Bà cùng lúc là Chủ tịch HĐQT hai công ty, một trong những phụ nữ VN giàu
có tiếng trên sàn CK và mẹ hai doanh nhân trẻ Đặng Hồng Anh, TGĐ
Sacomreal và Đặng Huỳnh Ức My, TGĐ Cty CP SX-TM Thành Thành Công.
Bà Huỳnh Bích Ngọc và con trai Đặng Hồng Anh
Thân
thiện, chân chất, giản dị, mới gặp ít ai nghĩ bà cùng lúc là Chủ tịch
HĐQT hai công ty, là một trong những phụ nữ Việt Nam giàu có tiếng trên
sàn chứng khoán và là mẹ của hai doanh nhân trẻ Đặng Hồng Anh, Tổng giám
đốc Sacomreal và Đặng Huỳnh Ức My, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất -
Thương mại Thành Thành Công.
Đối diện với bà,
càng ngạc nhiên hơn khi trong bà luôn song hành hai tính cách trái
ngược: Mạnh mẽ, quyết đoán, đã muốn làm gì là phải làm bằng được mới
thôi, nhưng lại có một trái tim đa cảm, nhân hậu. Vừa bắt đầu cuộc trò
chuyện, bà nói ngay: “Mình rất ngại xuất hiện trên báo chí, nhưng lần
hẹn này vì cũng có đôi điều trăn trở về tình hình kinh tế hiện nay”.
* Cụ thể những trăn trở ấy là gì, thưa bà?
-
Chủ trương kìm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng cộng với lãi suất tăng
cao từ 20 - 25% như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó, bởi
rất nhiều DN cần vốn hoạt động nhưng với mức lãi suất cao như vậy, DN
phải làm ra lợi nhuận 40 - 50% mới đủ trả lãi và trang trải nhiều chi
phí khác.
Đặc biệt, ở lĩnh vực bất động sản, thực sự cũng
có nhiều dự án người dân đang cần, đó là những căn hộ cho người có thu
nhập trung bình, nhưng DN bất động sản bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn,
dẫn đến thị trường căn hộ trầm lắng, thì không chỉ các DN kinh doanh bất
động sản gặp khó mà hàng loạt DN sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ
theo bất động sản cũng bị ảnh hưởng. Và khi DN kinh doanh không hiệu quả
thì tất nhiên ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo
tôi, chính sách mới nên có tính toán dài hạn, vĩ mô hơn trong tổng thể
và phải có thời gian cho DN chuẩn bị, thích nghi với những chính sách
này. Chứ đưa ra đột ngột như hiện nay thì DN sẽ không xoay xở kịp.
* Còn ở lĩnh vực mía đường chắc bà cũng muốn chia sẻ nhiều điều?
-
Ba mươi hai năm theo nghề, điều tôi trăn trở là làm sao ngành đường
phát triển bền vững và cạnh tranh được với các nước lân cận về giá thành
và chất lượng. Vì khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới
WTO, mức thuế áp dụng cho xuất và nhập khẩu không chênh lệch bao nhiêu.
Vậy
nên nếu giá đường Thái Lan rẻ hơn thì mình không cạnh tranh lại. Thực
tế, ngành đường đang phải đối mặt với nạn nhập lậu đường. Trong cuộc
cạnh tranh không cân sức này, ngành đường trong nước gặp khó khăn và Nhà
nước thất thu thuế nhiều lắm.
Với chương trình “Một
triệu tấn đường” Chính phủ đưa ra cho ngành đường là một chủ trương đúng
đắn, giúp giải quyết bài toán cân đối tiêu dùng đường cho quốc gia,
giảm ngoại tệ nhập đường và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Tuy
nhiên, vẫn thiếu một chiến lược ổn định và bền vững nên thời gian qua
ngành đường vẫn còn tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, DN không yên tâm sản
xuất. Hiện nay, chúng ta vẫn nói khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất
đường là nguyên liệu, một số nhà máy không có vùng nguyên liệu ổn định.
Song,
theo tôi, nếu các nhà máy có chiến lược phát triển cụ thể, nỗ lực nhiều
hơn nữa và mạnh dạn vay vốn đầu tư vùng nguyên liệu để hoạt động lâu
dài, cộng thêm được Nhà nước và các tổ chức liên quan hỗ trợ thì bài
toán này vẫn giải quyết được. Bởi thực tế các nhà máy tôi đang quản lý
như Ninh Hòa, Bourbon Tây Ninh, nguyên liệu vẫn đủ dù công suất nhà máy
rất cao.
Bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch của Thành Thành Công và Bourbon Tây Ninh
|
* Biệt danh “Nữ hoàng đường” là do bà quản lý quá nhiều công ty đường hay do yêu mến mà nhiều người gọi bà như vậy?
-
Chắc là do tôi kinh doanh ngành đường quá lâu, gần 32 năm, nên nhiều
người gọi tôi như vậy. Nhưng thực sự tôi không dám nhận biệt danh này.
Suốt thời gian theo nghề kinh doanh đường, tôi chỉ tâm niệm làm cho thật
tốt, đem lại nhiều sản phẩm cho xã hội. Và càng làm, tôi càng tâm
huyết.
Hễ có vướng mắc là tôi mất ăn mất ngủ, bất kể nắng
mưa, sớm tối, dù ở đâu tôi cũng đích thân đến tận nơi để tìm cách tháo
gỡ. Rồi có dự án nào khả thi, chương trình nào có lợi cho ngành, cho
nghề và cho nhà máy là tôi theo đuổi, tìm đủ mọi cách để đi đến đích.
Tôi
cũng là người luôn đi đầu trong việc áp dụng những cách làm mới, hướng
đi mới để nâng cao năng lực không chỉ cho nhà máy của tôi mà cho cả
ngành đường. Vì vậy, nhiều người còn nói đùa “trong máu của tôi cũng có
đường”.
Được mọi người gọi như thế, tôi rất vui và tự
thấy trách nhiệm cao hơn, đó là làm sao để nông dân trồng mía có lãi,
các nhà máy sản xuất đường có lời và không còn tình trạng đường nhập
lậu.
*
Từ một nhà phân phối đường trở thành Chủ tịch HĐQT hai công ty đường,
đồng thời mua cổ phần của một số nhà máy đường khác, làm thế nào bà
thành công nhanh như vậy?
- Vừa là hưởng ứng chủ
trương của Chính phủ về việc cổ phần hóa, vừa xuất phát từ tâm huyết và
lòng yêu nghề nên tôi luôn hướng đến kinh doanh với hai chữ tâm và tín.
Có thể nói, cơ duyên đến với nghề đường của vợ chồng tôi đơn giản là vì
mưu sinh.
Lúc đó kinh doanh mật rỉ đường là nghề của dì
anh Thành (ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Sacombank), thế là chúng
tôi thành lập cơ sở Thành Công sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ
đường dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn
gia súc...
Thời gian đầu, cơ sở Thành Công do một mình
chồng tôi quản lý, tôi chỉ làm thủ quỹ và nội trợ. Năm 1991, khi anh ấy
quyết định chuyển sang lĩnh vực mới là ngân hàng, tôi mới thay anh quản
lý tiếp và sau đó là sự ra đời của Thành Thành Công.
Nhiều
năm làm trong lĩnh vực phân phối, tôi có rất nhiều khách hàng, đặc biệt
nhờ chữ tâm và chữ tín, tôi được nhiều bạn hàng, đối tác tin cậy. Vì
vậy, khi một số nhà máy đường cổ phần hóa, họ mời tôi làm đối tác chiến
lược.
Trong quá trình quản lý, nhìn thấy nhu cầu của
ngành đường còn rất lớn, cơ hội còn nhiều, tiềm năng cũng không ít. Thế
nên tôi đã mạnh dạn mua cổ phần của Nhà máy Đường Ninh Hòa và trở thành
cổ đông lớn với 51% vốn điều lệ.
Với thế mạnh là phân
phối cùng với tiềm lực tài chính, Thành Thành Công đã giúp Đường Ninh
Hòa phát triển vùng mía nguyên liệu và nâng công suất nhà máy lên hơn
2,5 lần. Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của Đường Ninh Hòa vượt mức 100
tỷ đồng. Đây là lợi nhuận cao nhất của Đường Ninh Hòa từ trước đến nay.
*
Trước khi ông Jacques de Chateauvieux, Chủ tịch Tập đoàn Bourbon
(Pháp), chọn Thành Thành Công để nhượng lại Công ty Mía đường Bourbon
Tây Ninh cũng có nhiều công ty đề nghị bà mua cổ phần nhưng bà từ chối,
vậy tại sao bà lại nhận lời mua lại Bourbon?
- Sau
Ninh Hòa, Thành Thành Công cũng bỏ vốn vào một số công ty đường khác
như La Ngà, Phan Rang, Biên Hòa với tỷ lệ sở hữu từ 4 -22% vốn điều lệ.
Không ít DN khác cũng chào mời nhưng nói thực, tôi không dám đầu tư vì
nếu mở rộng quy mô, quản trị không theo kịp thì cũng rất rủi ro.
Sở
dĩ tôi đồng ý mua lại Bourbon Tây Ninh vì Bourbon là công ty nước
ngoài, việc họ chọn mình là một niềm vui, niềm hãnh diện rất lớn, chứng
tỏ Thành Thành Công đã có uy tín trên thương trường và tạo được sự tin
cậy với đối tác.
Hơn nữa, Bourbon là công ty đầu tư 100%
vốn nước ngoài, họ có hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập từ Pháp,
hiện đại nhất Việt Nam nên không chỉ ưu thế về công suất nhà máy 8.000
TMN (tấn mía cây/ngày) mà còn cả chất lượng đường thành phẩm.
*
Nhiều đồng nghiệp trong ngành đường rất ngạc nhiên thấy vụ 2010 - 2011
Bourbon Tây Ninh đã lập được nhiều kỷ lục, nhưng khi hỏi “bí quyết” giúp
làm được như vậy, bà chỉ cười. Vậy bây giờ bà có thể chia sẻ đôi điều
về thành công này được không, thưa bà?
- Kỷ lục
đầu tiên của Công ty Bourbon là vụ 2010 - 2011, sản lượng mía ép đạt
920.000 tấn cộng với 20.000 tấn đường thô nguyên liệu và đã sản xuất ra
101.000 tấn đường tinh luyện, một con số mà chưa nhà máy nào đạt được và
cũng hơn 15 năm qua, Bourbon cũng không làm được.
Những
vụ trước đó, Công ty chỉ ép được khoảng 600.000 tấn mía với 60.000 tấn
đường sản xuất. Một kỷ lục nữa là trước đây, Công ty chỉ phát được
40.000 MWH nhưng từ khi tôi quản lý đã phát được 50.000 MWH.
Có
được thành công này, theo tôi là nhờ vụ 2010 – 2011 thời tiết thuận lợi
nên sản lượng mía tăng và thiết bị nhà máy hiện đại, đội ngũ nhân sự
giỏi. Song, yếu tố quan trọng nhất là nhờ cách quản lý mới, nỗ lực rà
soát những cái chưa tốt để điều chỉnh phù hợp.
Chẳng hạn,
trước đây xe giao mía đến nhà máy phải chờ đợi, mỗi thời điểm trong
ngày có khoảng 200 xe đến 300 xe đậu chờ cân tương đương 4.000 tấn đến
5.000 tấn mía tồn trên sân.
Nhưng khi trực tiếp quản lý,
tôi sắp xếp lại khoa học hơn, yêu cầu mỗi ngày mía chỉ tồn trên sân từ
1.000 tấn đến 1.200 tấn và chặt mía không quá 48 giờ để đưa ngay vào sản
xuất. Vì nếu mía đốn lâu như trước đây sẽ giảm lượng đường có trong cây
mía. Chỉ cần chỉnh một chút mà công ty đã thu thêm được là 24 tấn
đường/ngày.
Ngoài ra, việc chấn chỉnh này còn giải quyết
được nhiều tệ nạn do các tài xế trong lúc chờ đợi giao hàng tạo ra như
vừa mất an ninh, vừa uống rượu say dễ gây tai nạn. Khi được sắp xếp hợp
lý, tai nạn không còn. Mặt khác, khi không còn thời gian tụ tập, tài xế
còn tăng chuyến, tăng thu nhập.
Với cải tiến nhỏ đó, cùng
với cách quản lý khoa học, doanh thu 6 tháng đầu năm, Bourbon Tây Ninh
đạt 1.014 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 314 tỷ đồng.
*
Không riêng bà, nhiều phụ nữ làm chủ DN cũng rất thành công, theo bà,
phụ nữ làm kinh doanh có điểm gì khác biệt so với nam giới?
-
Không có gì khác biệt, nhưng phụ nữ được Trời phú cho sự nhạy bén, sắc
sảo, tuy hơi thận trọng nên đôi lúc cũng bị mất cơ hội và chậm chân hơn
đồng nghiệp, nhưng đã quyết làm thì sẽ làm được, và bước đi của họ luôn
mang tính ổn định, bền vững.
Từ bản thân, tôi cũng nghiệm
ra, phụ nữ làm kinh doanh còn có đức tính chăm chỉ, kiên nhẫn, nhất là
cần kiệm, chắt chiu, có một muốn góp thành hai nên dễ tích tiểu thành
đại, ít mạo hiểm “phóng” tay cho những khoản đầu tư quá tầm kiểm soát,
vì vậy hạn chế được nhiều rủi ro. Mà trong kinh doanh, quản trị được
đồng vốn cũng là yếu tố mang lại hiệu quả cao cho DN.
Tôi
cũng muốn nói thêm, phụ nữ làm kinh doanh cực hơn nam giới rất nhiều vì
phải cân bằng giữa gia đình và công việc, giữa thiên chức làm vợ, làm
mẹ với vai trò người lãnh đạo công ty. Để có được sự cân bằng này là một
áp lực lớn, đôi lúc phải chấp nhận hy sinh.
* Vậy bà đã phải hy sinh điều gì chưa?
-
Cho đến bây giờ, điều hạnh phúc và may mắn nhất đối với tôi không phải
là giàu có, địa vị, mà là một gia đình rất hạnh phúc, con cái ngoan
ngoãn, hiếu thảo và thành đạt.
Hồi trước, khi hai cháu
Hồng Anh và Ức My chưa trưởng thành, tôi bị khá nhiều áp lực vì anh
Thành rất coi trọng việc học hành của các con, anh nói: “Mình thành công
bao nhiêu mà con cái không học hành đến nơi đến chốn thì chẳng có ý
nghĩa gì”. Và anh giao trách nhiệm này cho tôi, thậm chí bảo tôi nếu
không cáng đáng nổi thì không nên làm kinh doanh nữa.
Mặc
dù công việc của anh còn nhiều trăn trở hơn tôi vì là Chủ tịch HĐQT
Sacombank, nhưng anh lại là người giữ lửa trong nhà. Trưa nào anh cũng
về trước rồi điện thoại nhắc tôi và các con ngưng công việc về nhà ăn
cơm.
Nguyên tắc của anh là làm gì cũng phải duy trì bữa
cơm gia đình, nhất là buổi trưa, vợ chồng con cái phải tụ họp ăn cùng
nhau. Vào ngày cuối tuần, tôi trổ tài nấu bếp và cả ông bà, con cháu
cùng sum họp.
*
Vậy chắc hẳn bà phải có bí quyết gì để vợ chồng tuy đã sống với nhau
hàng chục năm, nhưng vẫn giữ được tình cảm như buổi ban đầu?
-
Tôi quan niệm, dù thành đạt đến đâu, ở vị trí nào trong xã hội, nhưng
trong gia đình người vợ vẫn phải “thấp” hơn chồng một bậc. Vì vậy, ngoài
sự hiểu biết để ứng xử, người phụ nữ luôn phải giữ sự dịu dàng, nhân
hậu. Đó là nguyên tắc thành công trong cuộc sống và công việc.
Tuy
nhiên, cũng có lúc công việc căng thẳng, mình không kiểm soát được cảm
xúc và dễ nổi nóng, nhưng sau đó phải biết nhìn lại vấn đề, đặt mình vào
người khác để cảm thông, chia sẻ.
Nhiều người còn hỏi
tôi, khi hai vợ chồng cùng làm công việc kinh doanh, chắc rất ít thời
gian dành cho nhau và cũng có nhiều quan điểm, cách nghĩ trái ngược
nhau.
Đối với chúng tôi thì không phải vậy, anh Thành
luôn tư vấn và hỗ trợ tôi trong mọi việc, kể cả chăm sóc tôi khi tôi ham
làm việc đến quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Chúng tôi quan niệm, thương
trường nhiều sóng gió nên mái ấm bình yên là nơi giúp giảm căng thẳng và
cân bằng cuộc sống.
*
Khi được xếp vào danh sách những phụ nữ giàu có trên sàn chứng khoán,
cảm giác của bà ra sao? Bà có thấy mình phải giữ gìn hơn và đôi lúc
không được sống thoải mái như chính mình?
- Tôi
vui vì đó chính là công sức mình bỏ ra và thu được kết quả, nhưng không
tỏ ra xa cách, khác người. Theo tôi, không phải khi có nhiều tiền là
mình được quyền sống xa hoa, mà trái lại vẫn phải tiết kiệm. Tôi đang
làm ra tiền, đang kinh doanh, nhưng đích cuối cùng là để san sẻ cho mọi
người, cho xã hội.
Khi thành đạt cũng có nhiều áp lực vì
phải giữ gìn, nhưng kể ra cũng có lợi vì nhờ vậy mình sẽ cố gắng hoàn
thiện hơn trong cách ứng xử, ăn nói, đi đứng và giao tiếp.
*
Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện cởi mở. Chúc mái ấm bình yên của bà
luôn đầy ắp tiếng cười để mọi người trong gia đình có điểm tựa tinh thần
cho công việc kinh doanh của mình.
Theo
Doanh nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét