Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Những quy tắc khi khởi nghiệp ở độ tuổi 20


Độ tuổi 20 là giai đoạn khởi nghiệp và đặt nền móng quan trọng cho công việc sau này. Sau CV, phỏng vấn và những bỡ ngỡ ban đầu, bạn cần nắm vững những quy tắc và bài học kinh nghiệm sau.

Việc làm nhỏ, ảnh hưởng lớn

Xuất phát điểm trong sự nghiệp của Rich Christiansen, doanh nhân và là tác giả của quyển sách The Zig Zag Principle, chỉ là một nhân viên rất đỗi bình thường ở một doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, một lần nọ anh ở lại làm rất khuya và đến lúc ra về, Rich nhận thấy văn phòng quá bề bộn và cáu bẩn. Chợt nhớ ngày mai công ty sẽ tiếp một khách hàng lớn và có khả năng vị này sẽ là cổ đông mới của công ty, Rich quyết định dành thời gian dọn dẹp, lau chùi dù anh đã quá mệt và đó thật sự không phải là công việc của anh.

Ngày hôm sau, vị khách VIP nọ cực kỳ hài lòng với cách bài trí chuyên nghiệp của công ty. Phó chủ tịch công ty cuối cùng đã tìm được “anh hùng giấu mặt” là ai và quyết định thăng chức cho Rich, cũng như trở thành cố vấn, và người bạn “già” của anh sau này.

Rich cho biết, “Dù chỉ là việc nhỏ nhưng chính vì có trách nhiệm với công việc cũng như tự nguyện cho đi nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn đòi hỏi, mà tôi đã có được mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo, làm tiền đề cho thành công của tôi sau này.”

Kỹ năng không “bổ ngang” cũng “bổ dọc”

Tracy Brisson, hiện là chủ tịch công ty The Opportunities Project chuyên về tư vấn nhân sự và nghề nghiệp tại New York, hồi tưởng lại công việc đầu tiên của cô. “Lúc đầu tôi làm giáo viên dạy cấp một, nhưng dần nhận ra công việc này không phù hợp với mình, nên sau đó tôi quyết định đi theo hướng nhân sự. Dù vậy, khoảng thời gian đi dạy đã giúp tôi rèn kỹ năng giao tiếp, biết tận dụng tối đa thông tin và ứng xử mau lẹ. Những kỹ năng này hỗ trợ tôi rất nhiều trong các công việc sau này dù hai ngành nghề tôi chọn hoàn toàn khác hẳn nhau.”

Kết thúc đôi khi là khởi đầu

Gặp nhiều khó khăn khi tìm việc trong lĩnh vực quảng cáo vào những năm đầu thập niên 90, Nancy Sipera chấp nhận làm những công việc trái ngành và thời vụ. Sau đó, cô được tuyển vào một công ty in ấn nhỏ và bị sa thải một tháng ngay sau đó với lý do dành nhiều thời gian cho khách hàng hơn mức cần thiết.

Sipera cho biết, “Công việc đó đã làm thay đổi sự nghiệp của tôi: chính cơn giận do bị đuổi vô lý đã tạo động lực cho tôi bước tiếp. Tôi bắt đầu làm freelancer, nhận các dự án thiết kế đồ họa.”

Giờ đây, Sipera là Tổng Giám đốc Công ty quảng cáo First Impression tại New Jersey và có thể thoải mái dành thời gian cho khách hàng bao nhiêu tùy thích.

Tìm nguồn hạnh phúc trong công việc là điều nên làm

Là sinh viên mới tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, Laura Allan luôn mong muốn công việc đầu tiên của cô phải là lập trình viên tại một công ty lớn. “Ngày nào cũng vậy, tôi thấy hạnh phúc khi được viết các chương trình mới, hỗ trợ khách hàng về các phần mềm mới… Tôi cũng thấy rất vui khi biết khách hàng hài lòng với mình, và là người họ tìm đến mỗi khi cần giúp đỡ.”

Chính tâm trạng tích cực và thoải mái này đã giúp Laura thăng tiến nhanh trong công việc và tạo động lực cho cô trở lại giảng đường lấy bằng thạc sĩ tư vấn quản lý dù đã ở độ tuổi 40.

Nấc thang sự nghiệp nằm trong tay bạn

Nhiều nhân viên trẻ thường nhảy việc rất nhiều trong độ tuổi 20, trong khi một số khác lại thích tập trung phấn đấu 100% ngay từ công việc đầu tiên. Jason Coleman, quản lý của công ty Federal Way Wash là một người như thế. Từ xuất phát điểm là nhân viên bán thời gian tại một cửa hàng bán dụng cụ thể dục thể thao, Jason đã hoạch định sự nghiệp rất kỹ càng và phấn đấu trở thành giám sát khu vực của chuỗi cửa hàng trên.

“Thường thì mọi người hay khuyến khích bạn mạnh dạn thử nghiệm cái mới. Còn tôi học được một điều: nếu bạn gắn nó với kế hoạch sự nghiệp của chính mình, con đường bạn đi sẽ không có sự chen chúc, xô đẩy hay trở ngại nào.”


Dân trí/MSN

Không có nhận xét nào:

Flag Counter