Dù doanh thu tầm 800 triệu đồng/tháng nhưng với Đinh Khắc Tuấn – Giám
đốc Công ty Dịch thuật Chuyên nghiệp CNN, việc trở thành người đi tiên
phong trong ngành mới thực sự quan trọng.
29
tuổi, điều hành doanh nghiệp tương đối quy mô, chủ nhiệm một vài câu
lạc bộ, chưa kể thời gian cho lớp học ngoại ngữ, tập yoga, khiêu vũ,
luyện thanh,… tôi cứ ngỡ gặp được Tuấn sẽ chẳng dễ dàng gì. Nhưng chỉ
sau một cuộc điện thoại, hai giờ sau tôi đã có mặt tại văn phòng công ty
CNN với sự đón tiếp thân tình từ anh.
Năng động, thông minh, cởi mở là ấn tượng đầu tiên với bất cứ ai tiếp xúc với Đinh Khắc Tuấn.
Thấy
anh lúc nào cũng rạng rỡ như chính biệt danh “Nụ cười tỏa sáng” mà bạn
bè thường gọi, nhiều người cùng chung thắc mắc với tôi: “Hình như chưa bao giờ thấy anh buồn bã?”, “Vì sao anh luôn duy trì được trạng thái hưng phấn?”, “Anh lấy năng lượng từ đâu?”, Tuấn vui vẻ nói: “Có
lúc buồn chứ. Tâm trạng con người giống như biểu đồ hình sin, lên xuống
là chuyện bình thường. Nhưng khi tâm trạng trồi xuống, nếu tích cực
tham gia các hoạt động, bạn sẽ thay đổi trạng thái nhanh hơn”. Anh tiết lộ:
“Mình tập yoga 3 buổi/tuần, dancing vào tối Chủ nhật, lịch kín thế làm
sao tinh thần sụt giảm được!? Mình nghĩ khi gặp những người có năng
lượng tốt, họ sẽ truyền cảm hứng cho mình. Điều quan trọng, mình đã nghĩ
khác. Bạn hình dung, khi một con người đã có một mục tiêu lớn và xác
định rõ đường đi nước bước, biết rõ cuộc đời mình sẽ thế nào, tại sao
bạn phải buồn?”
Quả thật, đối diện với
Đinh Khắc Tuấn, chàng trai làm giám đốc khi mới 22 tuổi này, người đối
diện cũng trở nên phấn chấn hơn bởi nguồn năng lượng được truyền sang từ
anh. Ở bài viết này, tôi muốn giới thiệu tới độc giả chân dung con
người mang trong mình nhiều hoài bão và nghị lực đó.
Những phi vụ kinh doanh đình đám
Là
con út trong gia đình có 7 người con ở Hải Phòng, bố là giáo viên dạy
toán, mẹ buôn bán ngoài chợ, Đinh Khắc Tuấn sớm bộc lộ khả năng kinh
doanh của mình. Anh kể: “Còn nhớ lúc 4 tuổi mình đã mang thúng mẹt ra trước cửa ngồi bán bánh kẹo”. Nhưng
chỉ khi bước vào năm thứ nhất Khoa tiếng Trung thuộc trường Đại học
Ngoại Ngữ quận Thanh Xuân, Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), khả năng kinh
doanh của anh mới bộc lộ rõ nét.
Photo tạp chí nước ngoài mang bán
Năm
2001, internet chưa phổ biến như bây giờ, thậm chí còn rất ít người có
máy tính. Ngoài những giờ trên giảng đường, sinh viên thường lên thư
viện đọc sách hoặc truyền tay nhau những tờ báo in. Cầm trên tay cuốn
tạp chí Trung Quốc, Tuấn và một người bạn bèn nảy ra ý tưởng sao thành
nhiều bản mang bán cho các bạn. Giá bán của mỗi cuốn tạp chí photo là
10.000 đồng, trong khi giá photo tầm 2.000 đồng, đôi bạn vẫn còn những
8.000 đồng bỏ túi. Tuấn cho biết dịp đó anh cũng bán được tầm vài trăm
cuốn.
"Buôn earphone cũng là một cái duyên"
Năm
thứ hai, mặc dù rất bận rộn với việc học (Tuấn học hai ngành cùng một
lúc là phiên dịch tiếng Trung và quản trị kinh doanh), nhưng hễ có cơ
hội là anh lại tổ chức những phi vụ ngay trong trường. "Buôn earphone cũng là một cái duyên",
Tuấn cho biết. Một lần, khi lang thang ở Chợ Sắt (Hải Phòng), Tuấn nhìn
thấy những chiếc earphone second-hand của Nhật nhỏ gọn, dây mảnh nhưng
dai, khi nằm ngủ vẫn có thể cho vào tai nghe nhạc, rất tiện dụng nên mua
về dùng thử.
Thấy hàng tốt, bền mà giá thành
lại phải chăng nên bạn bè nhờ Tuấn mua hộ. Lần thứ nhất về quê Tuấn mua
vài chục cái mọi người đều lấy hết. Lần thứ hai, Tuấn mua cả trăm cái
bán vẫn chạy. Tuấn bắt đầu làm phép tính: mỗi phòng ký túc xá có 10
người, 1 dãy 10 phòng có 100 sinh viên nhân với 4 tầng đã có 400 người.
Khu ký túc xá bên cạnh cũng có khoảng 500 sinh viên nữa, vị chi khách
hàng tiềm năng có khoảng gần 1000 người. Thấy đây là một cơ hội tốt,
Tuấn bỏ ra mấy triệu đồng mua vài trăm chiếc earphone về bán cho toàn bộ
sinh viên trong khu ký túc xá.
Không dừng lại
ở đây, Tuấn còn mang earphone bán cho sinh viên khoa tiếng Trung và
khoa Quản trị Kinh doanh, rồi bán cho toàn bộ sinh viên các khoa tiếng
Nga, Nhật, Hàn trong trường Đại học Hà Nội. Mỗi chiếc earphone giá
15.000 đồng được bán với giá 30.000 đồng, Tuấn vẫn lãi 15.000 đồng. Tất
nhiên, Tuấn cũng xây dựng hệ thống phân phối khá bài bản và có chế độ
hoa hồng rõ ràng cho những bạn muốn làm “đại lý”. Sau khi chiết khấu cho
các “đại lý”, “phi vụ” này giúp Tuấn thu về 7-8 triệu đồng, một con số
không nhỏ so với mức chi tiêu 400.000-500.000 đồng/tháng của các bạn
sinh viên thời bấy giờ.
Kinh doanh từ điển tiếng Trung
Thấy
Tuấn tổ chức buôn bán bài bản, năm thứ ba, một người bạn rủ anh kinh
doanh từ điển tiếng Trung, ăn chia lợi nhuận. Với giá nhập khoảng
120.000 đồng/cuốn, Tuấn bán với giá 200.000 đồng, số tiền lãi kiếm được
khiến anh tiêu xài khá “rủng rỉnh”.
Hình thức
PR rất đơn giản. Biết trước được nhu cầu của các bạn sinh viên cần sử
dụng từ điển, Tuấn đến gặp lớp trưởng các lớp giới thiệu về cuốn từ
điển, rồi bảo họ đăng ký, nộp tiền trước hoặc đặt cọc. Đối với mỗi lớp
trưởng Tuấn tặng luôn một cuốn hoặc bán giảm giá. Họ chủ động đứng ra
thu tiền, còn Tuấn chỉ việc đến giao hàng và nhận tiền về.
Những phi vụ làm ăn nổi tiếng một thời thực sự là chiếc bàn đạp giúp ích Tuấn xây dựng công ty về sau này.
Trở thành giám đốc đi... xe đạp
Ra
trường tháng 6/2005, ngày 19/8 Đinh Khắc Tuấn nhận được giấy phép thành
lập Công ty Dịch thuật Chuyên nghiệp CNN. Tôi mạnh dạn hỏi: “Vì sao anh dám mở công ty trong khi chưa có kinh nghiệm điều hành?”, anh hồn nhiên: “Làm
gì có kinh nghiệm. Lúc đó mình nghĩ đơn giản lắm. Tuy nhiên, có hai
điều thôi thúc mình: Thứ nhất, khi cộng tác cho một công ty dịch thuật,
thấy mô hình của họ rất đơn giản và mình nghĩ người ta làm được mình
cũng làm được, thậm chí có thể làm tốt hơn. Thứ hai, thời điểm tốt
nghiệp khoa tiếng Trung mình vẫn đang học quản trị kinh doanh năm thứ
hai. Mình nghĩ nếu đi làm thêm cũng mất nhiều thời gian. Mình mở công ty
để vừa học, vừa làm và thực hành luôn những gì đã học”.
Với
số tiền vỏn vẹn 15 triệu đồng vay của một người bạn bên Đài Loan cộng
với 15 triệu đồng bạn cùng làm góp vốn. Tuấn thuê văn phòng hết 2 triệu
(trả tiền nhà 3 tháng một lần), mua 2 dàn máy vi tính, bàn ghế cũng suýt
soát 30 triệu. Thành thử, lúc ra trường, làm giám đốc nhưng Tuấn vẫn
tiếp tục gắn bó với chiếc xe đạp. “Từ
năm thứ nhất đến năm thứ tư mình toàn đi học bằng xe đạp. Lúc ra trường
mở công ty, vẫn đi xe đạp thôi. Làm được một năm anh trai đi Pháp về
chơi mới mua tặng chiếc xe máy”, Tuấn vui vẻ kể.
Dù
là người duy nhất, lại là giám đốc đi xe đạp ở công ty, song CNN vẫn
hoạt động khá chuyên nghiệp với 4 nhân viên dịch thuật, phòng ốc làm
việc khang trang. Nhìn chung, công việc làm ăn của Tuấn cũng tương đối
đông khách do ông chủ đã chú trọng đến việc tiếp thị dịch vụ trên Báo
Rao Vặt, 1080, đặt biển quảng cáo ở những nơi có nhu cầu cao như đầu
cổng trường ngoại ngữ,…
Nếu như trước đây, CNN
chỉ có nhân viên dịch và giao bài, thì giờ đây các công việc đã được
phân định rõ ràng. So với doanh thu những năm đầu khởi nghiệp vào khoảng
hơn 100 triệu/tháng, đến nay doanh thu trung bình của CNN đã lên đến
800 triệu đồng/tháng. Kết quả đó không thể không nhắc tới tinh thần ham
học và khả năng đào tạo, “truyền lửa” cho nhân viên của Tuấn. Quá trình
vừa học, vừa làm việc, vừa trải nghiệm đó kéo dài khoảng 3-4 năm. Có
năm, anh chi tới 250 triệu đồng cho các khóa học ở trong và ngoài nước. “Đến
giờ Tuấn vẫn tiếp tục học nhưng sẽ học có chọn lọc hơn: học những gì
mình thực sự cần thiết và ứng dụng được vào công việc”, anh cho biết.
Quyết tâm vươn ra ra biển lớn
Cái
tên Đinh Khắc Tuấn đã trở nên khá nổi trong giới doanh nhân, đặc biệt
là các bạn trẻ khởi nghiệp. Anh Tuấn thường xuyên tham gia vào các diễn
đàn và nhiệt tình tư vấn cho những người trẻ còn lúng túng khởi sự kinh
doanh. Gần đây, Tuấn cũng xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình
như Đường đến thành công, Đường đến thành Rome, chia
sẻ câu chuyện lập thân của mình. Với triết lý sống “Give and gain” (cho
và nhận), năm 2010, Tuấn và một số người bạn sau khi đi học nước ngoài
trở về đã thành lập ra CLB Millionaire House (Ngôi nhà triệu phú) với
mong muốn trở thành cộng đồng triệu phú đôla có tẩm ảnh hưởng lớn ở Việt
Nam và thế giới. Cũng từ chính ngôi nhà này, trên cương vị Chủ tịch,
Tuấn đã chia sẻ cũng như thu lượm được nhiều điều bổ ích. Không xác định
kiếm tiền từ CLB, nhưng cũng từ chính những mối quan hệ đó lại giúp anh
nảy ra nhiều ý tưởng mới, ra tiền.
Anh Tuấn chụp chung với Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu tại một buổi chia sẻ sách của CLB.
Trước tình hình khó khăn chung như hiện nay, công việc kinh doanh của CNN không những co hẹp mà còn nở rộng. Tuấn phấn khởi: “Năm nay mình kinh doanh được hơn năm ngoái”. Về chiến lược chống khủng hoảng của mình, Tuấn chia sẻ: “Mình
cơ cấu lại doanh nghiệp một chút sẽ nhìn thấy sự thay đổi. Thứ nhất,
CNN giảm bớt nhân sự thừa, giữ lại những nhân sự cốt lõi. Thứ hai, mình
đầu tư thêm cho marketing, mở rộng sản phẩm”.
Nói
đến mở rộng sản phẩm, Tuấn tiết lộ vừa ký một hợp đồng thu âm lồng
tiếng cho Vietnam Airlines. Hãng này sản xuất phim và thuê CNN thu âm
lồng tiếng 8 ngôn ngữ khác nhau để quảng bá trên toàn cầu.
“Thế giới là outsourcing (thuê lại nhân sự, công nghệ của nhau) mà,
quan trọng mình phải chắc chắn về chất lượng dịch vụ và đứng ra đảm bảo
với khách hàng là mình có thể làm được”.
Một
điểm đặc biệt nữa là Tuấn luôn nhìn đối thủ của mình là những doanh
nghiệp thuộc top 10 của thế giới. Tất nhiên, đó không phải là thái độ
khinh suất đối thủ, mà Tuấn chỉ đặt cho mình những nấc thang cao hơn để
có chiến lược dài hơi phấn đấu. Mục tiêu của Tuấn trong những năm tiếp
theo là đưa CNN trở thành công ty toàn cầu, nhằm kiếm tiền không chỉ ở
Việt Nam mà từ các nước khác trên thế giới. “Khi đi đầu trong lĩnh vực này, CNN sẽ là cầu nối ngôn ngữ để có điều kiện tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước”, anh nói thêm.
Hiện
Tuấn đang kêu gọi các nước thành lập Hiệp hội Dịch thuật châu Á. Hiện
nay đã có Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Lào, Malaysia, Indonesia, Campuchia
đồng ý tham gia. Tuấn là người phụ trách mảng marketing cho hiệp hội.
Anh cho biết: "Sau này, khi có một vị
trí nào đó trong hội, mình sẽ có cơ hội để phát triển, giao lưu với các
nước. Lúc đó mục tiêu vươn ra thế giới, đưa CNN trở thành doanh nghiệp
toàn cầu sẽ sớm hoàn thành".
Theo TTVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét