Vào ngành giáo dục ba mươi sáu năm, trong đó mười sáu năm làm
hiệu trưởng ngôi trường Lương Định Của nổi tiếng của TP. Hồ Chí Minh, bà
Mỹ Hạnh luôn theo đuổi việc người lớn phải thay đổi cách nhìn về trẻ
nhỏ, thực hiện quyền trẻ em, xem trẻ “là một thành viên bình đẳng như
người lớn, phải tham khảo ý kiến của trẻ trong mọi hoạt động”.
Cô giáo Mỹ Hạnh đã tự học bằng nhiều cách, kể cả tự túc đi tham quan, học hỏi, nghiên cứu ở một số nước.
Tranh: Hoàng Tường |
*
Theo chị, trường tiểu học quan trọng thế nào trong việc học hành của
một con người, ngoài ý nghĩa là môi trường đầu tiên của đời học sinh?-
Về lý thuyết, bậc tiểu học là nền tảng căn bản cho trẻ em để phát triển
lên các cấp trên. Mục tiêu của cấp học này là phát triển toàn diện nhân
cách cho học sinh. Nhưng chiếu theo mục đích đó thì chúng ta hiện mới
chỉ chú ý được dạy về “trí” thôi, mọi hoạt động khác còn thiếu rất
nhiều.
Thiếu không gian hoạt động, học nhiều quá, trẻ không còn
hồn nhiên nữa. Các bậc cha mẹ cứ nghĩ đưa con đến trường là ở đó có mọi
hoạt động, nhưng không phải. Ngay cả những môn có trong chương trình,
thực ra cũng chỉ là lý thuyết thôi.
Trường Lương Định Của cố gắng
hơn được một chút, ví dụ trong chương trình có cả việc dạy luộc rau,
chúng tôi tổ chức mua rau, gạo về cho trẻ nấu. Còn chương trình chung
trên toàn quốc chỉ dạy trên lý thuyết, không cho trẻ điều kiện thực
hành.
Ngay mẫu đánh giá đạo đức học sinh cũng chỉ trả lời câu hỏi,
ví dụ: có đi thăm người khuyết tật không, nếu có thì đánh dấu vào, chứ
không cho học sinh đi thăm trên thực tế.
* Được biết chị rất có ý thức trong việc áp dụng những hình thức giáo dục tiên tiến của nước ngoài vào ngôi trường của mình…
-
Thực ra, không phải cái gì cũng theo cách mà nước ngoài đang làm, nhiều
khi chỉ cần thực hiện ngay những quy định của chính Bộ Giáo dục và Đào
tạo. Để làm được cần phải có quyết tâm và điều quan trọng là lãnh đạo Sở
có quan điểm thoáng, ủng hộ.
Quá trình làm phải cân nhắc, xin ý
kiến tham khảo, giới thiệu ý định để có phụ huynh học sinh tham gia, kết
hợp với công tác truyền thông, liên hệ với báo, đài, tuyên truyền để
chương trình được thành công.
* Khi học xong chương trình
“quyền trẻ em” do các bạn Thụy Điển triển khai trên cả nước, điều gì
khiến chị có ấn tượng nhất, làm thay đổi suy nghĩ của chị?
-
Đó là nhiều phương pháp dạy rất hay, liên quan đến quyền lợi của trẻ em
mà trước đây mình không nghĩ đến. Ấn tượng nhất chính là việc xem trẻ em
là thành viên của nhà trường, không chỉ thụ hưởng mà còn tham gia xây
dựng nhà trường, được lắng nghe, tôn trọng.
Trước đây chúng ta
quen nghĩ, trẻ còn nhỏ, chưa hiểu biết, trưởng thành, chúng ta phải
quyết định giùm cho các em. Nay phải thay đổi cách nhìn về trẻ, phải xem
đó là một thành viên của nhà trường, phải tham khảo ý kiến của thành
viên ấy trong tất cả các hoạt động của trường.
Một ví dụ nhỏ như
trang trí lớp học thôi, trước đây là theo cái nhìn của giáo viên, trang
trí lớp sao cho chính mình hài lòng, cảm thấy đẹp, chứ không cần biết
học trò của mình có thích hay không.
Nay phải trang trí khác,
những chỗ tường trống thì mỗi em một sản phẩm, không chê xấu đẹp theo
cách nhìn của người lớn, kiểu xấu che tốt khoe. Trẻ em bình đẳng, tất cả
phải được tôn trọng, được trưng bày lên hết. Mỗi em đều có một cái túi
đựng sản phẩm của mình.
* Trong túi đó có những gì, thưa chị?
-
Đồ thủ công, tranh vẽ, bài viết, ý kiến của trẻ… Trước kia, cô giáo
phải đánh giá là đẹp thì mới đưa lên, nay chỉ cần thấy các em có cố gắng
là đã trân trọng. Lớp học là của trẻ em.
Vậy mà nhiều trường khai
thác vị trí của mình, buổi tối còn dùng để kinh doanh, ngay ghế ngồi
cũng đóng cho lớn để buổi tối sử dụng cho người lớn. Tôi không cho phép
làm điều đó. Trường học là của học sinh.
Tôi muốn phải vì đứa trẻ,
nhất là các chương trình giáo dục, sao cho đừng hình thức phô trương,
phục vụ ý thức chủ quan của người lớn, chẳng hạn chuyện thi cử, điểm số.
Theo
tôi, không nên có điểm số cho lớp 1. Đó là điều vô lý! Trẻ chưa từng đi
học, chưa biết chữ thì cũng chưa nên có cả nhận xét.
* Vậy có cách gì để đánh giá, nếu không có cả điểm số và nhận xét?
-
Nếu không có điểm, cho ngôi sao đỏ là các em biết mình đã tốt, ngôi sao
xanh là “có cố gắng”, nhận được ngôi sao vàng trẻ biết mình có tiến bộ.
Nhìn các ngôi sao xinh, trẻ thích và không bị mặc cảm. Dù chưa có chỉ
đạo, chúng tôi đã thực hiện rồi.
Các giáo viên cũng thấy đúng.
Ngay cả kỳ thi cũng vậy, tôi thấy việc cải tiến từ bốn kỳ thi xuống chỉ
còn một kỳ thi cuối lớp là không hợp lý. Theo tôi, nên giữ hai kỳ thi,
lỡ trẻ ốm đau, có chuyện đột xuất cũng đỡ mất quyền lợi.
Chúng tôi
học theo nước ngoài, cho các em tự đề ra nội quy kỷ luật của tất cả các
lớp, không theo kiểu quy định của nhà trường như phải đi học đúng giờ,
phải…
* Nhưng thưa chị, tất cả những quy định ấy đều cần cả mà?
-
Đều đúng cả. Nhưng tâm lý bị bắt làm thì không thích bằng tự làm. Gợi ý
cho trẻ, khi học tập thì nên như thế nào, không nên làm điều gì và cho
trẻ thảo luận với nhau. Chẳng hạn, thấy có vài bạn xưng hô “mày tao”,
trẻ tự đề ra quy ước không được gọi mày tao.
Nhiều chi tiết cụ
thể, không đưa đủ hết vào bản nội quy chung của nhà trường, chúng tôi để
mỗi lớp tự làm cho nội quy của lớp mình. Chuyện thưởng phạt, giáo viên
cũng gợi ý, nhưng không gọi là phạt, chỉ là “làm tốt thì con được gì, vi
phạm thì con phải chịu gì”.
Các em đề ra: làm tốt được cô khen,
các bạn vỗ tay, được đi chơi; ngược lại, sẽ không được ra chơi, bị cô
la, phải viết kiểm điểm. Phải thấy rằng ngay cả người lớn cũng không
thích bị áp đặt, vậy nên đừng áp đặt với trẻ.
* Trẻ em ngày
nay, ngoài sự thông minh, được tiếp cận kỹ thuật, phương tiện hiện đại
sớm, trong sự phát triển có gì đặc biệt không, thưa chị?
- Sự
hiểu biết, kiến thức trẻ mở rộng, nhiều khi người lớn không theo kịp
cách nghĩ của con em mình. Ngoài một số con em người lao động nghèo, thì
trẻ em nói chung đều là ưu tiên của gia đình.
Mọi thứ dồn cho các
em, kể cả tham vọng của người lớn. Trẻ phải chịu áp lực nhiều hơn trẻ
em thời xưa. Phải học giỏi, thành nhà nọ nhà kia, tiếng tăm, giàu có,
thành đạt. Có các bậc cha mẹ thể hiện bằng hành động, không được điểm 10
là la rầy, phạt. Có người bắt con học nhiều quá.
Tôi chưa thâm
nhập tìm hiểu hết, nhưng thấy thỉnh thoảng lại có phụ huynh đến hỏi ý
kiến về các chương trình bên ngoài xã hội mở đào tạo kiểu thần đồng toán
học này nọ.
Tôi nói với các phụ huynh ấy rằng, trẻ con cần được
vui chơi, chẳng cần tính toán nhanh làm gì. Anh hãy nghĩ con anh muốn
hay đó là anh muốn, đã hỏi con mình chưa, hãy cho con được sống bình
thường đi.
Nhất là dạo giáo sư Ngô Bảo Châu mới nhận giải thưởng
Field, nhiều cha mẹ tham vọng con mình phải thành thần đồng toán học.
Tôi nói, giáo sư Châu cũng sống và học bình thường lúc nhỏ mà.
* Bên ngoài xã hội bây giờ du nhập rất nhiều chương trình đào tạo, vậy trong nhà trường có thay đổi gì cho phù hợp không?
-
Các trường học còn phải cố gắng nhiều lắm. Tâm sinh lý phát triển đòi
hỏi các em phải được sinh hoạt ngoài môi trường thiên nhiên, nhưng
chương trình thiết kế hiện nay cho bậc tiểu học là một tuần 22 tiết thì
20 tiết là ngồi học trong lớp, hai tiết còn lại thì một tiết chào cờ,
một tiết thể dục.
Chúng tôi chú ý nhiều vào việc tăng cường giáo
dục thể chất, chơi bóng rổ, võ thuật, em nào thích kỹ thuật khéo tay hay
làm thì cho lựa chọn học làm những việc thường thức trong gia đình như
nấu cơm, luộc rau, làm hoa giấy…
* Lương Định Của là trường
tiểu học đi đầu trong phương pháp học tập ngồi theo nhóm, thảo luận. Đây
có phải là sáng kiến của trường không? Học cách này tốt hơn ở điểm nào?
-
Thế giới người ta có phương pháp này lâu rồi, ngay ở trong chương trình
nước ta cũng muốn đổi mới từ giữa thập niên 1980, có cả tập huấn rồi
nhưng không ai làm vì giáo viên chưa có kỹ năng. Các trường vẫn cho học
sinh ngồi như cũ, theo phương pháp hỏi em nào em đó trả lời, giáo viên
làm hết.
Dạy theo phương pháp mới thì giáo viên phải có kiến thức
khá rộng, vì trẻ em học bài thông qua trao đổi, thảo luận, mà trẻ em thì
nhiều ý kiến, thắc mắc bất ngờ lắm. Thầy cô phải soạn bài, cho trao
đổi, rồi chỉnh sửa, các từ khó phải lựa sẵn đưa ra tìm ý nghĩa, giải
thích, chuẩn bị câu hỏi, trả lời, chốt tóm tắt cho dễ hiểu, dễ nhớ điều
cốt lõi, không học một cách máy móc.
Các em tự mình đánh dấu trong
sách. Lớp 1, 2 các em đã biết dùng bút dạ đánh dấu, không học kiểu cô
làm trước các tóm tắt một cách thụ động. Từ chỗ cách ngồi cũ, tất cả
nhìn lên bảng nghe thầy cô nói suốt, nay các em nhìn nhau, nghe nhau
nói, không chép bài, chỉ ghi tựa bài thôi, việc tiếp thu kiến thức đúng
với bản chất nhất.
* Nhiều nơi chưa thực hiện được điều này, có phải vì học như vậy sẽ khó khăn hơn cho giáo viên không?
Nếu
chuẩn bị tốt sẽ không vất vả, chỉ khó nhất là cách làm cho học sinh chú
ý, tập trung, vì chúng được tự do suy nghĩ, phát biểu mà. Học kiểu này
vui, cứ liên hệ chúng ta đi học chính trị hay tập huấn thì rõ, suốt buổi
nhìn người ta nói thì chán lắm.
Thay đổi không phải chỉ ở cách
ngồi, mà là cả sự khác biệt lớn trong tư duy. Các giáo viên sau khi tập
huấn, đã thực hiện việc này một cách nhẹ nhàng, tự tin. Tôi dự giờ, thấy
ai cũng dạy phương pháp mới có hiệu quả. Giáo viên nếu thiếu năng động
sẽ không dạy được phương pháp này.
Khi ấy, trẻ sẽ bị thiệt thòi,
không có điều kiện sống năng động ngay từ nhỏ. Học theo cách cũ vẫn đi
thi, vẫn có được kiến thức, nhưng chỉ có chữ. Trong khi chúng ta mong
dạy trẻ làm người nữa. Cách học mới giúp phát triển cách giao tiếp, suy
nghĩ, phát triển tối đa mọi mặt, không chỉ về trí tuệ.
Phát triển
nhân cách phải qua trải nghiệm, giao tiếp, đánh giá ý kiến của người
khác. Bộ cũng khẳng định đây là phương pháp tích cực nhất, nhưng nếu
ngại thay đổi, theo lối mòn cũ thì không áp dụng được.
Và vì thấy
nhiều trường, địa phương còn ngại nên Bộ, Sở còn nhân nhượng, chưa bắt
buộc thực hiện. Riêng chúng tôi thấy những lợi ích đó nên quyết tâm làm
bằng được.
* Các chương trình dạy kỹ năng sống được xã hội rất
quan tâm, Trường Lương Định Của là một trong những nơi đi đầu. Một nhà
trường với đông học sinh như thế, làm sao cho từng em có thể tham gia
hiệu quả được?
- Hằng tháng chúng tôi đều tìm cách đưa học
sinh ra khỏi trường. Việc này phải có sự hợp tác rất tốt của phụ huynh.
Nhà bác học mà trường mang tên có nhiều cống hiến về giống lúa, cây
trong nông nghiệp, chúng tôi cho học sinh lớp 5 về Long An ra ruộng lúa,
hỏi chuyện, nghe người nông dân nói.
Tôi đi tiền trạm, chọn ruộng
nào, nhà dân, xem xét cả nhà vệ sinh cho học sinh, chỗ nghỉ ngơi. Năm
nay ruộng đó gặt rồi thì phải đi nơi khác. Đi Thảo Cầm Viên vì chỉ còn
nơi đó có động vật, thiên nhiên phong phú cho trẻ em có thể tập trồng
cây. Không phải kiểu đi lướt qua tham quan, mà ra đó học về môi trường.
Chúng
tôi đã chuẩn bị cho học sinh gieo mầm, rồi đem đi trồng những cây đơn
giản như hành, đậu xanh. Có người hướng dẫn thực hành, phải tìm hiểu
theo nhóm và có các hoạt động, không phải chỉ đến đó xem rồi lên xe về.
Lớp
nhỏ tuổi hơn thì giao sưu tầm các loại gạo mà gia đình thường dùng, làm
bộ sưu tập. Lớn hơn một chút, biết nhiều loại gạo, lớn nữa thì biết làm
ra gạo phải như thế nào.
* Thưa chị, trẻ em đang sống ở các
trung tâm khuyết tật, tức là đang được Nhà nước nuôi, sao trường của chị
lại nhận bảo trợ cho đến để học?
- Trẻ mồ côi được Nhà nước
nuôi, hoặc ở chùa, nhà thờ, nhưng không có điều kiện học tập tốt, tôi
tạo điều kiện cho được học chính quy. Mỗi năm trường nhận khoảng 30 em,
mỗi ngày có năm xe chở đến. Tôi muốn đây không chỉ là việc nhà trường
góp phần làm từ thiện, mà còn là một hình ảnh trực tiếp giáo dục tình
cảm cho học sinh của trường.
Ngoài những việc các lớp nhỏ đi thăm
các trung tâm khuyết tật, lớp lớn đến Viện Dưỡng lão, thì việc đón các
trẻ mồ côi đến đây học sẽ là hình ảnh sống động nhằm giáo dục tình yêu
thương. Chứ chỉ nói “hãy yêu thương”, trẻ không biết cụ thể là gì cả.
Được
tận mắt chứng kiến, trẻ thấy mình có gia đình và điều kiện đầy đủ,
trong khi có những bạn không gia đình, nên trân trọng những gì đang có
và chia sẻ với bạn thiệt thòi.
Giáo dục tình cảm khó lắm, muốn cho
trẻ con yêu thì không thể nói suông được. Chúng tôi cho học sinh nuôi
heo đất, làm từ thiện. Có một em mồ côi của lớp tình thương đã nói rằng
được đến đây học là thiên đường của em, trước đó em chưa bao giờ được
biết trường học là thế nào…
* Dưới góc nhìn xuất phát từ một
trường tiểu học, chị nghĩ gì về tình hình giáo dục vốn đang có rất nhiều
ý kiến, bức xúc của xã hội?
- Cả xã hội đầu tư rất nhiều cho
giáo dục và ngành đang có cố gắng đổi mới để theo kịp với thời đại hội
nhập. Tuy nhiên, sự đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu và còn
vướng nhiều - cơ chế, kinh phí, con người. Có một tâm lý muốn an toàn ở
nhiều người, nên việc đổi mới còn theo kiểu đối phó, toàn những giải
pháp tình huống, xã hội kêu gì thì sửa đó, chắp vá.
Các dự án lớn
chưa đi vào thực chất, ví dụ chương trình bồi dưỡng giáo viên rất rầm rộ
nhưng chẳng có công cụ gì ngoài in sách tài liệu lý thuyết. Cho một số
cán bộ đi học tập kinh nghiệm của nước ngoài cũng thiếu hiệu quả vì làm
gấp gáp và người đi không có ngoại ngữ, nên chuyến đi chỉ có giá trị như
một cuộc tham quan.
Ngoài ra, cán bộ giáo dục phải đi cơ sở nhiều
hơn. Chúng tôi đi đến các trường khó khăn, giúp tập vở, tiền bạc, thấy
rằng chúng ta còn quan liêu lắm. Một nơi có xa xôi gì đâu, nhà vệ sinh
không có, bàn ghế xiêu vẹo mà cô giáo cho biết những bàn ghế này có từ
thời cô còn đi học, nay học sinh vẫn ngồi.
Tại Sa Pa, tôi vào thăm
một trường học, thấy mỗi lớp học chỉ có một bóng đèn vàng. Một địa điểm
du lịch nổi tiếng, nhiều người đến, nhưng ít ai vào những chỗ như vậy.
*
Là một nhà sư phạm tham gia giảng dạy và quản lý nhiều năm, chị đánh
giá thế nào về chương trình của nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại từng gây rất
nhiều tranh luận?
- Chương trình của thầy Đại có tên “Công
nghệ giáo dục”, theo tôi, mang tính kỹ thuật nhiều quá, nhưng là một
chương trình nghiên cứu trẻ em thực sự. Thầy tâm huyết thực nghiệm rất
nhiều nơi, nhiều năm. Lúc cao trào triển khai, mỗi tỉnh đều có, rồi
người ta bỏ.
Môn Tiếng Việt rất tốt, toán cao cấp phát triển tư
duy của học sinh, phụ huynh không biết nhiều, theo phương pháp cũ nên
thấy khó. Tôi thấy chương trình này dạy tốt.
Sau Bộ cho biết thống
nhất ba chương trình: Công nghệ giáo dục, chương trình dành cho trẻ có
hoàn cảnh khó khăn, chương trình cho học sinh bình thường thành một
chương trình từ năm 2000.
Trong đó, tôi thấy nội dung dấu ấn của
chương trình thầy Đại còn rất rõ. Bây giờ, người ta nói giảm tải nhưng
lại bắt học sinh đi học sớm hơn, 15/8 đã hết hè.
* Chị có viết
bài ở mục “Thời sự và suy nghĩ” trên báo Tuổi Trẻ, đặt cho xã hội nhiều
suy nghĩ về việc trẻ em phạm tội. Các bậc cha mẹ rất lo ngại về bạo lực
học đường đang trở nên phổ biến. Biện pháp giải quyết của một số nơi là
đuổi học để giữ thanh danh cho trường, chị nghĩ thế nào?
- Ở
bậc trung học, các em đang ở độ tuổi phát triển nhưng giao tiếp và quan
hệ còn hạn chế. Năng lượng nhiều mà không được giải tỏa bằng những hoạt
động lành mạnh, dễ va chạm, không có kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử nên
giải quyết xung đột bằng bạo lực.
Sống theo bản năng, không được
cung cấp kỹ năng sống với tập thể, xã hội. Nếu sợ tai tiếng, sợ ảnh
hưởng đến các học sinh khác, đẩy các em ra khỏi trường, thì ai sẽ dạy
những em này? Các em ấy biết làm gì bây giờ? Mà cũng đâu có cách ly
được, học sinh bước ra ngoài vẫn gặp nhau.
Tôi biết có vị hiệu
trưởng đuổi học sinh vì ông bắt gặp hai đứa còn nhỏ đã hôn nhau. Tôi
nói, các em nhỏ dại, chỉ là bắt chước thôi. Tôi không đồng ý nói là “hết
cách dạy”, hết thuốc chữa. Phương pháp này không được thì phải tìm
phương pháp khác.
Mình là nhà giáo mà, có nghề dạy mà. Lý luận ấy
nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân thôi, chứ không phải là không dạy
được. Không suy nghĩ thì không tìm ra. Phải tìm cách đến gần với học
sinh.
Tôi quan niệm, nhà giáo phải luôn tự hỏi rằng mình đã sử dụng hết phương pháp chưa, chứ không được nghĩ rằng đã hết phương pháp.
* Khi tự đi tham quan, học hỏi ở nước ngoài như vậy, chị có nhận xét gì đặc biệt trong cách giải quyết vấn đề này ở xứ người?
-
Nếu học theo chương trình như tôi được học từ Thụy Điển thì học được
nhiều và có hệ thống hơn là tự đi rồi nhờ người quen cho tham quan
trường, trao đổi, xin tài liệu, chương trình tham khảo như tôi đã làm.
Tôi
xem phim, thấy ở nước ngoài có chương trình về tuổi teen hoang dã, họ
đưa lên phim ảnh, truyền thông cảnh trừng phạt, răn đe những học sinh
đánh bạn, cảnh xét xử, cha mẹ ngồi chứng kiến… Không như ở nước ta, chỉ
có nhiều người tung lên mạng cảnh bạo hành, không ai tung lên cảnh bị
trừng trị, răn đe.
Ngoài ra, phải lắng nghe trẻ nói, thì trẻ mới
có chỗ để giải quyết những khúc mắc. Trường chúng tôi có thùng thư cho
học sinh góp ý. Mà chúng tôi phải dạy cả cách viết ý kiến, vì trẻ còn
nhỏ quá, không biết nên viết cái gì. Gợi ý, con thích gì, mong gì, cái
gì con không bằng lòng...
Các thầy cô cũng được chuẩn bị để có
cách tốt tiếp nhận, yêu thương học sinh. Vì quyền lợi của trẻ em thì
phải nghe trẻ em nói. Mình phải điều chỉnh người lớn, còn trẻ em thì cứ
hồn nhiên. Chúng tôi không chấp nhận trẻ bị thiệt hại trong góp ý.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
1 nhận xét:
Tuy rằng bài đăng này không nói lên vấn đề khởi nghiệp nhiều. Nhưng Trọng thấy đây là một sự chia sẻ rất tận tình của một giáo viên đã dám thay đổi cách giảng dạy, tư duy và hướng dẫn thế hệ trẻ của đất nước cách sống và làm việc bổ ích.
Đăng nhận xét