Tận dụng quả dại trên rừng làm rượu vang cao cấp, trồng
rau sạch và cho thuê nông trại thư giãn, bán phần mềm tiết kiệm pin...
nhiều bạn trẻ đã biến ý tưởng ảo thành dự án trị giá hàng tỷ đồng.
Trong gần 500 đề án tham gia một cuộc thi đề xuất ý
tưởng kinh doanh qua mạng, có 10 sáng kiến được chọn tranh tài trong
trận chung kết vào ngày 9/5. Các bài dự thi này sẽ được phát triển thành
mô hình đầu tư cụ thể.
Mới học năm thứ 3 Đại học Cần Thơ khoa tiếng Anh, Phạm
Lê Trung đã tập hợp được 4 cộng sự hình thành ý tưởng làm rượu vang từ
quả đuồng đuông mọc trên rừng Phú Quốc. Sáng kiến của chàng sinh viên
được cộng đồng mạng cũng như các chuyên gia đánh giá cao, vượt qua các
vòng loại.
Trung ước tính kinh phí thực hiện dự án khoảng một tỷ
đồng để đầu tư cho các khâu từ nghiên cứu thành phần quả đuồng đuông,
quy trình sản xuất đến xây nhà máy, trồng rừng, thuê nhân công và
marketing... Nhóm đang từng bước hoàn thiện dự án để kêu gọi đầu tư từ 3
nguồn: kinh phí của nhóm, sự ủng hộ từ chính quyền địa phương và dòng
vốn từ nhà đầu tư.
Sinh viên Phạm Lê Trung (ngồi giữa) và các cộng sự đang thảo luận về dự án sản xuất rượu vang đặc sản từ quả dại (có tên đuồng đuông) trên rừng Phú Quốc. Ảnh: Hà Thanh. |
Theo Trung, quả đuồng đuông có vị chua ngọt rất đặc
biệt nhưng ít người biết đến dù là dân bản địa vì mọc trên rừng. Quá
trình chín cho đến lúc héo diễn ra dăm ba ngày nên trái không giữ được
lâu và bị bỏ phí trên rừng Phú Quốc. Từ lúc học cấp hai, cậu bé Trung đã
âm thầm ủ quả rừng làm rượu rồi mời bạn bè dùng thử. Thấy ai cũng khen
ngon, ý tưởng kinh doanh quả đuồng đuông lớn dần từ đó.
Chàng sinh viên bộc bạch, nhóm sẽ từng bước thực hiện
dự án này với tham vọng: tận dụng quả đuồng đuông bị bỏ phí, góp phần
trồng rừng thông qua nhân rộng giống cây này, tạo công ăn việc làm cho
địa phương. "Em muốn tạo một món quà đặc sản cho quê mình, giúp Phú Quốc
quảng bá hình ảnh Đảo Ngọc", Trung bộc bạch.
Câu chuyện của Đỗ Quốc Tuấn (26 tuổi) cùng nhóm bạn
đăng ký dự thi qua mạng dự án trồng rau sạch và cho thuê nông trại thư
giãn, kinh phí cho dự án ước tính 1-2 triệu USD cũng gây bất ngờ cho
nhiều người. Ý tưởng của Tuấn bắt nguồn từ một lần bị ngộ độc rau muống
và trò chơi nông trại trên Facebook. Chứng kiến mẹ mình và người thân,
bạn bè phàn nàn về chất lượng rau xanh trên thị trường, Tuấn bắt tay
khảo sát và âm thầm lập dự án.
Tham vọng của chàng trai 26 tuổi không dừng lại ở ý
tưởng ảo. Tuấn và nhóm bạn tiết lộ, dự án được bắt đầu từ việc mua hoặc
thuê một mảnh đất ở ngoại ô TP HCM. Sau đó lập quy trình trồng rau sạch
theo phương pháp nhà kính hoặc nhà lưới và kiểm soát chất lượng sản
phẩm. Kế đến là tạo ra logo rau an toàn, dùng các chiến lược tiếp thị
đến người dân, siêu thị, quán ăn, nhà hàng.
Ngoài ra, nhóm còn tính đến việc xây dựng nông trại
nghỉ dưỡng trong khu vực đang canh tác để mọi người có thể thuê ngắn dài
hạn để thử sức làm nông dân. Tuấn phân tích, người Sài Gòn không cần đổ
hàng tỷ đồng để mua một mảnh đất ngoại ô vui thú điền vui nữa vì họ chỉ
cần bỏ dăm bảy triệu đồng là có thể thuê một mảnh vườn cho riêng mình.
"Nếu kêu gọi được nhà đầu tư thì thời gian thực hiện dự án có thể rút
ngắn xuống còn 1,5-2 năm thay vì 3-5 năm. Các vị trí được chọn để đầu tư
là Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Long An, Tiền Giang hay Bình Dương", Tuấn
cho biết.
Còn ý tưởng nhân rộng phần mềm tiết kiệm pin Isave cho
laptop của Phạm Ngọc Thắng và các cộng sự đã thuyết phục cộng đồng mạng
bằng thông điệp: "Kinh doanh công nghệ xanh". Dự án bắt đầu bán sản
phẩm từ nửa năm nay và được xếp vào nhóm dự án kinh doanh mang tính xã
hội vì hướng đến tiêu chí tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi
trường. Thắng ước tính trị giá của dự án này 6-8 tỷ đồng.
Phạm Ngọc Thắng giới thiệu về dự án Isave với thông điệp máy tính và điện thoại di động không lo hết pin. Ảnh: Hà Thanh. |
Thắng chia sẻ "Isave là phần mềm thuần Việt cung cấp
giải pháp tiết kiệm điện năng cho máy tính của các cá nhân, tổ chức, hộ
gia đình và công ty. Chỉ cần mỗi máy tính tiết kiệm được một lượng điện
nhỏ, nhân với khoảng 40 triệu máy tính tại Việt Nam, con số tiết kiệm
được sẽ là khổng lồ".
Với chiến lược phủ xanh máy tính, Thắng mong muốn trở
thành doanh nghiệp kiểu mới cung cấp giải pháp xanh tiết kiệm năng
lượng, bảo vệ môi trường hàng đầu tại Việt Nam.
Giám đốc Sáng lập trang mạng xã hội Hub Culture, Stan
Stalnaker (một trong những người trực tiếp huấn luyện và hỗ trợ các bạn
trẻ hoàn thiện ý tưởng) cho biết: "Tôi rất ấn tượng về những sáng kiến
độc đáo của các bạn trẻ. Thông qua họ, tôi nhìn thấy được nhiệt huyết
của giới trẻ về việc quyết tâm xây dựng thương hiệu vững mạnh cho Việt
Nam".
Stan Stalnaker cho rằng thế giới đang ngày một phẳng
hơn và mọi rào cản đang dần dần bị xóa bỏ. Ngày nay không còn chuyện
chạy theo một trào lưu mà đang thịnh hành xu hướng mọi người có thể tự
tạo một trào lưu của riêng mình, thậm chí tác động lớn đến cộng đồng.
"Các ý tưởng đều có nhiều tiềm năng trở thành hiện
thực và mang ý nghĩa cộng đồng sâu sắc. Nếu được sự hỗ trợ về phương
pháp phân tích tài chính và marketing, dự án của các bạn trẻ sẽ hoàn
thiện hơn nữa", Stan Stalnaker nhận định.
Vũ Lê
http://vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét