Tuy hai chân bị liệt từ 10 tháng tuổi nhưng người cô gái ấy đã vượt lên nghịch cảnh, phấn
đấu để có được hai bằng đại học và nhận học bổng toàn phần đào tạo
thạc sĩ của chương trình Ford IFP. Giờ chị đang quản lý dự án dạy nghề
thủ công mỹ nghệ cho người khuyết tật (NKT) khu vực ĐBSCL, Phó Chủ tịch
Hội NKT TP Cần Thơ,
một trong ba gương điển hình xuất sắc được chọn tham gia giao lưu với
đại biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước của TP Cần Thơ lần thứ 3 và
được bình chọn tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ
VIII... Đó là Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, năm nay vừa bước vào tuổi 34.
Căn phòng nhỏ của Cơ sở Nhịp Cầu, ở quốc
lộ 91B, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, vừa là nơi trưng bày các sản
phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa là nơi giao dịch với khách hàng. Tuy di
chuyển bằng đôi nạng một cách khó khăn nhưng gương mặt Hồng Nhung luôn
tươi tắn, nụ cười rạng ngời tự tin và thân thiện. Những ngày cuối năm,
khi mọi người háo hức chuẩn bị đón xuân, cũng là lúc học viên, nghệ nhân
NKT tất bật lao động sản xuất để kịp giao hàng cho khách. Gặp tôi,
Nhung khoe: “Học viên NKT được dự án hỗ trợ dạy nghề, ăn, ở một năm
nên tay nghề nâng cao. Ngoài ra, dự án cũng mời các chuyên gia marketing
đến từ Tập đoàn IBM, các tổ chức phi chính phủ, nghệ nhân thủ công mỹ
nghệ đến làm việc tại Cơ sở Nhịp Cầu. Họ đã tập huấn cho Hội chiến lược
kinh doanh, thiết kế sản phẩm mới, bao bì, quảng bá sản phẩm, nâng cấp
cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm. Từ đó, hàng loạt các sản phẩm mới
như khung hình, chân nến, bình hoa... ra đời. Đặc biệt là bức tranh cầu
Cần Thơ làm từ gáo dừa, vỏ dừa, lục bình, gỗ vụn đã được đem đấu giá tác
phẩm nghệ thuật năm 2009 do NKT chế tác. Trong buổi đấu giá này, bức
tranh đã được bán với giá 3,5 triệu đồng. Với những thay đổi tích cực
đó, khách hàng tìm đến với cơ sở ngày càng nhiều, hàng sản xuất không đủ
bán”.
Dự án mà Nhung nhắc đến chính là dự án
Nâng cao kỹ năng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu dừa cho NKT (gọi tắt
là dự án thủ công mỹ nghệ), do Quỹ Ford tài trợ. Dự án này được Nhung
viết sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Thái Lan trở về Việt Nam.
Hồng Nhung kể: “Sau khi ở Thái Lan về, với vai trò Phó Chủ tịch Hội NKT
TP Cần Thơ. Ở vị trí này, tôi luôn day dứt khi thu nhập của NKT làm
nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa ở Cơ sở Nhịp Cầu (thuộc
Hội NKT TP Cần Thơ) rất thấp, chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng và rất nhiều
NKT ở TP Cần Thơ cùng các tỉnh, thành lân cận tìm đến với Hội với mong
muốn được học nghề và có việc làm nhưng Hội không có kinh phí tổ chức
lớp. Tôi bàn với cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ, được
cô động viên, khuyến khích, tôi quyết định tự viết dự án dạy nghề và
giải quyết việc làm cho NKT xin tài trợ từ Quỹ Ford”.
Viết dự án để xin tài trợ từ nước ngoài là một việc không đơn giản, đặc biệt với một cô gái trẻ, ít kinh nghiệm như Nhung. Viết rồi sửa, sửa rồi viết, nhà tài trợ yêu cầu Nhung bổ sung tới lui rất nhiều lần. Nhiều đêm thức trắng đã khiến Nhung càng thêm tiều tụy, đôi mắt thâm quầng. Thời điểm đó, Quỹ Ford tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng ở Việt Nam. Khó khăn chồng chất nhưng khi nghĩ đến những người NKT đồng cảnh ngộ với mình, cô gái trẻ quyết tâm không bỏ cuộc. Cuối cùng chị cũng thành công, Quỹ Ford chấp thuận dự án của Nhung với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến hơn 105.000 USD, thực hiện trong hai năm. Dự án sẽ tạo ra thương hiệu chung cho hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu dừa, giúp nâng cao thu nhập cho công nhân khuyết tật và nâng cấp Cơ sở Nhịp Cầu trở thành một điểm du lịch thu hút khách đến tham quan và mua sắm. Tuy đã có dự án nhưng Nhung cùng những thành viên của Hội NKT TP Cần Thơ vẫn chưa hết trăn trở, bởi hiện nay, Cơ sở Nhịp Cầu đang “ở đậu”. Đến tháng 8-2010, UBND TP Cần Thơ cấp cho Hội hơn 550m2 đất. Hội cũng vận động được Công ty CP Phân bón và Hóa chất dầu khí Cần Thơ-CTCP tài trợ xây dựng nhà xưởng và văn phòng Hội. Được chính quyền và doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện, cô Nga và Nhung như trút đi bao nhiêu lo lắng.
