Nghề
làm dây thun vất vả lấy công làm lời nhưng về sau hàng làm không kịp
bán, bởi vậy chỉ sau một tháng, số nhân công đã được tăng gấp đôi chạy
hết công xuất máy.
Dù
đã nghe giới thiệu trước, nhưng khi tiếp xúc với ông Lê Văn Thiêm, tôi
vẫn bất ngờ. Trái hẳn với những ấn tượng sẵn có về vẻ bề ngoài của một
doanh nhân thành đạt, ông Thiêm đầu tóc bạc phơ, ăn mặc tuềnh toàng với
lối nói chuyện rặt chất nông dân Nam bộ.
Vậy
mà ông lại là một trong những “đại gia” nổi tiếng nhất trong làng sản
xuất dây thun suốt hai thập kỷ nay với số vốn nhiều triệu đôla, cũng là
người đầu tiên tại Việt Nam đưa sản phẩm dây thun Việt ra thị trường thế
giới.
Ghập ghềnh bước khởi nghiệp
Suốt
những năm thập niên 80, chàng trai trẻ Lê Văn Thiêm bước chân từ quê
nhà tại Long Thành - Đồng Nai lên thành phố làm công ăn lương cho một
hợp tác xã chuyên sản xuất săm xe đạp. Công việc vất vả, thu nhập bấp
bênh, nhưng khi hợp tác xã đứng trước nguy cơ giải tán thì ông và người
vợ trẻ còn phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Thật may, vào năm 1991,
một người quen làm nghề sửa cơ khí giới thiệu cho ông một giàn máy đùn
phế liệu với giá bảy chỉ vàng. Số tiền quá lớn với ông khi đó, nhưng
người thợ tốt bụng, sau khi bỏ công sức ra sửa chữa, đã vui lòng bán
thiếu cho ông.
Có chiếc “cần câu cơm”
trong tay, ông Thiêm hăm hở đem máy về quê nhà Long Thành rồi tìm thêm
năm người bắt tay vào sản xuất. Nghề làm dây thun vất vả lấy công làm
lời, nên khi ấy rất hiếm người làm. Sản phẩm làm ra tới đâu, ông Thiêm
cùng vợ lại chịu khó chạy lên Sài Gòn giao tận tay các chủ hàng tại các
chợ đầu mối. Hàng làm không kịp bán, bởi vậy chỉ sau một tháng, số nhân
công đã được tăng gấp đôi chạy hết công xuất máy. Cứ thế, việc làm ăn
của ông tiến triển không ngờ.
Nhưng
thời điểm đó cũng có những khó khăn mới nảy sinh, xuất phát từ việc
nguồn cao su nguyên liệu cho việc sản xuất còn hết sức khan hiếm. Cái
khó ló cái khôn, ông Thiêm nảy ra sáng kiến trộn thêm một số phụ gia và
hoá chất vào cao su để hàng vẫn đảm bảo chất lượng, mà lại giảm giá
thành. Vừa tự mày mò thử nghiệm, vừa tham khảo ý kiến chuyên môn từ
người quen, những mẻ dây thun đảm bảo chất lượng với màu sắc đẹp mắt hơn
đã ra đời.
“Khi đó, việc trộn bột
tinh với cao su đã từng là bí quyết được giấu kín trong suốt nhiều năm!
Thời điểm đó cũng rất vất vả khi hàng hư khá nhiều lần, rồi cũng vài lần
bị bạn hàng giựt nợ, nhưng mỗi trải nghiệm lại khiến mình có thêm kinh
nghiệm khi bước ra thương trường”, ông Thiêm nhớ lại.
Đưa dây thun Việt vươn ra thế giới
Năm
1994, việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi, nhận thấy nhu cầu thực tế từ
những cọng dây thun nhỏ bé rất cao, nên ông Thiêm lại kiếm một người
giỏi ngoại ngữ cùng ông tới gõ cửa các doanh nghiệp nước ngoài tiếp thị.
Sau vài lần như vậy, ông đã có những khách hàng nước ngoài đầu tiên, và
tới nay những sợi dây thun mang thương hiệu Long Thành đã chu du qua 18
nước trên thế giới với số lượng lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm.
Xưởng
sản xuất dây thun của ông hiện có trên 300 công nhân làm việc suốt ba
ca, cho ra trung bình trên ba tấn sản phẩm một ngày mà vẫn không đủ cung
ứng cho đối tác.
Anh Lê Hoa Long,
giám đốc kỹ thuật của xưởng, cũng là cháu ruột của ông Thiêm cho biết,
lúc cao điểm xưởng có trên một ngàn công nhân. Nhờ máy móc đã được cải
tiến nên năng suất đã gấp nhiều lần ngày trước, mà số lượng nhân công
cũng nhờ đó giảm theo.
Năm 2008, ông
Thiêm nắm bắt nhu cầu về găng tay cao su gia dụng trên thị trường là rất
lớn, mà hàng trên thị trường Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu hoặc được
sản xuất nhỏ lẻ bằng các phương pháp thủ công. Ông quyết định mở thêm
một xưởng sản xuất găng tay gia dụng.
Máy
móc được người cháu - anh Lê Hoa Long, vốn tốt nghiệp đại học Bách Khoa
- cùng vài người thợ cơ khí nghiên cứu từ một giàn máy cũ của Malaysia
và các kiến thức tìm kiếm được trên internet, rồi dựng nên một giàn máy
hiện đại với giá thành chỉ bằng một phần ba giàn máy tương đương nếu như
nhập khẩu. Tới nay, giàn máy này cũng cho ra thị trường khoảng 15 triệu
đôi găng tay gia dụng mỗi năm, và giúp giải quyết việc làm ổn định cho
hàng trăm nhân công nữa. Ông Thiêm hiện đang xây dựng những kế hoạch mới
nhằm tiếp tục đưa găng tay cao su gia dụng made in Vietnam ra thị
trường thế giới.
“Ban đầu khởi
nghiệp, chỉ mong có cuộc sống ổn định cho vợ con đỡ cực, may mà trời cho
công việc tiến triển tốt. Mình không được học hành cơ bản như người ta,
nên mọi kiến thức về thương trường, toàn phải tự học qua sách vở, qua
trải nghiệm cuộc sống. Điều tôi đúc kết được, là làm cách nào thì chữ
tín cũng là tối quan trọng trong kinh doanh”, ông Thiêm chia sẻ.
Tròn
hai mươi năm tính từ ngày đầu khởi nghiệp, tới nay dù đã nắm trong tay
số tài sản lên tới vài trăm tỉ, nhưng ông Lê Văn Thiêm và vợ vẫn ăn
uống, sinh hoạt chung cùng những người thợ của mình ngay tại xưởng đóng
gói dây thun Long Thành trên đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6. Theo ông,
chính cách sinh hoạt đó làm ông và những người thợ của mình không có
khoảng cách, và cũng làm ông hiểu hơn về cuộc sống những người thợ đã
gắn bó với mình.
Nói về cuộc sống gia
đình, ông Thiêm chia sẻ: “Đôi lúc chú cũng cảm thấy có lỗi với cô vì
chưa bao giờ hai vợ chồng được một ngày nghỉ ngơi, hay dành thời gian để
cùng nhau du lịch. Nhưng thật sự công việc vẫn chưa thể dứt đi được lúc
nào. Tôi rất hy vọng vào các con của mình, hiện đang được đào tạo các
ngành kinh tế tại nước ngoài sẽ về tiếp quản công việc cho tôi một ngày
gần đây, và lứa trẻ đó sẽ còn giỏi hơn, có tầm nhìn lớn hơn…”
Theo: doanhnhan.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét