Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Kinh doanh cơm văn phòng - Vượt qua những thách thức


Kinh doanh cơm văn phòng - Vượt qua những thách thức
Nếu được hỏi “Trưa nay ăn gì?”, tới 90% dân văn phòng sẽ có cùng một câu trả lời: cơm hộp. Và chắc hẳn phần lớn trong số đó đều ca thán về những vấn đề bất cập của cơm hộp: thực đơn chán ngắt, quanh đi quẩn lại chỉ từng ấy món, cơm thì nguội lạnh, khô khốc đựng trong những chiếc hộp bốc mùi khó chịu do được quay vòng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, chưa kể những mối nguy hại về vệ sinh an toàn thực phẩm.


Nếu bạn đang có ý định khởi nghiệp với lĩnh vực kinh doanh cơm hộp, văn phòng, đây là những vấn đề mà bạn cần tập trung giải quyết trước tiên để tạo sự mới lạ, khác biệt so với các cửa hàng cơm văn phòng thông thường.


Bạn Nguyễn Thu Thủy - phóng viên báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu chia sẻ: “Mình ở Hà Nội, rất hay ăn cơm trưa bên ngoài, nên rất thích quán nào sạch, decor cũng phải tạm tạm, nhiều món, phục vụ nhanh, nhận ship hàng bán kính lân cận dù chỉ 1-2 suất, có đồ tráng miệng”. Đó cũng là nhu cầu của phần đông khách hàng: một suất ăn nóng sốt, vệ sinh và giá thành phải hợp lý.

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có những đánh giá đúng về thị trường cơm văn phòng cũng như những điểm cần lưu ý khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh vốn được coi là nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm cạnh tranh này.

1. Đánh giá thị trường

Tại sao cơm văn phòng lại được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng? Có thể kể đến những lý do sau:

- Thị trường cung cấp sản phẩm ăn trưa cho nhân viên văn phòng có thu nhập cao hiện vẫn chưa có thương hiệu thực sự mạnh chiếm lĩnh thị trường.

- Thu nhập của nhân viên văn phòng ngày càng tăng, số lượng nhân viên văn phòng có thu nhập cao ngày càng nhiều, chính sách đãi ngộ, chăm sóc nhân viên của các công ty cũng được cải thiện hơn trước rất nhiều.

- Các cơ sở cung cấp bữa ăn trưa cho nhân viên văn phòng phần lớn không đáp ứng được tiêu chuẩn về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chất lượng sống ngày càng cao dẫn đến nhu cầu về một bữa ăn ngon, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho một ngày làm việc đi kèm với dịch vụ hoàn hảo và phong cách chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường cơm hộp tại các thành phố lớn hiện nay có thể nói là cung chưa đáp ứng được cầu. Dân văn phòng chủ yếu đặt cơm thông qua các cửa hàng nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rất thấp.

Như ở Hà Nội, mặc dù bắt đầu xuất hiện một vài thương hiệu cơm có chất lượng tương đối khá và dịch vụ chuyên nghiệp như himevn, cơm ngon, cơm nhanh,… nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Dự kiến trong tương lai, sẽ còn rất nhiều thương hiệu như vậy xuất hiện với mức độ chuyên nghiệp tăng dần theo thời gian.

Bởi vậy, trước khi “chen chân” vào loại hình kinh doanh lắm cạnh tranh này, bạn phải chắc chắn trả lời được các câu hỏi: Phải quản lý quán như thế nào? làm sao để tạo ra phong cách riêng? Và khó khăn hơn cả là làm cách nào để sản phẩm chiếm được sự tin cậy của khách hàng? Nếu bạn là người sáng tạo ra một dạng suất ăn trưa kiểu mới, nóng sốt, sạch sẽ, giá thành hợp lý, tin chắc rằng có một thị trường khổng lồ đang chờ đón bạn.

Anh Đỗ Quyền Anh, Giám đốc Obento - một công ty cơm hộp đang khá nổi tại Hà Nội hiện nay chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp: “Khi ấy, chúng tôi đều không có chút hiểu biết nào về thị trường cơm hộp Hà Nội vì thường về nhà ăn cơm. Từ khi có chung ý tưởng, cả năm liên tục cắt cơm nhà, gọi cơm hộp và vừa ăn vừa... “soi”. Mỗi suất cơm hộp của các cơ sở cung cấp đều được đưa ra mổ xẻ, phân tích và ghi chép cẩn thận. Sau đó, cả nhóm lại chia nhau đi thăm dò, tìm hiểu tại nơi sản xuất của họ. Việc này rất khó vì họ không muốn ai biết mình chế biến thế nào, vệ sinh ra sao. Cơm hộp là “khuất mắt trông coi” mà”.



Chiếc nồi cơm hình dạng như chiếc tủ lạnh, nấu bằng khí gas, có thể cho một lần 500 suất cơm tại Obento.
Hàng loạt phiếu điều tra được phát đến các công ty, tòa nhà cho thuê văn phòng, công sở nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài với nội dung: những điều khách hàng quan tâm nhất khi gọi cơm hộp theo thứ tự ưu tiên. Kết quả, ba ưu tiên hàng đầu của khách hàng là: sạch, đúng giờ, ngon, sau đó mới đến giá cả. Phản hồi của thị trường đã giúp Obento xác định rõ những điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh của mình.

Anh Phạm Văn Hảo - chủ cửa hàng cơm văn phòng số 8, KĐT Sông Đà, Mỹ Đình, Hà Nội (website comgoi.com) cũng cho hay: “Với mình, kinh doanh cơm văn phòng chủ yếu là khó khăn, thuận lợi thì ít lắm, hầu như là không có. Lúc đầu mới làm mình vẫn chưa có kinh nghiệm về quản lý con người, thực phẩm. Vì vậy, trước khi mở quán mình cũng tìm hiểu rất nhiều đơn vị làm cơm văn phòng, xem xét về cách phục vụ, thực phẩm của quán khác như thế nào. Sau đó mới tìm mặt bằng, địa điểm, chuẩn bị các đồ nấu, nhân lực, dụng cụ để làm”.

2. Xác định đối tượng khách hàng

Khách hàng mục tiêu của loại hình kinh doanh này phần lớn là dân văn phòng với các mức thu nhập khác nhau. Nhìn chung, những người làm văn phòng có nhận thức cao về chất lượng sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả cho những hộp cơm giá cao hơn nhưng chất lượng cũng phải tương xứng. Hiểu rõ đặc tính tâm lý, sở thích, thói quen ăn uống, khả năng chi trả của khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn hình dung rõ nét về loại sản phẩm mà bạn sẽ cung cấp.

Xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu đã khó song để chinh phục trái tim khách hàng còn khó hơn nhiều và cần cả một chặng đường dài. Anh Quang Mạnh, một trong những ông chủ của Obento kể: “Sau khi đánh giá thị trường, chúng tôi theo đúng thứ tự ưu tiên để làm. Mọi thủ tục như đăng ký bản quyền thương hiệu, đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, mua bảo hiểm cho sản phẩm được lên kế hoạch và thực hiện nhanh chóng. Đầu tiên là nguyên liệu đầu vào, sau khi cân nhắc kỹ cả nhóm đã quyết định chọn Metro. Thực phẩm được mua và sử dụng trong ngày, sau khi chế biến mỗi món ăn sẽ được lưu mẫu lại trong hệ thống bảo quản ít nhất 3 ngày. Khâu chế biến được chúng tôi chuyên môn hóa từng khâu từ làm sạch, sơ chế đến chế biến với găng tay vô trùng”.

Thăm “hậu trường” Obento mới thấy việc nấu nướng thông thường đã được công nghệ hóa, một hệ thống chế biến thức ăn công nghiệp được trang bị để đảm bảo vệ sinh và chuyên nghiệp, một tủ cơm công nghiệp nấu bằng ga công suất 500 suất một lần; một “bàn bảo ôn” tự tay các chủ nhân thiết kế với hệ thống giữ nhiệt cho thức ăn bằng hơi nước khiến các món ăn dù “ra lò” lâu hay mau đều ấm nóng. Nhóm đầu bếp với “nhạc trưởng” Cát nhiều năm kinh nghiệm làm bếp phó tại nhà hàng Sơn Đông, nhà hàng Phù Đổng được tuyển dụng với mục tiêu “Đưa món ăn nhà hàng vào cơm văn phòng” liên tục đưa ra những thực đơn mới, ngon và hấp dẫn.

Anh Mạnh cũng cho hay: “Khi thu nhập tăng cao, việc tiếp theo chúng tôi đầu tư là mua bảo hiểm cho sản phẩm. Việc này nghe rất lạ song lại rất cần vì khách hàng cần được bảo đảm về sức khỏe. Họ sẽ yên tâm hơn rất nhiều và như vậy khách hàng lâu dài mới tiến tới ký hợp đồng phục vụ theo tháng, theo năm”.

3. Kinh nghiệm quản lý

Hiện nay, phầm mềm quản lý dịch vụ đặt hàng và chăm sóc khách hàng đang được các cửa hàng cơm văn phòng áp dụng rất nhiều. Thư mục khách hàng thường xuyên được quản lý từ sở thích, món ăn đến phong tục để tiện phục vụ khi khách không gọi món cụ thể.

Đối với nhân viên, việc quản lý về trang phục, cách phục vụ cũng như thái độ với khách hàng luôn là những yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Giám đốc Obento Đỗ Quyền Anh cho biết: “Để tiết kiệm chi phí, Obento lựa chọn cơ cấu tổ chức quản lý theo chức năng và tối giản về nhân sự. Mỗi vị trí đều có những nhiệm vụ đặc thù và đòi hỏi chuyên môn cao. Những công việc đơn giản như phụ việc sẽ do nhân viên bán thời gian phụ trách. Dù có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, tất cả các nhân viên phải hiểu biết sâu sắc về mục tiêu chung, có lòng trung thành và tinh thần đoàn kết cao để cùng thực hiện chiến lược Marketing, vì lợi ích của khách hàng cũng là vì lợi ích của doanh nghiệp”.

4. Cân nhắc về chính sách giá

Để có một đơn giá hợp lý cũng cần có những tính toán chính xác. Bạn phải cân nhắc giữa giá thực phẩm, vận chuyển, tiền công cho nhân viên… để đưa ra lượng đồ ăn phù hợp với từng đơn giá.

Anh Phạm Văn Hảo chia sẻ: “để chia một suất cơm 20 nghìn, bạn phải tính thế nào cho hài hòa cả đôi bên. Ví dụ: Một kg thịt heo bạn có thể chia được 10 suất cơm 20 nghìn, chưa kể trong đó gồm cả gạo, rau, thường thì sẽ có 1 lạng rau/suất”.





Trên thị trường hiện nay, cơm văn phòng thường có mức giá xoay quanh 20.000VNĐ/hộp và 30.000 VNĐ/hộp (tương ứng với các mức thu nhập của khách hàng).

Ví dụ, Obento đưa ra mức giá khá phù hợp với sản phẩm:

- Với hộp cơm có giá 25.000VNĐ - 30. 000VNĐ, đối tượng của là những người có thu nhập trung bình. Hộp được làm bằng chất liệu nhựa melamine - loại nhựa không ảnh hưởng đến sức khỏe do có độ kháng nhiệt cao, không bị ăn mòn bởi dung môi hay dầu mỡ, không trầy xước, không mùi vị, không ảnh hưởng đến mùi vị của thực phẩm.

- Với hộp cơm có giá 50.000 VNĐ, đối tượng khách hàng là những người có thu nhập cao. Hộp được làm bằng chất liệu gỗ rất lịch sự và sang trọng. Tuy nhiên, một đặc tính của gỗ là không thể rửa bằng nước, vì vậy công ty quyết định sử dụng sứ đặt bên trong hộp gỗ.


Menu online hấp dẫn trên website của Obento.

5. Chiến lược kinh doanh


- Về quy mô: Hiện nay, việc lựa chọn chiến lược phát triển theo mạng lưới bằng cách mở rộng đại lý ở các khu vực khác nhau đang được nhiều cửa hàng cơm văn phòng hướng tới. Việc mở rộng khu vực sẽ giúp cửa hàng của bạn phục vụ khách hàng nhanh hơn, tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản phẩm.

- Về dịch vụ:

Anh Phạm Văn Hảo cho biết: “Kinh doanh cơm văn phòng dịch vụ là quan trọng nhất. Bao gồm cả phục vụ, thực phẩm và an toàn cháy nổ. Trước khi làm mình có đi học một lớp về vệ sinh an toàn thực phẩm và có chứng chỉ đủ điều kiện kinh doanh. Sau đó, mình đi tìm những đầu mối nhập thực phẩm an toàn. Mình ưu tiên chọn một đầu mối có uy tín, không lấy thực phẩm nhiều nơi, tránh khi mà có vấn đề xảy ra thì biết nguyên nhân từ đâu. Đầu mối thực phẩm mình vẫn lấy trên Đông Anh, lấy gạo ở công ty Việt Đức… Phương châm của cửa hàng mình là đúng giờ, đồ ăn lúc nào cũng phải tươi ngon, nóng sốt”.

Anh cũng cho hay: "Thường mỗi cửa hàng cơm văn phòng sẽ có một website để quảng bá hình ảnh của mình. Đồng thời, đây cũng là công cụ để khách hàng có thể đặt hàng online, nhanh chóng, thuận tiện".



Trang chủ website cửa hàng cơm văn phòng của anh Phạm Văn Hảo.

Ngoài những chiến lược quảng cáo thông thường thì sự khác biệt sẽ là nhân tố chính để tăng uy tín. Đây cũng là đặc trưng của ngành kinh doanh ăn uống.

Như Obento, với phương châm phải tạo sự khác biệt với những nhà hàng, cửa hàng khác, các ông chủ trẻ của Obento đã nhờ bạn bè thiết kế hẳn một bộ nhận diện thương hiệu riêng, một website và những vật dụng đặc biệt bắt mắt, lịch thiệp. Cửa hàng Obento luôn đảm bảo thực phẩm mua về chế biến đạt độ tươi ngon, quy trình nấu phải đúng khoa học. Để giữ đồ ăn luôn được nóng và ngon, các bạn còn mạnh dạn đầu tư một thiết bị giữ nóng.

Giải thích về câu slogan khá ấn tượng - “ăn chậm kẻo hết”, anh Đỗ Quyền Anh - Giám đốc Obento cho biết: “Buổi trưa thời gian ít ỏi nên mọi người thường phải ăn vội vàng. Việc này không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn khiến không cảm nhận được vị ngon của món ăn. Do đó mà Obento nhắc khéo khách hàng “ăn chậm” là để thưởng thức hương vị các món ăn. Không những thế, ăn chậm còn giúp tiêu hóa tốt hơn, giảm stress…”. Không chỉ đơn giản là câu slogan, đây cũng là một trong những cách giúp thực khách chú hơn đến sản phẩm của bạn.

Tiếp đó, vào những dịp lễ, cửa hàng của bạn nên có những ưu đãi cho khách hàng, có thể kèm theo những câu chúc, hoa quả tráng miệng…

Các hình thức giới thiệu đồ ăn trên website của cửa hàng, có thể áp dụng đặt hàng qua mail nếu khách hàng đặt với số lượng nhiều. Về việc vận chuyển tới khách hàng, bạn phải cẩn thận tránh để đồ ăn bị vung vãi, vận chuyển kịp thời sao cho đồ ăn vẫn giữ được độ nóng cần thiết.

Về chăm sóc khách hàng - một trong những vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, anh Quang Mạnh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách bộ phận Chăm sóc khách hàng Obento chia sẻ: “Sau thời gian đầu với nhiều va vấp, chúng tôi đã liên tục họp để chỉnh đốn lại từng bộ phận. Hơn 30 nhân viên hầu hết là tân cử nhân và sinh viên nên cũng rất dễ bàn bạc và thống nhất. Đội ngũ đưa cơm được chia theo địa bàn để tiện phục vụ đúng giờ. Khách hàng thân thiết tăng là chúng tôi phải tuyển dụng thêm người đưa hàng ngay”.

Đối với những cửa hàng có quy mô nhỏ hơn, các bạn cần tuyển chọn số lượng nhân viên phù hợp với các suất ăn mỗi ngày. Ví dụ, tại cửa hàng cơm văn phòng số 8, KĐT Sông Đà, Mỹ Đình, Hà Nội thì số lượng nhân viên tùy vào suất ăn, 4 người/100 suất, 12 người/300 suất, trong đó có 4 người chở cơm và có 1 người sơ cua để nếu thiếu người thì bổ sung.

Thêm vào đó, tích kê tính tiền cũng có thể kèm theo những câu chuyện vui ngắn để chăm sóc tinh thần khách hàng.

Trên đây chỉ là một vài bước cơ bản giúp bạn hình dung cách để hình thành một cửa hàng cơm văn phòng thu hút thực khách. Hy vọng, với những gợi ý cơ bản trên, các bạn sẽ giảm bớt được những bỡ ngỡ khi “chen chân” vào loại hình kinh doanh này.

Nguồn: Hoclamgiau.vn


Không có nhận xét nào:

Flag Counter