Bản thân ông Vũ Minh Châu - Giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu không
ngờ có ngày mình lại gắn bó với nghề kim hoàn khi mà từ nhỏ đã phải rất
vất vả để kiếm sống
Ông quan niệm, giàu mà không chia sẻ là có tội... Và với suy nghĩ ấy
ông cho rằng mình là người giàu vì “Tôi là người biết chia sẻ”.
Cậu bé bắt cua trở thành thợ kim hoàn
Gia đình tôi bố mẹ là công nhân, nhà rất nghèo, lại đông anh em. Gia đình phải xoay xở buôn bán từ cái bánh mỳ đến que kem.
Bản thân tôi năm 11 tuổi đã biết đi kiếm tiền để tự lực tiền học,
tiền mua quần áo. Năm 15 tuổi đã là lao động chính của gia đình, ngoài
giờ học thì đi chữa xe đạp, đi bắt tôm, cua cá để hỗ trợ gia đình.
Mẹ tôi buôn bán nhỏ và trong quá trình đó có khi thanh toán bằng
tiền, có khi thanh toán bằng vàng. Mẹ tôi rất có uy tín với khách hàng,
nên có người nhờ bán vàng, có người nhờ mua vàng.
Thế là tự nhiên trở thành một người buôn vàng, nhưng buôn bán trao
tay thôi. Mẹ tôi thường giao cho tôi cầm những dây chuyền, lắc người ta
bán cho mình, gửi đến các cửa hàng vàng. Tôi thường đi xe đạp 10 cây số
từ thị trấn Văn Điển xuống trung tâm Hà Nội để đưa vàng cho thợ kim hoàn
đánh nhẫn.
Việc đi lại vất vả quá, trong khi tôi nhận thấy đánh một cái nhẫn
chẳng khó gì. Tôi quyết tâm tự học để đánh nhẫn. Tôi ra phố Bạch Mai mua
một bộ đồ nghề, ban đầu tập đánh với nhôm, đồng, sau khi thành thạo rồi
thì đánh bằng vàng, lúc đầu méo mó, xấu xí nhưng rồi nhẫn cũng đẹp dần
lên.
Khi đó, tôi không thuê các ông thợ kim hoàn đánh nhẫn nữa, mà tự
đánh. Tôi là người thợ vàng đầu tiên ở gia đình. Từ đó, hàng xóm láng
giềng ai cần đánh nhẫn hay mua bán vàng lại nhờ tôi. Tôi tự nhiên trở
thành người buôn bán nhỏ.
Không bỏ tiền học nghề ngày nào, làm thế nào ông lại trở thành thợ phân kim vàng?
Thời kỳ đó, vàng cốm đang nổi lên. Tôi lại mày mò tìm ra công nghệ
phân kim vàng. Hồi đó đi học công nghệ này phải mất mấy cây vàng (thời
đó đủ để mua một ngôi nhà ở Hà Nội).
Tôi đi bộ đội về làm sao có tiền nên tôi mua sách hóa học, mua nhiều
hóa chất và bình thí nghiệm. Tôi mày mò hơn 1 tháng trời mới thành công,
“học phí” mất khoảng 4 -5 chỉ vàng.
Sở dĩ như vậy vì ban đầu mình thất bại, đem vàng ra thí nghiệm bị tan
ra thành nước không thu hồi được. Nhưng khi đã nắm được công nghệ phân
kim vàng thì kiếm được nhiều tiền.
Vì mình là con nhà nghèo nên “tiền vào nhà khó như gió vào nhà
trống”. Tôi cũng gặp khó khăn vì mình làm ăn thật thà quá, vàng phân kim
ra bao giờ cũng đủ cân, đủ tuổi trong khi một số người khác phân kim
vàng còn pha thêm đem bán thu lợi nhuận lớn.
Năm 1987- 1988 làm vàng khó khăn quá, tôi lại chuyển sang đóng xe lam
để bán. Sau khi đóng 2 năm có chút vốn, lại thuê địa điểm mở cửa hàng
kinh doanh vàng với một người bạn ở phố Bạch Mai. Mở được mấy tháng,
người ta thấy đông khách liền đòi lại nhà, tôi lại đi thuê cửa hàng mới.
Giữ tín nhiệm hơn vàng
Ông gửi gắm gì trong cái tên “Bảo Tín Minh Châu”?
Khi làm hiệu vàng, Bảo Tín là tên mẹ tôi đặt. Ông ngoại tôi là nhà
kinh doanh nổi tiếng và rất hay làm từ thiện khu vực Thường Tín. Mẹ tôi
tiếp nối được truyền thống kinh doanh của ông ngoại với một tinh thần,
một nguyên tắc xuyên suốt: Làm ăn bao giờ cũng phải giữ chữ Tín.
Ban đầu tôi lấy tên là Bảo Tín. Đến năm 1995, nâng cấp thành Công ty
Trách nhiệm hữu hạn Bảo Tín Minh Châu. Khi thấy tôi kinh doanh thành
đạt, các em tôi cũng mở các tiệm vàng tiếp theo.
Và tôi nảy ra sáng kiến: Phải có tên riêng, còn tên Bảo Tín là tên
chung. Tôi là Bảo Tín Minh Châu, các em là Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín
Hồng Quân, Bảo Tín Hoàng Long…
Nhưng trong căn phòng khách của ông, tôi thấy treo nhiều chữ Tâm, chữ Nhẫn mà không thấy ông treo chữ Tín?
Ngay từ đầu tôi có phương châm kinh doanh giữ tín nhiệm hơn giữ vàng,
điều đó đã thể hiện trong tất cả các hoạt động của Bảo Tín Minh Châu
rồi. Chữ Tín tôi treo ở bên trong Tâm. Chữ Tín nó nằm trong chữ Tâm.
Tôi nghĩ, giá trị cao quý nhất của con người là tình yêu thương. Mỗi
chúng ta ai cũng cần người khác yêu thương mình. Chắc chắn chúng ta cũng
đã vài lần ân hận vì chưa làm trọn tình yêu thương đối với những người
thân.
Đó cũng là trải nghiệm của bản thân tôi, nên trong phòng khách này,
tôi treo dòng chữ mà mình tâm niệm: “Hãy yêu thương khi chưa muộn”.
Phải chăng luôn giữ chữ Tín với khách hàng là bí quyết của Bảo Tín Minh Châu?
Bí quyết quan trọng nhất là trọng chữ tín, giữ tín nhiệm hơn giữ vàng
bởi vì vàng bạc là sản phẩm có giá trị cao, người dân tin mới mua. Nếu
mình làm tốt, vàng đúng tuổi, đúng cân, chuẩn giá thì người ta tìm đến
mình thôi. Đó là một điều rất đơn giản.
Tôi là người phân kim vàng nhiều năm, hàng tôi nấu ra mẻ nào cũng đều
tăm tắp, chất lượng cao, nên người dân rất thích mua. Ngay từ đầu, tôi
đã đầu tư mua loại cân Thiên Bình, loại cân rất đắt tiền nhưng có độ
chính xác rất cao.
Cho nên khi mua hàng của Bảo Tín Minh Châu, khách đưa vào TPHCM hay
ra nước ngoài cân lại bao giờ cũng đúng. Ngay từ khi mới khởi nghiệp tôi
đã chú trọng đến tiêu chuẩn đo lường. Cân phải có độ chính xác tới phần
nghìn.
Ban đầu các hiệu vàng ở Hà Nội không niêm phong giá, khách hàng đến
mua phải mặc cả. Nhưng tôi không thích điều đó, tôi thích kinh doanh
phải “đánh bài ngửa, mở bài”.
Sau khi tham khảo giá thị trường thì công bố luôn giá mua và giá bán.
Bảo Tín Minh Châu là một trong những doanh nghiệp vàng bạc đầu tiên
công khai giá mua - bán.
Trong thời kỳ đầu làm ăn đúng đắn lại khó khăn, nhưng khi cơ chế thị
trường bung ra thì làm ăn thật thà lại có cơ hội phát triển. Chính Nhà
nước đã tạo điều kiện để chữ Tín lên ngôi.
“Công thức” để thành ông chủ của ông là gì?
Trước đây, tôi vừa là người quản lý, vừa giao dịch với khách hàng,
vừa là thợ phân kim vàng. Dần dần, thấy đông khách quá, mình không làm
xuể mới tuyển thêm người, ban đầu 1 người sau đó tăng lên 5 -7 người,
sau đó là hàng chục người...
Cho nên tôi có một công thức rất đơn giản để làm ông chủ: phải yêu
nghề và làm việc tốt, làm việc tốt để có sản phẩm tốt, giá tốt, dịch vụ
tốt thì mới có đông khách đến mua bán. Rồi phải xây dựng các cơ chế quản
lý, tìm hiểu chính sách của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho người lao
động.
Ông quan niệm thế nào là người giàu? Có lúc nào ông tự hỏi làm giàu để làm gì không?
Tôi nghĩ nếu như cứ mải làm giàu mà không biết kiếm tiền để làm gì
thì người ta sẽ biến mình thành một cái máy in tiền. Quan điểm của tôi
là kiếm tiền để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình,
để giúp đỡ người thân, cộng sự và làm từ thiện.
Chia sẻ được với cộng đồng bao nhiêu, tôi cảm thấy vui bấy nhiêu. Tôi
nghĩ đánh giá người giàu không nên đánh giá bằng số tiền họ kiếm được
mà phải được tính bằng số tiền họ tiêu có ích cho xã hội.
Số tiền tiêu đi một cách có văn hóa chứ không phải số tiền có được.
Còn nếu giàu mà bo bo giữ lấy cho mình thì theo tôi người đó có tội. Tại
sao tôi nói họ có tội? Anh vơ vét cho bản thân mà không chia sẻ cho
người khác thì đó là có tội.
Nếu hình dung cuộc sống như một cánh rừng, mỗi người đều săn bắn hái
lượm trong đó. Mình nhanh tay, mình khoẻ hơn nên kiếm được một đống thực
phẩm để đấy. Thậm chí để thối rữa ăn không hết.
Trong khi đó, người khác nhặt nhạnh, kiếm không đủ ăn. Như thế là tội
lỗi. Sao không chia cho những người yếu hơn, chậm hơn một ít? Tôi cho
những người chia được nhiều là người giàu, số chia đi là số giàu.
Nếu theo quan niệm đó, ông là người giàu?
Đúng, vì tôi là người biết chia. Hàng ngày tôi cùng ăn cơm với nhân
viên của mình, tôi ăn gì họ ăn nấy. Mỗi lúc đi đâu tôi chia bằng cách
mua với giá cao sản phẩm của bà con nông dân. Mục đích của tôi: không
giàu quá, chỉ giàu vừa vừa thôi.
Tôi không muốn giàu hơn người khác, chỉ muốn giàu hơn những giai đoạn
trước đây của mình. Có nhà, có xe, có tiền tiêu, bây giờ kiếm được bao
nhiêu, tôi chia sẻ với mọi người.
Tôi cảm thấy mình chia sẻ bao nhiêu thì công việc của mình càng tốt
bấy nhiêu. Bởi vì mình chia không phải là mình mất. Mình giúp đỡ mọi
người, mọi người sẽ giúp đỡ mình, mình ủng hộ cộng đồng, cộng đồng sẽ
ủng hộ mình.
Việt Nam đã gia nhập WTO, Bảo Tín Minh Châu sẽ có những
chiến lược gì để cạnh tranh với các doanh nghiệp vàng bạc nước ngoài rất
mạnh về tài chính và công nghệ?
Tôi đang xây dựng một văn phòng vào loại hàng đầu về kinh doanh vàng
bạc đá quý ở Việt Nam tại 127 Bùi Thị Xuân. Tất cả máy móc đều sản xuất
năm 2007, nhập từ Italia.
Chúng tôi cũng đang làm một sản phẩm vàng miếng tinh xảo nhất Việt
Nam từ trước đến nay, hệ thống máy móc được đặt sản xuất lại Italia với
công nghệ mới nhất, khung đúc được khắc bằng tia lade, tạo nên hình rồng
nổi tới từng vảy rồng.
Con rồng này được kết tinh từ ba thế hệ rồng Việt Nam, được chúng tôi
thiết kế dựa trên ý kiến tham khảo của nhiều chuyên gia hàng đầu về
rồng Việt Nam.
Hà Nội chưa có sản phẩm vàng nào có hình rồng nổi cả trong khi sắp kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long. Tất cả những tiêu chí trên con rồng đó đều
mang tiêu chí quốc tế, quốc tế hóa các chỉ số để dễ dàng thâm nhập thị
trường quốc tế.
Hiện nay, Bảo Tín Minh Châu đã thắng vàng Hàn Quốc và Ý bằng công
nghệ và nguyên liệu của họ. Những đồ trang sức bằng vàng bạc của quốc tế
nếu như sản xuất cho thị trường Việt Nam mà không đổi mới công thức thì
sẽ bị xuống màu.
Vì khí hậu nóng ẩm, nên người Việt hay có mồ hôi muối, hay bị ốm sốt,
sinh ra lượng lưu huỳnh. Điều này rất ít nhà công nghệ biết.
Tôi biết nên điều chỉnh công thức pha chế, vì thế vàng Bảo Tín Minh
Châu dùng bao lâu vẫn sáng bóng. Cái này tôi vẫn bí mật, nhưng hôm nay
là lần đầu tiên tôi “bật mí” vì sao vàng Bảo Tín Minh Châu sử dụng bao
lâu mà vẫn sáng bóng.
Theo TiềnPhong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét