Sang Mỹ du học lúc 17 tuổi với hành trang chỉ vẻn vẹn một chiếc vali
nhỏ và 150 USD nhưng ông Dũng đã trở thành người Việt thành công nhất ở
tập đoàn máy tính lớn nước Mỹ.
Thông minh, sâu sắc và cũng cởi mở, thân
thiện là cảm nhận của những ai từng tiếp xúc với Dzung T. Bùi (Bùi Tiến
Dũng), Phó chủ tịch, phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu, tập
đoàn Công nghệ Thông tin IBM (Mỹ).
Người Việt mình không kém ai
Đây là suy nghĩ và cũng là “hành trang”
quan trọng nhất mà ông Dũng mang theo suốt con đường lập nghiệp nơi xứ
người. Ông nói: “Tôi cho rằng, lòng tự tin là chìa khóa giúp mở mọi cánh
cửa. Vì vậy, không có lý gì mình lại không tự trang bị cho mình một
chiếc như thế”.
Ông Dũng sinh ra tại một ngôi làng cổ
Bắc Bộ có tên là Trình Phố, thuộc xã An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Lớn
lên, ông theo cha mẹ vào TP HCM. Năm 17 tuổi, ông sang Mỹ du học với một
chiếc vali nhỏ và số tiền ít ỏi 150 USD. Với suy nghĩ người Việt mình
không kém ai, ông không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực. Để trang trải
tiền ăn học, ông kiếm việc làm thêm từ bưng bê, dọn dẹp cho tới làm phát
thanh viên cho một chương trình truyền thanh tiếng Việt.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành
kỹ thuật điện tử tại Đại học Minnesota, tiểu bang Minnesota (Mỹ), ông
Dũng nộp đơn xin làm việc tại tập đoàn IBM và được nhận làm ở phòng thí
nghiệm Rochester. Cũng lúc đó, ông gặp một người phụ nữ Việt, quê gốc
Nam Định. Hai người nhanh chóng có tình cảm với nhau, cùng xây dựng hạnh
phúc gia đình và đón người thân sang đoàn tụ.
Sau một năm lại việc tại Rochester, nhận
thấy sở thích và năng lực bản thân phù hợp với lĩnh vực bán hàng, ông
Dũng xin chuyển qua làm về martketing và tiêu thụ sản phẩm (sales). Cũng
từ đó, ông liên tục được đề bạt và đảm nhiệm những trọng trách trong
mảng kinh doanh sản phẩm của tập đoàn IBM, từ Phó chủ tịch phụ trách thị
trường Mỹ Latin, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu, Giám đốc
điều hành phụ trách chuỗi cung ứng, Tổng giám đốc phụ trách giải pháp
công nghệ thông tin. Hiện ông là Phó chủ tịch phụ trách nhóm điều hành
kinh doanh toàn cầu của tập đoàn IBM.
“Ở đâu tôi cũng luôn nhớ mình là người Việt Nam’
Xa quê hơn 30 năm, ông Dũng vẫn nói
tiếng Việt thành thạo. Khi được hỏi điều gì đã giúp ông giữ được khả
năng này, ông nói: “Chính bởi tôi luôn nhớ mình là người Việt Nam”.
ImageTrong bất cứ hoàn cảnh nào, ông
cũng cố gắng sử dụng tiếng mẹ đẻ, như khi làm thơ, viết văn, khi trò
chuyện với các con, thậm chí trong lúc lái xe, trao đổi với khách hàng.
Ông tâm sự: “Trong lúc nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha,
tôi luôn tự đối chiếu, những từ này tiếng Việt là gì nhỉ. Đó là cách tôi
tự học tiếng Việt và giới thiệu với đối tác về ngôn ngữ của quê hương
mình”.
Không chỉ cá nhân ông Dũng mà các thành
viên trong gia đình ông vẫn giữ nguyên nếp sống của người Việt. Ông bảo:
“Điều này rất quan trọng. Nó giúp các con tôi hiểu về nguồn gốc của
mình”.
Gia đình ông vẫn duy trì nếp sinh hoạt:
một ngày ba bữa cơm, không ăn thức ăn nhanh, không ăn bánh mì, trừ những
dịp đặc biệt nào đó phải ra ngoài dùng bữa. Ngày Tết cũng có bánh chưng
xanh, những món ăn cổ truyền. Ông dẫn các con đi xông đất, mừng tuổi
ông bà, người thân, lên chùa thắp hương. Những cái giỗ ông bà, tổ tiên
cũng được ông duy trì đều đặn. Bởi thế, sống giữa đất nước cờ hoa mà bản
thân ông và bố mẹ vẫn cảm thấy như đang được sống ở chính nơi quê nhà.
Bùi Tiến Dũng gọi đó là nếp nhà và trân trọng nó.
Cũng chính bởi luôn có ý thức về “chất
Việt” trong mình mà khách đến thăm nhà ông, dù là căn hộ sang trọng ở
tiểu bang NewYork hay ngôi nhà nhỏ, bình dị vùng đất vạn hồ Minnesota,
đều tìm thấy một thứ gì đó thuộc về Việt Nam. Một bức tranh lụa kể về
tích Truyện Kiều, những chiếc bình cổ, lọ hoa thời Nguyễn, chiếc giỏ mây
xuất khẩu từ Việt Nam… là cái cớ để ông giới thiệu văn hóa, phẩm chất,
cốt cách của người Việt.
“Tôi luôn xúc động khi trở về quê hương”
“Tôi rất hạnh phúc khi về tới Hà Nội”,
ông Dũng chia sẻ về cảm xúc khi lần đầu về nước vào cuối năm 2008. “Từ
tầng cao khách sạn nhìn xuống thành phố, tôi vẫn không tin rằng mình
đang đứng đây, giữa lòng thủ đô đất mẹ thân yêu”, Bùi Tiến Dũng nói với
giọng đầy cảm xúc.
Ông Dũng tâm sự: “Tôi ra đi từ khi còn
quá trẻ đến độ không kịp một lần ra thăm thủ đô, vì thế ở nước Mỹ, tôi
luôn có một giấc mơ là được trở về, tản bộ trên những phố phường Hà Nội.
Tôi luôn muốn trải nghiệm những gì mà bố mẹ, người thân của tôi từng
trải nghiệm”.
Nhưng trong lần trở về đó, vì công việc,
ông chưa kịp thực hiện mong mỏi của mình. Vì vậy, trong chuyến về Việt
Nam tìm hiểu thị trường công nghệ thông tin này, ngoài công việc, ông
quyết tâm dành trọn phần thời gian còn lại để thực hiện những điều ao
ước bấy lâu.
Gác lại những chuyến gặp gỡ, ông Dũng
vận bộ đồ thể thao, cầm trên tay chiếc máy ảnh rồi để mình thỏa sức đắm
chìm trong những bước chạy vòng quanh hồ Gươm, ghi lại hình mình bên
Tháp Rùa cổ kính. Ông cũng dành thời gian rảnh của một tuần sang thăm và
làm việc để lang thang nhiều góc phố, tìm mua cho được một bức tranh về
phố cổ Hà Nội mang về Mỹ, giới thiệu với bạn bè. Bùi Tiến Dũng bảo,
niềm tự hào về quê hương chưa bao giờ phai nhạt trong mình.
Nguồn Conduongthanhcong.com
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét