Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Bầu Hiển: Đại gia tài chính và ông trùm hào phóng


Bầu Hiển là ông chủ của 2 đội bóng đang thi đấu tại V-League. Gần đây, bầu Hiển - Chủ tịch ngân hàng SHB - được nhắc đến nhiều khi SHB lên phương án nhận sáp nhập ngân hàng Habubank.


Họ tên

















Đỗ Quang Hiển
Năm sinh
29/10/1962 | 


Học vấn
Kỹ sư vật lý vô tuyến
Chức vụ đang nắm giữ
+ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn T&T
+ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB
+ Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS)
+ Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF)
+ Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land)
+ Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội
+ Ủy viên UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam
 
Lĩnh vực kinh doanh
Ngân hàng – tài chính, Thể thao, Bất động sản, Công nghiệp
Gia đình
Chi gái: Đỗ Thị Thu Hà
Địa chỉ
Số 61 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tài sản
Cổ phần T&T Group, SHB
 
Tài sản "nhìn thấy": Sở hữu 21 triệu cổ phiếu, tương đương 4,36% cổ phần của Ngân hàng SHB. Lượng cổ phiếu này trị giá hơn 222 tỷ đồng.
 
 
Giống như bầu Kiên, bầu Hiển được mọi người biết đến chủ yếu qua bóng đá. Một cách không chính thức, bầu Hiển là ông chủ của cả 2 đội bóng đang thi đấu tại V-League là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.
Các công ty con và công ty liên kết của T&T Group
Quá trình công tác:
 
* 1984-1987: Kỹ sư XN sửa chữa máy thu hình – Đài Phát thanh Hà Nội.
 
* 1987-1988: Kỹ sư công ty điện tử Hà Nội (Hanel)
 
* 1988-1993: Kỹ sư Vật lý Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia
 
* 1993-nay: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ T&T

Gần đây, bầu Hiển - Chủ tịch ngân hàng SHB - đã được nhắc đến nhiều khi SHB lên phương án nhận sáp nhập ngân hàng Habubank.
 
Về những thành công của mình, Bầu Hiển nói "Tôi không thích nói nhiều mà muốn khẳng định bằng việc làm”. Nếu để tự nói về mình, ông chỉ gói gọn một câu rằng đơn giản rằng: "Tôi là người may mắn và thành công đạt được có sự trợ giúp tới 70% của ông Trời. Vì lẽ này mà tôi không cho phép mình dừng lại. Bởi nếu dừng lại tức là tôi đã phụ công trời đất, phụ công những gì cuộc đời dành cho tôi".
 
Thuở hàn vi

Hồi còn “chong đèn đọc sách”, Đỗ Quang Hiển rất giỏi các môn khoa học tự nhiên; đam mê những định luật, nguyên lý… đến mức có thể ngồi lì cả ngày trời trong phòng để đọc sách, mày mò tìm hiểu những khối kiến thức bất tận của nhân loại. Đó cũng là lý do vì sao anh trở thành sinh viên khoa Vật lý (Đại học Tổng hợp).

Ông bảo rằng: “Hồi đó, bạn bè nói tôi là con mọt sách. Tôi thích đọc, nhất là những cuốn sách có nhiều thông tin về ngành Vật lý. Tôi ước mơ sau này ra trường sẽ được làm ở một cơ quan nào đó để có thể phát huy hết khả năng và kiến thức của mình, nhưng rồi cuộc sống có quá nhiều khó khăn và ước mơ đó không thể trở thành sự thực”.

'Dựng cờ' kinh doanh với T&T
(Tham khảo từ bài viết của Báo Giáo dục VN)

Giai đoạn 1984-1987: chàng thanh niên Đỗ Quang Hiển đã chọn bến đỗ đầu tiên sau ngày ra trường là Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình (Đài Phát thanh Hà Nội).

Thời gian đầu, anh kỹ sư trẻ gặp không ít khó khăn khi phải đối diện với công việc thực tế. “Mình đi học thì chỉ biết có sách vở, đâu có nghĩ gì đến va chạm xã hội và cũng chưa được chuẩn bị tâm lý khi ra trường. Chỉ biết được đi làm là thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, vì như vậy là mình đã trưởng thành rồi. Thế nhưng, chuyện đâu có đơn giản như vậy, trong khi lương thì thấp mà còn biết bao nhiêu thứ va chạm khác khiến cho mình nhiều lúc cảm thấy như kiệt sức. Mình thấy thấm thía, bởi trong lúc gia đình nghèo khó mà bố mẹ vẫn tần tảo cóp nhặt từng đồng lo lắng cho các con”.
Bầu Hiển, bầu Kiên và ... Công Vinh. Biếm họa của họa sỹ Leo/TTVH
 
Được một thời gian, Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình sáp nhập vào Công ty điện tử Hanel – tạo thêm nhiều cơ hội mới để chàng kỹ sư trẻ khẳng định tài năng của mình. 

Sau đó, bầu Hiển lại đi đến một quyết định mới: Gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Mơ ước từ thuở còn miệt mài với sách vở giờ mới thực sự trở thành hiện, ông tự nhủ với mình rằng rồi đây sẽ “xuất bản” nhiều công trình mang tầm quốc gia. Kiến thức học được qua sách vở, thu lượm từ những bài giảng và thực tế cuối cùng đã có đất để thực sự “dụng võ”.
 
Năm 1993, bầu Hiển bắt đầu lập nghiệp với việc lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T sau 5 năm làm việc với vai trò là kỹ sư vật lý của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.

T&T khi đó hướng đến việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… được nhiều hãng điện tử Nhật Bản chọn làm đại lý độc quyền.

Trong suốt 5 năm đầu, công việc kinh doanh của T&T lên như diều gặp gió, nhưng đúng là “thương trường như chiến trường” - vào cái lúc mà chẳng ai ngờ tới thì một chuyện động trời xảy ra. 

Năm 1998, Công ty Tân Trường Sanh nhờ sự giúp sức của một số cán bộ hải quan đã tuồn vào thị trường Việt Nam khối lượng rất lớn hàng điện tử, điện lạnh… khiến nhà nước thất thu gần một nghìn tỷ đồng. Số hàng này đủ khiến cho thị trường điện tử - điện lạnh trong nước bị khuynh đảo, T&T và rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Việt Nam cùng chung số phận là không bán được hàng.
Nhớ lại “khoảng lặng” trong nghiệp kinh doanh của mình, Chủ tịch Tập đoàn T&T không hề che giấu cảm xúc: “Người ta nhìn vào thành quả của T&T giờ đây có thể nghĩ rằng tôi thành công lắm rồi. Nhưng, ai đó quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử mới thấy rằng có rất nhiều rủi ro. Quả thực, tôi đã từng trải qua cảm giác chán nản, mệt mỏi vô cùng. Hàng hoá lúc đó chất đống trong kho, làm sao mà cạnh tranh được với hàng lậu, nợ ngân hàng thì ngày càng nhiều lên. Nếu nói T&T phá sản thì hơi ngoa, nhưng tình thế lúc ấy cũng gần như vậy, may là sau đó cơ quan pháp luật đã vào cuộc và phá được đường dây này”.
Thời điểm T&T ra đời, kinh doanh hàng điện tử - điện lạnh đang "hot" và có không ít doanh nghiệp cũng kinh doanh các mặt hàng điện tử - điện lạnh, ấy là còn chưa kể có vô số cửa hàng cỡ lớn đang chiếm lĩnh thị trường theo từng khu vực nhất định. Bài toán đặt ra với ông chủ của T&T là làm thế nào chen chân vào thị trường béo bở này?
Bầu Hiển bật mí: “Tôi từng học ngành Vật lý nên rất thích mọi thứ phải bám sát thực tế. Khó khăn lớn nhất của T&T lúc ấy là phát triển thị trường, tôi cùng với các anh em cán bộ làm việc triền miên như cái máy suốt mấy tháng trời và quyết tâm phải tạo ra sự khác biệt. Tôi luôn tâm niệm, hàng bán chạy chưa phải đã thành công, mà cái quan trọng là T&T phải gây ấn tượng thật tốt với mọi khách hàng”.
Đến năm 1999 - 2000: Thành lập Công ty TNHH T&T Hưng Yên, đầu tư xây dựng dây truyền sản xuất các sản phẩm linh kiện, động cơ xe máy với quy mô lớn nhất Việt Nam.
Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển bắt đầu tính chuyện “tấn công” sang thị trường xe máy. Nghĩ là làm, ông chủ của T&T bỏ ra 3,5 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe máy. 

Nước cờ này có thể coi là rất táo bạo tại thời điểm đó và nó cũng cho thấy doanh nhân này có khả năng dự liệu trước sự phát triển của một mảng thị trường nhiều tiềm năng sắp bùng nổ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp. 
Một miếng bánh mà có quá nhiều người giằng xé đã khiến cho việc kinh doanh của T&T gặp rất nhiều khó khăn. Cạnh tranh ở thị trường thành phố đã khó, nhưng ở các tỉnh lẻ cũng chẳng ra gì do sự đổ bộ ào ạt của các doanh nghiệp nước ngoài. Hàng sản xuất ra bị tồn đọng, trong khi những khoản chi cho lương nhân công, nguyên vật liệu, khấu hao máy móc vẫn tiếp tục phải duy trì.
Thất vọng, chán nản, mệt mỏi, gần như đã tính tới chuyện ngừng dây truyền sản xuất này, rồi lại coi đây như một bài học lớn, Đỗ Quang Hiển thể hiện tính cách đặc biệt của mình bằng việc vạch ra kế hoạch cứu bằng được những gì đã đầu tư. 
Anh lý giải: “Tôi thích làm những việc người khác cho là không thể và phải đi tới cùng. Tôi nghĩ, lúc khởi sự cả vốn và kinh nghiệm của mình đều yếu mà còn làm được, huống hồ khi đã đứng vững rồi mà gục ngã thì buồn lắm. Tiền bạc mất sẽ kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T trên thị trường thì không thể bị lu mờ”. Thế rồi, cuối cùng, Đỗ Quang Hiển một lần nữa thành công lớn với việc đầu tư sản xuất xe máy, thậm chí còn xuất khẩu sang thị trường châu Phi.
Năm 2007 đánh dấu sự tham gia của T&T vào lĩnh vực tài chính với việc tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Tiền thân của SHB là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ.Bản thân ông Hiển cũng góp vốn và trở thành Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn của ngân hàng này.
Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).
Cũng trong năm 2007, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng với tổng vốn đầu tư 6,15 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang.
Hiện tại, Tập đoàn T&T xác định 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Bất động sản, Tài chính, Công nghiệp và Thể Thao.
+ Lĩnh vực bất động sản: T&T đang triển khai các dự án tại Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An và một số tỉnh thành trong cả nước.
+ Lĩnh vực tài chính: các khoản đầu tư vào SHB, SHS, SHF và Bảo hiểm SHB-Vinacomin.
+ Lĩnh vực công nghiệp: Sản xuất kinh doanh phụ tùng xe máy; sản xuất nhựa; khai thác khoáng sản…
+ Lĩnh vực thể thao: CTCP Thể thao T&T tham gia vào 2 lĩnh vực là bóng đá và bóng bàn.
Các thông tin về hoạt động kinh doanh của T&T hầu như không được công bố. Trong khi đó, SHB và SHS là những công ty niêm yết nên thông tin khá đầy đủ.
Giữa năm 2012, bầu Hiển cùng SHB lại có thêm một bước đi táo bạo khi đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng Habubank đang gặp khó khăn. Việc sáp nhập tạo ra một ngân hàng mới có quy mô lớn hơn những cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc giải quyết những khoản nợ xấu trước đây của Habubank.
Xem thêm: Hồ sơ ngân hàng SHB
 
Bầu Hiển và Bóng đá

Năm 2006, bầu Hiển thành lập CLB Bóng đá T&T Hà Nội, tiền thân của CLB Hà Nội T&T sau này. Trong vòng 3 năm sau khi thành lập, đội bóng này đã thăng liên tiếp ba hạng, từ hạng ba lên hạng chuyên nghiệp, để giành quyền thi đấu ở V-League 2009.

Tại V-League 2010, Hà Nội T&T đã lên ngôi vô địch và đứng thứ 2 ở V-League 2011 sau khi hòa Sông Lam Nghệ An trong trận đấu cuối cùng.
Tên tuổi bầu Hiển gắn với cả 2 đội bóng SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T. Tuy nhiên, bầu Hiển luôn khẳng định mình chỉ là một "người hâm mộ" đối với đội bóng SHB Đà Nẵng và hoàn toàn không sai luật.

Theo quy chế của VFF, mỗi ông bầu chỉ có 1 đội bóng tại một giải đấu. Tại buổi giao lưu trực tuyến trên báo Bongdaplus, bầu Hiển đã có đề cập tới vấn đề này: “Về pháp lý, CLB HN.T&T thuộc Công ty cổ phần thể thao T&T, SHB.ĐN thuộc Công ty cổ phần thể thao SHB. Đà Nẵng. SHB tài trợ cho Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng và T&T tài trợ cho Công ty cổ phần thể thao T&T. SHB và T&T là 2 công ty hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp.Về việc này, VFF đã thanh tra hằng năm và khẳng định đó không phải là tình trạng một ông chủ - 2 đội bóng. Tôi chỉ là CĐV yêu mến cả 2 CLB ấy thôi”.

Đến thời điểm này, bầu Hiển dường như là người đầu tư vào bóng đá có hiệu quả nhất khi mà cả hai đội Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng đều giữ được phong độ tốt và gặt hái được thành tích cao. Cả 2 đội này đang giữ 2 vị trí nhất nhì trong Bảng xếp hạng Eximbank V-League 2012.
Nổi tiếng chi tiền thưởng khủng.

Bầu Hiển thường rất hào phóng trong việc chi tiền thưởng cho các cầu thủ. Hàng thủ chơi tốt hay cầu thủ chơi xuất sắc, bầu Hiển sẵn sàng móc “tiền tươi” thưởng ngay trên sân.

Theo DĐDD

Không có nhận xét nào:

Flag Counter