Ở tuổi 25, trong khi nhiều bạn trẻ đang chật vật nơi giảng đường để hoàn thành chương trình đại học hay cao học, Đỗ Hữu Nguyên Lộc đã sở hữu 3 tấm bằng Thạc sỹ với
3 chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh, Phát triển tổ chức, và Quản trị
kinh doanh cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học tầm quốc tế đầy ấn
tượng.
Trái ngược hình ảnh một “mọt sách” điển
hình, Lộc đại diện một thế hệ lãnh đạo trẻ đầy năng động của cộng đồng
SV quốc tế và SV Việt Nam tại Mỹ.
Được biết Lộc từng là giáo viên và chủ doanh nghiệp khi còn rất trẻ, vậy động cơ nào thúc đẩy bạn du học tại Mỹ khi bạn đã có nguồn thu nhập ổn định?
Khi mới tốt nghiệp đại học, háo hức như
bao cử nhân Sư phạm khác, tôi xin dạy học. Một trường quốc tế sau nhiều
vòng test chuyên môn, trả lương tôi với hệ số gấp 5 lần mức lương một cử
nhân lúc bấy giờ. Tôi thích lắm. Làm công việc giảng dạy mình yêu thích
mà lại được lương hậu. Nhưng rồi tôi nhận ra điều phi lý trong các tổ chức tôi công tác:
Nhân viên người Mỹ lương cao hơn, đối tác người Mỹ được coi trọng hơn,
và lớp học của thầy Mỹ học trò cũng đông hơn. Họ thật sự rất chuyên
nghiệp, nhưng chẳng phải chúng ta cũng phấn đấu như những đồng nghiệp
nước ngoài sao? Sao phải chấp nhận những cơ hội thấp hơn? Tôi quyết định
ngưng dạy và gom hết số tiền dành dụm để đến Mỹ. Tôi muốn tận mắt thấy
và học điều gì đã giúp họ trở thành những con người có tính chuyên
nghiệp cao và hiệu quả trong tổ chức như vậy.
Vì sao Lộc quyết định sẽ học tiếp Tiến sỹ mà không phải là làm việc kiếm tiền hay để bù lại những khoản phí khi bạn học ở Mỹ?
Tôi nhận học bổng hầu hết các chương trình mà tôi học,
nên học phí cũng không phải vấn đề lớn. Còn về tiền bạc và con đường
học vấn, tôi tin điều bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Có tri thức,
tiền sẽ tự chảy vào túi”. Tôi ví sự nghiệp như những nấc thang và sự học
như công cụ để leo thang. Ai cũng nỗ lực từng bước một để vươn cao hơn
trên nấc thang sự nghiệp của mình; và khi có kiến thức, mỗi bước chúng
ta bước sẽ xa hơn và nhanh hơn.
Đâu là điều bạn tự tin nhất ở chính mình?
Các bạn trẻ ngày nay giỏi giang lắm. Đặc biệt thế hệ 9x, họ cực kỳ tự tin và năng động. Tôi không thấy mình có gì nổi bật so với nhiều bạn trẻ khác, nếu có một chút gì để tự hào về bản thân, có lẽ chỉ là tinh thần dám nghĩ dám làm. Khi sinh hoạt ở một tổ chức hay tập thể nào đó, tôi không dám tự tin tôi là người giỏi nhất, nhưng tôi tin tôi sẽ luôn là người tiên phong.
Lộc có suy nghĩ gì về giới trẻ Việt Nam học tập ở nước ngoài?
Sinh viên Việt Nam ra nước ngoài phần lớn
ai cũng giỏi: Học tập giỏi, nghiên cứu giỏi, thể thao giỏi… Truyền
thống tôn sư trọng đạo cũng làm thầy cô yêu mến và ưu ái hơn sinh viên
các nước khác. Sinh viên Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn cả về chất xám lẫn năng lực thực tiễn để đi xa hơn trên trường quốc tế. Nhưng sức mạnh cộng đồng chúng ta vẫn hạn chế so với bạn bè thế giới. Tôi cho rằng có 2 lý do: Thứ nhất, tính đoàn kết cộng đồng chưa thực sự vững mạnh.
Sinh viên Việt có tính dân tộc cực kỳ cao, nhưng nghịch lý là tính đoàn
kết lại không tương xứng. Đừng ngộ nhận tính dân tộc và tính đoàn kết
lúc nào cũng phải song song, đó là 2 tính chất riêng biệt. Thứ hai, trí thức Việt chúng ta thừa người có tài năng nhưng thiếu người có khát vọng.
Khi thấy một cá nhân nào trên đỉnh thành công, bạn trẻ Việt thường trầm
trồ và thần tượng hóa nhân vật, mà ít khi nghĩ rằng chính các bạn cũng
có thể là những người kế tiếp.
Lộc muốn chia sẻ thông điệp gì với những bạn trẻ có khát khao và kế hoạch học tập hiện nay?
“Gõ cửa, cửa sẽ mở!” - Đó là điều tôi
muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ không chỉ trong học tập mà còn những hoạch
định khác trong cuộc sống. Đừng chờ đợi một điều thần kỳ nào sẽ đem đến
may mắn hay thành công cho bản thân. May mắn xảy ra khi sự chuẩn bị kỹ
càng gặp cơ hội thuận lợi. Thành công không bao giờ tự đến mà chính chúng ta phải đi tìm.
Đừng từ bỏ ước mơ, đừng ngồi yên chờ đợi, và đừng nản lòng trước những
thử thách là thông điệp tôi muốn chia sẻ đến các bạn trẻ Việt Nam hôm
nay.
Chuẩn bị thuyết trình tại Hội nghị quốc tế lần thứ 15 về Đạo đức kinh doanh, New York. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét