Chủ trương của NHNN là phát huy nội lực: cho sáp nhập mua lại hoặc tổ chức lại cổ đông.
Sáng 25/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu.
Về vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc cho biết, sẽ phân
nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước thành 3 khu vực lớn.
Theo đó, nhóm thứ nhất bao gồm các ngân hàng có tình hình tài chính đủ
mạnh, có quy mô năng lực đủ lớn để làm trụ cột và có sức cạnh tranh quốc
tế.
Dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, sau 5 năm, cả nước có 15 tổ chức tín
dụng như vậy, chiếm 80% thị phần và có 2 ngân hàng lớn đủ sức cạnh tranh
trong khu vực và quốc tế.
Nhóm thứ hai bao gồm các ngân hàng có quy mô nhỏ, hoạt động lành mạnh
nhưng không có nhu cầu phát triển mạnh hoặc chưa có đủ điều kiện phát
triển mạnh. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những những quy định đảm bảo thị
phần của các tổ chức này nhưng trên điều kiện an toàn hiệu quả.
Nhóm thứ ba là những ngân hàng nhỏ, hoạt động không lành mạnh, phải tái
cấu trúc, tổ chức lại. Với những tổ chức tín dụng này, Ngân hàng Nhà
nước sẽ tổ chức lại theo hướng thay đổi cổ đông, nâng cao năng lực cổ
đông; để các tổ chức tín dụng khác mua cổ phần hoặc mua lại.
Nguyên tắc điều hành của Ngân hàng Nhà nước là không để cho tổ chức tín
dụng nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền lợi người gửi tiền, quyền lợi của
khách hàng.
Thống đốc cũng cho biết, lộ trình từ nay đến quý I/2012 sẽ định hình
được các nhóm ngân hàng trên và giải quyết được tính thanh khoản cho các
ngân hàng đang gặp khó khăn. Đến năm 2013 sẽ tổ chức lại được các ngân
hàng yếu kém trong nhóm 3.
Giai đoạn từ 2013 - 2015 thực hiện củng cố xây dựng các nhóm ngân hàng,
trong đó tạo ra các ngân hàng trụ cột. Đến 2020 sẽ tiếp tục tái cấu trúc
ngân hàng, mục tiêu có 4 tổ chức có quy mô tầm quốc tế, trong đó có 1-2
ngân hàng được đưa vào ngân hàng lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Để đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng, Thống đốc nhấn mạnh, với
chưa đầy 5% các ngân hàng hoạt động không an toàn này, phương châm tái
cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước vẫn là phát huy nội lực.
Theo đó, sẽ sử dụng các tổ chức tín dụng có quy mô lớn hơn, năng lực tài
chính lớn hơn để tham gia "giải cứu", qua đó tiết kiệm được chi phí.
Ở Mỹ phải bỏ ra các gói hỗ trợ hàng nghìn tỉ đồng, trong khi đó, nước ta
trong điều kiện kinh tế, tài chính chung đang khó khăn, thì việc phát
huy nội lực này đáp ứng được cả hai mục tiêu: tái cấu trúc được các ngân
hàng nhỏ, yếu kém đồng thời tăng quy mô cho các ngân hàng lớn hơn.
Nguồn: Doanhnhansaigon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét