Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Góc khuất chất lượng báo cáo kiểm toán doanh nghiệp


Báo cáo kiểm toán được coi là một công cụ để các NĐT, cơ quan quản lý xác minh mức độ trung thực, đáng tin cậy của BCTC các doanh nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, không phải mọi báo cáo kiểm toán “sạch” đều đồng nghĩa với việc không có nguy cơ có sai sót trọng yếu trong BCTC.

Những khoản ngoại trừ “to đùng”

Phát biểu tại buổi tọa đàm về sai sót thường gặp qua kiểm soát chất lượng kiểm toán thường niên năm 2011, ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, trong quá trình kiểm tra, ông đã phát hiện có trường hợp một Báo cáo kiểm toán tại một công ty đóng tàu thuộc Vinashin đã ngoại trừ khoản mục hàng tồn kho. Theo ông Mai, chỉ dùng phép cộng trừ đơn thuần, ước tính giá trị hàng tồn kho bao gồm cả tài sản cố định, nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang… của công ty này đã chiếm 70- 80% tổng tài sản. “Một khoản ngoại trừ hàng tồn kho lên tới 80% giá trị tài sản thì phần 20-30% giá trị còn lại, cho dù có là trung thực, hợp lý đi nữa thì làm sao có thể đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán được?” ông Mai nhận xét.

Lý giải tình trạng này, ông Mai cho rằng, có hai nguyên nhân chủ yếu: một là, thời điểm ký hợp đồng kiểm toán diễn ra sau ngày kiểm kê hàng tồn kho của DN; hai là, DN có nhiều kho ở nhiều nơi, giá trị hàng tồn kho lớn mà yêu cầu kiểm kê trong vòng 1, 2 ngày. Và đây thực sự là thách thức lớn đối với CTKT.

“Làm sạch” nợ xấu

Không chỉ hàng tồn kho là đối tượng dễ bị ngoại trừ, các khoản cho vay, khoản phải thu đôi khi cũng được kiểm toán chấp nhận dù còn thiếu căn cứ. “Bình thường, quy trình xác định khả năng thu hồi của khoản phải thu của DN phải rất cẩn trọng. Ví dụ, kiểm toán chọn ngẫu nhiên 30/100 đối tượng để gửi thư xác nhận nợ. Nếu cả 30 đối tượng trên đều có thông tin phản hồi là đúng thì kiểm toán có thể chấp nhận được. Nhưng giả thiết có 3 trong số 30 đối tượng trên cho phản hồi là sai, thì kiểm toán viên lại phải chọn tiếp ngẫu nhiên 30 đối tượng khác để lấy ý kiến và làm lại quy trình trên, để xác định đúng nợ phải thu của DN”, ông Mai cho biết. Theo ông Mai, tình trạng các kiểm toán viên không gửi thư xác nhận hoặc gửi nhưng không tổng hợp kết quả xác nhận mà dễ dàng chấp nhận nợ phải thu theo sổ sách của doanh nghiệp là có.

Điều này khiến cho chúng ta liên tưởng đến các khoản nợ phải thu của nhóm CTCK có thể tồn đọng nhiều năm, thậm chí lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn không có khoản trích lập dự phòng nào (dù thực tế là khó thu hồi). Rồi, nợ phải thu của người có liên quan như: cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, lãnh đạo DN… nhưng không được kiểm toán lưu ý. Chính việc vô tình hoặc cố tình bỏ qua khâu xác nhận nợ phải thu và khả năng thu hồi nợ đã khiến người sử dụng BCTC có cái nhìn không chính xác về thực trạng tài chính của DN. Và, việc này chỉ có thể hy vọng vào chính đạo đức của người làm kiểm toán, đơn vị độc lập duy nhất được tiếp cận chính xác tới giấy tờ của DN, chứ không phải là ai khác.

Báo cáo kiểm toán… “thế mạng”

Dùng từ “thế mạng” ở đây có thể không chuẩn lắm, nhưng có lẽ sẽ giúp người đọc hình dung ra những báo cáo kiểm toán đang được lập nhằm mục đích làm đẹp và thay thế báo cáo kiểm toán “xấu xí” với nhiều khoản ngoại trừ của DN đã được lập bởi một CTKT khác. Bà Lê Thị Hòa, Vụ phó Vụ Quản lý Phát hành, Uy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết: UBCK đã phát hiện được trường hợp một CTKT thuộc nhóm big 4, big 5 (nhóm 4, 5 CTKT lớn nhất) tham gia vào hoạt động trên.

“Có trường hợp DN kiểm toán ra báo cáo lần đầu có nhiều điểm ngoại trừ, đã thuê một CTKT khác làm lại, với báo cáo chấp nhận toàn phần. Điều này là không thể chấp nhận được. Các bạn nghĩ rằng, nếu DN ỉm đi báo cáo kiểm toán lần đầu và làm kiểm toán lại thì sẽ không ai biết, nhưng nếu trong quá trình rà soát lại, chuyện đó lộ ra thì uy tín của các bạn sẽ như thế nào?” bà Hòa đặt câu hỏi với đại diện các CTKT. Theo bà Hòa, thời gian tới, UBCK sẽ xem xét lại toàn bộ và có biện pháp xử lý nghiêm những CTKT đưa ra ý kiến kiểm toán không trung thực.

“Không có khái niệm nhanh, nhiều, tốt, rẻ trong kiểm toán”, ông Mai nhận xét trong nhiều sai sót hiện nay có phần do mức phí kiểm toán quá thấp, không đủ bù đắp chi phí nếu tuân thủ 100% thủ tục kiểm toán (chỉ từ 30 – 70 triệu đồng/ DN). Để ra được một báo cáo kiểm toán của DN lớn hay nhỏ, kiểm toán viên đều phải tuân theo một quy trình chuẩn – một khối lượng công việc rất lớn. Theo nhiều ý kiến, trong bối cảnh báo cáo kiểm toán vẫn có sự mập mờ về chất lượng mà chưa có sự xử lý thật nghiêm minh từ cơ quan quản lý, người sử dụng BCTC không thể đặt cả niềm tin vào những BCTC đã được kiểm toán mà phải tìm hiểu thật kỹ về tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Theo Đầu tư chứng khoán

Không có nhận xét nào:

Flag Counter