi đâu có sợ mưa rơi. Xe Âu châu chủ yếu dân làm “sở Tây” hay dính dáng ít nhiều “Tây học” ham thích. Cũng như xe Mỹ, chúng giúp chủ nhân thể hiện cá tính nhưng lại hơi đỏng đảnh trong chuyện bảo dưỡng. Xe Hàn Quốc và số còn lại thường chỉ bán cho “ngoại kiều yêu nước”, họ làm ăn ở xứ ta nhưng vẫn một lòng yêu thờ đất mẹ, nôm na là như vậy.


Có thể phân tích cụ thể hơn một chút về các dòng xe theo mác hiệu. Tuy Toyota vừa rồi có xảy ra nhiều vụ lùm xùm cả ở hãng mẹ lẫn liên doanh tại Việt Nam, nhưng vẫn là mác xe bán chạy đầu bảng. Doanh nhân thành đạt một chút thường chọn Camry, ít tiền hơn thì Corolla hay Innova.


Ai đi xe hiệu này, và cả “con cùng mẹ” Lexus, đều là những người căn cơ. Các thương hiệu xe Nhật khác như Honda, Mazda, Mitsubishi, Suzuki hay Subaru thực ra cũng na ná nhau cả về kỹ thuật lẫn thiết kế. Riêng Nissan, sau khi liên doanh với Renault có hơi hướng Âu châu một chút, cá tính một chút.


Xe Mỹ một thời đã khá thịnh hành, nhất là trong các tỉnh phía Nam, nhưng sau bị người tiêu dùng “ngoảnh mặt” vì lý do đã xấu mã lại ngốn xăng. Từ khi Ford đặt nhà máy tại Việt Nam, bộ mặt xe Mỹ có được cải thiện đôi chút, nhưng bán chạy cũng chỉ có thương hiệu này do giá hợp lý, tính năng cũng tương đối ổn và cái chính là có hệ thống dịch vụ tốt.


Còn các hiệu xe khác từ Hoa Kỳ như Chrysler, bao gồm cả Dodge, Jeep, hay toàn bộ dòng tộc GM từ Cadillac, Buick, Opel... đều rất hiếm ai chọn mua. 


Xe Pháp thì đã từ lâu vắng bóng dần tại Việt Nam. Cả ba thương hiệu mạnh nhất là Peugeot, Renault và Citroen đều không còn chỗ đứng, mặc dầu không ít lần các nhà nhập khẩu cũng như chính hãng đã có những cố gắng để ít nhiều gầy lại “một thời vang bóng”.


Xe Ý cũng ở tình trạng như vậy, dù đó là Fiat, Alfa Romeo hay xe hạng sang Maserati. Các thương hiệu khác như Volvo của Thụy Điển, Mini, Vauxhall Anh hay Seat Tây Ban Nha cũng hiếm khi được người Việt biết tới, xe Đông Âu thì còn xa lạ hơn.


Chỉ có xe Đức là ngày càng thắng thế tại xứ ta. Nếu cách nay vài năm, Mercedes làm chủ hoàn toàn “trận địa” thì giờ đã có thêm BMW, Audi, Volkswagen và cả dòng xe thể thao sang trọng Porsche nữa. Các dòng xe Đức tuy giá đắt nhưng hội tụ tương đối đầy đủ các thế mạnh từ tính năng kỹ thuật, thiết kế đến độ an toàn và tiện ích.

Không có nhận xét nào:

Flag Counter