Viết dự án để xin tài trợ từ nước ngoài là một việc không đơn giản, đặc biệt với một cô gái trẻ, ít kinh nghiệm như Nhung. Viết rồi sửa, sửa rồi viết, nhà tài trợ yêu cầu Nhung bổ sung tới lui rất nhiều lần. Nhiều đêm thức trắng đã khiến Nhung càng thêm tiều tụy, đôi mắt thâm quầng. Thời điểm đó, Quỹ Ford tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng ở Việt Nam. Khó khăn chồng chất nhưng khi nghĩ đến những người NKT đồng cảnh ngộ với mình, cô gái trẻ quyết tâm không bỏ cuộc. Cuối cùng chị cũng thành công, Quỹ Ford chấp thuận dự án của Nhung với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến hơn 105.000 USD, thực hiện trong hai năm. Dự án sẽ tạo ra thương hiệu chung cho hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu dừa, giúp nâng cao thu nhập cho công nhân khuyết tật và nâng cấp Cơ sở Nhịp Cầu trở thành một điểm du lịch thu hút khách đến tham quan và mua sắm. Tuy đã có dự án nhưng Nhung cùng những thành viên của Hội NKT TP Cần Thơ vẫn chưa hết trăn trở, bởi hiện nay, Cơ sở Nhịp Cầu đang “ở đậu”. Đến tháng 8-2010, UBND TP Cần Thơ cấp cho Hội hơn 550m2 đất. Hội cũng vận động được Công ty CP Phân bón và Hóa chất dầu khí Cần Thơ-CTCP tài trợ xây dựng nhà xưởng và văn phòng Hội. Được chính quyền và doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện, cô Nga và Nhung như trút đi bao nhiêu lo lắng.
Nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, điều đọng
lại trong tâm trí của tôi là đôi mắt sáng đầy nghị lực của Hồng Nhung.
Khi biết thêm quãng đời thơ ấu của chị, tôi càng hiểu và khâm phục hơn
bản lĩnh vượt lên số phận của cô gái khuyết tật ấy. Khi mới 10 tháng
tuổi, Hồng Nhung đã bị sốt bại liệt, chỉ còn ngọ nguậy cái đầu. Mẹ chị
là một phụ nữ có tính cách mạnh mẽ nhưng hàng đêm cũng không giấu được
những giọt nước mắt, thương cho nỗi bất hạnh của đứa con gái bé bỏng. Bà
ẵm con chạy chữa khắp nơi nhưng hai chân Hồng Nhung vẫn bất động. Trong
lúc nỗi buồn đang cần người chia sẻ thì một lần nữa mẹ chị như rơi
xuống tận cùng của nỗi bất hạnh khi cha chị yêu người phụ nữ khác, bỏ
rơi mẹ con chị. Nhắc đến điều này, mắt Hồng Nhung ngấn lệ: “Mẹ lặng lẽ
sống và cố gắng làm việc. Mẹ là cán bộ công tác ở y tế tuyến cơ sở. Xã
nào chưa có trạm y tế là mẹ tình nguyện đến xây dựng, khi trạm đi vào
hoạt động ổn định, mẹ lại ra đi...”.
Cứ thế mẹ Nhung đưa chị đi khắp nơi, chuyển chỗ học liên tục từ huyện này sang huyện khác... Không quản ngại đường xa, lầy lội, mẹ Nhung đã cõng chị đến trường, hun đúc ý chí và nghị lực sống cho con từ những ngày còn thơ ấu. Mẹ Nhung thường nói: “Nếu con không cố gắng học thì con sẽ không làm được gì với sức khỏe của mình”. Chính nghị lực đó đã truyền sang cho Nhung nên cô gái nhỏ khuyết tật luôn cố gắng học tập. Tốt nghiệp THPT, cô thi đậu vào Trường ĐH Cần Thơ chuyên ngành Anh văn. Ở môi trường mới, Nhung nỗ lực gấp 2-3 lần người bình thường để học tốt. Nhung phải dậy sớm để đi học, vì nhiều hôm phải chống nạng lên 3 tầng lầu để học và cuối giờ học lại cắn răng chống nạng đi xuống. Ngoài giờ học trên lớp, lại tất bật đến thư viện tìm tài liệu, thức khuya học bài, nhưng lúc nào chị cũng lạc quan hướng về tương lai với niềm khát khao sẽ tìm được một việc làm ổn định sau khi ra trường.
Rời trường với tấm bằng ĐH sư phạm Anh
văn, những tưởng cuộc đời bước sang trang mới tươi sáng hơn, nhưng khi
cầm hồ sơ xin việc gõ cửa khắp nơi, Nhung mới thấm thía nỗi buồn của
NKT. Có nơi lịch sự từ chối với lý do đủ người, có nơi trả lời thẳng
không thể nhận NKT. Chán nản, Nhung xin mẹ nộp hồ sơ theo học ngành Kế
toán tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM (học tại Trung tâm ĐH Tại chức Cần
Thơ). Trong thời gian theo học ở đây, Nhung tham gia sinh hoạt CLB NKT
(tiền thân của Hội NKT TP Cần Thơ) và được tín nhiệm bầu làm Phó chủ
nhiệm CLB. Được gặp gỡ, làm việc cùng cô Bùi Thị Hồng Nga là bước ngoặt,
thay đổi hoàn toàn nhận thức, suy nghĩ của Nhung. Một cơ hội khác đến
với Nhung, khi Quỹ Ford thông báo tuyển ứng viên đi học sau đại học.
Nhung quyết định nộp đơn xin học bổng toàn phần Ford IFP, ngành Hoạch
định phát triển vùng và Nông thôn tại Thái Lan. Và chị được chọn khi
xuất sắc vượt qua hơn 300 ứng viên là người lành lặn, bình thường.
Tuy vốn tiếng Anh khá vững nhưng để theo
kịp bạn bè, có những ngày Nhung chỉ ngủ 4-5 giờ. Quá mệt mỏi, có lúc
Nhung định bỏ cuộc, quay về Việt Nam sống gần mẹ nhưng Nhung tự nhủ: “Có
cơ hội thì phải cố học cho tốt chứ. Đâu chỉ học cho mình mà còn vì
nhiều NKT không có cơ hội được học...”. Thế là, Nhung lại lao vào học
tập, nghiên cứu, đi thực tế. Tinh thần học hỏi của nữ sinh viên khuyết
tật duy nhất trong lớp thời đó được bạn bè nước ngoài nể phục và xem
Nhung như một biểu trưng về tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Trong
một bài viết đăng trên Báo Tiền Phong, một tác giả đã trích lời Giáo sư
Schmidt Votg, giảng dạy tại Học viện Công nghệ Châu Á (Thái Lan) nhận
xét về Hồng Nhung: “Hồng Nhung là một trong những sinh viên Việt Nam gây nhiều ấn tượng nhất với tôi về tinh thần vượt khó”.
Trong những ngày cận Tết này, khi mọi
người dành thời gian để mua sắm, trang hoàng nhà cửa, thăm họ hàng...
thì Nhung vẫn tất bật với việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, rồi cùng
với cô Bùi Thị Hồng Nga tiếp tục gởi thư ngỏ đi nhiều nơi, điện thoại
nhiều chỗ để xin gạo, dầu ăn, đường, quần áo... cho người nghèo, NKT ăn
Tết, rồi còn xuất bản tờ tin Nhịp Cầu... Dường như Nhung lúc nào cũng
tất bật với nhiều việc không chỉ cho riêng mình.
Khi tôi hỏi về tương lai, Nhung chỉ bật
mí là hy vọng Cơ sở Nhịp Cầu sớm đi vào hoạt động ổn định, xa hơn là
quyết tâm xây dựng Cơ sở Nhịp Cầu trở thành một điểm tham quan du lịch
mới ở TP Cần Thơ. Quãng đường phía trước của người phụ nữ khuyết tật này
còn dài và cũng có thể còn lắm chông gai, nhưng tôi chắc chắn Hồng
Nhung sẽ đi đến cùng để đạt được mong muốn của mình như niềm tin về khát
vọng vươn lên mà mẹ chị đã truyền dạy: Hãy sống và làm việc như mình
không phải là NKT. Chia tay chị, tôi chợt nhớ đến lời bài hát Khát vọng
của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn
cội. Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao. Hãy sống như biển
trào để thấy bờ bến rộng. Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh
mông...”.
Theo Bao Can Tho
Theo Bao Can Tho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét