Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Thành công không đến một cách tình cờ



Tự gọi mình là “những doanh nhân tình cờ”, nhưng Robert Noyce và Gordon Moore đã tạo nên một công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới và làm được điều đó khi thành lập Intel vào năm 1968.
Ngoài các bộ vi xử lý nổi tiếng là Intel và Celeron được sử dụng trong khoảng 75% số máy tính cá nhân trên thế giới, Intel còn sản xuất các bộ nhớ cực nhanh và chất bán dẫn nhúng (embedded semiconductor).

Hiện nay, khi công ty có doanh thu hơn 35 tỉ USD và tăng trưởng hàng năm ở mức 13,5%, những câu chuyện xoay quanh cuộc đời và sự nghiệm của Noyce và Moore luôn là một trong những tấm gương sáng về tính sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp trong thế kỷ XXI…


Gordon Earle Moore sinh ngày 3-1-1929 ở San Francisco, bang California, Mỹ. Từ khi còn nhỏ, Moore đã tò mò, thích khám phá. Thính lực của Moore đã bị giảm đáng kể do cậu bé thích tạo ra những tiếng nổ lớn với những vật liệu mà cậu nhặt nhạnh được. Moore tiếp tục theo đuổi niềm đam mê đó qua những năm tháng học tiểu học, trung học rồi đại học.


“Từ khi còn học trung học, tôi đã muốn trở thành một nhà hóa học. Lúc đó, dù chưa biết rõ công việc của một nhà hóa học là gì nhưng tôi cứ theo đuổi ước mơ này và cuối cùng tôi đã có một tấm bằng tiến sĩ ngành hóa lý” - Moore kể lại. Năm 1950, Moore lấy được tấm bằng này từ Viện Công nghệ California.


Robert Noyce, hiện đang được gọi là “thị trưởng của Thung lũng Silicon”, sinh ngày 12-12-1927. Là con của một nhà thuyết giáo, Noyce đã từng theo học khoa Vật lý của Trường Cao đẳng Grinnell. Anh luôn là một thủ lĩnh có sức lôi cuốn đám đông và nhiều lần suýt bị đuổi ra khỏi lớp vì khuấy động những trò đùa tinh nghịch trong giờ học. Trong một lần bắt trộm một con heo ở gần trường để bày cỗ cho bạn bè cả trường, Noyce suýt bị đuổi học nhưng may mắn là giáo sư vật lý của cậu đã can thiệp để cậu không bị kỷ luật.


Khi còn là sinh viên ở Grinnell, Gale đã có được hai trong số những bộ thu bán dẫn đầu tiên do Bell Labs sản xuất. Gale đã khoe chúng với Noyce và ngay lập tức, Noyce cũng bị chúng mê hoặc. Sau này, Noyce theo học ở Viện Công nghệ Massachusetts để lấy bằng tiến sĩ vật lý. Năm 1953, Noyce nhận được bằng tiến sĩ và sau đó làm việc cho Philco - công ty sản xuất hàng điện tử nổi tiếng của Mỹ - ở bộ phận chế tạo transistor. Một thời gian sau, anh đến làm việc ở Công ty Shockley chuyên sản xuất chất bán dẫn.

Chính trong thời gian làm việc ở Shockley, Noyce đã gặp Moore. Không lâu sau, ở Shockley xảy ra nhiều mâu thuẫn về tầm nhìn chiến lược và nhận thức giữa các thành viên. Vì vậy, bảy trong số những nhà nghiên cứu trẻ của Shockley, trong đó có Moore, đã quyết định ra đi để thành lập công ty riêng. Năm 1957, Công ty Fairchild đã ra đời với tám thành viên, mỗi thành viên góp vốn đầu tư 500 USD, tương đương một tháng lương của họ vào thời điểm đó.

Fairchild cần tổng giám đốc điều hành nhưng không ai trong số tám thành viên ban đầu có kinh nghiệm trong công việc này. Tất cả đều có học vị cao, nhưng họ chỉ có kinh nghiệm làm việc trong phòng thí nghiệm. Cuối cùng, Fairchild cũng tuyển được Ed Baldwin, một giám đốc kỹ thuật của một trong những công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Baldwin đã dạy lại cho tám thành viên ban đầu của Fairchild về nhiều khía cạnh khác nhau trong kinh doanh, từ tổ chức doanh nghiệp cho đến tiếp thị. Nhưng không lâu sau, Baldwin đã bỏ Fairchild để thành lập một công ty sản xuất chất bán dẫn cho riêng mình.


Với tuổi đời 29 và sự tự tin khá cao, Noyce đã được chọn vào vị trí tổng giám đốc của Fairchild sau khi Baldwin rời công ty, còn Moore đảm nhận vai trò của Noyce trước đó là giám đốc nghiên cứu và phát triển. Cả tám thành viên đã vạch ra một sứ mệnh là tạo ra những transistor bằng silicon đầu tiên. Dưới sự lèo lái của Noyce, Fairchild đã sáng chế ra một loại vi mạch tích hợp sử dụng chất liệu silicon và đăng ký bản quyền cho loại vi mạch này. “Lúc đó, chúng tôi chẳng hề nghĩ rằng đây chính là cột mốc đầu tiên của một doanh nghiệp có giá trị 80 tỉ USD sau này” - Moore nhớ lại.


Đến cuối thập niên 1960, Fairchild đã trở thành một công ty có giá trị 150 triệu USD với hơn 30.000 nhân viên. Tuy nhiên, cũng chính lúc này công ty gặp nhiều vấn đề rắc rối về quản lý. Khi hai tổng giám đốc điều hành bị sa thải chỉ trong vòng sáu tháng và ba thành viên của hội đồng quản trị đang tìm cách chạy khỏi Fairchild, Noyce và Moore đã quyết định cũng phải tìm hướng đi mới cho mình. “Tôi nghĩ rằng ban giám đốc mới sẽ có thể thay đổi đáng kể văn hóa của công ty. Tôi quyết định ra đi trước khi có những thay đổi” - Moore nói.


Năm 1968, với một bản kế hoạch kinh doanh dài vỏn vẹn chỉ một trang do Noyce đánh máy bằng chiếc máy đánh chữ ở nhà mình, Intel (viết tắt của Integrated Electronics Corporation - Công ty Điện tử tích hợp) đã ra đời. “Chúng tôi xem bộ nhớ bán dẫn là một cơ hội để làm điều gì đó phức tạp hơn và bán nó cho tất cả các loại thiết bị ứng dụng kỹ thuật số. Đây chính là cơ sở của kế hoạch kinh doanh”, Moore kể lại. Từ đây, Intel bắt đầu đầu tập trung vào việc chế tạo các transistor lưỡng cực và các mạch bán dẫn bằng ôxit kim loại. Đây cũng là một công nghệ sở trường của Intel vào thời đó và phải mất bảy năm sau, các công ty lớn khác mới sao chép lại được công nghệ này.


Noyce và Moore luôn vạch ra những kế hoạch để phát triển lớn mạnh. Bằng cách tuyển dụng các nhân viên có tiềm năng cao, giảm thiểu cách quản lý quan liêu, chỉ tăng vốn đầu tư trước khi công ty thật sự cần thiết, nhờ đó Intel hoạt động có lợi nhuận ngay trong giai đoạn mới thành lập.


Ngày nay, đa số các máy tính cá nhân đang được sử dụng trên thế giới đều có bộ vi mạch Intel bên trong. Noyce và Moore đã không chỉ đưa ra những công nghệ mới, mà còn là tấm gương thành công về tinh thần khởi nghiệp. Noyce qua đời vào tháng 7-1990 ở tuổi 62 vì bệnh tim, còn Moore vẫn tiếp tục làm việc ở Intel với cương vị là Chủ tịch danh dự. Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Noyce và Moore, các chuyên gia khởi nghiệp rút ra những bài học sau:


1. Quan tâm động viên nhân viên trong doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp mới thành lập là một môi trường rất tốt để đào tạo các giám đốc, bởi vì chỉ ở những nơi đó họ mới có cơ hội để quan sát quá trình phát triển của công ty”, Moore nói. Từ những ngày đầu Intel mới ra đời, Moore và Noyce đã quyết tâm không lặp lại sai lầm ở Shockley. Bằng cách đưa yếu tố con người lên ưu tiên hàng đầu, tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, đề cao tinh thần làm việc có trách nhiệm và đối xử công bằng với các nhân viên, họ đã sử dụng rất hiệu quả nguồn nhân lực của mình.


2. Học hỏi là một quá trình thử nghiệm và mắc sai lầm. Cả Moore và Noyce đều không phải sinh ra để làm những doanh nhân. Là những nhà khoa học, họ đã trải qua phần lớn tuổi trẻ của mình để thực hiện các thí nghiệm khoa học. Tuy nhiên, khi đã quyết định bước vào thế giới kinh doanh và thành lập Intel, họ hiểu rằng thành công phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có biết thử nghiệm và học hỏi từ những sai lầm của mình hay không.


3. Thành công không đến một cách tình cờ. “Có thể trở thành một doanh nhân một cách tình cờ nhưng thành công thì không đến một cách tình cờ” - Noyce nói. Noyce và Moore là những người đầu tiên thừa nhận rằng họ chẳng biết gì về kinh doanh khi thành lập công ty riêng. Điều quan trọng là vì biết nhìn nhận những mặt hạn chế của mình mà cả hai đã tìm sự giúp đỡ của những người giỏi hơn. Noyce và Moore cũng đã học từ công việc nhiều khía cạnh khác nhau của thế giới kinh doanh.


4. Luôn cảnh giác với cạnh tranh. Trước đây, Noyce và Moore luôn nghĩ đến những viễn cảnh xấu, những mối đe dọa trong tương lai đối với công ty để tìm cách đối phó. Nhưng chính vì vậy, cả hai đã để cho nhiều cơ hội vuột ra khỏi tay mình. Sau này, họ thừa nhận rằng để thành công, một doanh nhân cũng cần phải có một chút “máu liều”, một chút “bệnh tưởng”.


5. Hãy làm những gì mình có thể làm tốt nhất. “Một nguyên tắc rất quan trọng mà các doanh nghiệp nên nhớ là chỉ nên làm những gì mình có thể làm tốt nhất” - Moore khuyên. Bằng cách chuyên môn hóa và tập trung vào một thị trường hẹp mà mình có nhiều ưu thế nhất, Intel đã không chỉ trở nên nổi bật trong đám đông mà còn vượt lên hàng đầu.


(Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)

Không có nhận xét nào:

Flag Counter